Không có gì mà ầm ĩ cả:

Một phút nghĩ đến người khác

Thứ Sáu, 27/03/2015, 08:15
Câu chuyện cấp cứu. Có một nạn nhân bị một mũi tên cắm trúng đùi. Hung thủ là ai chưa cần bàn. Cái cần bàn là y tế xử lý thế nào. Ngay lập tức nạn nhân được đưa tới bệnh viện. Bác sĩ phòng cấp cứu tiến hành tác nghiệp ngay. Ông yêu cầu đưa cưa đến. Các trợ lý y tá nói chỉ mũi tên đâm vào đùi thì chưa tới mức cưa chân. Họ còn can rằng, chuyên ngành của ông không phải mổ xẻ thì hãy làm đúng chức năng của mình.
Ông một mực bảo cứ đem cưa đến rồi sẽ biết ông xử lý ra sao. Cực chẳng đã thuộc cấp mang đến cái cưa. Trước ánh mắt kinh hãi của đồng nghiệp, ông cầm cưa tiến vào Xoẹt, xoẹt, xoẹt, xoẹt. Thân mũi tên bị cắt rời. Ông phấn khỏi đưa cho đồng nghiệp và bảo chuyển vào khoa phẫu thuật. Đồng nghiệp trố mắt hỏi: Sao tưởng ngài cầm cưa là phẫu thuật chứ chỉ cưa nửa mũi tên thì giải quyết vấn đề gì? Nửa còn lại vẫn ở nguyên trong đùi…

Bác sĩ cười bảo: Giải quyết phần trách nhiệm. Trách nhiệm tới đâu giải quyết tới đó.

Đây là tình trạng chung mà mọi khâu đều bị rắc rối. Ai cũng thích nói từ trách nhiệm, nhưng trách nhiệm của ai thì lại không ai biết. Người ta chỉ thấy trách nhiệm có hình một quả bóng đá bên nọ sang bên kia không có dấu hiệu dừng lại.

Mỗi khi có tai nạn xảy ra, bao giờ cũng có điệp khúc quen thuộc là rà soát lại quy trình, nhưng các tai nạn tiếp sau vẫn  tiếp tục xảy ra y như tai nạn trước.

Việc cần cẩu xây dựng đổ không phải hiếm gặp. Việc này lặp đi lặp lại chưa có dấu hiệu dừng. Vừa rồi, một chiếc cẩu dài đã đổ đến mức lật đổ gập cả xe. Việc cũng chìm vào quên lãng. Tài xế chỉ là nạn nhân của quy trình. Chẳng ai muốn chết cả.

Hiện trường vụ xe lửa bị lật.

Ngành đường sắt luôn cố gắng tăng tốc độ nhằm rút ngắn thời gian chạy tàu. Con tàu xuyên Việt vượt qua hàng ngàn, đường ngang chi chit với đầy các phương tiện lớn nhỏ băng qua như dệt cửi. Việc thiếu gác chắn là một nguyên nhân. Nguyên nhân chính là người lái xe không phải ai cũng tập trung cả ngày. Chỉ một chút lơ đễnh là mất mạng.

Về lý mà nói thì đường ưu tiên đương nhiên về nhà tàu. Nhưng thực ra tàu có thể dễ dàng vượt qua ma trận ấy không? Hãy xem, đường sắt sự chỉ được ưu tiên trên lý thuyết. Các đường cắt ngang không hề được chui xuống hay qua cầu vượt. Đã thế, giờ tàu rút xuống từ trên 40 tiếng xuống dưới 40 tiếng và dưới 30 tiếng đồng hồ. Điểm xung đột chắc chắn xảy ra. Chắc chắn trò chơi khủng khiếp này không phù hợp với sức khỏe lái tàu. Lái tàu không phải game thủ để ngày nào cũng chiến với trò chơi cân não này.

Việc phải đến đã xảy ra. Hãy nói chính xác là đã lặp lại, một chiếc xe băng qua mũi tàu gây vụ tai nạn kinh hoàng. Người lái tàu qua đời. Điệp khúc vẫn là "Điều đó không ai mong muốn". Nhưng lái tàu đã chết oan.

Lái ô tô có thể có vài lựa chọn còn lái tàu thì không. Lái tàu không có sự lựa chọn nào khác ngoài con đường duy nhất và tốc độ bắt buộc. Vậy mà họ vẫn phải hoàn thành phận sự như một con robot và qua đời như một con người. Trách nhiệm đương nhiên thuộc về người hoạch định đường sá và lịch chạy tàu. Nhưng tất cả vẫn bình thản. Nguyên nhân khó mà tháo gỡ. Câu chuyện mũi tên là đây chứ đâu.

Các công trường và các điểm vui chơi, trường học, công tác an toàn vẫn sơ sẩy để dẫn đến những cái chết thương tâm. Vừa rồi khu thả diều đã để diều cuốn một cháu bé 5 tuổi lên 20 mét và rơi. Không ai cứu nổi. Điệp khúc là điều không mong muốn… Tại sao khi tiến hành việc gì không dành một phút nghĩ tới những hệ lụy với xung quanh.?

Những chuyện biết rồi khổ lắm nói mãi vẫn cứ xảy ra vì sao? Chiếc máy dập ngày xưa do Liên Xô (cũ)sản xuất có 2 nút bấm để dập 1 sản phẩm. Khi đưa phôi vào, người công nhân phải đưa hai tay bấm đủ 2 nút thì máy mới dập xuống. Chỉ một tay là máy nghỉ ngơi. Vậy là đôi tay không bao giờ bị tai nạn.

Sự vận hành của chiếc máy cho thấy, ngươi thiết kế, khi bắt đầu ý tưởng đã chuẩn bị phương án an toàn cho khâu vận hành. Nghĩ đến người khác là hành động văn minh.

Còn bạn. Bạn có nghĩ thoáng lo cho ai đó khi đọc bài này không?

Lê Tâm
.
.
.