La Châu: Cả làng bách niên giai lão

Thứ Năm, 30/05/2013, 14:02

Với ngày hè nóng bức, sức khỏe người cao tuổi luôn là nỗi lo lắng với những người con trong mọi gia đình. Nhưng tại làng La Châu (Hòa Khương, Hòa Vang, Đà Nẵng) nỗi lo ấy dường như không tồn tại quá nhiều. Nơi đây, có 5 cụ đã hơn trăm tuổi, 38 cụ từ tám mươi đến dưới 100 tuổi, tất cả vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Đây là ngôi làng có nhiều người trường thọ nhất Đà Nẵng.

Dòng đời bách niên

Với các cụ người làng La Châu thì cuộc sống của TP Đà Nẵng không biết tự bao giờ đã trở thành một câu chuyện cổ tích. "Không chỉ thế, mà đó còn là một câu chuyện cổ tích có thật, rất thật và rất rõ ràng". Cụ Đinh Thử, nay đã 106 tuổi, nói về câu chuyện của Đà Nẵng từ xưa đến nay, trong buổi bình minh của phố núi Hòa Vang, như kể lại toàn bộ cuộc đời mình, với bao đổi thay, sóng gió cùng số phận của thành phố ven sông Hàn.

La Châu chỉ là một làng nhỏ của huyện Hòa Vang, một huyện nghèo của Đà Nẵng. Nơi đây bóng mát của cây xanh bao phủ, làng quê thanh bình, yên ả bên dòng sông Yên thơ mộng một thời dậy sóng vì chiến tranh.

Cụ Đinh Thử, là người sống thọ nhất trong làng với 15 người con, 32 cháu nội và 22 chắt. Dù đã 106 tuổi nhưng cụ vẫn minh mẫn, làm việc gia đình đều đặn, việc nặng có, việc nhẹ có. Cụ tâm sự: "Tuổi già nó thế đấy, làm được gì thì làm thôi, nếu mà ngừng lại một cái là hết đấy, cuộc sống mà không lao động ở cái tuổi này là không trụ được lâu đâu".

Người làng La Châu trước đây chủ yếu sống bằng hình thức thâm canh nông nghiệp, chỉ những năm gần đây, cuộc sống hiện đại hơn mới có sự xuất hiện của các khu công nghiệp, nhà xưởng. Theo lời kể của nhiều người trong làng, khi mà những người cao tuổi trong làng không làm việc gia đình hoặc không ra vô thường xuyên trong nhà, ngoài ngõ cũng là lúc họ sắp phải ra đi.

Cụ Đinh Thử, với hơn 1 thế kỉ sống và trải nghiệm nơi "động trời" như cụ vẫn hay đùa với cháu con, đã chứng kiến toàn bộ sự đổi thay của Đà Nẵng nói riêng và cả đất nước nói chung. Cụ cùng con, cháu, chắt, sống trong cùng một gia đình yên ấm, hòa thuận. "Tôi sống để làm trụ cột cho con cháu trong nhà, có tôi chúng nó cũng phải sống cho phải đạo vợ chồng, cha con, anh em chứ. Mắt tôi còn tinh, tai tôi còn thính lắm, chắc là còn sống lâu nữa", cụ móm mém cười , gương mặt hồng hào, đầy thần sắc cho biết.

Người con lớn nhất của cụ Thử năm nay đã hơn 80 tuổi. Dù tuổi tác đã lớn lắm, nhưng cụ vẫn nhớ rõ sinh nhật của những đứa cháu của mình. Mỗi khi đứa nào được học sinh giỏi hay khá tôi đều có khen thưởng cho chúng nó. Món quà của cụ chỉ đơn giản là gói bánh, tập vở, hay bộ quần áo, nhưng các chắt của cụ luôn tỏ ra thích thú vì món qùa này, dù có người đã gần 30 tuổi.

Trong thời kháng chiến, làng La Châu có hơn 100 người thoát ly tham gia kháng chiến. Dù chỉ là một làng nhỏ nhưng có đến hơn 163 liệt sỹ, với 300 huân huy chương kháng chiến. Ngày tháng chiến tranh gian khổ, người trong làng không chịu vào các ấp chiến lược, nhà văn hóa, mà vẫn kiên quyết bám sông Yên nhằm phục vụ cho việc nuôi giấu cán bộ cách mạng.

