Kiếp không chồng

Thứ Năm, 31/03/2016, 18:57
Họ là những người đàn bà một thời lang bạt, làm đủ thứ nghề, yêu đương… thoáng. Thành quả của chuỗi ngày ngang dọc là một cuộc đời xơ xác nghèo đói và những đứa con không có cha.  


1.Tiếng nô đùa của trẻ con vang khắp xóm, từng tốp đàn bà tụm năm tụm bảy tỷ tê buôn chuyện, không gian vắng bặt hình bóng của đàn ông. Đó là nhịp sống quen thuộc của nhiều gia đình ở xóm "cô đơn" (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Nhiều năm nay, trẻ con ở đây không ngừng được sinh ra, dân số của xóm chưa bao giờ giảm đi, tất cả chúng đều không có cha và sống cuộc đời nghèo khổ, thiếu thốn.

Dường như đã thành nếp quen, những người đàn bà trong xóm không mảy may nghĩ ngợi đến danh phận và nỗi buồn cô độc. Họ vui vẻ chấp nhận, vô tư sống và hồn nhiên yêu. Nguyễn Thị Thương (43 tuổi) sinh ra trong một gia đình nghèo ven dòng sông Hàn thơ mộng.

Phụ nữ ở xóm phải đi làm những công việc nặng nhọc.

Nhà lắm con, Thương không được học hành đến nơi đến chốn, sớm phải ra đời lang bạt tự nuôi thân. 12 tuổi, Thương đã trở thành đứa con gái từng trải, chẳng biết sợ đời là gì. Thương đi bán vé số, đi lượm ve chai, đi phụ quán ăn… Nói chung là làm tất cả những việc "thượng vàng hạ cám" để tồn tại trong một thế giới nhộm nhoạm tốt xấu, đầy bất trắc. 17 tuổi, Thương "bập" vào yêu.

Gã trai đến với Thương như nắng hạn gặp mưa rào, như cây khô chờ người tưới nước. Tình yêu của Thương vồn vã, mãnh liệt. 18 tuổi, Thương sinh con trai đầu lòng. Tình yêu không hôn thú, cũng không thành vấn đề giữa những con người chọn cách sống "tối đâu là nhà, ngã đâu là giường". Thời gian Thương "nằm ổ", anh "chồng" chạy tối mặt lo cơm áo gạo tiền, nhưng không thấm tháp vào đâu.

Vốn mau miệng, từng trải đời, Thương cắp con đỏ hỏn đi kiếm ăn. Thương quay lại nghề ve chai, đồng nát, cái nghề vất vả nhưng được những đồng tiền tươi, giật gấu vá vai qua ngày đoạn tháng. Con cứng cáp một chút, vợ chồng Thương rảnh rang lo chuyện làm ăn. Bên nội gọi hai vợ chồng về chia cho miếng đất nhỏ, cho ít vốn cất căn nhà. Tổ ấm của Thương ngỡ như mơ khi không phải sống ở "khách sạn ngàn sao" nữa.

Có nhà cửa, tinh thần lạc quan, vui tươi, Thương lại chửa đẻ. Hai đứa con, như hai cục đất biết ăn, bám riết lấy vạt áo người mẹ. Đang loay hoay cùng cực trong cuộc sống thì anh "chồng" bỗng dưng trở chứng, sa vào thói lười nhác, ngủ nhiều làm ít, yêu đương nhăng nhít bên ngoài. Thương quay cuồng bất lực, càng gào thét chửi bới "chồng" thì càng đổ thêm dầu vào lửa.

Cuối cùng, anh ta gọi người về bán nhà đất, lấy hết tiền đi theo gái. Vì không hôn thú, không giấy tờ pháp lý nên Thương trắng tay ra khỏi nhà. 22 tuổi, tài sản duy nhất của Thương là 2 đứa con không cha. Chị không dám quay về quê, phải ôm con tá túc ở nhà một vài người bạn cùng kiếp "bờ bụi".

