Không sao đâu

Thứ Tư, 05/06/2019, 22:33
Một chiếc xe tải 17 tấn, bò qua một cây cầu chịu tải 8 tấn. Hỏi: Xe có qua được cầu không? Đáp: Cầu gẫy, xe rơi. Chuyện vừa xảy ra ở Đồng Tháp.

p>Trong khi sập, đoạn cầu đè lên một chiếc sà lan. Xe tải chưa chìm hẳn do mắc vào cầu nên nửa chìm nửa nổi.

Một chiếc cần cẩu được đưa tới cứu hộ xe tải trong tình trạng âm dương khắc khoải. Trục không thành công. Cần cẩu gẫy đôi. Xe rơi xuống nước.

Như vậy chỉ 1 xe đã khiến 3 phương tiện bị hủy hoại. Ấy là cây cầu, chiếc xà lan và cần cẩu.

Biết xe mình nặng hơn gấp đôi sức chịu tải của cây cầu nhưng tài xế vẫn cố trong may rủi. Anh tài xế nào cũng nghĩ "không sao đâu".

Tài nữa là anh lái cần cẩu biết thừa sức cần cẩu mình không khỏe bằng cái cầu mà cũng cố trục vớt kéo cái xe 17 tấn lên. Anh lái cẩu cũng nghĩ "không sao đâu". Thế là cái cần cẩu bị gãy đôi như dự báo.

Chúng ta nói chung không quan tâm đến chuẩn cho phép. Mỗi người đều vượt quá giới hạn trong văn bản quy định một cách thản nhiên vì "không sao đâu".

Thí dụ một xe máy có thể kẹp từ 3 trở lên. Nhiều xe chở 4 - 5 người phóng bạt mạng. Mũ bảo hiểm cũng vậy. Nhiều người không đội vì nghĩ "không sao đâu". Rất nhiều người đi xe xịn, quần áo giày dép, kính, đồng hồ toàn hàng hiệu nhưng lại dùng một cái mũ bảo hiểm rởm 20.000 đồng.

Xe tải đáp ứng nhu cầu công việc cũng thường cơi nới thành thùng cho cao lên để chở được nhiều hơn. Càng cơi nới xa thiết kế tới mức thùng cao chót vót thì xe càng mất thăng bằng, gây nguy hiểm. Nhưng với nhà xe thì vẫn cho rằng "không sao đâu".

Minh họa Tả Từ
Dịch vụ xe khách thời cạnh tranh thị trường đã có nhiều tiện lợi phục vụ khách hàng nhưng vẫn không ít trường hợp nhồi khách vượt quy định.

Có xe 45 chỗ thì chở 100 người, xe 29 chỗ chở 64 người. Nhà xe ai cũng nghĩ là "không sao đâu". Hành khách được "nhồi" cũng chả sung sướng gì nhưng lại nghĩ "không sao đâu", miễn về kịp đến nhà. Nhưng có không ít trường hợp không kịp về nhà chỉ vì ẩu.

Cứ ba xoa hai đập, miễn là thực dụng cho việc mình mà bỏ mặc tổng thể chung. Thành ra người xây kẻ phá cùng tồn tại. Mỗi khi có chuyện xảy ra, chúng ta thường nghĩ đến việc xử phạt không đủ sức răn đe. Các văn bản quy định xa rời thực tế, nhiều sơ hở dễ để cho người vi phạm "lách".

Nói vậy thôi, phải công nhận với nhau, không có văn bản nào bám sát được đời sống như hình với bóng. Mỗi cá nhân thực ra đang dễ dãi không có tinh thần phân minh của riêng mình. Với tinh thần dễ dãi như vậy thì suốt đời chỉ hành xử kiểu đối phó chứ không phân minh đúng - sai. Mỗi khi bị cơ quan chức năng xử phạt thì thường có thái độ tiêu cực, kêu oan hoặc quay clip, thậm chí tấn công người thi hành công vụ.

Còn bạn. Bạn có thường xuyên suy nghĩ kiểu "không sao đâu" không?

Lê Tâm
.
.
.