Nỗi đau chiến tranh còn in hằn trong cuộc đời nhiều người La Châu. Cụ bà Phùng Thị Hưởn năm nay 103 tuổi, là cụ bà sống thọ nhất làng, người đàn bà có cuộc đời đau khổ nhất La Châu. Chồng mất, 2 con hy sinh đã gần 50 năm nay. Hiện nay, một mình cụ sống trong căn nhà tình nghĩa, dù vậy, chỉ khi nào đau ốm, không còn cách nào khác, cụ mới phải nhờ đến hàng xóm giúp đỡ mình. Cụ thổ lộ: "Tôi đã sống để chờ bố con chúng nó (chồng con bà) từ hàng chục năm nay rồi, nhiều lúc biết là đã chồng con sẽ không trở về nữa, nhưng tôi vẫn hy vọng, biết đâu..."

Người trong làng có ai không biết cụ Lê Thị Qua, năm nay đã 96 tuổi. Chồng cụ ra mặt trận từ khi các con còn nhỏ tuổi. Cụ đã một mình nuôi các con khôn lớn nên người và phụng dưỡng mẹ già cho tròn phận làm dâu, nhưng rồi chồng bà đã mãi không trở về. Thời xuân sắc, và cả cuộc đời cụ Qua đã dành trọn cho ông, một người đàn ông đã chiến đấu và hy sinh vì sự nghiệp giải phóng quê hương.

Người làng La Châu ai cũng nhớ rõ nhà của các vị cao niên trong làng, ai hỏi họ sẵn sàng dẫn đến ngay, từ trẻ con đến người lớn tuổi đều làm vậy. Bởi với họ đó thực sự là những tấm gương lớn, những cuộc đời để đời sau phải nhớ đến và khắc ghi công ơn cũng như sự hy sinh của họ.

Các bậc cao niên trong làng La Châu, đã bao lần mắc phải bạo bệnh, nhưng đều vượt qua và sống đến tận ngày nay. "Nhiều người nghĩ ngày xưa bệnh tật gì, đâu có ô nhiễm mà ốm với chả bệnh? Nhưng mà không phải vậy, ngày xưa có bệnh của ngày xưa, hồi đó mà chỉ cần viêm họng thôi là đã nặng rồi vì không có thuốc Tây hay phẫu thuật như bây giờ", ông Lê Hơn, một người lớn tuổi trong làng cho biết.

Bữa cơm chay với con cháu trong nhà.

Thưở trước, Hòa Vang vốn là một khu rừng núi rậm rạp, nên rắn độc và thú dữ nhiều hơn bây giờ. Các cao niên trong làng, nhiều người cũng bị rắn cắn, cũng bị thú dữ tấn công, nhưng nhờ kinh nghiệm đi rừng dân gian, các bài thuốc chữa bệnh mà đã thoát được "cửa tử" từ thú dữ và lam sơn chướng khí.

Ông Trà Văn Sinh, Chủ tịch hội người cao tuổi (NCT) La Châu cho biết: " Trong làng, những cụ 90, 95 tuổi qua đời đã nhiều, chứ không làng tôi còn nhiều người sống thọ nữa cơ đấy, các cụ vẫn tham gia hội NCT và vẫn còn minh mẫn lắm, vẫn thơ văn, chuyện tiếu lâm cười chảy nước mắt được. Ngày xưa thọ 100 tuổi sẽ có lụa là gấm vóc vua ban, nay tuy không còn nhưng đã có sự quan tâm của Nhà nước".

Kính già, già để tuổi cho

"Quả thật, người làng La Châu sống thọ lắm, từ cái thời trước nữa của cụ Đinh Thử, đã nghe nói làng có nhiều người sống trên 100 tuổi rồi, chỉ là không biết hết tên tuổi các cụ được ấy", anh Nhiên, một thanh niên trong làng làm nghề cơ khí cho biết.

Sống theo phương châm: "Sống vui, sống khỏe, sống có ích", các cụ trong làng vẫn hăng say lao động. Cụ Nguyễn Văn Long, 86 tuổi, người trong làng có ai mà không biết đến câu chuyện cứu lúa của cụ. Cuối năm 2011, nước sông Yên và sông Cu Đê lên cao, cô lập mọi ngả đường, 2ha lúa chín đang có nguy cơ mất trắng, cụ nhanh chóng nhảy lên thuyền con, chèo tay qua con rạch dài hơn 1,5km, để tham gia cứu lúa với người trong làng. "Lúa gạo là gốc con người, nó nuôi sống bao thế hệ rồi, còn cứu được là phải cứu" - cụ Long cho biết thêm.

Một cụ ông lớn tuổi đang giặt quần áo.

Tuổi tác đã cao, nhưng họ vẫn rất quan tâm đến sách báo, theo dõi tình hình thời sự, giáo dục, giới trẻ. Cụ Đinh Thử dù đã 106 tuổi nhưng vẫn thường xuyên đọc báo, vừa để tránh lạc hậu, vừa để qua thời gian nhàn rỗi lúc tuổi cao sức yếu.

