Ký ức làng ngày bão

Thứ Tư, 17/06/2020, 16:01
Cái âm hưởng của những ngày bão luôn ùa về trong tôi, dù bây giờ, tôi được ở trong căn nhà kiên cố trong lòng thủ đô Hà Nội. Ký ức ấy nguyên vẹn, khi miền Trung, cái eo đất bé nhỏ của xứ Nghệ hàng năm phải đón nhiều cơn bão ùa về.


Quê nhà yêu thương, luôn trong ký ức tôi những nỗi lo toan của mẹ tôi trong tiếng bước chân gấp gáp hổn hển cứ díu vào nhau những đợt gió bão trở về.

Mỗi lần chiếc đài radio bé xíu của cha tôi có bản tin về cơn bão sắp ập đến "Tin bão khẩn cấp" là mẹ tôi từ trong nhà lại vọng lên "ôi trời ơi, lại bão rồi à ông?". Khi đó, cả nhà chăm chú lắng nghe từng lời của phát thanh viên như thể không được để sót một thông tin nào. 

Rồi, như để trấn an mẹ tôi, cha tôi bảo, "không vào ta, đi chệch ra Bắc rồi, chỉ ảnh hưởng hoàn lưu thôi". Là trấn an mẹ tôi vậy, vì biết tính bà hay hoảng hốt, nhưng trên gương mặt ông luôn hiện hữu sự lo lắng. Tiếp sau đó, dù là hoàn lưu nhưng cả nhà ai cũng tất bật chuẩn bị đón gió bão. Mẹ tôi chạy đi đậy nắp, chèn đá chặt lại mấy chum tương, chum muối, chum cà...
Những trận bão lớn luôn là nỗi ám ảnh không thể phai trong tâm trí của nhiều người.

Tôi vẫn nhớ như in cảm giác bão ập về, cái cảm giác lo lắng cứ thường trực trong căn nhà. Mẹ tôi chân đất, cứ đi hết chỗ này, tìm hết chỗ kia xem có gì chưa ổn không để chèn đá, chèn gạch vào. Những tấm ni lông được huy động hết để che chắn cơn gió. 

Bão đến, là gió, là mưa. Những cánh cửa sổ gỗ đã mủn chưa kịp đóng lại, đập vào song sắt rỉ sét tháng năm. Khung cửa sổ ấy là dấu ấn không thể phai cả một thời tuổi ấu thơ của tôi. Chiếc giường tôi nằm ngủ cùng mẹ kê cạnh cửa sổ ấy. Cả một thời tuổi thơ được in hình qua những song sắt đã mòn dần theo tháng năm. Cánh cửa sổ có vài lỗ nhỏ vì đã mủn gỗ, chúng ọp ẹp như chính tuổi thọ đã nhiều năm của chúng. 

Tôi mơ màng theo cái khung cửa bên ngoài là một cây Lê-ki-ma cứ đến mùa ngan ngát hương hoa. Những bông hoa trắng xâu thành vòng đeo cổ trông như những hạt cườm của nàng công chúa. Rồi thì quả chín rụng đầy trên lối đi. 

Mẹ tôi bảo, để rụng cho gà ăn, nhưng những đàn gà ăn mãi cũng chán, nên quả rụng về cội rồi hạt lại mọc lên nhiều cây con trên đất. Có đôi lúc, tôi nhặt quả vàng ươm bóc lớp vỏ đã nứt ra ăn ngon lành, ăn no quả thì thôi khỏi phải ăn cơm, lại được dịp tha thẩn khắp vườn gói những giấc mơ ươm mầm tuổi nhỏ.

Lại nói về khung cửa sổ sắt rỉ sét. Tôi vẫn bị ám ảnh về nó đến độ bây giờ vẫn còn nhớ được hình thù những vẩy sắt đã bong tróc và rơi xuống bệ cửa sổ. Khung cửa đã đen đúa vì nắng mưa và thời gian. Vậy mà biết bao lần, tôi đã dựa khuôn mặt bé thơ của mình vào cái khung cửa ấy để mơ mộng và ngắm nhìn thiên nhiên bên ngoài. 

