Không có gì mà ầm ĩ cả:

Chuyện con vẹt

Thứ Sáu, 17/07/2015, 12:01
Vừa qua, một phóng sự gây địa chấn lòng người khi phỏng vấn 7 học sinh về Quang Trung và Nguyễn Huệ thì em không biết, em thì biết lõm bõm. Em cho rằng Nguyễn Huệ và Nguyễn Du là bạn chiến đấu. Có em còn cho rằng Nguyễn Huệ và Nguyễn Du là một người…
Xem những điều trên, các bậc trí giả cười không khép được miệng. Vấn đề chả có gì mà ầm ĩ cả. Hãy xem 7 người được chọn để phỏng vấn đó nằm trong bao nhiêu người được khảo sát?

Con cháu chúng ta nhầm lẫn là dễ hiểu. Những gì được soạn ra cho chúng học, đọc do chính thế hệ phụ huynh lũ trẻ soạn ra, mà thế hệ phụ huynh cũng không hề thông thái vượt trội so với hậu sinh.

Không thiếu phụ huynh chẳng hiểu Nguyễn Trãi và Lê Trãi có liên quan gì không? Lê Quý Đôn thì liên quan gì với Lê Danh Phương? Lê Đại Hành và Lê Hoàn ông nào làm vua? Đinh Tiên Hoàng liên quan gì tới Đinh Bộ Lĩnh;  Bà Triệu có liên quan gì đến Triệu Trinh Nương, Triệu Thị Trinh không; Lê Thái Tổ và Lê Lợi có cùng thời với Bình Định Vương không? Không tin các bạn cứ ra cây xăng Trần Hưng Đạo hỏi ông Hưng Đạo Vương với Trần Quốc Tuấn ai tài giỏi hơn? Đến phố Lý Thường Kiệt hỏi dân xem Ngô Tuấn là ai? Có thể có người trả lời nhưng chắc không ít người nhìn bạn cảnh giác và lánh đi cho lành.

Tôi không bênh học sinh lười học lịch sử. Nhưng cần nói rõ, để nhớ được những điều trên như một con vẹt không phải là điều môn lịch sử cần đến. Điều quan trọng là tư duy phân tích và đánh giá nhân vật sự kiện thì dường như không ai quan tâm. Vậy nhớ để làm gì. Nói dại chứ hôm ấy mà có cháu nào lại cao hứng hỏi chú phóng viên có biết Bắc Bình Vương là ông nào, Hồ Thơm là bác nào không thì chả chắc chú phóng viên đã dám đưa lên hình.

Hãy khảo sát các phóng viên xem mấy ngươi còn nhớ được hằng đẳng thức đáng nhớ nào không?

Thế hệ của phụ huynh các cháu khi học đã được truyền cho những thủ thuật để nhai môn sử dai như mực khô làm từ cao su. Thí dụ công thức Nguyên - diễn - ý. Nghĩa là bất kỳ bài sử nào cũng phải nhớ: Thứ nhất nguyên nhân, thứ hai diễn biến, thứ ba ý nghĩa. Theo bài sẽ có một thìa bối cảnh, một đĩa diễn biến và một túi bài học rút ra.

Minh họa của Tả Từ.

Tương tự như vậy ở môn văn, ngày xưa phụ huynh các cháu đã rung đùi yên chí rằng phẩm chất con người mới chỉ có 4 phẩm chất, là "Yêu căm chiến lạc". Xin đừng vội đột quỵ thưa quý vị! Hãy nhớ phẩm chất sau đây:  Phẩm chất 1 - Yêu nước nồng nàn; phẩm chất 2 - Căm thù giặc sâu sắc; phẩm chất 3 - Chiến đấu dũng cảm; phẩm chất 4 - Lạc quan. Cứ đủ mục ăn điểm.

Lớp lớp theo nhau học thuộc bài và cái não không bao giờ được sử dụng, đúng như câu: "Rắn là loài bò… Rắn là loài bò… sát không chân”.

Hãy thất vọng về các cháu vừa thôi. Hãy nhìn thấy lỗi của chính mình trong đó. Hãy có trách nhiệm hơn với kiến thức, hành vi của chính mình vì trẻ con học nhiễm phụ huynh nhanh hơn bất cứ cách nào. Trách nhà trường vừa thôi.

Đừng trách trẻ em không thuộc sử ta mà thuộc “Tam Quốc diễn nghĩa” như cháo. Hãy soạn sách hay hơn, hãy làm phim hay hơn thay vì cười ngặt nghẽo trước vài cháu không quan tâm đến lịch sử. Học sử không phải một sớm một chiều và không nên bắt các cháu cấp 1 phải thạo những điều mà tương lai đằng nào các cháu cũng biết.

Còn bạn, bạn có hãnh diện khi nói theo ai đó mà chẳng cần nghĩ không?

Lê Tâm
.
.
.