Khi trẻ con nghịch “chó lửa”

Thứ Ba, 20/12/2016, 17:52
Trẻ con bắn súng làm chết người, nhưng Hiệp hội Súng quốc gia (NRA, Mỹ) kiên quyết khẳng định chủ nhân của những khẩu “chó lửa” không phải chịu trách nhiệm!


Chuyện trẻ con Mỹ dùng súng tự sát, bắn bọn trẻ khác và người lớn rất phổ biến. Từ ngày 1-9-2014 đến 1-9-2016, đã có 302 vụ bạo lực bằng súng mà thủ phạm là trẻ dưới 13 tuổi, khiến 102 người chết và 198 người bị thương, theo dữ liệu của Tổ chức bất vụ lợi Hồ sơ bạo lực bằng súng (GVA).

102 người chết trong hai năm

Đa phần các vụ nổ súng này không chủ ý, hậu quả của việc một đứa trẻ chơi với một khẩu súng không được khóa an toàn và để “tênh hênh” trong tủ quần áo, túi xách hoặc ở ghế sau xe con. Hơn một nửa số vụ là trẻ nghịch tự gây ra cái chết, trong khi chỉ có 1/4 số vụ liên quan một đứa trẻ bắn chết một đứa trẻ khác. Số nạn nhân còn lại là người lớn. Nhưng trong vài vụ, kẻ bắn súng là một bé trai, và súng thường là do cha/mẹ của em không cất giấu kỹ.

Việc trẻ con nghịch “chó lửa” đặt ra một thách thức kinh hoàng cho các cơ quan bảo vệ pháp luật: ai phải chịu trách nhiệm, khi một đứa trẻ dùng súng để “hớ hênh” bắn chết hoặc làm bị thương người khác?

Một số công tố viên tìm cách đổ trách nhiệm cho cha/mẹ sở hữu súng. Hồi tháng 9-2016 ở bang Pennsylvania, một người cha 26 tuổi bị buộc tội gây nguy hiểm cho tính mạng một đứa trẻ, sau khi đứa con trai 2 tuổi của anh ta nghịch súng và tử vong. 

Ở bang New Jersey, một người mẹ 22 tuổi đang chờ ngày hầu tòa, sau khi một trong những đứa con trai của cô bắn chết đứa em. Nhưng thường thì chẳng có chuyện gì xảy ra. Daniel Webster, một nhà nghiên cứu tình trạng  bạo lực bằng súng ở Đại học John Hopkins, nói: “Các công tố viên ngại buộc tội những người cha/mẹ đau khổ”.

Hậu quả của chuyện lơi lỏng luật

Các công tố viên cấp quận ở Mỹ còn có lý do khác để không truy tố những vụ trẻ con nghịch súng gây chết người. Họ không muốn xử những vụ mà họ tin là họ sẽ bị xử thua, và ở Mỹ không có luật cấp liên bang buộc chủ súng cất giữ súng an toàn.

 Chỉ có 14 tiểu bang Mỹ có những luật cấm cất giữ súng cẩu thả, hoặc các qui định buộc người lớn phải cẩn trọng khi cất giữ súng nhằm tránh để lọt súng vào tay trẻ con. Nhưng trong số bang này, chỉ có 4 bang Florida, California, Massachusetts và Connecticut cùng Hạt liên bang District of Columbia (D.C) cho phép xử tội nặng vì cất giữ súng cẩu thả. 

Đã có bằng chứng qui định cất giữ súng an toàn thật nghiêm khắc giúp ít xảy ra những vụ trẻ con nghịch súng gây chết người. Một nghiên cứu năm 1997 của tổ chức JAMA phát hiện các bang có xử tội giết người đã kéo giảm 41% số vụ thương vong sau khi luật được thông qua.

