Khi tơ trời giăng ngang Ðảo Ngọc…

Thứ Hai, 05/12/2016, 10:51
Ðảo ngọc Phú Quốc được trời giăng tơ, ban cho những điều kiện ưu đãi. Bao đời, người Việt bền bỉ kết tơ, tạo nên Phú Quốc giàu đẹp. Năm du lịch Phú Quốc - Ðất phương Nam 2016 này tạo bàn đạp mạnh mẽ để Phú Quốc kết nối với cả khu vực, làm nên động lực phát triển du lịch cho cả nước. Một Phú Quốc mới, hiện đại, sẽ hiện lên không xa…


Khi tơ trời giăng ngang Đảo Ngọc…

Mỗi lần phượt Phú Quốc, mỗi lần hưởng cái mới lạ. Nào khoác balô cuốc bộ dọc ngang, lê la đời thường, lang thang bãi biển, nào ngâm mình dưới biển chào bình minh, đón hoàng hôn, nào theo tàu ra khơi câu mực đêm, loang loáng ánh đèn măng sông, hay lặn luồn rặng san hô tìm cảm giác thần tiên hoang dã.

Lại có lần vác xe máy lên tàu ra Đảo Ngọc, lướt ngang cùng ngõ hẻm, phi lên núi, mạo hiểm chui vào rừng rậm ngóc ngách, để cảm cái nhỏ bé của con người giữa hùng vĩ thiên nhiên. Phú Quốc tĩnh lặng, hiền hòa...

Tạo động lực phát triển du lịch

Cũng theo những con đường đất đỏ lồi lõm xưa, nay xe tải, xe ủi hối hả làm đường. Cũng vượt núi theo những đường “thổ phỉ” một bánh xe, cây đã choàng trên, cỏ đã lấn dưới… nhưng lần này, “phi” bằng xe hơi gầm cao, có cái ngả nghiêng thú vị riêng.

Đôi khi nó chồm lên, phục xuống, sà nghiêng vặn vẹo. Đá tảng chen với sỏi, đẩy xe lênh đênh như tàu lướt sóng. Chiếc xe máy dẫn đường nhiều khi mất hút đến yên ắng vì đường núi, đường rừng ngoắt ngoéo, trồi sụt, vì những mỏm đá, bìa rừng thoắt nhô ra, thoắt bay biến.

Phú Quốc như con mực ống lượn lờ xòe mang, mà núi chen biển, biển ôm núi, tạo ra những bãi cát khuất nấp. Biển một bên, núi một bên, con đường chờ tới đã chợt cao vút, rồi bỗng lại chợt hút chìm sâu như những điệp khúc nhấn nhá lả lơi…

Cứ bảo vì sao hòn đảo này là thiên đường tĩnh dưỡng. Và cứ bảo tại sao, dân du lịch, dân phượt khám phá hoang dã, và cả dân phượt mạo hiểm, khoái đến nơi này tận hưởng những cảm giác làm mới mình.

Vòng vèo uốn éo, lượn cây lách đá lên đến đỉnh, đút xe dưới gốc cây to, rồi thong dong tản bộ, thở với khí trời, khí biển. Bạt ngàn xà cừ mới trồng, mới lên bằng cổ chân, thân như bạch dương đang trút lá. Đá rêu phong lẫn lá khô lấp tràn. Căng mắt phán đoán lối đi ngoằn ngoèo giữa những đám cây không hàng lối. Con đường dốc xuống, thun thút theo triền núi như chưa có dấu chân người. Cảm giác lạc rừng ùa về, chợt gợi kỹ năng sống sót. Cây chia chỉa trước mặt, trời tối dần, vắng lặng…

Loay hoay tìm nhau, chạy gằn qua những vạt xà cừ quanh co như thời hồng hoang. Bắt đầu nghĩ đến phải hú gọi khi sóng điện thoại tậm tịt, thì rừng cây phía trước như bỗng mở toang, chỉ còn vài hàng loáng thoáng như rơi giữa mành mành nước.

