Không có gì mà ầm ĩ cả

"Kỳ quan thế giới"

Thứ Năm, 08/01/2015, 16:00
Cuộc sống đang bình yên, bỗng đánh đùng một phát, có nhà báo Mỹ Llewellyn King gọi giao thông ở một trong những thành phố lớn của Việt Nam là "kỳ quan thế giới". Ông ấy bảo: "Tôi hoàn toàn bị ấn tượng bởi giao thông - một trong những kỳ quan thế giới… Nó vận động theo một cách thật đáng kinh ngạc. Người và xe cứ trôi mà chẳng theo một hệ thống gì". Ông diễn tả: "Dòng xe lưu thông trên đường trông như một đàn kiến, lộn xộn một cách nhẫn nại… Đó là cách hàng triệu người di chuyển mỗi ngày". Llewellyn King cho rằng cảnh tượng đó giống như "hàng triệu người múa ballet không cần kịch bản".

Người thành phố chúng ta đang sở hữu kỳ quan mà chẳng ai hay biết. Đó là lối tham gia giao thông "cảm tử". Các phương tiện phóng bạt mạng, bất chấp mọi nguy hiểm không lý do.

Các tài xế đều được học luật giao thông trước khi được cấp bằng, nhưng họ không thích làm theo giáo viên. Họ đi theo con tim mách bảo. Con tim của họ ngẫu cảm khôn lường. Vì thế, ôtô chuyển động hình sin trên đường thẳng và chen lấn cả xe lửa.

Ngẫm kỹ thì tài xế ôtô đã trưởng thành từ lối đi xe máy. Người đi xe máy hiếm khi quan tâm tới làn đường. Họ coi đèn giao thông là một thứ lòe loẹt phù phiếm. Họ sẵn sàng bỏ mũ bảo hiểm, sẵn sàng kẹp ba kẹp bảy, đi kiểu "tráng trứng" và chống cự Cảnh sát giao thông.

Minh họa: Lê Tâm.

Xe máy hình thành lối đi này từ đâu nếu không kế tục kiểu đi xe đạp hỗn loạn? Người đi xe đạp ở nơi đây sẵn sàng cắt đầu mọi phương tiện, ăn vạ bất chấp đúng sai do không bao giờ ngán những phương tiện kích thước to lớn hơn mình. Kiểu đi xe đạp này từ đâu ra nếu không khởi nguồn từ kiểu đi bộ đáng gọi là kỳ quan.

Người đi bộ là những người có tầm "nhìn xa trông rộng". Khi sang đường, họ không bao giờ quan sát phía bên trái, nơi có một dòng thác ôtô, xe máy đang ầm ầm lao tới. Họ chỉ phóng tầm nhìn xa sang làn đường bên kia, nơi có dòng xe chưa trực tiếp uy hiếp tính mạng. Nói chung thì họ không thèm nhìn. Họ cho rằng "người phải tránh ta chứ ta không đời nào tránh người". Họ dũng cảm di chuyển cắt nát xa lộ khiến không ít phương tiện đã phải phanh dúi dụi dẫn đến tai nạn dây chuyền.

Dù là phương tiện nào thì đều cố vươn lên phía trước với tinh thần chen lấn vô song vô lối và vô lý.

Con số tai nạn hàng tháng, hàng năm không hề làm cho các thành phần tham gia giao thông cảm xúc gì. Tử thần chỉ là thứ đem ra bỡn cợt. Lối đi đứng liều mạng này cần  phải gọi tên nó là giao thông "cảm tử".

Phác một sơ đồ phát triển thì rõ. Xe đạp đã đi kiểu đi bộ "cảm tử". Xe máy đi kiểu xe đạp "cảm tử". Ôtô đi kiểu xe máy "cảm tử". Lý do vì cái gì thì chịu. Đây là vấn đề bản năng. Llewellyn King cho rằng, có lẽ giao thông ở thành phố này cần được nghiên cứu bởi các nhà xã hội học. Đúng vậy. Tất cả những gì hợp lý của khoa học xa lạ với lối tư duy trên.

Vậy mà chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm đào tạo người đi bộ. Người đi bộ hỗn loạn bao nhiêu thì các phương tiện khác cũng hỗn loạn bấy nhiêu. Dù là phương tiện nào thì cũng chỉ là một kiểu tư duy. Lối tư duy này thực sự xứng đáng là kỳ quan thế giới.

Tư duy kỳ quan này sinh ra những kết cục chẳng vui vẻ gì (tổng cộng cả nước 4 ngày đầu năm 2015, số người tử vong do tai nạn là 104 và gần 135 trường hợp bị thương).

Nhờ lối tư duy kỳ quan này mà mọi ngành, lĩnh vực, mọi kế hoạch đều không có trật tự.

Còn bạn? Bạn có tự hào với "kỳ quan" trên không?

Lê Tâm
.
.
.