Buổi chiều đến, từ khung cửa sổ có thể nhìn thấy hoàng hôn rơi xuống ở chân trời, nơi những ngọn cây nô đùa trước gió. Ngôi nhà tuổi thơ tôi nằm trên trên một vùng đất cao nên ngồi trên chiếc giường ọp ẹp mấy chục năm tuổi vẫn có thể nhìn ngắm bầu trời cao xanh và hoàng hôn rơi xuống. 

Lạ thế, tôi yêu cảnh hoàng hôn phía bầu trời xa xa, nơi áng mây với đủ hình thù, có nhiều lúc, tôi cứ thế ngồi ngắm cả chiều, đếm từng áng mây trôi qua không chán mắt. Khung cửa sổ chứng kiến nhiều suy nghĩ của tôi, có lẽ cả giấc mơ đêm đêm ùa về.

Mỗi đêm, dù đó là đêm trăng sáng hay là đêm 30, thì cứ đến lúc đi ngủ, việc đầu tiên là tôi đóng chặt cửa lại, bởi ám ảnh vì bên ngoài có... ma! Thời tiết mùa hè, trời nóng đến mấy thì tôi vẫn phải... đóng chặt cửa sổ, dù cả ngày dài, tôi đã đứng cạnh ngắm vuốt nó. 

Có những đêm trăng sáng, tôi nằm thẫn thờ ngắm trăng lung liêng ngoài khung cửa sổ, nghĩ vẩn vơ, rồi thiêm thiếp mắt, mơ thấy có ai đó lôi chân mình ra cửa sổ, rồi tôi đạp chân thật mạnh, rồi giật mình tỉnh giấc, hóa ra là ác mộng. Vội vàng đóng cửa sổ lại, tôi bỏ mặc ánh trăng đẹp mê hồn đang lấp ló ngoài kia.

Ngày bão đến, không trăng không sao, chỉ có gió và mưa. Khung cửa sổ đóng sập im ỉm, bị ngấm mưa ướt lướt thướt. Mẹ tôi cẩn thận còn lấy áo mưa rải đều trên chiếc màn tuyn chống mưa thấm ướt màn. 

Ngày xưa, áo mưa là một tấm vải nilon hình vuông, khi mặc thì khoác lên vai rồi buộc vào ở ngực chứ không phải có hình thù chiếc áo mưa chui vào người, có mũ hiện đại như hiện nay. Có thể chính vì vậy mà chiếc áo mưa dùng được vào nhiều việc. 

Căn nhà lợp ngói, theo thời gian, những miếng ngói vỡ đã bị thấm nước mưa dột rơi mưa lộp bộp xuống sàn. Ngày mưa bão, cha tôi dùng chiếc sào dài, đẩy đẩy, kéo kéo các miếng ngói để che chắn mưa dột. Nhiều chỗ hở quá thì mẹ tôi phải lấy xô chậu để hứng nước nhỏ xuống.

Hai chiếc áo mưa to được nhường che cho hai chiếc màn không bị mưa dột nhỏ xuống. Mỗi lần mưa tạnh, cha tôi phải rất cẩn thận để gói nước mưa đổ đi. Dù thế thì mưa vẫn hắt vào giường và thấm nước. 

Trần Hoàng Thiên Kim. tranhoangthienkim@gmail.com.

Mùa hè khô thì không sao, chứ vào mùa ẩm ướt, nước mưa thấm vào chiếu, mốc meo. Nằm vào giường là nằm vào chiếc chiếu mốc, mùi xộc lên mũi, nhưng làm gì có chiếu khác mà thay, dù đã được mẹ tôi lau lại cẩn thận sạch sẽ. 

Những lúc đó, mẹ nằm ôm lấy tôi, sờ khắp chân tay, phủi phủi, lau lau, bảo: "Không sao đâu, con ngủ đi!". Có sợ đến mấy cũng chẳng che chắn được, và mùa này qua mùa khác, chiếc chiếu vẫn được dùng, dù đã rách nát nhiều vị trí. Nhưng chẳng sao cả, nhà vẫn còn có chiếu mà nằm là may mắn lắm rồi. Và cho đến bây giờ, trong ký ức tôi vẫn còn đọng lại cái mùi ấu thơ nghèo mà đầy tình yêu và sự ấm áp ấy...

