Kỹ năng tử tế

Thứ Sáu, 04/09/2015, 07:21
Cả thiên hạ cứ phát cuồng lên vì phương pháp này, trung tâm nọ đào tạo kỹ năng sống. Thực tế thì phần này, phụ huynh không biết mà dạy. Có một số mẹo mực rất giỏi của phụ huynh thì cũng không dám dạy. Ai dạy thì được chứ bố mẹ mà dạy thì… ngượng chết.
Vừa rồi có cuốn sách dạy "Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1" của NXB Giáo dục Việt Nam làm phụ huynh nổi gai ốc.

Trong sách, câu chuyện có nhan đề "Bạn An dũng cảm" được kể rằng: "Cô giáo rải một thảm thủy tinh dày trước mặt cả lớp và yêu cầu các bạn đi qua đó. Cả lớp đều rất sợ hãi và An cũng vậy. Nhưng cô giáo đã động viên và hướng dẫn giúp An tự tin đi qua thảm thủy tinh, nhờ vậy mà An đi qua thảm thủy tinh một cách dễ dàng. Khi đi qua rồi, An thấy thảm thủy tinh không đáng sợ như mình nghĩ và An quay lại động viên các bạn để các bạn dũng cảm như An. Cuối cùng, cả lớp đều dũng cảm đi qua thảm thủy tinh". Nhiều phụ huynh đã bức xúc đòi phải xử lý cuốn sách này.

Để trấn an dư luận thì vị tiến sĩ dạy kỹ năng sống, chủ biên cuốn sách trên khẳng định rằng: "Nếu học đi trên thủy tinh có thể chảy máu, thì học bơi cũng có thể chết đuối vậy". Việc an ủi này làm các bậc cha mẹ càng “điên tiết”. Trên mạng xã hội lập tức phản pháo và đã có rất nhiều những bức tranh chế ghép vào nội dung kỹ năng sống trên để trào phúng. Nào là dũng cảm nhảy qua hầm chông, thản nhiên ngồi cưa một quả bom…

Một Facebooker cho rằng: "Kỹ năng sống tử tế là thấy mảnh chai bỏ vào sọt rác để người khác đừng giẫm lên.

Minh họa: Tả Từ.

Kỹ năng sống không phải đi bới rác nhặt vỏ chai, đập ra, rồi giẫm lên. Trẻ em không cần thêm bất kỳ trò mạo hiểm đần độn nào khác kiểu giẫm mảnh chai để rèn luyện lòng dũng cảm, vì hàng ngày dám bước chân ra đường tham gia giao thông Việt Nam đã là tột cùng của mạo hiểm và dũng cảm rồi".

Mẹo sinh tồn của bản thân và kỹ năng sinh tồn của xã hội, cái nào hơn? Xã hội tồn tại không phải nhờ vài thủ thuật láu lỉnh mà cần sự tử tế.

Trận mưa cuối tuần qua khiến một phần phố xá ùn tắc vì ngập. Khi mưa tạnh, ai cũng cố gắng đi ở phần cao của đường và một số người có thể thư thái bỏ áo mưa ra. Đúng lúc ấy, một cô gái rú ga lao chiếc xe ga như xuồng cao tốc lướt sóng dọc phố. Xe của cô khiến nước rẽ thành đôi cánh cầu vồng tưới từ đầu tới chân cho cỡ trăm người đi đường dọc phố. Cô chỉ biết đến bản thân và không đếm xỉa đến ai. Ai cũng biết nước cống đùn lên cùng nước mưa bẩn như thế nào. Vấn đề giáo dục nằm ở đấy chứ đâu. Nhà trường nào cũng dạy sống tử tế nhưng điều này khó vì hành vi tử tế với người khác phải dạy từ khi trẻ tập nói và được phụ huynh làm gương trong gia đình.

Ở ta tử tế thì là nghĩa cử đẹp, nhưng ở xứ khác có thể là bắt buộc. Đó là mức tối thiểu, là đương nhiên. Một người Việt ở Canada kể rằng "Mức phạt khoảng 30-50 USD cho việc đi ôtô làm văng nước bẩn vào người đi bộ. Nhưng phải có người báo với cảnh sát thì mới biết mà phạt chứ không phải khu vực nào cũng có camera. Cảnh sát sẽ chặn xe, phân tích lỗi, nếu tài xế không tỏ ra hối lỗi họ mới cho phiếu phạt. Tôi có một lần làm bắn nước lên một cô gái, tôi phải dừng xe xuống xin lỗi rồi đưa giấy lau giúp cô ấy. Khi ấy ông chủ cửa hàng gần đó bước ra bảo: "Tôi vừa báo cảnh sát vụ này, nhưng thấy cô cũng tử tế nên tôi gọi lại cảnh sát bảo thôi".

Kỹ năng cho bản thân đủ rồi nhỉ. Xã hội sẽ khá hơn nếu mỗi người đều học cách tử tế với người.

Còn bạn, bạn có thường xuyên nghĩ đến người xung quanh không?

Lê Tâm
.
.
.