27 tiểu bang Mỹ có những qui định nhằm qui trách nhiệm cho người lớn, khi trẻ con “vớ” được súng. Nhưng nhiều qui định lại không áp dụng với chuyện cất giữ súng an toàn, và lại đặt ra những qui định vô lý để truy tố thành công. Ví dụ ở bang Tennessee, cấm người lớn giao súng cho một đứa trẻ hoặc cho phép một đứa trẻ có súng, nhưng qui định cấm này chỉ áp dụng nếu người lớn nhận định có nguy cơ lớn đứa trẻ sẽ dùng vũ khí để phạm tội giết người.

Bang Tennessee cũng không có qui định cấm cất giữ súng cẩu thả. Từ đó xảy ra vụ việc thương tâm này ở thị trấn White Pine ngày 3-10-2015: Benjamin Tiller, 11 tuổi, dùng khẩu súng săn hai nòng của bố em (đã lên đạn sẵn, để trong tủ không khóa) và bắn chết cô bé 8 tuổi MaKalya bằng một phát đạn ngay ngực, chỉ vì trước đó MaKalya  không cho em xem hai con chó cưng mới đẻ.

Sau cái chết của MaKayla, hồi tháng 2-2016, các công tố viên buộc Benjamin tội giết người, bị giam ở Cục Giáo dưỡng cho đến khi em được 19 tuổi. Hồi tháng 9-2016, mẹ của Makayla, bà Latasha Dyer cũng đâm đơn kiện cha mẹ Benjamin,đòi bồi thường 10 triệu USD.

NRA thuê bảng quảng cáo "tấn công" bà Maggart.

Giới truyền thông Mỹ chú ý đến vụ án mạng này, các nhà hoạt động xã hội và những nghị sĩ có cảm tình với Makayla ở bang Tennessee thúc đẩy dự thảo Luật Makayla nhằm xử phạt tội cất giữ súng cẩu thả, dẫn chứng thêm bằng những vụ việc khác xảy ra trong bang: năm 2015, một bé trai 3 tuổi nghịch súng, vô tình bắn vào đầu người mẹ của mình, và vài tháng sau, một đứa trẻ 4 tuổi nghịch súng và tự giết chết ḿnh, trong lúc cha em quét dọn sân nhà.

Hiệp hội Súng quốc gia “lật lọng”…

NRA nêu giá trị cốt lơi là người sở hữu súng phải đầy tinh thần trách nhiệm. NRA tuyên bố trên trang web: “Trong một ngôi nhà có súng, mức độ an toàn của một đứa trẻ hoàn toàn thuộc về cha mẹ và chủ khẩu súng”.

Nhưng khi sự ủng hộ dự thảo Luật Makayla tăng lên, NRA lại quay lưng với mục tiêu sử dụng súng an toàn. Họ cử một nhà vận động hành lang từ bang Virginia bay đến Tennessee, nhằm nhằm không thông qua dự luật này, với lý lẽ không nên khóa nơi cất súng để phòng chống trộm cướp xông vào nhà. Tay vận động này còn có nhiệm vụ thuyết phục các nghị sĩ thông qua một luật cho phép công dân Tennessee có quyền mang súng các trường đại học trong bang.

Trước đó không lâu, NRA đã ủng hộ sự thông qua dự thảo Luật MaKayla, hoặc thậm chí đã giúp soạn thảo dự luật này. Năm 1989, xảy ra nhiều vụ trẻ con bắn súng chết người ở bang Florida, buộc các nghị sĩ phải ra tay hành động. 

Marion Hammer là một nhà vận động hành lang của NRA, đã cùng các quan chức dân cử tạo ra qui định cất giữ súng an toàn đầu tiên của bang này, trong đó có qui định xử tù kẻ vi phạm “để súng đã nạp đạn trong tầm tay” trẻ từ 16 tuổi trở xuống, từ đó trẻ có thể dùng súng “tự gây thương tích hoặc gây ra cái chết”cho mình hoặc cho người khác. Một nghiên cứu về đạo luật này kết luận số vụ trẻ con bắn chết người ở Florida giảm 51 % trong 8 năm sau khi được thông qua.

