Kiệt tác đàn đá có thang âm chuẩn nhất Việt Nam

Thứ Ba, 19/04/2016, 16:46
Trong số 23 bộ đàn đá được các nhà khảo cổ, sưu tầm văn hóa ở Việt Nam tìm thấy trong chặng thời gian hơn 60 năm qua, bộ đàn đá Tuy An, tỉnh Phú Yên được xác định có hệ thống thang âm hoàn chỉnh nhất.

Đó là một phần kết luận của Hội đồng khoa học Bộ Văn hóa thông tin - nay là Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch. Bộ đàn đá Tuy An đã được các cơ quan chức trách ở Phú Yên đề nghị công nhận bảo vật quốc gia. 

1. Trong một cuộc tiếp chuyện phóng viên chuyên đề Cảnh sát toàn cầu, ông Huỳnh Văn Hồng, 65 tuổi, trú ở thôn Trung Lương, xã An Nghiệp, huyện Tuy An - người đã tìm thấy báu vật đàn đá, nhớ lại: 

“Hơn 25 năm về trước, vào một ngày giữa tháng 6-1990, trong lúc tui đang phát chồi, dọn cỏ trên triền núi Một, nằm giữa thung lũng rộng lớn ở vùng quê An Nghiệp để chuẩn bị trỉa bắp, thì tình cờ nhặt được một thanh đá khá đẹp, khi cầm rựa gõ vào chợt nghe âm thanh rất khác thường. Không dám nghĩ là mình đã nhặt được cổ vật, nhưng tui nhớ hình như trước đó có người ở Khánh Hòa, Đăk Lăk đã tìm thấy đàn đá, nên tui tiếp tục dò tìm quanh khu đất rẫy của mình và đã nhặt thêm một thanh đá nữa có hình dáng giống thanh đá thứ nhất. 

Chiều hôm đó tui mang hai thanh đá rời núi về làng nhưng trong lòng cứ ngổn ngang những nỗi lo ngại mơ hồ, nên tui cất giấu cạnh bên trổ nước ở bờ ruộng phía trước nhà và tưởng chừng sẽ lãng quên theo dòng thời gian năm tháng. Hơn một năm sau, hai thanh đá lại hiện ra khi gia đình tui tát cạn nguồn nước trong thửa ruộng. Đến lúc đó tui mới mang vô nhà lưu giữ, thỉnh thoảng mới lấy ra gõ vài tiếng trong đêm trăng để thưởng thức âm thanh trong trẻo ngân xa”.

Chừng như những báu vật tiền sử có sự giao lưu truyền cảm vô hình nào đó nên vài tháng sau, ông Huỳnh Văn Hồng lần lượt tìm thấy thêm 6 thanh đá khác ven con suối Đá Chẹt trong khu đất rẫy của gia đình ông ở núi Một. Mỗi khi nghe ông Hồng gõ 8 thanh đá, nhiều người dân trong xóm tìm đến để lắng nghe và cảm nhận những thanh âm lạ lẫm. 

Dù chưa biết rõ giá trị lịch sử – văn hóa nghệ thuật của những thanh đá, nhưng sau những lời bàn luận của nhiều người dân trong xóm, ông Hồng cảm nhận rất có thể đó là cổ vật. Vào thời điểm này, gia cảnh ông Hồng đối mặt với nhiều khó khăn trong đời sống thường nhật, ngoài các khoản chi phí học đại học cho đứa con gái đầu lòng, vợ chồng người nông dân này còn phải chăm lo cho hai người con nữa đang theo học bậc phổ thông trung học và trung học cơ sở, nên ông Hồng nghĩ đến chuyện tự mình cất công tìm hiểu giá trị 8 thanh đá để chuyển nhượng cho người khác. 

Mờ sáng, ông Hồng xếp 8 thanh đá vào bao tải, đưa lên xe đạp cọc cạch ngược về thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân, gõ cửa nhà người em trai. Do không có kiến thức về cổ học và âm nhạc nên sau một hồi săm soi, ngắm nghía 8 thanh đá, em trai ông Hồng chỉ biết...lắc đầu chào thua. Chính vì vậy những thanh đá tiếp tục xếp lại trong góc nhà ông Hồng hơn một năm nữa, vài ba bữa chủ nhân của nó lấy ra gõ cho những người trong xóm cùng nghe cho vui.

Bất ngờ giữa buổi sáng cuối năm 1991, một người khách lạ tuổi trung niên, nói giọng Nam bộ, chủ động tìm đến nhà ông Hồng dò hỏi những thanh đá nêu trên để xin được gõ thử và chụp ảnh. Cứ tưởng khách lạ nghe bà con trong làng đồn đoán nên tìm hiểu cho thỏa tính hiếu kỳ, nào ngờ vài ngày sau người đàn ông đó quay trở lại nhà ông Hồng đặt vấn đề mua 8 thanh đá với giá 2 lượng vàng. 

Giá cả hai bên thỏa thuận nhanh gọn, thế nhưng Chủ tịch UBND xã An Nghiệp kiên quyết từ chối xác nhận để vận chuyển 8 thanh đá vào TP Hồ Chí Minh theo đề nghị của bên mua, nên cuộc mua bán bất thành. Sau mấy ngày đêm suy tính, ông Hồng chủ động tìm gặp ông Nguyễn Văn Chiểu – Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tuy An để xin hiến tặng 8 thanh đá cho Bảo tàng Phú Yên và nhận được hai lần tiền thưởng có tổng trị giá khoảng 1 lượng vàng từ cơ quan chức trách.

