Kỳ diệu xóm gạo lứt muối mè

Thứ Năm, 07/04/2016, 20:58
Xóm gạo lứt muối mè núp giữa cánh rừng cao su xanh non tại ấp Rạch Kiến (Thanh Tuyền, Dầu Tiếng, Bình Dương). Hơn mười năm trở lại đây, xóm bỗng nổi tiếng với bài thuốc gạo lứt muối mè khiến nhiều người thoát khỏi bệnh hiểm nghèo. Chúng tôi tìm về xóm gạo lứt để xem thực hư lời ca truyền xuyên thời gian ấy và thật bất ngờ khi nơi đây có cả một "kho" chuyện lạ.


Những "đệ tử" của gạo lứt muối mè

Giữa cái nóng chát chúa ban trưa, không khí dường như dịu lại khi các bà, các cô thi nhau kể về sự thần kỳ của gạo lứt muối mè. Mặc nhiên, không phải trò quảng cáo PR cho một sản phẩm, bởi ở đây chẳng ai trồng được loại gạo ấy, cũng chẳng có ai kinh doanh cả. Người ta phải đi tận miền Tây, miền Đông mua về.

Đơn giản chỉ là người này ăn thấy có tác dụng thì truyền tai người kia, cứ thế cả xóm hơn chục năm qua đã xem gạo lứt muối mè là bài thuốc diệu kỳ đánh tan nỗi lo bệnh tật.

Facebook của xóm gạo lứt.

Cửa hàng phân phối gạo lứt muối mè đầu tiên chúng tôi đến là của anh Linh. Anh Linh có người chú là Trần Thanh Phong (52 tuổi) bị bệnh ung thư gan cách đây hơn mười năm. Ngày đó, bác sĩ đã trả ông Phong về với lời dặn: "Hãy ăn những gì mình thích, đi chơi những nơi mình muốn".

Có một cuốn sách nghiên cứu chuyên sâu về gạo lứt muối mè do nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành của tác giả người Nhật Sakurazawa Nyoichi, người dân thường gọi bằng tên thân mật là tiên sinh Ohsawa, đã lưu truyền ở Việt Nam từ những năm 60. Được một người quen cho mượn cuốn sách của ông Ohsawa khuyên hãy đọc và làm thử xem thế nào, ông Phong áp dụng phương pháp ăn gạo lứt muối mè, với hy vọng "còn nước còn tát". 6 tháng sau, ông Phong có các triệu chứng thải độc dữ dội, người ông sụt hơn 10kg, sức lực hoàn toàn kiệt quệ.

Qua giai đoạn đó, ông Phong thấy người ổn định trở lại, cơn đau giảm dần, tinh thần tỉnh táo hơn. Đến nay đã 12 năm, không thể khẳng định căn bệnh ung thư gan của ông Phong đã khỏi hoàn toàn hay chưa, nhưng về mặt sức khỏe, ông Phong trở lại bình thường. Ông đã có thể lao động và tham gia công tác đoàn hội tại địa phương.

Anh Vũ Huy Thuần (40 tuổi), một con bệnh từng dở sống dở chết, nhiều năm lân la khắp các bệnh viện, chữa đủ loại thuốc đông tây y. Anh Thuần cho biết: "Năm 2002, tôi phát hiện mình bị gan, bị thận, bị bao tử… nói chung là một "siêu thị" bệnh trên người". Nghĩ mình còn trẻ thế này mà bệnh tật ngổn ngang khắp người, anh Thuần chán nản. Anh lên TP HCM được người ta giới thiệu đến nhà hậu duệ của tiên sinh Ohsawa mua gạo lứt muối mè về nấu ăn.

Anh Thuần được tặng cuốn sách ghi công thức gạo lứt muối mè dành cho người bị bệnh, chỉ việc áp dụng vào đó mà chữa. Đang ăn cơm ngon canh ngọt, chuyển qua gạo lứt nhạt nhẽo, lại khô khan, anh Thuần bị sút hơn 10kg. Nhưng bù lại, cơ thể anh Thuần ngày càng khỏe ra, các triệu chứng của bệnh không còn hành hạ như lúc trước.

Từ đó, ấp Rạch Kiến lan truyền nhau bài thuốc gạo lứt muối mè. Già trẻ, trai gái đều biết đến món ăn này. Người bệnh ăn để chữa bệnh, người không bệnh ăn để phòng bệnh. Phong trào ăn gạo lứt muối mè chẳng mấy chốc mà lan truyền khắp nơi. Người từ Đồng Nai, Bình Phước, xa nữa là Đắk Lắk, Đắk Nông cũng tìm đến học phương pháp ăn gạo lứt ở xóm. Lối vào xóm có hẳn một cái biển ghi "xóm gạo lứt muối mè", như một thương hiệu đã được khẳng định.