Thành phố Đà Nẵng dưới thời Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh có chủ trương tập hợp các chị em phụ nữ đơn thân về sống tại khu nhà liền kề ở phường Hòa Minh, nhằm tạo điều kiện về nơi ăn chốn ở để các chị lo chăm sóc con cái. Sau này thành phố nâng cấp lên thành những dãy chung cư, cho chị em thuê với giá rẻ. Cùng với hàng trăm chị em khác, Thương được một chân "an cư lạc nghiệp". Có nơi ở mới, người đàn bà hai con bớt nhọc nhằn hơn, con trai lớn học xong phổ thông đã đi xuất khẩu lao động, con gái thứ đang học lớp 12.

Con cái lớn, mẹ góa ở một mình không biết làm gì, vào ra ngắm trời biển mãi cũng chán, thế là chị lại yêu. Cuộc tình vụng trộm của chị với người đàn ông làm nghề xây dựng đã có gia đình kéo dài nhiều năm. Anh làm xây dựng đi khắp các nẻo đường, hôm gặp chị đang ngồi vắt vẻo uống cà phê vỉa hè, anh buông câu tán tỉnh bông đùa, không ngờ chị cười õng ẹo, tán lại khí thế.

Và mưu sinh ngoài biển.

Bắt được "sóng" của nhau, anh mời chị đi cà phê một lần rồi cả hai "say" nhau luôn. Lén lút một thời gian thì chị mang bầu, người tình đòi bỏ nhưng chị nhất quyết không chịu. Chị vừa khóc vừa van xin: "Giờ hai con của em đã lớn hết rồi, chúng đi vắng nhà thường xuyên. Em muốn sinh đứa con này để làm bạn, em không cần anh phải chịu trách nhiệm".

Sau câu nói khẳng khái đầy quyết tâm của chị, gã đàn ông phủi áo ra đi, nhẹ tênh. 40 tuổi, chị lại mang bầu, lại tối mặt chăm con nhỏ. Thằng con đi xuất khẩu lao động đã biết gửi tiền về phụ mẹ nuôi em nên chị đỡ vất vả hơn xưa. Cha đứa bé thấy ăn năn day dứt đôi lần ghé thăm con, lúc đầu chị hận quá đuổi đi nhưng gã dúi cho chị chút tiền, cợt nhả vuốt ve, chị lại nguôi, lại dịu dàng cho gã "sà vào lòng". Cứ thế, ba năm nay, người cha "tàng hình" của con chị những lúc "chán cơm" lại mò đến, xem chị như một nơi giải tỏa nỗi buồn. Chị biết điều đó, nhưng thực tâm thì chị cũng cần một người đàn ông, chị muốn được yêu.

Chị tâm sự: "Thật ra bây giờ mình còn qua lại vài anh nữa, mình triệt sản rồi không sợ gì hết". Nói rồi chị cười, rất vô tư và bình thản. Chị bảo rằng, đời chị trải qua hết cay cực, phũ phàng rồi nên bây giờ chả ngán gì hết. Thích gì cứ chơi, yêu ai cứ yêu. Và để bảo đảm an toàn cho những cuộc tình, chị đi triệt sản luôn. Vừa đỡ phải lo nghĩ, vừa được hơn một triệu tiền bệnh viện cho.

Từ ngày triệt sản, chị vui tươi hẳn ra, da dẻ hồng hào, phốp pháp lên được mấy ký thịt. Chị tiết lộ, vừa mới quen được một anh làm bên du lịch, cũng vợ con đề huề rồi nhưng vẫn thích "của lạ". Anh không cho chị tiền, nhưng anh hay dẫn chị đi du lịch, ngắm biển, ăn uống sả láng, chị như được sống lại những ngày mười tám đôi mươi. Gã đàn ông cũ biết được đã ghen lồng lộn lên, định gặp anh kia sống mái một phen, chị sợ quá chủ động chia tay để tránh đổ máu.