Biển. Một eo biển cát, mềm mại như vòng tay nhung lụa, mở ra đón chào. Vỡ òa mừng vui. Lên rừng xuống biển với thiên nhiên như một kiến trúc sư vĩ đại từ ngàn đời.

Thành phố Saint Petersburg (Leningrad) bên Nga thế kỷ 18 làm theo nguyên tắc này: Đại lộ Nepsky chạy thẳng ra sông Neva, bất ngờ có một ngõ rẽ vào, qua cổng bỗng hiện ra lâu đài vua chúa Ermitage tráng lệ, tạo cảm giác ngỡ ngàng cho khách. Cái cổng nổi tiếng trong Cách mạng tháng Mười Nga này mở toang, ùa vui vỡ bờ.

Ở Phú Quốc, thiên nhiên tự làm cái cổng như thế. Nó đem lại cảm giác lôi cuốn mãnh liệt, du khách đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, từ núi rừng tới lòng biển.

Ông Tấn, chủ miếng đất ven biển này, ngồi trên bộ ván gõ kê sát biển kể những toan tính gầy dựng khu du lịch của mình. Ông ấp ủ nhiều ý tưởng hay, nhưng tuổi đã bát tuần, nên chỉ gợi và thúc đám con cháu làm theo kế hoạch của ông.

Rồi ông bảo theo ông sang khu khác ông đang đầu tư ở Hòn Rỏi, cạnh Hòn Thơm, một trong những điểm đến hút khách về lặn biển. Mấy chiếc tàu du lịch to đậu ở đấy thả du khách mặc áo phao, đeo kính, ống thở bơi tung tăng trong vịnh vũng này.

Thuyền ghé, mấy cô gái trẻ ngửa mặt nổi lên rạng rỡ, tỏa nắng, chào thỏ thẻ “Hi” đầy phấn khích. Rồi họ nói với nhau bằng tiếng Nga, ra điều quá đã, rồi tranh thủ ngụp lặn, giương mắt ghé sát, thò tay vuốt ve san hô mới nhú trên mặt đá dưới lòng biển.

Ông Tấn kể: mỗi ngày có đến bốn lần các tàu du lịch to đưa khách đến đây lặn biển, vui chơi thỏa thích trên bãi đá này.

Những hòn đá to ngộ nghĩnh, đầy mình vết chém của thời gian, không biết ai xô đẩy, sắp xếp chúng tràn trên bãi này. Lòng biển cũng thế, thoai thoải, nông, dài, với những loại động thực vật dễ thương của riêng nó. Khách đến, khách vui, khách đi, những tảng đá vẫn đứng đó, ngóng chờ…

Ông Tấn kể, ông từ Cần Thơ ra từ hồi mới giải phóng. Thời ấy còn lo cái ăn, đi lặn đi câu, mấy ai đã nghĩ đến mà làm du lịch. Nhưng ông âm thầm chuẩn bị, nhìn thấy trước tiềm năng của một vùng đất hòa bình phát triển. Tạo cơ ngơi, nay ông hướng con cái vào nghề du lịch ông đã đặt móng.

2016 là Năm du lịch Phú Quốc - Đất phương Nam. Thống kê của Phòng Kinh tế Phú Quốc cho biết, mỗi tháng Đảo Ngọc đón khoảng 3.000 du khách, trong đó hơn 30% là khách đến từ khắp nơi trên thế giới.

Cú hích tăng trưởng du lịch được tạo ra. Phú Quốc tăng tốc phát triển du lịch, làm thông thoáng thủ tục, đẩy mạnh đầu tư, tăng cường liên kết du lịch với các tỉnh và các đối tác trong khu vực.

Nhìn xa hơn, tỉnh Kiên Giang đặt kế hoạch đến năm 2020 sẽ phát triển Phú Quốc thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, giao thương quốc tế lớn, hiện đại, chất lượng cao, tầm cỡ các quốc gia, khu vực và thế giới, làm động lực thúc đẩy phát triển du lịch cả nước, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn chủ đạo của đảo... Kế hoạch đến năm 2020 sẽ đón 2-3 triệu lượt du khách/năm (khách quốc tế chiếm 40%), với tổng doanh thu 771 triệu USD.