Anh Thuần gọi điện cho bà Hai To (60 tuổi) sang tiếp chuyện chúng tôi. Bà Hai To ngoài bệnh thận, tiểu đường còn bị viêm gan B. Trăm thứ bệnh đổ lên người bà từ 15 năm trước. Bà đã từng nghĩ đến cái chết, đã từng trăng trối lại với người thân. Ngày đó bà còn trẻ, người 60kg. Bà ăn gạo lứt muối mè chỉ ba tháng đã giảm còn 40kg.

Những "đệ tử" gạo lứt, muối mè quần tụ tại nhà bà Tư Quán.

Theo lý giải của bà Hai To, thì đây là triệu chứng thải độc sau khi ăn gạo lứt muối mè. Chữa bệnh bằng phương pháp này điều đầu tiên là sự sụt giảm trọng lượng cơ thể chóng mặt khiến người bệnh hoang mang, lo sợ. Nhưng qua được thời gian thải độc, trạng thái cơ thể sẽ ổn định. Những "đệ tử" của gạo lứt ai nấy trông như người ốm đói vì thực ra, món ăn này thiếu chất trầm trọng. Chúng tôi thắc mắc sao bà biết mình đã khỏi bệnh? Bà đã đi làm các xét nghiệm lại chưa? Bà Hai To lắc đầu: "Nghe nói bệnh viện là tôi sợ lắm rồi. Tôi tự thấy trong người mình khỏe, không còn mệt mỏi đau đớn như hồi xưa thì nghĩ sức khỏe mình tốt rồi".

 Để khẳng định thêm tác dụng kỳ diệu của gạo lứt muối mè, bà Hai To dẫn chúng tôi tới nhà bà Tư Quán. 14 năm trước, bà Tư Quán bị bệnh ung thư cổ tử cung. Mắc ung thư coi như nhận bản án tử hình treo lơ lửng trên đầu, sẽ đi một sớm một chiều, nên bà Tư Quán xin về nhà "tự chết". Buồn phiền não nề, bà thử ăn gạo lứt xem thế nào. Bà ăn trong tâm trạng cho vui, cho có chứ bản thân bà không tin nó sẽ chữa khỏi căn bệnh nan y của bà. Một hai tháng đầu, bà có triệu chứng của người sắp chết, bà nghĩ do ung thư đã di căn rồi. Nhưng sau đó, bà hồi phục sức khỏe. Bà đi lại ăn uống được chứ không rũ rượi như thời gian trước.

Ăn gạo lứt khi nào thấy chán, bà Tư Quán chuyển sang những món ăn được chế biến hoàn toàn từ gạo lứt như: bột gạo lứt, bún gạo lứt, ăn trộn với rau củ quả, không bột ngọt, không đường. Bà cho chúng tôi dùng thử món bún gạo lứt, ngũ cốc gạo lứt, quả thật không dễ dàng đối với những người lần đầu ăn. Bà Tư cười rôm rả cho biết: "Ăn gạo lứt vất vả lắm chứ không sung sướng gì đâu. Nhưng bù lại mình được khỏi bệnh, tinh thần tươi trẻ".

Hỏi bà đã hết ung thư thật chưa? Bà bảo: "Không biết nữa vì bà không đi khám bệnh viện. Hơn nữa, đời tôi mắc bệnh nan y mà sống đến gần 70 tuổi như thế này đã là một đặc ân rồi". Bà không khẳng định việc ăn gạo lứt muối mè chữa khỏi được bệnh ung thư. Bởi ung thư có nhiều loại, tùy vào cơ địa và cách sống của mỗi người. Bà chỉ khẳng định, liều thuốc hữu dụng nhất chính là tinh thần lạc quan. Chúng ta ăn bằng niềm tin và chúng ta sống bằng niềm tin, bỏ quên hết bệnh tật mới là yếu tố duy trì sự sống được lâu dài nhất.

Giếng nước "thần"

Ngoài câu chuyện chữa bệnh kỳ diệu ở xóm gạo lứt muối mè, nhà bà Tư Quán hiện đang sở hữu giếng nước không bao giờ cạn. Nói là giếng nhưng thực chất chỉ sâu hơn một mét nước. Từ trên nhìn xuống mắt thường có thể quan sát tận đáy, bởi mạch nước trong vắt. Bà Tư Quán tự hào cho biết: "Giếng nước này có từ hơn một trăm năm qua, nó chưa bao giờ cạn bất kể thời tiết khô hạn. Đây là một mạch nước ngầm rất mạnh. Mỗi năm nhà tôi nạo vét, làm vệ sinh lòng giếng hai lần. Nhưng chưa bao giờ múc được hết số nước dự trữ trong giếng mặc dù khi nhìn vào, nó chỉ bằng một cái chum".

