Khơi thông giao thông là giúp chính mình

Thứ Sáu, 05/05/2017, 10:47
Cách làm “xã hội hóa” của các công ty Mỹ ở thành phố công nghệ Bangalore (Ấn Ðộ) là góp tiền xây cầu vượt và cầu đi bộ, giúp nhân viên của họ đi làm được an toàn; đồng thời thúc đẩy chính quyền cải thiện hệ thống giao thông công cộng.

Cách đây 20 năm, Bangalore từng là một thành phố “ngủ quên”, nhưng rồi được thế giới biết đến nhờ những công ty gia công bên ngoài của Ấn, như Infosys, Wipro gặt hái được những thành công cấp toàn cầu.

Các công ty Mỹ như IBM, Adobe Systems, Cisco và  JPMorgan thích đầu tư vào Bangalore nhờ nguồn lao động giá rẻ, nên họ mở nhiều văn phòng lớn, thuê hàng chục ngàn nhân viên người Ấn và thành phố này được gọi là “Thung lũng Silicon của Ấn”, có nhiều người trình độ cao theo nghề lập trình, kỹ sư phần mềm và kế toán. Bangalore vẫn thu hút các tập đoàn đa quốc gia, nhờ nguồn lao động có tay nghề phong phú, từ kỹ sư phần mềm đến các nhà khoa học dữ liệu, chuyên gia tài chính và các nhà tư bản đầu tư liên doanh.

Dân phòng giúp cảnh sát giao thông điều hòa luồng xe.

Từ sự tăng trưởng nhanh chóng, trong 20 năm qua dân số tăng cao nhưng cơ sở hạ tầng lại không đuổi kịp đà phát triển, luôn xảy ra nạn kẹt xe, người đi bộ thường bị tai nạn giao thông.

Vì mục tiêu giảm thiểu ùn tắc và tai nạn, các công ty lớn của Mỹ đang đổ tiền, thậm chí giám sát việc xây dựng một số cơ sở hạ tầng với sự hợp tác hết mình của chính quyền thành phố và các cơ quan Chính phủ Ấn Độ.

Khu công viên văn phòng Đường Vành đai ngoài có khoảng nửa triệu người làm việc dọc tuyến đường 8 làn xe. RMZ Ecoworld có 70.000 nhân viên làm việc. Khu phức hợp này chỉ có một cổng ra vào cho nhân viên. Cứ đến 17giờ, 6 dân phòng cùng một cảnh sát giao thông điều hành dòng xe ô tô, xe gắn máy hai bánh, xe buýt nhỏ cùng các phương tiện khác từ Ecoworld hòa vào Đuờng Vành đai ngoài.

Vào giờ cao điểm, có khoảng 600.000 xe chạy vào tuyến đường này, nên một xe ô tô con có thể phải mất 1 giờ để lưu thông. Những vụ kẹt xe dẫn đến tổn thất năng suất lao động trị giá 3 tỉ đôla/năm, theo ước tính của Hiệp hội Đường Vành đai ngoài.

Vài năm gần đây, xảy ra nhiều vụ tai nạn vì người đi bộ băng ngang con đường này, vì không có cầu vượt phía trên hoặc phía dưới con đường. Một tai nạn nghiêm trọng năm 2015 đã khiến lãnh đạo vài công ty bị sốc, từ đó họ quyết góp số tiền 70.000 đôla để xây cầu đi bộ. Cây cầu này được đưa vào sử dụng hồi năm ngoái, giúp nhân viên của các công ty đi làm an toàn và hiệu quả hơn.

Cuối năm 2017, sẽ có cầu đi bộ thứ hai bên ngoài một văn phòng của JPMorgan Chase đi vào hoạt đông. Tập đoàn này hàng năm đã chi trả 70.000 đôla cho 30 dân phòng giúp cảnh sát điều hành luồng giao thông. Họ còn thuê một xe cẩu sẵn sàng kéo xe hỏng máy để luồng giao thông nhanh chóng được thông thoáng.

Các công ty thuộc Hiệp hội Các công ty Đường Vành đai ngoài đã thúc đẩy những kế hoạch của chính quyền thành phố, để xây một tuyến đường sắt dài 15 km nối các văn phòng của những công ty nước ngoài với một phần Đường Vành đai ngoài của Bangalore. Hiệp hội này đóng góp tài chính cho cơ quan phụ trách xây dựng hệ thống xe điện ngầm của thành phố.

Trong khi đó, ùn tắc giao thông đặt ra những nguy cơ tai nạn, vì thiếu nhân viên sơ tán trong trường hợp khẩn cấp. Embassy Group, một nhà thầu Ấn, đã quyết chi 10 triệu USD để xin chính quyền thành phố cho xây một cầu vượt để kết nối với 2 cầu vượt khác đã xây, và xây các dốc kết nối với một công viên văn phòng trong khu vực. Họ sẽ xây một hành lang đi bộ gần công viên văn phòng và lập một trạm xe buýt cho xe buýt công đưa đón nhân viên.

Thanh Quang (theo The Wall Street Journal)
.
.
.