Bản thân là thế nhưng chị vẫn ưỡn ngực tự hào, vì được chị em tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ hòa giải của xóm. Xóm toàn đàn bà không chồng thì có việc gì phải hòa giải? Chị vỗ đùi đành đạch: "Gớm, toàn đánh ghen thôi. Sứt đầu mẻ trán suốt đấy". 

Niềm vui hiện tại của chị Thương là đứa con gái 3 tuổi.

Chị ghé tai chúng tôi: "Ở đây đàn bà sống cô đơn lâu ngày, trái tim mỏng manh lắm. Những gã đàn ông đến rồi đi, bỏ lại cái xác vô hồn ngóng đợi và những đứa con không có cha. Biết là yêu sẽ đau khổ, nhưng chẳng ai chịu ở không, cứ lao vào chỗ "đau khổ" ấy".

2. Chị Trần Thị Huệ (45 tuổi) một nách 5 đứa con. Không những con đùm con núm mà chị Huệ còn bị thọt một bên chân, đi cà kheo, mông má méo xẹo mà vẫn đẻ như gà như vịt. 5 đứa con của chị, người ta chỉ biết chúng được sinh ra cùng một mẹ chứ không biết cha chúng là những ông nào? Đến từ đâu?

Năm năm trước, chị Huệ dạt từ bãi cá Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) về, ôm theo 4 đứa con nheo nhóc. Chị bị khuyết tật nên không ai thuê làm công, chỉ quanh quẩn đi bán vé số kiêm ve chai sắt vụn. Có nhà giàu trong thành phố thấy hoàn cảnh mẹ con chị đáng thương đã thuê chị làm ôsin theo giờ. Mỗi ngày chị cũng thu về hơn trăm ngàn, đủ mua gạo cho đàn con. Con chị lớn lên, chẳng đứa nào được học hành tử tế, mới lớn một chút đã phải ở nhà trông em, lớn hơn chút nữa thì ra đời làm lụng phụ mẹ. Ấy thế mà chị lại rất "sát" trai, nhiều gã đàn ông chết mê chết mệt chị, nhưng toàn gã nghèo, đến với chị vì tình yêu chứ không lo được cho mẹ con chị nồi cơm bát cháo.

Phận đàn bà yếu mềm, lại mang bệnh tật trong người thấy ai thương, ai tốt với mình thì nhắm mắt dâng hiến vô điều kiện. Cũng vì yêu nhiều, lại "mắn" đẻ nên chị quyết định đi triệt sản cho "khỏe cái thân". Ai ngờ, triệt sản được 4 tháng thì chị lại mang bầu. Chị không tin, nghĩ mình mang khối u gì đó chứ "triệt" rồi làm sao có thai được. Nghĩ là vậy nhưng kinh nghiệm bốn lần chửa đẻ khiến chị dự cảm chuyện đã rồi.

Cầm kết quả siêu âm thai nhi bốn tháng mà chị điếng cả người, bác sĩ nửa đùa nửa thật nói với chị: "Do bà làm việc dữ quá nên đứt dây thắt ống dẫn tinh, thôi đẻ nốt lần này rồi vào đây buộc lại". Chuyện chị Huệ triệt sản rồi vẫn đẻ con trở thành đề tài đàm tiếu cho cả xóm. Đứa con bất đắc dĩ ấy bây giờ đã chập chững biết đi, còn cha của nó thì không biết ở nơi nào.

Biển về đêm, cái rét se sắt tràn vào xóm "góa", chúng tôi ngồi chờ chị Huệ đi làm ôsin về nhưng mãi không thấy. Đàn con của chị Huệ nhếch nhác xúc cơm ăn, vờn nhau khóc cười chí chóe, hình như chúng chẳng quan tâm đến việc mẹ đi đâu, làm gì? Và cả cái việc mẹ hay gặp bác nào đó, rồi một thời gian sau thì sinh thêm em bé, đã không còn là điều lạ lẫm nữa.

Ngọc Thiện
.
.
.