Không có gì mà ầm ĩ cả

Khóc hộ, bức xúc thay

Thứ Tư, 27/01/2016, 08:41
Có thể thấy xu hướng bất bình hộ, bức xúc thay người khác đang lan rộng. Những người này dễ xúc động, thấy gì cũng khóc. Khóc rất khỏe.


Gần đây, một hiệu mì từ thiện ở TP Hồ Chí Minh được dư luận quan tâm đặc biệt. Chuyện bánh mì miễn phí thì dễ hiểu, còn khó hiểu là vì sao lại được quan tâm đến thế. Té ra theo quy định thì mỗi người nghèo có quyền lấy 1 chiếc thì có người lại lấy 2 hoặc nhiều hơn thế. Việc này khiến nhiều người bất bình cho rằng từ thiện thế là nhầm chỗ, nhưng người chủ hiệu bánh mì thiện nguyện lại cho rằng:

“Các bạn coi cho kỹ thì những người đến lấy bánh trong clip cũng là tầng lớp lao động bình dân đấy thôi. … Các bạn đòi hỏi phải đói rách, phải vé số, phải lang thang bụi bờ mới được ăn ổ (chiếc) bánh mì chưa tới ba ngàn đồng. Thương rớt nước mắt cũng các bạn, chửi rủa người ta không ra gì vì một ổ bánh mì cũng các bạn. Mà mấy bạn trẻ chửi rủa chắc gì đã cho ai được ổ bánh mì nào...".

Có thể thấy xu hướng bất bình hộ, bức xúc thay người khác đang lan rộng. Những người này dễ xúc động, thấy gì cũng khóc. Khóc rất khỏe.

Minh họa: Lê Tâm.

Chính người thiện nguyện thì lại rất bình tĩnh. Từ rất nhiều năm trước, TP Hồ Chí Minh xuất hiện nhiều quán cơm xã hội. Giá chỉ 2000 đồng, bán như cho mà đủ no cứu người. Mô hình này chỉ dành cho những người sa cơ lỡ bước không bị đói. Ai cũng có cơ hội sống.

Khác với những mô hình thiện nguyện hào nhoáng có sự ủng hộ của những cơ quan lớn, các đại gia bạc tỷ và những cuộc thiện nguyện rầm rộ đài báo đưa tin, những người làm thiện nguyện ở thành phố này làm rất âm thầm, bền bỉ trong nhiều năm và đặc biệt là phần lớn họ là dân lao động. Người lao động cứu người lao động. Họ chủ yếu ở thành phần tiểu thương, lao công, bán hàng rong…

Mô hình cơm xã hội do chính những người lao động xây dựng. Họ có gì ủng hộ nấy. Có tiền góp tiền, có thực phẩm góp thực phẩm. Không ít người sa cơ đến ăn tại đây. Khi làm ăn khá lại bù đắp lại cho hiệu cơm bán như cho này.

Gần đây, thấy lạ là có một số người bảnh bao bóng bẩy cũng vào quán cơm xã hội chén. Họ chẳng có vẻ gì là sa cơ lỡ bước. Vẫn ăn uống, cười nói, xỉa răng và phóng xe SH. Vấn đề của lòng tự trọng có vẻ bị đe dọa. Chủ hiệu vẫn không có gì bất bình. Chắc ai đó vào ăn cũng phải có lý do gì chứ. Việc thiện nguyện là việc thiện nguyện thôi. Cứu ai một bữa cũng là cứu.

Giáp tết Bính Thân 2016, khi miền núi phía Bắc tuyết rơi dày, người hiếu kỳ kéo nhau lên núi chơi tuyết. Một số người lại than vãn rằng: Đang lúc rét chết trâu, người liêu xiêu mà nghĩ đến việc chơi tuyết thì thật vô cảm.           

Ô hay. Mỗi người có quyền sống của mình chứ. Người ta sinh ra đâu phải để lăn ra khóc. Ai biết rằng những người chơi tuyết kia chưa hề tham gia thiện nguyện, chưa từng mang quần áo, sách vở, mỳ tôm, tiền bạc đến những vùng xa vùng sâu. Thậm chí ngay cả đi chơi tuyết cũng có nhiều nhà mang theo hàng thiện nguyện lên chia sẻ cùng đồng bào cơ mà.

Ngay ở Thủ đô cũng có nhiều người cơ nhỡ trong giá buốt 5 độ C cần sự giúp đỡ. Các bạn trẻ Hà Nội hẹn nhau trên mạng xã hội rằng “Hãy đi chơi đêm với tôi. Hãy mang theo quần áo, khăn, găng tay, bít tất gì đó để có thể cho bất kỳ người vô gia cư tại các vườn hoa, vỉa hè”. Các bạn không dùng từ thiện nguyện mà chỉ dùng từ “đi chơi” cho nó đỡ cồng kềnh về ý nghĩa. Tuy vậy, việc làm này đâu có kém đi phần cao đẹp. Người tử tế và những việc tử tế vẫn diễn ra âm thầm, giản dị chẳng cần truyền thông quan tâm.

Còn bạn. Bạn có thích đi chơi đêm kiểu này không?

Lê Tâm
.
.
.