Ngày mưa bão, tôi nhớ khủng khiếp cái sân đất đầy rẫy lá cây và cành cây đổ gãy tan. Tôi được phân công quét sân. Cái sân thường ngày rộng thế, mà nay đầy lá cây, đầy quả rụng  nát tan trên mặt sân nên phải  dùng cái chổi sể đã cùn mới quét đi được. 

Tôi đã quét sân với tất cả niềm vui bởi nó là một cuộc dọn dẹp đầy lý thú với đủ loại rác, đủ loại lá già, lá non, có cả những con sâu, những con côn trùng lẫn vào lá rạp xuống phía dưới. 

Tôi yêu vô cùng cái khoảnh khắc ấy, nó như một trò quét lá hạnh phúc. Có khi, cái sân phải quét đến vài tiếng mới xong. Cho đến khi nghe tiếng cha tôi quát: "Quét sân nhanh lên con!" thì tôi mới lại sực nhớ ra việc mình đang làm. Tuổi thơ của tôi chẳng có điện thoại thông minh, không có ipad, chẳng Youtube nên chỉ có trò nghịch lá bẩn đầy lý thú ấy.

Bão đến là mưa như trút và tất cả những chiếc ao của các gia đình đều tràn bờ, trong đó, có cả ao nhà tôi. Tràn cả cánh đồng mênh mông nước, mất hút cả con đường bé nhỏ vào làng. Tôi nhớ vô cùng khoảnh khắc những đứa trẻ như tôi chạy ra ao xem người lớn giăng lưới bắt cá. Những con cá to nhỏ đủ loại tràn cả ra bờ ao, quẫy đạp vào lưới. Tôm tép đầy rổ nhảy tanh tách. 

Mỗi lần mưa bão là trẻ con lại được ăn no món tép rang khế chua thơm ngon và nhiều canxi. Bây giờ tôi hiểu vì sao mà tất cả những đứa trẻ con ở làng như tôi dù có nghèo khổ nhưng không bao giờ bị còi xương hay thiếu chất, là bởi vì tôi và các bạn lúc nào cũng được ăn đồ sạch, lại càng không có chất bảo quản hay bơm thuốc kích thích. 

Những lúc nước tràn bờ, tôi và bạn bè thường xắn quần lội nước dò dẫm tìm những con cá, con tôm sổng ao bơi ra ngoài. Có bạn mải tìm cá, rơi xuống ruộng ướt lẹp nhẹp. Cả làng ngày bão nước tràn bờ trắng xóa, nhìn từ xa chỉ thấy một màu trắng nước và lơ thơ vài đám lau cao phất phơ trong cái gió lành lạnh ngấm vào thịt da. 

Sau bão, cả làng xác xơ, có những ngôi nhà tranh tốc mái, còn trơ trơ lại cái khung nhà. Những chiếc cây gãy đổ, người lớn hò nhau cầm dao rựa đi chặt kéo về một góc xóm. Ai nấy đều có việc để làm, có lúc tôi cảm thấy vui đáo để. Bình thường nhà nào biết nhà nấy, vì mải mê việc làm ăn, chăn nuôi, giờ cả làng lo việc chung, người ta gọi nhau cho nhau những mẻ tôm cá kho thơm lừng mùi gừng mùi sả. 

Tôi vẫn nhớ như in từng gương mặt ấy, từng người hàng xóm ấy, rồi những người bạn cùng thời với tôi... Bây giờ, những người già trong xóm đã hầu như đi về thiên cổ. Có lúc tôi vẫn gặp lại họ trong những giấc mơ. Những gương mặt của họ trong ký ức tôi không già đi mà vẫn ở thời điểm ấy, thời điểm tôi rời khỏi làng quê đi học ở thành phố. 

Vậy mà đã vài chục năm trôi qua. Những đứa trẻ như tôi thời ấy đã ở tuổi trung niên bay đi mỗi đứa một phương trời kiếm tìm cho mình một con đường riêng. Nhưng những ký ức về quê hương, về làng quê yêu dấu, về ngày bão vẫn day trở trong trái tim tôi như một nỗi ám ảnh không dứt...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.
.