2.  Để làm rõ giá trị lịch sử, văn hóa nghệ thuật của 8 thanh đá nêu trên, nửa năm sau đó, một Hội đồng khoa học do Nhạc sĩ Lưu Nhất Vũ – Viện trưởng Viện Văn hoá nghệ thuật Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh lúc bấy giờ làm Chủ tịch đã tiến hành nghiên cứu theo Quyết định số 532/QĐ ngày 30-6-1992 của Bộ Văn hóa thông tin – nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. 

Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam (trái) và nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (giữa) gõ nhịp đàn đá Tuy An. Ảnh : TRẦN QUỚI

Trong số 6 thành viên tham gia hội đồng khoa học, có Tiến sĩ Quang Văn Cậy – chuyên viên khảo cổ học có nhiều trải nghiệm của Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam, nhạc sĩ Ngô Đông Hải – Trưởng tiểu ban công tác đàn đá Việt Nam. Các nhà nghiên cứu âm nhạc, địa chất, khảo cổ trong hội đồng khoa học đã cất công tìm đến núi Một để truy xét nguồn gốc, thang âm 8 thanh đá. 

Theo nhiều lão nông gần cả đời gắn bó ở xã An Nghiệp kể lại rằng, gần 70 năm về trước, trên lưng chừng núi Một có ngôi miếu thờ Thần linh, được cư dân địa phương tôn kính, cúng tế thường niên để cầu mong thái bình an lạc, mùa màng tươi tốt, bội thu. Đến nay, chưa ai biết ngôi miếu đó tôn thờ vị thần nào, nhưng các triều đại phong kiến đã phong 7 sắc thần, còn dấu tích ngôi miếu đã bị chiến tranh tàn phá.

Các chỉ số hình học của 8 thanh đá do ông Huỳnh Văn Hồng tìm thấy đã được các nhà khoa học xác định tất cả đều có dạng phiến; hình thang, chữ nhật, tam giác; độ dài từ 30 đến 59cm, mặt rộng 10,5 đến 26,6 cm; mặt hẹp 5 đến 14cm, điểm dày nhất 5 đến 10cm, mỏng nhất 3 đến 6,5cm; trọng lượng các thanh từ 2,3 đến 14 kg. Cạo sạch các chất kết bám ở ngoài sẽ tìm thấy dấu vết gia công, mài nhẵn mặt trên, mặt dưới. 

Theo đó, các nhà khoa học kết luận 8 thanh đá là sản phẩm có ý thức của bàn tay con người. Kết quả nghiên cứu tần số thanh âm dưới góc độ âm nhạc cho thấy, đó chính là đàn đá. Các nhà khoa học phỏng đoán bộ đàn đá này được chế tác trong khoảng nửa đầu thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên.

Để có cơ sở khoa học đánh giá thang âm, cuối tháng 8-1992, bộ đàn đá được đưa lên xe ôtô rời Phú Yên, chuyển đến Nhà máy Z755 thuộc Tổng cục Kỹ thuật – Bộ Quốc phòng ở quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh để các chuyên gia kỹ thuật tiến hành đo đạc tần số âm thanh. 

Ông Huỳnh Văn Hồng - người đã tìm thấy bộ đàn đá.

Và khi đề cập đến bộ đàn đá Tuy An – một di sản văn hoá vật thể và phi vật thể độc đáo ở góc nhìn khoa học nghệ thuật, Giáo sư Tô Vũ nhận xét, kết cấu thang âm, điệu thức xếp thành cung bậc âm nhạc khá chuẩn xác, nhưng không theo một quy luật nhất quán, mà dung nạp nhiều loại tỷ tần khác nhau; có loại đặc trưng thang cổ đại, có loại đặc trưng thang hòa âm và bội âm thiên nhiên. 

Bộ đàn đá Tuy An đã phản ánh loại âm nhạc cổ xưa, gần gũi với khối Nam Á và Đông Nam Á. Tổng hợp các kết luận khoa học về đàn đá Tuy An, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ cho biết: “8 thanh đá tìm thấy ở núi Một không phải là “đá kêu” mà là “đàn đá” đích thực, hợp thành một bộ hoàn chỉnh. Loại nhạc cụ cổ kính này là sản phẩm văn hoá lâu đời của cộng đồng người Việt. Đây là loại nhạc cụ độc đáo, có hệ thống thang âm hoàn chỉnh nhất trong số 23 bộ đàn đá phát hiện ở Việt Nam”.

Không chỉ có sức cuốn hút đông đảo khán giả tại nhiều hội diễn nghệ thuật trong nước và Festival Huế 2008, mà bộ đàn đá Tuy An đã được đưa sang Hàn Quốc biểu diễn trong một cuộc giao lưu văn hóa. 

Cảm nhận điệu thức, âm sắc của bộ đàn đá Tuy An, một số nghệ sĩ đã trình làng nhiều tác phẩm thi ca. Đó là những ca khúc “Đàn ơi hát cùng ta”, “Ơi K'rong Hinh”, “Hồn đá”, “Dậy đi em con suối rừng”, “Tiếng đàn buổi xa xưa”…của các nhạc sĩ Bằng Linh, Xuân An, Huỳnh Phước Long, Nguyễn Ngọc Quang đã cuốn hút đông đảo khán giả tại nhiều hội diễn. Lắng nghe âm thanh bộ đàn đá Tuy An ngân xa, những người yêu âm nhạc sẽ cảm nhận được chiều sâu cội nguồn văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo từ một báu vật quốc gia. 

Trong một chuyến công tác tại Phú Yên, nữ Tiến sĩ Katherine Mauller Marin - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cũng đã đề nghị các cơ quan chức trách ở địa phương lập hồ sơ đề nghị Tổ chức UNESCO công nhận bộ đàn đá nêu trên và bộ kèn đá “độc nhất, vô nhị” cũng được tìm thấy ở Tuy An là di sản văn hóa nhân loại.

Phan Thế Hữu Toàn
.
.
.