Trời cho, người ưu ái

Phố đêm tấp nập, sáng choang với những cửa hàng, xe đẩy bán đồ lưu niệm, ngọc trai trắng, đen. Nhiều xe còn gắn các bảng quảng cáo bằng tiếng Nga, tiếng Anh. Tây đầm nườm nượp lượn lờ vui như Tết.

Trong một quán sát bờ sông, cả dãy Tây ăn tối rôm rả. Họ gọi chủ quán ra nói chuyện. Thật bất ngờ, ông chủ quán chiều khách bằng cả tiếng Đức và tiếng Nga. Bộ dạng tự tin và cách tiếp khách rất Tây của ông, khó tin ông vừa cùng gia đình tới đảo ngọc này mở quán mới được hơn tháng.

Ông Chiểu, hóa ra từng lang bạt làm ăn bên Đức nhiều năm, rồi sang Nga thêm ba năm. Nghe bạn rủ, ông về đây theo dòng chảy phục vụ du lịch đang lên. Ông Giang, bạn ông, một người đàn ông vạm vỡ, chất phác, người gốc tận Lũng Cú, Hà Giang, vào Phú Quốc, sang Đức, rồi rủ ông Chiểu cùng về quê hương thứ hai.

Hai ông bi bô hết bàn khách này đến bàn khách khác rất điềm đạm mà lại vui, đúng chất Tây, khiến khách Tây nhiều lúc đồng loạt ồ lên thích thú. Với cô cháu tên Nghi trẻ đẹp từ Thái Bình, vào phụ việc chú với phong cách lịch sự như Tây, họ đãi khách cứ như theo nghị quyết nâng cao chất lượng phục vụ du lịch, vừa phong nhã lại điểm xuyết hào hoa…

Nếu như ông Tấn được coi là bậc “khai đảo công thần”, thì nhà anh Chiểu kể như là những công dân mới nhất trong số hơn trăm ngàn dân ở đảo ngọc.

Phú Quốc sẽ trở thành đặc khu hành chính – kinh tế trực thuộc Trung ương vào năm 2020. Và du lịch sẽ thật sự trở thành mũi nhọn chủ lực; và Phú Quốc thật sự thành đảo ngọc.

Những doanh nhân này, bằng những toan tính riêng của mình, góp phần trau chuốt làm giàu đẹp đảo, lôi kéo du khách bằng sản phẩm của mình.

Giống như những điểm hút khách trên thế giới, Phú Quốc đang hút anh tài tứ xứ, mang góp những nét riêng. Chả biết bà chủ quán cà phê góc đường từ đâu lạc bước tới xứ này làm ăn mà tinh tế thế. Giọng thì Nam Bộ rặt, mà hành xử khéo như người Kẻ Chợ.

Bộ bàn cà phê gồm chân máy khâu, đạp vịt, cánh cửa kính cũ làm bàn, cánh cửa chớp sờn thông hơi làm lưng dựa. Một ốc đảo xanh bé nhỏ nép góc phố, có các tấm bảng chỉ đường ngang chéo ngộ nghĩnh, chỉ khoảng cách kết nối quán với Hà Nội, Sài Gòn, các thành phố lớn trên thế giới. Khách Tây, ta lui tới ai cũng thấy gần gũi, thích thú.

Tư duy, quan trọng là tư duy làm ăn. Một huyện đảo đang trên đà phát triển đã kịp khoác lên mình những nét văn hóa gạn lọc từ nhiều nơi. Nhâm nhi cà phê ở đây mà chợt ngẫm: Hơn ba trăm năm trước, nước Mỹ từng bắt đầu như thế, hút nhân tài, chấp nhận những nét văn hóa riêng để hòa đồng thành bản sắc đa văn hóa mạnh mẽ…

Ba trăm năm nữa, hòn đảo chỉ to bằng Singapore này, có thể phát triển đến đâu chưa ai lường hết được, nhưng chắc chắn thành một đảo ngọc trên trái đất. Nó có những ưu thế không thể tranh cãi, nếu được kích đúng sẽ sải chân vạn dặm.

