Không cần khóc cho (cụ) chùa Trăm Gian

Thứ Hai, 01/10/2012, 09:53
Cuối cùng thì người ta đã lập tức tìm ra "đối tượng" phải chịu trách nhiệm về vụ phá hủy di tích "nghìn tuổi" chùa Trăm Gian. Đấy đương nhiên là "tập thể", một số đông không giới hạn, khó xác định và cũng rất dễ đùn đẩy níu kéo nhau. Nhưng thôi, quy lỗi cũng chỉ là một khía cạnh, giờ mới cần rốt ráo chuyện khắc phục hậu quả, tức phục dựng những hạng mục đã bị "đốn hạ" của công trình vẫn được mệnh danh xưng tụng, đã trải qua nắng mưa dãi dầu gần tròn thiên niên kỷ…

Mới hay xứ mình, làm cái phận di tích cũng trăm phần khốn khổ. Cứ "trơ gan cùng tuế nguyệt", mặc cho "thủy hỏa đạo tặc" lộng hành, mối xông mọt gặm, ngói vỡ tường cong rồi đùng đùng sụm xuống có khi chả sao, vì nguyên nhân sẽ được quy hết cho… trời, chứ nhiệt tình cộng thêm túi tiền rủng rẻng, nổi hứng sửa sang nâng cấp hay "hạ giải" nói theo ngôn ngữ nhà nghề, còn nhà quê dân dã là… phá đi xây mới, ắt sẽ thành to chuyện.

Chỉ có nhà Tổ, Gác Khánh và bậc đá chùa Trăm Gian, những hạng mục nhỏ nhoi trong tổng thể danh thắng tầm quốc gia bị xóa sổ, dư luận đã rùng rùng nổi bão, chứ dại mồm, thừa thắng xông lên mà động vào các vị trí trọng yếu, đến như trụ trì chùa, sư thầy cũng hú hồn khiếp đảm vì không tiên lượng nổi, tình thế sẽ được thổi phồng dẫn dắt tới đâu.

Đố mà tìm ra ở nước mình, vùng đất nóng ẩm mưa nhiều, liên miên chiến tranh loạn lạc công trình kiến trúc nào đứng vững được "một nghìn năm"? Tuổi di tích càng già càng nặng giá trị văn hóa tâm linh, mang ý nghĩa tinh thần biểu tượng, nôm na là cái hồn cốt "phi vật thể".

Chứ "vật thể", phần công trình kiến trúc đằng đẵng tháng năm, đều đã chắc chắn ít thì tu bổ đắp điếm chỉnh cái này đốn cái kia, nhiều thì bỏ đi làm mới, tìm đâu ra cái nguyên bản chính gốc i xì thuở ban đầu mà… so đo đếm tuổi. Nhà Tổ, Gác Khánh, "nạn nhân" đang nằm chờ… kế hoạch, tâm điểm của sự chú ý đương thời, đều đã được trùng tu dỡ ra lắp vào trong các năm cả thời thực dân phong kiến xưa 1926, 1936, cả thời nay 1987. 

Trụ trì chùa và các cụ trong làng canh cánh âu lo, "nó" không qua nổi mùa mưa bão cận kề, đổ sụp gây tang thương cho người thì thảm cảnh còn khôn lường hơn nữa. Dấu vết nghìn năm không hiểu được níu giữ ở đâu, hay vẫn chỉ thuần trong tâm tưởng của những người dân nặng lòng cùng di sản.

Vượt qua các trở ngại quan liêu giấy tờ, được các cấp ban ngành lắng nghe phê duyệt, chứ chưa màng tới chuyện đến tận nơi nhòm ngó, nâng niu, tới giờ phút cầm được trên tay tờ quyết định lẫn kinh phí lẫn tư vấn về cách thức tu bổ, thì chả cứ nhà Tổ, Gác Khánh chùa Trăm Gian, mà nhiều di tích "nghìn năm" khác, đều có thể đã ngả nghiêng xiêu vẹo, cuốn theo thời gian dâu bể.

Thường thì trong cái rủi có cái may, sự "ra đi" của nhà Tổ, Gác Khánh chùa Trăm Gian, hay sự dịch chuyển di dời ngôi đình Ngu Nhuế ở Hưng Yên thương thì thương tiếc thì tiếc, biết đâu cũng chính là sự thức tỉnh, một cú hích chạm vào lề thói quan liêu và tư duy bảo tồn di tích lúc nào cũng khăng khăng "nệ cổ", dù cái "cổ" đâu phải lúc nào cũng là "cổ xưa" nhất, thì chả há là "hy sinh vì nghĩa lớn" sao?

Thôi đằng nào cũng lỡ hạ xuống rồi, Gác Khánh nhà Tổ dựng nên nhanh nhanh để du khách có chỗ đi về, dựng theo phiên bản 1987, 1936, 1926 hay trước nữa, hoặc "máu" hơn, làm mới hoàn toàn dù vẫn hài hòa với tổng thể chung của cảnh quan danh thắng, dứt khoát cho xong tránh tình trạng một đống điêu tàn mỏi mòn chờ trong hoang lạnh.

Cái kiểu chần chừ không quyết đoán, nên Hà Nội, thành phố (cũng) hơn nghìn năm tuổi, mấy thập niên qua nhiều nhà hát mới được xây, cũng đất vàng cũng khang trang cũng hao mòn tốn kém, nhưng đau là, chưa một danh tính nào đủ tầm đứng cạnh Nhà hát Lớn già nua, để mà "bon chen tỵ hiềm"  nhau về vẻ diễm lệ kiêu sa của một công trình còn nguyên dáng vẻ văn minh lộng lẫy

Ngô Hương Sen
.
.
.