Quên mình

Thứ Hai, 06/04/2015, 12:00
Đôi khi cán bộ cơ sở gặp những đối tượng hết sức khó lường. Có lần tổ CSGT xử lý một sai phạm của tài xế. Đầu tiên là trợ lý thủ trưởng xuống xe ngó nghiêng, vị thủ trưởng mặc bộ com lê bước xuống xem đồng hồ rồi hất hàm: Tôi rất vội. Cán bộ hỏi gì thì vị này cũng không trả lời mà chỉ cảnh báo tôi rất vội.
Trợ lý của thủ trưởng cũng nhắc lại "Các ông đụng vào ổ kiến lửa rồi. Chúng tôi rất vội. Có cần để tôi a lô cho thủ trưởng của cậu". Trong khi đó, tổ CSGT quan sát thấy "tổ kiến lửa" đang đi đi lại lại liên tục, gọi điện cũng thấy có vẻ hôm nay gặp trường hợp "nhạy cảm".

Hàng ngày luôn gặp những công dân không chịu nhận trách nhiệm về mình mà chỉ câu trước câu sau là khoe mối quan hệ với anh Tư, dì Sáu, cô Út… Tuy vỗ ngực "Mày biết tao là ai không" nhưng ngay lập tức lại chứng minh bản thân chẳng có giá trị gì. Nhưng cuối cùng thì ''tổ kiến lửa'' cùng tài xế vẫn bị phạt đúng như quy định.

Thời nay, cái gì cũng dễ vỗ ngực ta đây lắm. Khi va chạm giao thông, người ta quát vào mặt nhau: "Mày biết tao là ai không?".

Khi va chạm trong khu tập thể các vấn đề liên quan đến trách nhiệm chung, nặng thì va chạm xây dựng cơi nới chèn ép, nhẹ thì chuyện vứt rác nơi công cộng, người ta cũng phanh ngực: "Mày biết tao là ai không?".

Nói mãi một câu cũng nhàm, có người lại quát: "Mày có biết bố tao là ai không?". Ôi chao: Mày người ta còn không biết, lại hỏi xem bố mày là ai thì bố ai mà biết được.

Vừa rồi, nghe một vị tiến sĩ kể rằng ông hay gặp những kẻ hay vỗ ngực: "Mày biết tao là ai không làm" ông rất bối rối. Thực ra ông đã quên rằng trong các truyện dân gian, mẫu ứng xử với tình huống này đã có rồi.

Minh họa Tả Tư.

Nhiều năm trước đã có chuyện thế này: Một thượng đế không muốn xếp hàng cùng mọi người bèn chen lên yêu cầu nhân viên của hãng hàng không xếp chỗ trước cho ông ta. Cô phục vụ yêu cầu ông ta xếp hàng thì ông ta nổi xung chỉ thẳng vào mặt "Mày biết tao là ai không?". Nếu như bình thường, ông thượng đế này có thể bị khép vào lỗi uy hiếp an toàn bay, nhưng lần này có vẻ khác.

Cô phục vụ bèn nói vào loa công cộng. Hiện nay ở quầy ABC có một hành khách bị mất trí nhớ, không biết mình là ai. Vậy đề nghị người nhà của ông đến ngay quầy để chăm sóc, hoặc gọi y tế điều trị cho hành khách "quên mình" này. Xin cảm ơn…

Ông khách "quên mình" tím mặt lủi xuống phía sau chấp nhận xếp hàng.

Có thể do hiện tượng mất trí nhớ này khá tràn lan nên tiểu phẩm "Bệnh nói nhiều" trên truyền hình đã chọc đúng mạch khán giả, khiến họ rung lên. Tiểu phẩm này làm nổi bật một câu nói được lặp đi lặp lại nhiều lần "Ở đời phải biết mình là ai chứ".

Chuyện khác, ở một cơ quan lớn, chú bảo vệ thấy có vị khách lớn tuổi xộc thẳng vào cổng bèn yêu cầu dừng lại hỏi lý do.

Khách lớn tuổi bảo: Tao gặp thằng A.

Chú bảo vệ ôn tồn: Bác nhầm rồi. Cơ quan này không có thằng A nào cả.

Khách lớn tuổi xẵng: Mày láo. Thằng A là giám đốc cơ quan mày ấy, nó là đệ của tao… Mày có biết tao là ai không?

Chú bảo vệ: Cơ quan tôi không có thằng A mà chỉ có giám đốc Nguyễn Văn A nhé. Mời bác ra về cho.

Khách lớn tuổi đứng hình và buộc phải rời cổng cơ quan.

Kinh tế phát triển chưa đủ, sự văn minh chỉ thực sự khi người ta biết ứng xử đúng mức.

Còn bạn, đã lần nào, bạn quên mình là ai chưa?

Lê Tâm
.
.
.