Không có gì mà ầm ĩ cả

Không dám ạ

Thứ Tư, 09/12/2015, 11:06
Trong một gian triển lãm gốm Bát Tràng, có hai cao nhân trẻ tuổi đầu trọc hàn huyên bên chén trà sương khói. Tôi cất lời: Chào các bạn. Xin phép ngắm gốm của các bạn được không? Cao nhân ngẩng lên: “Không dám ạ!” 

Nói đoạn, cao nhân quay ra bạn đối ẩm vừa cười vừa nói: “Hệ hệ hệ... Xời. Vừa học được câu "không dám". Phê lòi. Hệ hệ hệ...”

Giật mình vì lâu lắm mới nghe được câu "không dám ạ". Câu từ này từng phổ biến nhan nhản thời những năm 1970 trở về trước, nhất là ở quê. Đến nay thì cái câu đó hình như đã "tuyệt chủng" trong đời sống.

Thời trước, các cụ gặp nhau, câu chào là "Chào cụ ạ" và câu đáp là "Không dám ạ". Ngay cả trẻ con chào các cụ nhiều khi cũng được nghe câu: “Không dám! Cháu đấy à!”

Minh họa: Tả Từ.

Chữ "không dám" ở đây không hề rườm rà mất thì giờ, hủ lậu như tụi trẻ nghĩ. Nó thay cho một lời chào thể hiện sự nhún nhường. Bởi người được chào tự coi mình chưa đủ phúc đức để được nhận lời chào của người đối diện (Phận tôm cá đâu dám nhận lời chào từ rồng phượng v v...). Người đối diện bao giờ cũng cao quý hơn mình. Mặc nhiên là thế. Lời chào cao hơn mâm cỗ là như thế.

Bây giờ, các bạn trẻ nói chuyện với nhau cũng khệnh phết. Tý tuổi cũng anh anh chú chú và luôn coi bạn mình "chưa đủ tuổi". Ngày trước người ta ngại dành cho nhau từ ngu. Họ sẽ dùng từ là "nhận thức chưa được nhanh ". Hoặc "bạn ấy hơi chậm". Thanh niên thế kỷ 21 bây giờ sẵn sàng nói nhau là: "Mày ngu hết cả phần của chó". Hoặc "mày ngu như lợn. Xúc phạm lợn quá. Nói bé thôi không lợn nó tự ái..."

Các bậc trí giả xưa luôn có thói quen nhún nhường xã giao. Nhưng nó thực sự cần cho đời sống. Chỉ những kẻ tầm thường mới không biết khiêm nhường. Đã có thời nhà nho thì tự xưng mình là bỉ nhân, kẻ ngu hèn; nhà tu hành thì xưng mình là bần tăng; dân thì xưng là tiểu nhân; quan thì xưng là hạ quan, bỉ chức; Vua thì xưng là quả nhân.

Quần thần muốn nói gì cũng nhún một cái, lùi một bước.

Theo ngu ý của đệ thì...
Theo thiển nghĩ của hạ quan thì...
Thần trộm nghĩ...
... Kẻ ngu đần này đâu dám... v v

Ngay cách xưng là quả nhân cũng là khiêm nhường. Quả là chỉ sự cô quả đơn độc. Vì thế, vua có khi cũng xưng là cô.

Tướng quân đại thắng không bao giờ đắc ý rung đùi nhận mình tài giỏi mà bao giờ cũng chắp tay: “Giặc tan là nhờ hồng phúc của bệ ha”. Đến lượt nhà vua lại nhún nhường: “Quả nhân phận mỏng, ân đức chưa dầy. May được cơ nghiệp này cũng là nhờ các khanh xả thân phò ta”.

Trông lại nghìn năm trước, Đức vua Lý Thái Tổ xưa với tầm nhìn thiên niên kỷ đã muốn dời đô ra Đại La "nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời", nhưng ông không thảo một tờ quyết định, ký cái rụp và bắt triều đình cum cúp thi hành. Sau những dòng bảo vệ luận cứ của mình về thủ đô mới rất thuyết phục, cuối đoạn văn bản, đức vua vẫn hỏi: “Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?” Dành cho các cộng sự một câu hỏi chứ không áp đặt mới là sự khiêm nhường của bậc minh quân.

Đôi bạn nghệ sĩ của Bát Tràng đã "phê lòi" khi học được câu "Không dám ạ". Có thể do lạ tai mà dùng. Nhưng mãi thế nào cũng phát hiện ra những vi diệu bất ngờ. Bây giờ, giới teen cũng hay dùng câu "không dám đâu" nhưng với sắc thái đặc biệt. Hễ thấy cô gái nào bảo "không dám đâu" thì cứ coi chừng.

Sự tiến bộ của nhận thức luôn cho thấy cái chưa biết lớn gấp vạn lần cái đã biết. Trí thức hơn ai hết là người biết "sợ" và đương nhiên biết khiêm nhường. "Không dám ạ" là một câu đã biến mất. Tôi muốn nhắc tới nó như một di sản. Chứ để đánh giá cho đúng tầm của "Không dám ạ" này thì kẻ thô lậu này cũng "Không dám ạ".

Còn bạn. Bạn đã bao giờ khiêm cung với con em của mình chưa?

Lê Tâm
.
.
.