Ký ức tuổi thơ

Thứ Sáu, 14/06/2013, 14:38
Hàng năm cứ vào mùa hè, nhìn những cánh diều no gió bay phấp phới lồng lộng trên không gian dưới trời xanh mây trắng, tôi lại nhớ về thời thơ ấu, nhớ cánh đồng ruộng khô thơm mùi rơm rạ ở ven sông Cà Ty, Phan Thiết, nhớ về ông nội với hình ảnh hai ông cháu ra vườn đốn tre, kết thành con diều rồi dán giấy bằng bột gạo. Sau đó cháu cầm dây mang diều chạy trước, ông lững thững đi sau mặc bộ bà ba đen, với bộ râu dài bạc trắng, những dấu chân chim chìm sâu trên da mặt mang chứng tích của đời người trải dài theo năm tháng.

Vào thời xa vắng ấy, tất cả các anh chị em tôi đều bị học chữ Nho (Nôm) do chính ông nội dạy. Ngày ấy chúng tôi xem loại ký tự này là một cực hình, nhìn chữ đã muốn khóc. Vì thật ra ông tôi chỉ dạy chữ chứ không bao giờ dạy nghĩa. Trong Nôm Tự chữ và nghĩa luôn luôn đi song hành với nhau, vì đây là loại chữ tượng hình, người xưa dùng hình ảnh đời thường để phóng tác thành chữ viết. Do không hiểu cách dạy của ông nên tất cả anh em chúng tôi không có ai hào hứng, chỉ học thuộc để trả bài mà không hiểu gì. Hai anh lớn của tôi là người chăm học nhất nhưng cũng là người bị ông đánh nhiều nhất vì không thuộc lòng hết quyển Tam Thiên Tự, bù lại tôi và các em kế tiếp còn nhỏ chưa biết chữ được tạm tha nên có nhiều thời gian đeo bám ông Nội hơn. Kỷ niệm còn lắng đọng trong ký ức của tôi là được ông dẫn đi thả diều.

Cứ mỗi lần ngồi với ông trong lúc chẻ tre dán giấy là được nghe ông kể nhiều chuyện về các loại diều từ nghĩa đen đến nghĩa bóng. Ông tôi nói con diều giấy có từ thời xưa bên Tàu. Vào thời ấy, cứ đến tết Thanh Minh, sau khi đã làm lễ cúng bái tổ tiên, người dân Trung Quốc thường hay thả diều, họ cho rằng hành động này có thể xua đuổi tà ma và mang những điều rủi ro của con người đi nơi khác.

Trước khi thả, họ ghi hết tên những loại bệnh nguy hiểm lên thân diều, rồi chờ diều lên thật cao dùng kéo cắt đứt dây để nhờ gió đưa diều cõng tai họa đi thật xa nhằm tránh sự bất hạnh… Riêng đối với nhà chùa, diều còn được các nhà sư sử dụng với niềm mong đợi yên bình tốt lành cho bá tánh. Vì vậy mỗi lần diều rơi các nhà sư đều làm lễ cúng bái để tiếp tục thả lên. Đến thời nhà Tống, diều được lưu hành rộng rãi hơn, trở thành trò chơi phổ thông của trẻ con.

Vào nửa thập niên 60, ông tôi chuyển sang làm diều sáo. Diều sáo trông có vẻ đơn giản nhưng không phải ai làm cũng có thể bay cao, cũng cất tiếng vi vu trong gió. Ông tôi thường chọn những thân tre già đủ độ cứng to bằng ngón tay trỏ làm thân, đem về vót nhẵn. Sau đó dán giấy, thường là loại giấy vỏ bao xi măng rồi kết thêm đuôi vừa dai vừa chắc để khi lên cao gió không quật rách được. Dưới thân diều, ông gắn vào ba ống tre nhỏ đục sẵn lỗ để khi gặp gió tạo nên âm thanh như sáo thổi. Ngày đó ở quê không ồn ào và cũng không bị mất trộm như bây giờ, vì vậy diều sáo của ông cháu tôi được thả cả đêm lẫn ngày ngoài cánh đồng với những âm vang dìu dặt như lời ru của gió.

Thả diều là một trong những kỷ niệm ấu thơ luôn ăn sâu trong tiềm thức mỗi người nhất là ở các vùng ngoại ô, thật khó có thể quên những buổi chiều hè trên khoảng đất trống, triền đê hay cánh đồng cỏ trên không in bóng diều bay. Thú vị hơn là những lúc buộc dây vào nơi cố định, ngồi dưới gốc cây lưa thưa nắng ngắm cánh diều của mình làm ra chao nghiêng, đảo xuống rồi tự phất lên giữa nền trời xanh mây trắng. Mùi rơm rạ, mùi khói đốt đồng, mùi đất ruộng ngai ngái…hòa quyện vào nhau, trở thành bức tranh mang đậm nét hồn quê đi đâu cũng nhớ. Lúc ấy nhìn cánh diều bay lượn, ông tôi chả nói câu gì, chỉ nhìn vào không gian đắm chìm trong lặng lẽ một cách vô hồn, đã có lúc tôi cảm thấy chán ông lắm. Đến bây giờ tôi mới biết là ông đang suy nghĩ về sự vô thường của cuộc đời.

