Cung tiến

Thứ Hai, 13/04/2015, 07:00
Lực lượng IS ngày 5/4/2015 tung lên mạng đoạn video phiến quân hủy diệt thành phố Hatra, di sản của UNESCO tại Iraq. Đoạn video dung lượng 7 phút đã quay rõ hành động của những kẻ Hồi giáo cực đoan dùng búa phá hủy các bức tượng cổ cũng như các ngôi đền ở thành phố 2.000 năm tuổi này thành đống gạch vụn.
Cách đây chưa lâu, Taliban đã bắn pháo và súng cối vào hai bức tượng Phật cổ lớn nhất thế giới, trong đó có tượng Phật đứng cao nhất thế giới ở Bamiyan (Afghanistan).

 Hai bức tượng Phật cổ (một, cao 53m, có từ thế kỷ V và một, cao gần 37m, có từ thế kỷ III) được tạc vào núi đá ở Bamiyan. Bức 53m được coi là tượng Phật đứng cao nhất thế giới. "Tất cả những gì chúng tôi đập chỉ là những tảng đá", một thủ lĩnh Taliban phát biểu. Với họ thì di sản chỉ là tảng đá mà thôi. Với họ thì di sản chỉ là hòn đá không có chút gì gắn với văn hóa hay nhân bản cả.

Xứ ta không có kẻ nào muốn và dám dùng búa phá hoại di tích, nhưng họ vẫn có thể phá hoại di tích bằng loại búa khác. Đó là lòng nhiệt tình vô bờ bến mang tên công đức. Di tích bị xói mòn thì phải tu bổ, kinh phí chủ yếu là xã hội hóa.

Dễ nhận thấy nhất là ghế đá. Vào không ít chùa, chỉ cần qua tam quan, ta bỗng như lạc vào một rừng ghế đá. Cả khuôn viên là chi chít ghế đá vuông thành sắc cạnh. Loại ghế thi công bằng đá granito từ thời bao cấp chẳng ăn nhập gì với kiến trúc truyền thống với những hoa văn tinh tế. Đã thế, mỗi nhà công đức lại một kiểu dáng khác nhau, nhưng họ giống nhau ở hàng chữ đề tên đơn vị lên ghế thì to phải biết. Ghế đá "tiến công" chùa cổ rầm rộ phần lớn từ các doanh nghiệp. Họ cho rằng dòng chữ to một cách lố bịch trên ghế là cách quảng cáo để thương hiệu của họ tiếp tục lan tỏa.

Minh họa của Lê Tâm.

 Nếu bước vào trong thì sốc nặng khi ban thờ đã thay thế gỗ bằng bê tông. Người công đức lát lên ban thờ gạch bông bóng soi gương được mới chỉ phù hợp với lát căn hộ chung cư.

Các câu đối cung tiến cũng ghi tên người cung tiến với kích thước to một cách lố bịch như sợ người khác không đọc được. Điều đáng sợ là họ sản xuất câu đối, đại tự, hương án, bàn thờ bằng cả vật liệu tổng hợp kì dị, nhìn xa tưởng dùng sơn ta, tới gần thì mới biết dùng nilon, mica, inox…

Thật khó coi khi những nơi di tích cấp quốc gia mà những cột đèn trong khuôn viên chùa lại là kiểu đèn châu Âu thế kỷ thứ XIX. Có thể họ coi thế là đẳng cấp chăng.

Những con nghê đá giờ được thay bằng những con sư tử kiểu châu Âu nhe nanh múa vuốt. Những con sư tử thuần phong cách Âu cổ thì thường đứng trước các tòa nhà lớn. Những con nghê đá ngộ nghĩnh xưa thì không biết vì sao cứ thưa vắng dần. Cách cung tiến tiền bạc + thiếu kiến thức không khác gì một phương thức xóa sổ văn hóa.

 Khi tới những di sản hẻo lánh, chẳng có đại gia nào tới làm lễ thì còn mừng vì vẫn còn nguyên các di vật mang dáng hình lịch sử.

Thật may mắn là làn sóng cung tiến chưa tấn công tới đây. Từ khi kinh tế mở cửa, đồng ra đồng vào thì các đại gia thi nhau tạo ra cơn bão cung tiến. Cơn bão này hoành hành mới hơn chục năm đã biến không biết bao nhiêu di tích trở nên biến dạng. Cơn bão này âm thầm như vực xoáy xói mòn di sản. Cách cung tiến kiểu trọc phú này so với việc dùng búa phá di sản cũng chỉ khác nhau như thước phim quay nhanh hay quay chậm mà thôi.

Một số chùa đã dứt khoát không nhận cung tiến kiểu này. Đó là cách làm hay.

Còn bạn, bạn có thích bỏ ra một khoản tiền nhỏ để được xướng tên ầm ĩ giữa đám đông không?

Lê Tâm
.
.
.