Khó như đi chợ

Thứ Ba, 11/08/2015, 14:08
Ngày mai nhà mình ăn gì nhỉ? Đó là câu bà xã tôi vẫn thường hỏi chồng con sau bữa cơm tối và không phải lúc nào cũng đưa ra được câu trả lời nhanh nhất, chuẩn nhất. Tính tôi thì đại khái, ăn gì cũng xong, chỉ cần một món mặn, một món canh với vài quả cà pháo là xong bữa. Đứa lớn không ăn cơm vì sợ tăng cân nhưng lại nghiện các món rán. Còn đứa bé chỉ xới 1/3 bát cơm nhưng lại thích các món xào…

Vợ tôi nhiều lần nói đùa: Anh tưởng chỉ có nghề báo các anh là đau đầu buốt óc đánh vật với chữ nghĩa thôi à, những người đi chợ nhiều khi cũng nghĩ nát óc hay thộn mặt giữa chợ vì không biết nhặt gì cho vào làn lo bữa cơm gia đình đấy.

Tất nhiên, hỏi cho có chuyện chứ nếu chồng con không đưa ra được giải pháp tối ưu thì sáng nào cô ấy vẫn phải xách làn ra chợ, lại phải mua con cá lá rau, thịt thà hoa trái. Cả nhà chỉ ngồi với nhau bữa cơm tối nên cô ấy luôn muốn một bữa ăn ngon mắt, đủ chất để mọi người ăn uống vui vẻ và ngồi nói chuyện với nhau nhiều hơn.

Song, tất cả đều không đơn giản chút nào. Vẫn biết ăn uống giờ là việc nhỏ, người ta không bận tâm nhiều như trước, nhưng ăn để no bụng mà không tăng cân, không bị ngộ độc thực phẩm và phù hợp với ví tiền mỗi gia đình là cả một nghệ thuật. Bạn không tin cứ thử đi chợ hằng ngày sẽ biết.

Bạn muốn mua rau, củ, quả ư? Hãy đọc thông tin này nhé: Những người trồng rau rất thích sử dụng các loại hoá chất bảo vệ thực vật như các loại thuốc cấm, thuốc có độ độc cao, thuốc ngoài danh mục được phép sử dụng để phun trừ các loại sâu bệnh trên các loại rau quả, tiêm thuốc kích thích cho quả mau chín, ngâm ủ giá đỗ bằng các hóa chất tăng trưởng độc hại… Chính điều này đã làm tích lũy một dư lượng nitrat rất lớn tồn dư trong rau, củ, quả. Ăn một lần không thấy gì, nhưng ăn nhiều lần không biết bụng dạ các bạn sẽ bị ảnh hưởng tới mức nào.

Minh họa Lê Tâm.

Tệ hơn, nhiều người trồng rau đã dùng nước thải sinh hoạt và nước thải chăn nuôi để tưới rau làm cho hàm lượng kim loại nặng và vi sinh vật gây bệnh trong rau quả cao hơn nhiều lần so với qui định của Bộ Y tế… Đó chính là nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh các bệnh cấp tính, là mầm mống của rất nhiều loại bệnh đặc biệt nguy hiểm khác.

Còn nếu bạn mua thực phẩm từ gia súc, gia cầm như lợn, bò, gà, vịt, bạn có biết là những người chăn nuôi cũng thường xuyên sử dụng những loại cám tăng trọng không rõ nguồn gốc để kích thích tăng trưởng, thậm chí những người kinh doanh thực phẩm còn sử dụng nhiều loại chất tẩy rửa thịt cá ôi thối để che mắt khách hàng hay tiêm các hóa chất lạ vào thực phẩm với mong muốn thực phẩm sẽ nặng hơn mức bình thường nhằm hưởng mức chênh lệch… Những ngày mưa to gió lớn vừa qua, việc mua rau quả thực phẩm lại càng khó khăn vì khan hàng hoặc giá tăng cao. Tóm lại là rất mệt mỏi và nan giải.

Những con số sau sẽ khiến bạn không khỏi buồn lòng và lo lắng: Tin từ Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế cho biết, trong tháng 7, đơn vị xử phạt vi phạm hành chính 23 công ty vi phạm về  ATTP với tổng số tiền phạt gần 500 triệu đồng. Các hành vi vi phạm được phát hiện gồm: quảng cáo thực phẩm chức năng mà không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung; quảng cáo không phù hợp với nội dung đã đăng ký được cơ quan có thẩm quyền xác nhận; không duy trì việc kiểm nghiệm định kỳ sản phẩm theo quy định; vi phạm về điều kiện bảo quản và sản xuất thực phẩm, bán hàng quá hạn sử dụng hay hàng không rõ nguồn gốc…

Như vậy, tính chung trong 7 tháng đầu năm 2015, Cục ATTP đã xử phạt 112 cơ sở vi phạm về ATTP với tổng số tiền phạt hơn 2,1 tỷ đồng. Tất nhiên, nhiều người cho rằng, con số trên còn quá nhỏ so với thực tế bởi lượng hàng kém chất lượng vẫn nhan nhản trên thị trường, trà trộn vào siêu thị hay lòe bịp những người nhẹ dạ. Mặt khác, số vụ ngộ độc thực phẩm vẫn thường xuyên xảy ra trong các cơ quan, trường học, khu công nghiệp…, có vụ lên tới hàng trăm người.

Đúng là đi chợ thời buổi này khó thật. Mong sao những vi phạm về ATTP được phát hiện và xử lý một cách thường xuyên, nghiêm khắc, để người tiêu dùng không phải rước họa vào thân từ việc ăn uống mỗi ngày.

Tuấn Nguyễn
.
.
.