Mỗi lần nạo vét, bà Tư huy động gần chục thanh niên khỏe mạnh, múc nước liên tục nhưng càng múc thì mạch ngầm càng phun dữ dội. Vòi phun ùng ục, trắng xóa và cực mạnh, chẳng mấy chốc lại đầy khoang giếng. Nhà bà Tư để một vòi hứng nước trực tiếp từ giếng ra để sinh hoạt hàng ngày, nó cứ róc rách chảy cả ngày lẫn đêm, rồi đổ ra đồng lúa bao la phía sau nhà. Nhờ dòng chảy tỏa xuống các mương nước đã nuôi dưỡng vườn trái cây nhà bà Tư quanh năm xanh tốt.

Khu vực giếng nước ngầm chảy mãi không ngừng.

Bà Tư cho hay, vườn trái cây của nhà chưa khi nào phải tưới hay dùng phân bón. Nó xanh mơn mởn quanh năm, trổ hoa đơm trái trĩu cành. Điều đặc biệt là, cư dân xóm gạo lứt ít khi phải đi ra chợ. Họ tận dụng cây nhà lá vườn, những thứ trời cho ngay trong mảnh đất trù phú.

Sở hữu nguồn nước giếng chảy mải không ngừng, bà Tư xem nó là thứ vô giá, không bạc vàng nào mua nổi. Nguồn nước ấy, bà chỉ dùng để rửa rau củ, nấu ăn. Những người đàn bà đến kỳ kinh nguyệt thì tuyệt đối không được đụng vào nước thiêng. Ngay cả việc tắm giặt, bà Tư cũng không dám sử dụng trực tiếp từ giếng. Năm ngoái, có một đoàn cán bộ khoa học ở thành phố Hồ Chí Minh về lấy mẫu nước giếng nghiên cứu, kết quả thử độ PH của nước đạt tiêu chuẩn 6 - 8,5. Bà Tư cười xòa: "Uống nước ở giếng rất ngon, ngọt, không hề có mùi bùn đất gì cả. Nhiều người tới đây xin về uống lắm, cả chữa bệnh nữa. Tùy vào niềm tin mỗi người thôi".

Cách giếng chừng vài chục mét là sình nước bao la, người dân trồng toàn lúa và sen. Xóm gạo lứt cũng có vài nhà có mạch nước ngầm nhưng rất nhỏ và yếu chứ không mạnh như nhà bà Tư và hầu như người ta đã san lấp để trồng cây ăn trái. Để chứng thực lộc "trời ban", bà Tư Quán viện dẫn trường hợp nhà ông Hai ở xóm bên cũng có mạch nước ngầm nhưng vài năm trước ông thuê máy múc về san ủi mở rộng với mục đích tạo ra một cái ao nước ngầm vô tận. Thật lạ, khi hình hài một ao cá xuất hiện thì mạch nước cũng tự nhiên biến mất. Ông Hai chạy tới nhà bà Tư ngồi bên giếng nước khóc rưng rức.

Ở đây, những người nông dân chất phác, họ sống hòa mình vào thiên nhiên. Chúng tôi không biết gạo lứt muối mè có thể chữa khỏi bệnh nan y hay không và càng không biết giếng nước ngầm kỳ lạ ngày đêm sục sôi nhà bà Tư Quán có điều gì kỳ bí? Nhưng chuyện kể ở xóm gạo lứt muối mè vẫn cứ dài bất tận.

TS.BS Lê Nguyễn Trung Đức Sơn - giảng viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch: "Phương pháp thực dưỡng Ohsawa lấy gạo lứt muối mè làm nguyên liệu chính cho mỗi bữa ăn. Nguyên lý cơ bản nhất là ăn nguyên hạt, ăn tự nhiên, khi đói thì ăn và cân bằng âm dương. Hiện chưa có nghiên cứu cụ thể nào về phương pháp ăn này, nhưng xét về thành phần thực phẩm của phương pháp này rất tốt. Tuy nhiên, nếu ăn liên tục gạo lứt muối mè một thời gian dài thì chúng ta có nguy cơ thiếu chất".
Ngọc Thiện
.
.
.