Không khí Tết ở khu nhà trẻ đặc biệt

Thứ Hai, 23/01/2017, 09:40
Những ngày cuối năm se lạnh, chúng tôi có chuyến công tác ở Trại giam Z30D, trại giam có quy mô lớn nhất nước. Một trong các nội dung công việc, chúng tôi được tận mắt chứng kiến cảnh sinh hoạt của một nhà trẻ đặc biệt - nơi nuôi dưỡng các cháu nhỏ dưới 3 tuổi “thụ án” cùng mẹ trong trại giam.


Quả thật, sau khi ở nhà trẻ này về, chúng tôi cứ suy nghĩ miên man về những ánh mắt trẻ thơ, những nụ cười trong sáng, thánh thiện của các em, đằng sau đó là những câu chuyện án phạm của những người mẹ đa số tuổi đời còn khá trẻ.

“Tết này mẹ con tôi sẽ được đón một cái Tết cùng người thân và bà con họ hàng”

Chúng tôi đến Khu giam giữ số 2 của Trại giam Thủ Đức (Tổng cục VIII - Bộ Công an, đóng tại huyện Hàm Tân, Bình Thuận) vào buổi chiều muộn khi tất cả phạm nhân nữ đã về để đón và chơi cùng con sau một ngày cải tạo lao động. Mới nhìn thì nhà trẻ này cũng giống như bao nhà trẻ khác, nhưng thực tế nhà trẻ này lại khác hoàn toàn với những nhà trẻ bình thường khác. 

Nơi đây được sắp xếp, tổ chức khá bài bản, ngăn nắp, sạch sẽ với những tủ đồ dùng học tập của các bé được ghi tên đầy đủ và rất ngăn nắp; cũng có những loại đồ chơi cho trẻ nhỏ, cũng có nôi, có võng, trên tường là những hình vẽ vui mắt, những nhân vật hoạt hình dành cho trẻ thơ… Trên hết là tiếng hát bi bô, tiếng cười nói của trẻ nhỏ. 

Những trẻ ở đây lớn nhất khoảng 3 tuổi đổ lại, đứa nhỏ nhất chỉ vài tháng tuổi, chúng ngồi ngoan ngoãn trong lòng mẹ hay chạy nhảy vui đùa vang cả một góc nhà. Có lẽ chúng chưa hiểu hết được lý do tại sao mẹ chúng lại mặc bộ đồ có sọc lạ như vậy và mẹ chúng đang phải làm gì ở đây…

Nhà trẻ này được xây dựng theo kiểu một ngôi nhà hình bát giác, gần như bao quanh là những dãy phòng ở mới xây, có khu ngủ, có kệ để đồ, nền gạch lúc nào cũng sạch sẽ, sáng bóng, có nhà vệ sinh ở bên trong. Xen kẽ xung quanh nhà trẻ là những cây cảnh xanh mướt, non bộ hài hòa và những chiếc ghế xích đu được sơn màu trắng…

Theo các quản giáo ở đây thì ý tưởng làm nhà trẻ và khu giam giữ riêng này là của Đại tá Trần Hữu Thông, Giám thị Trại giam Thủ Đức. Đúng như chia sẻ của vị Giám thị Trại giam Thủ Đức thì “dù gì đây cũng là nhà trẻ trong trại giam nên dĩ nhiên không thể nào đầy đủ như những nhà trẻ ở bên ngoài. Nhưng Ban giám thị trại muốn những đứa trẻ theo mẹ vào đây phải được tạo điều kiện sống tốt nhất, gần với môi trường bên ngoài, để khi các cháu trở về với gia đình và xã hội thì không có gì khác biệt”.

Chính vì không khí cuối năm càng gần đến Tết nên các nữ phạm nhân ở đây cũng ít nhiều chất chứa những tâm sự buồn nhớ gia đình, người thân, họ luôn cố gắng cải tạo, sửa đổi để mong ngày sớm được về với gia đình, với xã hội.

Hôm ấy, cả khu giam giữ dành cho mẹ có con “thụ án” cùng chia vui với mẹ con chị Đỗ Thị Linh (23 tuổi, quê Bà Rịa - Vũng Tàu). Bởi ngay ngày hôm sau chị Linh sẽ được đặc xá tha tù trước thời hạn. Trên nét mặt của Linh, chúng tôi và mọi người hôm đó đều cảm nhận được sự vui mừng khôn xiết, cả khu này chỉ có một mình chị Linh được đặc xá.

Theo lời chị Linh tâm sự thì chị phạm tội trộm cắp tài sản bị xử mức án 3 năm tù giam. Tính đến hôm được đặc xá, chị đã thi hành án được 16 tháng. Sau khi bị bắt giữ vào trại tạm giam, chị mới biết mình có thai với người yêu. Sau khi đến thụ án ở Trại giam Thủ Đức, chị sinh con ngay trong trại, đến nay con trai chị đã được 15 tháng tuổi. Điều đáng buồn là người bạn trai sau khi biết chị vào đây đã đi lấy vợ khác, không hề quan tâm gì đến mẹ con chị. 