Vì là diều sáo nên mỗi lần gặp gió mạnh, nó phát ra âm thanh “re...re” cách xa hàng hai ba trăm mét vẫn có thể nghe được. Thời trẻ con hiếu thắng, bao giờ cũng muốn con diều của mình bay cao nhất. Thuở ấy chúng tôi nghĩ rằng sở dĩ diều bay thấp là do mình giữ chặt dây không cho nó lên cao hơn nữa. Vì thế anh em chúng tôi ngồi chờ gió lớn rồi buông dây để có thể bay một cách tự do mà không cần bàn tay con người giữ lại. Mỗi lần làm như thế, diều của chúng tôi chẳng những không bay lên cao được mà từ từ chao cánh lắc lư rơi xuống đất, con diều đau thương rách nát trở thành những mảnh giấy vụn vô nghĩa. Anh em chúng tôi thật buồn mang về bắt ông giải thích sự kiện này. Phải chờ đợi đến 5 hoặc 7 ngày sau đủ con cháu, ông mới tập hợp tất cả vào lớp học chữ Nôm hàng ngày rồi vẽ hình dây hình diều lên bảng đen phân tích.

Ông nói “Sở dĩ diều giấy cất lên được là nhờ con người giữ dây cho nó đối mặt hướng gió mới có thể bay lên không trung được. Nếu các cháu buông dây ra, con diều không còn điểm tựa để tồn tại nên buộc phải rơi theo định luật vật lý của Newton. Suy rộng ra con người cũng vậy, sau này các cháu lớn lên đi học rồi đi làm kiếm sống cũng nhờ điểm tựa của cha mẹ nuôi nấng dạy dỗ, nhờ thầy cô truyền đạt kiến thức, nhờ chính phủ tạo điều kiện để mình có thể đóng góp tài năng mang lại lợi ích cho mình và xã hội. Nếu các cháu nghĩ rằng mình là người có tài, tự mình vươn lên xem thường người khác, xem thường đất nước các cháu cũng sẽ bị rơi như con diều. Sự kiện giữa người và diều rơi xuống tuy giống nhau về định luật nhưng lại khác nhau về nội hàm. Diều là một vật thể vô tri vô giác có thể làm lại trong chốc lác, còn con người sẽ bị tổn thương về liêm sỉ về danh dự không thể một hai ngày có thể phục hồi. Các cháu còn nhớ câu “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa hay mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” lấy hình ảnh con diều có thể lý giải được. Điều ấy nghĩa là con người hay con diều giấy dù có đẹp hay tài năng nhưng nếu chỉ độc lập một mình cũng không thể thành công. Nói tóm lại trên đời này không có ai tự mình có thể làm được điều lớn khi không có những đồng nghiệp góp sức. Mình có thể giỏi hơn họ điều này nhưng lại thua kém họ điều kia, không ai giỏi tất cả. Trong đời sống quanh ta có những thứ vô nghĩa, nhưng nếu không có những vật tưởng chừng vô nghĩa ấy cuộc sống sẽ trở thành đơn điệu. Ví dụ như màu trắng được nổi lên là nhờ có nền màu đen, người cao có nổi bật là nhờ đứng chung với người thấp hoặc khi uống bia, bia ấy phải có bọt nổi lên. Người uống bia sành điệu không ai uống bọt bao giờ, họ sẽ gạt bọt bia vất đi một cách không thương tiếc, nhưng bia không sủi bọt nó không phải là bia nữa mà chỉ loại nước giải khát bình thường”.

Sau này ông tôi qua đời. Chúng tôi lớn lên theo học những ngôn ngữ và ngành nghề khác rồi được sống trải nghiệm vài quốc gia trên thế giới, không một ai trong 7 chị em tôi kế thừa chữ Nôm của ông dạy. Nhưng mỗi lần có dịp nhìn những cánh diều bay chúng tôi thường mơ hồ nhìn thấy ông cháu đứng ở cánh đồng lộng gió thơm mùi rơm rạ ven sông Cà Ty, nghe văng vẳng lời ông phân tích dạy bảo từ con vật giấy tượng hình này.

Ở thế kỷ 21 với nền kinh tế hội nhập toàn cầu, hàng hóa nước này có thể được chào bán tại nước kia, vì vậy, trên thị trường xuất hiện nhiều loại diều với đủ hình dáng, kích thước, chất liệu, màu sắc. Trẻ con bây giờ không cần hì hục cả ngày để đốn tre làm diều mà chỉ cần vài chục ngàn ra chợ hay tiệm tạp hóa gần nhà có thể mua được. Hiện nay, việc thả diều không còn đơn thuần là một trò chơi của trẻ con nữa mà nó đã trở thành một thú tiêu khiển dành cho các tầng lớp xã hội.

Đất nước chúng ta đang trong quá trình đô thị hóa, ở thành phố hệ thống dây điện chằng chịt hoặc các khu nhà nhiều tầng cao vút lên trời xanh, vì vậy những điểm thả diều dần dần bị thu hẹp lại, chỉ ở những vùng quê hay vài nơi có không gian rộng mới có thể xuất hiện trò chơi thả diều. Có thể nói thả diều là môn giải trí dân gian mang tính văn hóa của dân tộc. Sự tồn tại của nó đã đem lại những khoảnh khắc thăng hoa, giúp cho con người xích lại gần nhau hơn. Đối với trẻ con, trò chơi thả diều không những giúp cho các cháu có những giây phút thư giãn sau giờ học tập mà còn tạo ra được dấu ấn kỷ niệm, in sâu vào ký ức tuổi thơ về quê hương bè bạn và tình cảm bố mẹ, ông bà để sau này đi xa còn nhớ. Nhưng có điều không phải người lớn nào hôm nay cũng có thể thông qua hình ảnh sống động về cánh diều bay để giải thích và giáo dục kỹ năng sống cho con cháu hay thế hệ kế thừa

Trần Đại
.
.
.