Kiện vì mua phải... bao cao su lỗi

Thứ Hai, 16/03/2020, 16:43
Hai người đàn ông ở Uganda đã quyết định nộp đơn kiện một tổ chức từ thiện quốc tế vì phân phát bao cao su bị lỗi khiến một trong số họ nhiễm HIV và người còn lại mắc bệnh lậu. Vụ việc đang gây xôn xao dư luận Uganda những ngày gần đây.


Vụ kiện hy hữu

Hai người đàn ông có tên là Joseph Kintu và Sulaiman Balinya cho biết, họ đã mua bao cao su Life Guard từ các cửa hàng được cung cấp bởi tổ chức Marie Stopes ở Uganda vào tháng 10/2019. Kintu nói rằng anh ta đã mua một hộp bao cao su từ các lô bị thu hồi tại một hiệu thuốc ở Nakaseke. 

Bao cao su bị rách khi quan hệ tình dục và sau đó, Kintu tiến hành xét nghiệm HIV có kết quả dương tính vào ngày 6/11/2019. Do không biết, anh đã truyền HIV sang vợ. Anh và gia đình đang phải chịu đựng nỗi đau tinh thần.

Trong khi đó, Balinya cho biết, anh mắc bệnh lậu sau khi sử dụng bao cao su. Hiện Balinya cũng đang phải chịu đựng nỗi đau bệnh tật và sự ám ảnh về tinh thần. Vào tháng 11, Marie Stopes International đã thu hồi hơn một triệu bao cao su ở Uganda sau khi cơ quan quản lý dược phẩm của chính phủ (NDA) phát hiện ra rằng, hai lô bao cao su bị thủng và không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Bao cao su thương hiệu Life Guard được bày bán tại một hiệu thuốc ở Kampala.

Trong một bản kiến nghị chung của bốn công ty luật gửi cho bộ phận dân sự của tòa án tối cao ở  Kampala cho biết, Marie Stopes Uganda đã nhập khẩu và phân phối hai lô bao cao su bị lỗi cho công chúng trước khi có kết quả kiểm định chất lượng của NDA. 

Được biết, Marie Stopes Uganda là tổ chức chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục lớn nhất Uganda, cung cấp tới 2 triệu bao cao su trên toàn quốc mỗi tháng.

Noel Nuwe, cố vấn pháp lý của các nguyên đơn cho biết, những người đàn ông sẽ chứng minh rằng, họ có sức khỏe tốt và không mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục trước khi sử dụng bao cao su. Kiến nghị nêu rõ rằng, nhà sản xuất bao cao su bị lỗi - MHL Health, có trụ sở tại Ấn Độ đã bị đình chỉ cung cấp sản phẩm cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ dân số của Liên Hợp Quốc (UNFPA).

Bảo vệ và tôn trọng quyền của công dân

Người phát ngôn của Marie Stopes International cho biết, “chúng tôi có thể xác nhận rằng, vào tháng 11/2019 đã thu hồi hai lô bao cao su Life Guard theo yêu cầu của NDA. Các lô sản phẩm thu hồi có tổng cộng khoảng 335.000 hộp bao cao su, trong đó chúng tôi đã thu hồi được 288.000 hộp. Chúng tôi thực hiện mọi biện pháp có thể để đảm bảo rằng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao nhất.

Chúng tôi hiện đang sử dụng sản phẩm của những nhà sản xuất uy tín và các sản phẩm đều được kiểm định chặt chẽ trước khi xuất xưởng. Life Guard là một trong những thương hiệu sản xuất bao cao su phổ biến nhất ở Uganda và khách hàng có thể yên tâm rằng, lỗi chỉ xảy ra với hai lô bao cao su đã bị thu hồi”, người phát ngôn của Marie Stopes International nói.

Người phát ngôn của Marie Stopes International cho biết thêm, tổ chức này đã làm việc với NDA để điều tra những gì đã xảy ra với hai lô này và đang thực hiện các biện pháp để có  được những sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng cao.

Các nhà hoạt động xã hội lên tiếng hoan nghênh vụ kiện như là một hành động thúc đẩy, bảo vệ và tôn trọng quyền lợi sức khỏe của công dân Uganda. Thực tế đã xảy ra không ít vụ nhập khẩu hàng lậu, hàng kém chất lượng gây xôn xao dư luận Uganda. Milly Katana, một chuyên gia y tế công cộng và nhà vận động phòng chống HIV cho biết cô sẽ theo dõi sát sao vụ việc.

Hơn một triệu bao cao su không đảm bảo chất lượng đã bị thu hồi ở Uganda vào tháng 11/2019.

“Để có được sản phẩm chất lượng đảm bảo sức khỏe cho người dân, cần có sự chung tay của cả cộng đồng như hoạt động của các cơ quan quản lý, kiểm định chất lượng, các chuyên gia y tế cũng như sự lên tiếng tự bảo vệ mình của người dân”, Mitch Katana nói. 

Quay trở lai vụ kiện của Joseph Kintu và Sulaiman Balinya, Mitch Katana cũng hoài nghi rằng, liệu kết quả xét nghiệm HIV dương tính với Kintu có liên quan đến việc bao cao su lỗi hay không khi người đàn ông này mua bao cao su vào tháng 10 và kết quả xét nghiệm là ngày 6/11.

Được biết, theo ước tính của UNAids, Cơ quan phòng chống HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc, ước tính có khoảng 6% người dân Uganda từ 15 đến 49 tuổi sống chung với HIV. Số ca nhiễm HIV ở phụ nữ trẻ từ 15 đến 24 tuổi nhiều hơn gấp đôi so với nam thanh niên.

Mạnh Tường (tổng hợp)
.
.
.