Nhưng vài thập niên sau, chính bà Hammer đã góp phần ra một luật mang tính chất “bảo kê pháp lý”, vì luật này giúp kẻ bắn súng viện dẫn quyền tự vệ. NRA thì tuyên truyền chương trình giáo dục Súng an toàn  Eddie Eagle ở các trường công, với chú đại bàng Eddie Eagle dạy cho trẻ từ 4 đến 10 tuổi nên làm gì khi phát hiện súng: “Ngưng lại, không sờ vào, bỏ chạy, cho người lớn biết”.

Bà Hammer cho biết chương trình này đã tiếp cận 28 triệu trẻ em Mỹ, nên không cần phải có các luật cấm cất giữ súng cẩu thả: “Chúng chẳng hướng dẫn cái gì cho người ta, chỉ trừng phạt người ta vì những tội phạm và tạo ra án mạng”.

…Đảng Cộng hòa phát sợ

20 năm qua, NRA trở thành một thế lực vận động hành lang, liên tục quảng bá việc sở hữu súng là “chìa khóa” của sự tự do cá nhân và quyền tự vệ. Họ chống bất kỳ nỗ lực hạn chế sở hữu súng và ở cấp bang, NRA thúc đẩy được luật cho phép mang súng vào quán bar ở Georgia, vào nhà thờ ở Mississippi và giảng đường đại học ở Texas. 

Từ tháng 3-2016, 3 bang Idaho, Tây Virginia và Missouri thông qua các luật vốn bỏ qua tiêu chuẩn phải tập sử dụng súng và cho phép công dân mang súng (giấu kỹ) ở nơi công cộng mà không cần giấy phép mang súng hoặc có bằng chứng nhận đã qua khóa huấn luyện.

Các nghị sĩ đảng Cộng hòa ở Tennessee đã biết chuyện gì xảy ra với người dám chống lại NRA. Năm 2012, nữ hạ nghị sĩ Debra Maggart muốn tái cử ở bang này và được tín nhiệm. Bà là một hội viên NRA trọn đời, được tổ chức này đánh giá cao. Mùa xuân năm đó, NRA vận động hành lang một luật cho phép công dân Tennessee có quyền giữ súng trong xe, thậm chí ở bãi đậu xe.

Bà Maggart cho rằng dự luật này “vênh” với quyền tài sản riêng tư, giao một ủy ban nghiên cứu xem xét thêm, khiến dự luật bị  “treo”. Vài tháng sau, NRA thuê 3 bảng quảng cáo ở khu vực tranh cử của bà, đặt ảnh bà cạnh ảnh Tổng thống Barack Obama, và viết: “Hạ nghị sĩ Maggart nói bà ủng hộ quyền sử dụng súng của quí vị. Dĩ nhiên, ông ấy cũng nói thế”. 

Có thông tin NRA chi ít nhất 50.000 USD để “tấn công” Maggart. Lập tức, số phiếu dồn cho bà “rớt” nhanh và bà mất ghế nghị sĩ vào tay Courtney Rogers, một trung tá không quân về hưu. Bà này chưa hề làm chính trị nhưng được NRA hậu thuẫn, tài trợ ít nhất 29.000 USD. Năm 2016, Rogers bào chữa rằng nếu sinh viên có quyền sở hữu súng, thì đã không xảy ra vụ thảm sát Kent State năm 1970: lực lượng Vệ binh quốc gia Mỹ bắn chết sinh viên phản đối chiến tranh Việt Nam một cách hòa bình.

Maggart chua chát thừa nhận: “NRA phá hủy sinh mệnh chính trị của tôi. Tôi thà chẳng bao giờ bỏ phiếu chống lại họ. Nhưng họ đã quyết dạy Quốc hội Mỹ một bài học”.

Anh Thao (theo Newsweek)
.
.
.