Kỹ thuật chuyền bóng

Thứ Năm, 22/08/2019, 10:49
Hãy để kỹ năng chuyền bóng chỉ nằm trong thể thao. Đừng để nó xâm thực vào công việc!


Trong khi con em chúng ta chuẩn bị vào năm học mới thì có một số phụ huynh cảm thấy phiền lòng chuyện đóng góp trang thiết bị cho lớp học. Đóng tiền thì thấy không hợp lý mà trách nhà trường cũng không được. 

Các giáo viên và nhà trường không bao giờ đề xuất việc này trên giấy trắng mực đen. Quy định mới được bổ sung tại Luật Giáo dục 2019 nêu rõ, kể từ ngày 1-7-2020, tất cả giáo viên không được phép lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ giáo dục để ép buộc đóng góp tiền, hiện vật.

Người ta truyền nhau tấm ảnh chụp lại đơn xin quyên tặng điều hòa (máy lạnh) của một phụ huynh để đặt câu hỏi nên hay không nên? Rõ ràng nhà trường không chủ động. Đây là tấm lòng của các phụ huynh. Vậy ai muốn góp thì góp, phụ huynh nào phản đối cứ từ chối. Việc rào đón bằng văn bản an toàn cho cả hai phía. Ngẫm ra mới thấy câu chuyện hàm chứa tinh thần cảnh giác cao độ. 

Nghe nói có trường cẩn thận hơn, quyết không nhận một xu đóng góp và không lắp tiện nghi gì. Không có kinh phí thì cả cô và trò cùng rèn luyện chống nóng vượt khó vươn lên. Cha anh đi trước đều rèn luyện thế cả, làm gì có máy lạnh, vẫn nên người sánh với năm châu đấy thôi.

Minh họa Tả Từ.

Một cô hiệu phó nói với người viết bài rằng "Thú thật là trường không có tiền. Phụ huynh không đóng góp thì không biết trông vào đâu". Tất nhiên, nhà trường có muốn cũng không nói ra.

Có nhiều điều phải tự hiểu. Phụ huynh thông minh lắm. Với công thức "Con khóc thì mẹ mới cho bú", quả bóng trách nhiệm được chuyền trúng đích êm ái.

Lại nhớ đến một cơ quan nọ, khi các cơ quan tương tự xoay xở đủ kế để cán bộ nhân viên có thêm đồng ra đồng vào thì vị giám đốc từ chối tất cả các đề xuất làm kinh tế. Sếp này cho rằng, khi ít tiền thì thái bình, lúc lắm tiền thì mất đoàn kết chia rẽ năm bè bảy mối. Thôi tốt nhất là nghỉ cho khỏe. 

Cơ quan cực thái bình. Nhân viên thì tranh thủ mưu sinh riêng và lạm dụng giờ hành chính. Ai yêu cơ quan lắm thì thỉnh thoảng đến uống chè và xem mấy cậu trẻ đánh bóng bàn cho vui. Vị giám đốc thì hạ cánh an toàn để lại một cơ sở thái bình và trì trệ.

Chúng ta đã quen với việc, khi cấp dưới giàu, đề xuất lên sếp các phương án phát triển công việc thì rất thường xuyên nhận được ý kiến của sếp là "Cậu đề xuất đi, tự động triển khai".

Cũng có vị sếp giao việc cho nhân viên triển khai chính sáng kiến của mình nhưng lại bảo cậu viết đề xuất, ký tên vào đấy. Nếu việc gặp rắc rối thì sếp bảo cán bộ đề xuất chứ tôi không chủ động. 

Hệ lụy là những người giàu sáng kiến thì không đủ sức tự thực hiện hết "kho" sáng kiến dẫn đến lãng phí chất xám. Khi trách nhiệm luôn thuộc về nhân viên thì sự năng nổ cũng cô đơn và giảm dần.

Chúng ta cũng không lạ khi gặp vụ việc mà người có trách nhiệm giải quyết quan liêu không biết, hoặc biết nhưng không giải quyết. Khi hỏi thì được giải thích là phải có đủ đơn từ mới tiến hành xử lý. Vẫn theo kiểu ''con khóc mới cho bú''.

Hãy để kỹ năng chuyền bóng chỉ nằm trong thể thao. Đừng để nó xâm thực vào công việc!

Còn bạn. Bạn thích thẳng thắn hay đi đường vòng?

Lê Tâm
.
.
.