“Những ngày đầu trong trại, nhất là khi biết mình mang thai quả thật tôi rất lo sợ và hoang mang, không biết tôi sẽ sinh nở ra sao, rồi tôi sẽ chăm sóc con thế nào. Nhưng khi sinh nở, tôi được các cán bộ quản giáo và lãnh đạo trại giam rất quan tâm và tạo mọi điều kiện tốt cho mẹ con tôi. Ở nhà trẻ, con tôi cũng được chăm sóc tốt và có chế độ ăn uống như sữa, cháo, ngủ nghỉ rất hợp lý, đau ốm có cán bộ y tế thăm khám, điều trị. Chính vì sự quan tâm chu đáo đó của trại và các cán bộ quản giáo đã giúp tôi thay đổi suy nghĩ tích cực để lo cho con và nhất là cần phải cố gắng cải tạo, chấp hành mọi quy định của trại để sớm được đặc xá…”, chị Linh chia sẻ.

Sau thời gian cải tạo tốt và chấp hành nghiêm nội quy của trại, chị Linh đã được đặc xá tha tù trước thời hạn. Nhìn chị chuẩn bị dọn đồ đạc và chuyển một số vật dụng cá nhân cho mẹ con các phạm nhân khác ở lại, nhiều nữ phạm nhân rưng rưng bởi dù gì họ cũng có thời gian ở cùng nhau, cùng giúp nhau vượt qua những lúc khó khăn. 

“Hôm nay là ngày cuối cùng mẹ con tôi ở đây, thực sự cảm xúc lúc này không biết diễn tả ra sao. Vậy là Tết này mẹ con tôi sẽ được đón một cái Tết cùng người thân và bà con họ hàng. Tôi tự hứa với mình sau này sẽ phải sống tốt, làm ăn lương thiện để nuôi con nên người, bù đắp lại những ngày đã qua”, chị Linh xúc động.

Mỗi đứa trẻ là mỗi phận đời gắn liền với những năm tháng thi hành án của mẹ chúng

Một nữ phạm nhân khác tên Bé, quê ở Kiên Giang, năm nay mới 22 tuổi cũng tương tự như chị Linh khi sinh con tại trại. Bé đang phải thụ án 8 năm tù giam vì tội Mua bán trái phép chất ma túy. Đáng nói là Bé và người chồng chưa đăng ký kết hôn cùng bị bắt giữ ở quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh vào năm 2014; khi đó Bé đang mang thai. Đến nay, con gái của Bé đã được 19 tháng tuổi. 

Nhìn hình ảnh Bé ôm và dỗ dành con gái của mình, thật khó lý giải tại sao Bé lại sai lầm để rơi vào tình cảnh này. Nhưng nghĩ kỹ mới thấy phải chăng chính đứa con đã khiến cho người ta suy nghĩ đúng đắn hơn và theo đó là những hành động, cử chỉ cũng dịu hiền và đáng yêu hơn.

“Vợ chồng tôi chung sống với nhau nhưng chưa cưới hỏi hay đăng ký kết hôn, rồi sau đó phạm sai lầm dẫn đến kết cục như ngày hôm nay. Sinh con ở đây tưởng rằng sẽ có nhiều khó khăn, mệt mỏi, nhưng rồi tôi cũng đã vượt qua nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ tận tình của cán bộ quản giáo và cả những nữ phạm nhân khác cũng động viên, giúp mẹ con tôi nhiều. Chính nhờ đó và nhất là có thêm đứa con đã giúp tôi thay đổi suy nghĩ và cách sống của mình. 

Do vợ chồng tôi sai lầm nên con tôi không được sống trong môi trường bình thường như những đứa trẻ khác - dù ở đây cũng có ít nhiều điều kiện tương tự như bên ngoài, đó là thiệt thòi rất lớn cho con. Hiện chồng tôi cũng đang phải thụ án 7 năm tù giam ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Thời gian thụ án của cả hai vợ chồng tôi cũng còn khá dài, nhưng tôi sẽ cố gắng cải tạo tốt để sớm được đặc xá, về nhà nuôi dạy con nên người”, Bé thật lòng tâm sự.

Cũng mang mức án 8 năm tù giam vì tội danh Mua bán trái phép chất ma túy và cũng ở vào độ tuổi như phạm nhân Bé, Đinh Nhật Tường Vy (ở quận 12, TP Hồ Chí Minh) nhập trại khi biết mình mang bầu được 4 tháng. Đến nay, con trai của Vy đã 14 tháng tuổi.