Ba chục năm trước, khi dự án đào kênh Kra ở Thái Lan để nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương theo đường ngắn nhất, từng bùng lên viễn cảnh tươi sáng của Phú Quốc và Côn Đảo về dịch vụ hàng hải. Lúc đó, trong khó khăn sau chiến tranh, nhà văn nhà báo Thép Mới với nhãn quan lạc quan bay bổng, từng dự báo bước phát triển vượt bậc của vùng biển Tây này.

Rồi dự án kênh Kra ở Thái Lan chựng. Nhưng Phú Quốc đã có con đường riêng của mình, nhanh chóng hóa thân thành một trong những thiên dường trên trái đất, lọt vào tốp 10 thiên đường dành cho những đôi uyên ương hưởng tuần trăng mật…

Biển Phú Quốc, một nơi hiếm hoi trên thế giới có môi trường tự nhiên thuận lợi để nuôi trai lấy ngọc. Ngọc trai tự nhiên hơn hẳn ngọc nhân tạo, đòi hỏi trai được cấy phải nuôi trong môi trường tự nhiên, có phù sa, độ mặn, nguồn nước phù hợp, vi sinh vật đúng chuẩn, gió bão vừa phải như Phú Quốc.

Ở Phú Quốc, thấy ngọc trai bán đầy, lóng lánh sáng, đen mượt mà… nhưng đó mới chỉ là 20% sản phẩm. Phần lớn đã dược xuất khẩu, các thủ phủ ngọc trai trên thế giới đã đặt mua hết. Ngọc Hiền hay hãng nào khác, rốt cuộc cũng gút lại thương hiệu “Ngọc trai Phú Quốc”.

Bao nhiêu đặc sản khác kèm tên Phú Quốc, từ nước mắm cá cơm, hồ tiêu, cho đến chó xoáy, rượu sim, mỏ quạ. Sản vật nổi tiếng nhất là gì? Thử hỏi người dân binh thường xem? Khó trả lời, chỉ liệt kê ra nhiều thứ.

Rồi bao thứ liệt kê, rốt cuộc cũng ngầm quy về một thứ: con người. Thế con người ở Phú Quốc có dặc điểm gì khác? Lại khó trả lời, chỉ liệt kê. Một người Nhật giỏi làm ngọc trai, sang Phú Quốc làm, truyền nghề cho người Việt. Nhưng ông Nhật gặp thất bại, bán sản nghiệp cho người Việt làm thuê. Người Việt làm thành công. Ông người Nhật quay lại làm thuê như một chuyên gia. Đó là chuyện ngọc trai Ngọc Hiền.

Đấy, như ông Tấn “khai đảo công thần”, im lặng tính toán, khôn ngoan chỉ cách cho con cháu làm. Đấy, như anh Chiểu “công dân mới nhất” vui vẻ làm ăn theo phong cách Tây, dễ dàng “hội nhập”…

Hay như ông Tư, một lão ngư có đời ông từ Quảng Ngãi vào từ hồi Tây Sơn, miệt mài chở ghe, khi rảnh vẫn tấu lên những bản nhạc tài tử miền sông nước, quăng đi khó khăn, chào cuộc đời vui vẻ. Bí quyết của ông lão này chỉ có thế, vui vẻ sống với mọi hoàn cảnh để vượt qua tất cả.

Ở Phú Quốc, nghe và ngẫm phong cách sống miền sông nước này như cách nói của Đại tá Đoàn Ngọc Chiểu, Chính ủy Vùng 5 Hải quân: Nói 100 câu hay không bằng làm một việc gương mẫu.