Bậc cao niên trong làng hầu như không có ai ăn gan động vật. Nhiều cụ còn ăn chay trong thời gian dài. Theo quan điểm của cụ Minh, 76 tuổi thì: "Ăn chay là bổ sung dương khí, làm cơ thể khỏe mạnh, cường tráng hơn, bớt chất dầu mỡ, bớt nóng trong người hơn". Quả thực, trời nóng thế này, ăn chay đôi lúc lại là sự lựa chọn tốt nhất.

Các cụ ông, cụ bà còn cho biết rằng: "Ăn trái cây nhiều hơn uống nước đường, nước ngọt. Mùa đông có uống thêm rượu thuốc cho nóng người". Việc làm này có nhiều nguyên nhân, nhưng theo các cụ việc uống nước ngọt nhiều quá không tốt cho sức khỏe vì "trong đó có phẩm màu hóa học hoặc tạp chất gì thì có mà chết người à, ung thư ngay ấy chứ", một lão niên cường tráng cho biết. Mùa hè nắng nóng, nước ngọt có gas cộng thêm nước đá có thể dẫn đến viêm họng dù giải khát.

Giờ giấc trong ngày của các cụ luôn theo trật tự nhất định, vào bất kể mùa nào trong năm, dù không khi nào họ cài báo thức hay nhờ ai đánh thức. "Đến lúc đó là tự mình thức giấc thôi, cũng không hiểu được vì sao nữa, ngủ dậy muộn quá cảm thấy mệt trong người, tôi mà ngủ dậy muộn hơn ngày thường là sắp bị ốm rồi" - ông Tiến, người làng La Châu nói về thói quen giờ giấc của mình.

Một cụ bà đang đưa bò về chuồng.

Trong bữa cơm của các cụ, thường có nhiều rau hơn thịt, ăn cá nhiều hơn ăn thịt. Theo giải thích của nhiều cụ thì: ăn rau dễ tiêu hóa hơn, thanh người hơn, bớt nóng trong người, ăn cá dễ tiêu hóa hơn ăn thịt. Bà Mai, cụ bà với đôi mắt tinh anh, giọng vang khỏe mạnh, nói vui:  "Với lại ngày xưa đói kém, toàn ăn rau, cá chứ tiền đâu mà mua thịt như bây giờ, ăn thịt nhiều bây giờ lại đâm ngán, bão hòa hết. Ăn rau, cá tôi thấy vẫn tốt hơn nhiều chứ".

Hầu hết các bậc cao niên trong thôn La Châu, đều chung thủy 1 vợ 1 chồng, trừ cụ Đinh Thử người sống thọ nhất làng là đã có tới 3 vợ mà thôi. Ông Trà Văn Sinh, cho biết: "Các cụ trong làng có đời sống tinh thần khỏe mạnh, sáng thể dục, vận động nhẹ, chiều chăm chỉ dưỡng sinh hoặc cũng có vận động nhẹ, nhìn chung các cụ đều tự ý thức được việc sống vui, khỏe, mỗi ngày".

Vượt hơn 50km từ trung tâm thành phố lên La Châu, đường đi dễ dàng hơn trước vì đường sá được nâng cấp, giữa lúc nắng nóng cứ nghĩ rằng nhà nào ở La Châu cũng sẽ bật quạt vù vù nhất là các cụ lớn tuổi để có thể mát mẻ hơn, nhưng thực tế không phải như vậy. Các cụ lớn tuổi vẫn phe phẩy chiếc quạt nan, quạt tay nhẹ nhàng, lúc trời nóng "như rang người". Nhiều cụ phải đeo kính từ năm 60 tuổi nhưng họ thường ít ngồi quạt gió mà chủ yếu là quạt tay. Buổi tối đi ngủ họ sử dụng quạt máy nhưng chỉ để ở số vừa phải cho thoáng mát, chứ không bật số lớn nhất.

Khi hỏi về bí quyết sống lâu, cụ Đinh Thử người lớn tuổi nhất trong làng, tâm sự: "Người ta cứ nói tôi sống lâu do bí quyết nọ kia, chứ mà tôi làm gì có bí quyết nào đâu, sống vui vẻ thoải mái, chăm chỉ lao động, văn hóa, văn nghệ cho lành mạnh là được thôi mà". Đây cũng là câu trả lời của nhiều bậc lão niên trong làng La Châu. Đến La Châu dù vào thời điểm nào trong ngày cũng có thể dễ dàng bắt gặp các cụ lớn tuổi đi lại ngoài đường hoặc làm việc vặt giúp đỡ con cháu

Đức Thọ
.
.
.