Giống như chia sẻ của Bé, Vy cũng cho rằng tại trại giam này, mẹ con Vy và mẹ con các nữ phạm nhân khác luôn được ưu tiên rất nhiều so với các phạm nhân nữ bình thường. Nhất là chế độ chăm sóc sức khỏe, thuốc men và ăn uống của mẹ con phạm nhân khá đầy đủ nên họ không có gì phải quá suy nghĩ. Chính điều này là động lực để họ yên tâm và cố gắng cải tạo tốt mong được giảm án sớm.

“Sau này, khi được tự do, em sẽ về buôn bán để kiếm tiền một cách lương thiện nuôi con nên người, không thể để con em quá khổ cực hay đi vào con đường lầm lỗi như mẹ nó được”, Vy nói như tự hứa với chính bản thân mình…

Theo Thượng sĩ Hoàng Diễm Quỳnh, cán bộ quản giáo tại Khu giam giữ số 2, nhà trẻ này hiện có 36 trẻ từ dưới 3 tuổi trở xuống (18 cháu nữ, 18 cháu nam). Theo quy định chung, trại giam chỉ được phép cho những đứa trẻ này ở cùng mẹ đến khi 3 tuổi. Qua khỏi tuổi này, các bà mẹ vẫn còn thụ án phải tìm cách vận động gửi con về cho thân nhân nuôi dưỡng. Trường hợp những đứa trẻ không có thân nhân thì bắt buộc phải gửi vào các trung tâm bảo trợ xã hội. Tuy chịu nhiều thiệt thòi, nhưng các cháu rất ngoan, ít quấy khóc. Hàng tháng theo định kỳ, các cháu đều được tổ chức tiêm chủng, đảm bảo theo đúng chương trình tiêm chủng mở rộng của Nhà nước.

“Khi các cháu theo mẹ vào đây, chúng tôi hiểu được rằng các cháu luôn thiếu thốn về mặt tinh thần và vật chất. Vì thế, chúng tôi luôn quan tâm, gần gũi các cháu. Về chế độ, các cháu được hưởng các chế độ theo đúng quy định của pháp luật. Những người mẹ là phạm nhân được nghỉ sinh theo chế độ 6 tháng, mức lao động chỉ bằng nửa phạm nhân khác. Ngoài ra, các cặp mẹ con ở đây còn thường xuyên được Ban giám thị, Đảng ủy đơn vị, Ban chỉ huy khu giam giữ, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ quan tâm thăm hỏi, động viên, nhất là vào những dịp lễ, Tết như Tết Trung thu, Quốc tế Thiếu nhi hay nhất là Tết Nguyên đán... Tất cả nhằm giúp các cháu được sống như trong điều kiện bình thường nhất có thể”.

Cũng theo nữ cán bộ quản giáo này, thì ngày thường ngoài khẩu phần ăn dinh dưỡng, trại còn mua thêm sữa cho các cháu uống, trang bị đồ chơi, đồ dùng học tập để các cháu phát triển trí tuệ, không bị thiệt thòi so với các bạn khác ở ngoài. Ngày lễ, Tết, các cháu được ở gần mẹ để nhận được sự chăm sóc, yêu thương, lãnh đạo đơn vị đến tận buồng giam tặng quà mừng tuổi, phát quần áo mới… Chế độ ăn uống, quà bánh trong ngày Tết cũng được trại nâng lên cao hơn mấy lần so với ngày thường.

Dù vẫn biết những chính sách tốt đẹp ấy đã giúp các phạm nhân nữ có con theo mẹ an tâm chấp hành án tốt. Những đứa trẻ cũng lớn lên bình thường. Nhưng thiết nghĩ chắc chắn không đâu tốt hơn cho trẻ bằng việc được chăm sóc, vui chơi, học hành trong gia đình cùng cha mẹ, người thân ruột thịt và môi trường xã hội lành mạnh. Nhưng đa số những trường hợp đem theo con vào đây là do những hoàn cảnh đặc biệt như: phạm tội trong thời gian mang thai; không còn thân nhân để nuôi dưỡng con nhỏ, hoặc gia đình, thân nhân của họ quá nghèo khổ, từ chối nhận nuôi trẻ.

Có lẽ ai cũng biết, mỗi đứa trẻ ở đây là mỗi phận đời gắn liền với những năm tháng tù tội của mẹ chúng. Dù theo chính sách nhân đạo của Nhà nước, những đứa trẻ theo mẹ vào trại giam được chăm sóc, dạy dỗ và được hưởng đầy đủ các chế độ theo quy định. Nhưng dù gì vẫn không thể như bên ngoài bình thường, nên ít nhiều các trẻ này cũng phải chịu nhiều thiệt thòi. 

Chứng kiến những hoàn cảnh, mảnh đời kể trên và nhiều trường hợp mẹ con phạm nhân khác, khiến chúng tôi không khỏi xót xa, thương cảm. Nhưng tội lỗi nào cũng phải trả giá, đây cần được xem như những tiếng chuông cảnh tỉnh, bài học đắt giá cho mọi người cùng suy ngẫm và lựa chọn hành động đúng đắn cho mình.

Phú Lữ
.
.
.