Cứ làm, cứ vui dù đời còn nhiều khó khăn. Nói ít, cứ lăn vào làm, lấy kết quả thay cho lời nói, như tính cách, triết lý của người Phú Quốc.

Phú Quốc, vùng biển xanh, vùng trời xanh, vắt ngang những sợi tơ trời. Thiên nhiên ưu ái, con người ưu ái, Phú Quốc, vùng đất Việt, con người Việt, hòn ngọc Việt Nam.

Món ngon trên đời và giấc mơ làm “nhà bếp của thế giới”

Ở vùng biển Tây có những món hải sản không đâu có, du khách nghe tên đã thấy hứng khởi. Chẳng hạn món Ngọc Nữ, nghe như tên một cô gái đẹp, hay Vú Nàng, nghe đã thấy… ngại ngùng.

Nhưng đó là những loại hải sản địa phương rất… đặc sản, giống như Nam Bộ có trái Vú Sữa. Các tên gọi dân gian này gây không ít bối rối cho các phiên dịch trẻ không rành tên khoa học các loại thủy hải sản.

Ngọc Nữ là một loại sò ngon khác lạ. Nó có hai phần chính, một phần mỏng phấp phới gắp lên cảm giác bay lả tả như lá. Nhưng đó là nơi người ta có thể cấy một phôi vào để nuôi lấy ngọc, giống như cách nuôi ngọc trai. Ngọc Nữ dùng “lá” của mình ôm lấy cái phôi, bị nó làm xước, rồi nó tự đi kiếm phù dung về chữa vết thương, nuôi phôi mà thành ngọc.

Bộ phận thứ hai là “còi”, giống nhơ cơ bắp cánh tay của sò, để đóng mở cái vỏ to lớn. Vì phải đóng mở nhiều, cơ bắp nay to, chắc, nên khi hấp xong, ăn giòn sật sật…

Vú Nàng, cũng là một loại sò ốc, trông cũng giống như… tên của nó, tròn trịa, trắng căng. Và thơm riêng một kiểu. Chỉ ở vùng biển Tây, nơi nước biển có độ mặn, phù du phù hợp mới có các loại hải sản này, mang đặc sản này đến nơi khác, kiểu gì hương đồng gió nội cũng vơi đi ít nhiều…

Bởi vậy, ẩm thực du lịch là một điểm nhấn, như du lịch vốn là ngành xuất khẩu tại chỗ, muốn thưởng thức chỉ có cách đến tận nơi.

Phú Quốc, cũng như Việt Nam, có nhiều đặc sản được thiên nhiên ban tặng. Và người Việt tần tảo nghĩ ra cách chế biến phù hợp. GSTS Trần Văn Khê, một bậc thầy về âm nhạc cổ truyền, đồng thời cũng là một bậc thầy về ẩm thực. Sinh thời, ông nghiên cứu kỹ về ẩm thực Việt và cho rằng người Việt có cách chế biến và hưởng thụ tinh tế và rất khoa học. Cái gì phải ăn với cái gì là nguyên tắc truyền đời, chứ không phải ăn lẫn lộn sao cũng được.

Món Ngọc Nữ kèm theo loại nước chấm pha riêng, món Vú Nàng chấm loại khác. Mỗi thứ mỗi loại, bổ sung và tôn vị món lên hương riêng của nó, một hương sắc riêng trong cung bậc nghệ thuật ẩm thực.

Không ít chuyên gia nhiều nước từng khuyên: Không cần phải làm gì to tát, cứ “thâm canh” du lịch, nhất là đi vào mũi nhọn ẩm thực. Kệ Trung Quốc làm công xưởng của thế giới, kệ Thái Lan làm nhà thổ cho thế giới, Việt Nam hãy làm nhà bếp của thế giới, để ai muốn thưởng thức hương vị ở đời thi ghé đất Việt. Người Việt có món ngon và ai cũng có thể làm đầu bếp giỏi…

Cứ thử tưởng tượng, khi thế giới đã rành phở, bún chả… có thể thêm nhiều người sẽ đến Phú Quốc vùng biển Tây, khu dự trữ sinh quyển thế giới, nơi có 99 ngọn núi trên 22 hòn đảo tươi đẹp và thử những món dân dã như Ngọc Nữ, Vú Nàng, Vú Sữa…

Thành phố du lịch sinh thái biển đảo cấp cao

2016 - Năm du lịch Phú Quốc - Đất phương Nam đang được kết nối mạnh mẽ, tạo động lực thúc đẩy du lịch Kiên Giang và cả nước. Đó cũng là bàn đạp để Phú Quốc tăng tốc trong những năm tới.

Đi vòng quanh đảo và đường trục chính Bắc - Nam, dài 200km, hay ngồi một góp phố ngắm, mới thấy Phú Quốc như một thành phố Việt Nam trên đất liền, như một công trường hối hả thi công.

Taxi đủ loại đã có mặt, wifi khắp nơi, xe cộ tấp nập, xe tải công trường gấp rút… Phú Quốc đang trên đường trở thành đô thị loại II.

Nhiều dự án khu du lịch mới, khu nghỉ dưỡng, sân gold, khu thể thao dưới nước, khu vui chơi giải trí, khu du lịch sinh thái vườn, hệ thống khách sạn, nhà hàng đạt tiêu chuẩn từ 4 đến 5 sao... đang mọc thêm.

Hòn đảo này đã có hơn 74 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn 48.087 tỷ đồng. Một loạt dự án được triển khai, quy hoạch khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, trung tâm hội nghị quốc tế, dịch vụ casino tại bãi Đá Chồng, Sân bay quốc tế…

Câu chuyện ở các quán cà phê nghe được lời dân khen các biện pháp mang tính dám nghĩ dám làm, linh hoạt huy động nguồn vốn trong và ngoài nước. Không chỉ du lịch, mà Phú Quốc đòi hỏi du lịch chất lượng cao, dịch vụ tốt, sản phẩm du lịch cạnh tranh cao; đồng thời bảo vệ môi trường, sinh thái biển…

Giống như hầu hết các đô thị ở miền Nam, tuổi đời cũng mới chỉ hơn 300 năm. Phú Quốc từng là nơi đày ải, tù đày, chỉ hơn 40 năm xây dựng, đang lên thẳng đô thị loại II". Với 6 phường và 6 xã, với hệ thống hạ tầng chả khác gì các thành phố trên đất liền.

Theo quy hoạch đến năm 2030, Phú Quốc sẽ trở thành đặc khu kinh tế, thành phố du lịch sinh thái biển đảo cấp cao, tầm cỡ quốc tế thu hút hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm.

 Một lộ trình du lịch mới được thỏa thuận với các nước trong khu vực được thỏa thuận kết nối giữa Bangkok – Rayong – Trat – Koh Kong – Shihanouk ville – Kampot – Kep – Phú Quốc – TP. Hồ Chí Minh.

ASEAN chung một mái nhà, du lịch chung một tour nhiều điểm đến. Như Đại sứ Nga tại Việt Nam K.V. Vnukov nhận định, đây chính là lúc cần tăng cường dòng du khách từ Nga đến Việt Nam và các nước ASEAN, cần nghiên cứu tổ chức các tour du lịch một tour nhiều điểm đến nhiều nước ASEAN.

Phú Quốc đang kết nối, mở rộng vòng tay với bạn bè. Vàng trong cát, ngọc trong đá, còn người chưa biết, làm gì để mọi người biết cũng là một cái đáng nghĩ.

Phú Quốc được thiên nhiên ưu đãi, được trời giăng tơ. Và bao đời người Việt bền bỉ đan kết tơ trời làm nên Phú Quốc giàu đẹp. Khi tơ trời giăng ngang đảo ngọc, không chỉ bám câu xưa “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”, cần làm gì để cái đẹp Đảo Ngọc luôn giữ duyên, duyên thầm thêm duyên?

Khôi Viên
.
.
.