La Gi mùa gió Tây Nam

Thứ Hai, 06/07/2015, 17:00
La Gi là tên của thị xã duyên hải cuối cùng ở Nam Trung Bộ, thuộc tỉnh Bình Thuận. Từ một làng chài hẻo lánh ở cửa biển sông Dinh nay trở thành phố biển sầm uất với đoàn tàu đánh cá hàng trăm mã lực ra tận Trường Sa. Dân La Gi sống từ nguồn lợi biển. Biển mất mùa, biển dậy sóng biết bao chuyện buồn vui, nhất là mùa gió Tây Nam…

Cứ mỗi lần có dịp về La Gi quê mình, tôi lại nhớ về mùa gió, rồi nhớ đến thầy Lê Văn Hộ, người thầy cõng kiến thức của đời tự nguyện phân phát cho học sinh và thổi hồn vùng duyên hải này đến mức đi nhớ, ở thương. Ven biển La Gi nhìn trên bản đồ đất nước mình mang hình vòng cung là bao lơn nhìn ra biển cả đến Trường Sa.

Hơn hai trăm năm trước là vùng đất hoang, nơi lánh nạn chính trị của xứ đàng trong khi năm 1862 nhà Nguyễn nhượng 3 tỉnh miền Đông cho Pháp rồi đến 1867 quân Pháp chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ. Thời ấy một số sĩ phu bất bình sự nhu nhược của triều đình, bỏ về sống ở Hà Lãng (Bình Châu) rồi dần ra La Gi để ẩn dật chờ thời. Vì vậy, La Gi mang tính đặc thù của một vùng đất tụ nghĩa. La Gi cũng thu hút nhiều dân miền Trung phiêu bạt, tha phương, trong đó không ít người bất mãn cung vua phủ chúa về đây nương náu, khai phá, định cư lập nghiệp.

Sau 1954, La Gi lần lượt tiếp nhận hàng vạn người khắp nơi đến sinh sống, trong đó: 6.000 đồng bào miền Bắc di cư vào năm 1955; 5.000 Việt kiều Campuchia hồi hương năm 1970; khoảng 25.000 đồng bào Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Nam di dân năm 1973 theo kế hoạch khẩn hoang lập ấp của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Tất cả đã làm cho dân số vùng này tăng nhanh. Vào năm 1975, dân số La Gi đã có 68.422 người và đến nay là 130.000 người. Theo kế hoạch đến 2020, La Gi trở thành thành phố du lịch, nghỉ dưỡng loại 3.

ức làng chài

Không hiểu vì sao người dân 4 tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ rất có tình cảm với thuật ngữ Dinh. Ở Tuy Hòa có sông Dinh, Khánh Hòa có sông Dinh, Ninh Thuận có sông Dinh và ở La Gi con sông chính đổ về cũng mang tên sông Dinh. Điều ấy có thể lý giải rằng ngày xưa người Tuy Hòa sống ở ven sông Dinh phiêu bạt vào Nam mang theo tâm thức dòng sông của mình nên đặt tên để nhớ. Cả bốn con sông mang cùng tên này đều khởi nguồn ở Tây Nguyên với chiều dài trên dưới 100 cây số. 

Trong nghề viết phóng sự đường rừng, tôi được may mắn trải nghiệm dọc theo 4 con sông này. Mỗi con sông đều giống nhau ở thượng nguồn đầy đá lởm chởm, nếu sơ suất rơi xuống dễ trở thành công dân vĩnh cửu.

Trên trái đất này, dù ở vùng lạnh giá như Siberia hay ở xứ nhiệt đới nóng ẩm Brasil, người ta vẫn dừng lại dòng sông cửa biển để tồn tại. Có những gia tộc bám trụ dòng sông đến 3-4 đời, họ trở thành nhân chứng của thiên nhiên từ những cơn lũ chìm trong đại hồng thủy đến mùa bão tố sóng biển cao 4-5 mét điên cuồng càn vào bờ quét cả làng chài ra biển. Ấy thế mà con người vẫn đeo bám trong niềm kiêu hãnh.

Vài chục năm trước, các làng chài ven biển là những căn nhà “đá” có nghĩa là chỉ cần con người đá, đạp có thể đổ sụp xuống như một đống củi khô phủ lá bên trên. Ngày ấy dân làng chài chỉ quan tâm “đầu vào” nhưng không quan tâm “đầu ra”, hiếm có ngôi nhà “đá đạp” nào có phòng vệ sinh. Đi tiểu tiện ra biển, đi đại tiện ra biển, cứ đến 3-4 giờ sáng đã thấy những bóng đen di động trên bờ cát. Đó là những người giải quyết “đầu ra”, có khi 4 đến 5 bóng đen vừa ngồi vừa “bán dưa lê” ỏm tỏi. 

Chưa hết, dân làng chài có một cách trị mẹo kỳ quặc. Mỗi khi có cá độc, rắn độc tấn công, họ sử dụng loại thuốc đặc trị có kết quả tức thì. Đó là dùng “cỏ” của đàn bà đắp vào vết cắn trên người đàn ông và ngược lại, chỉ trong vòng 2 phút hạ nhiệt ngay tức khắc tưởng chừng “như chưa hề có cuộc chia ly”.    

Tôi đã từng là nhân chứng mắt thấy tay sờ. Số là trên bờ biển có người đàn ông bị cá ó đâm vào tay, ông ta méo mặt cầu cứu chị gánh cá, chị ấy quay mặt rồi cung cấp vài “sợi cỏ” đắp vào thế là bình thường, cả hai vui như tết. Lúc đó tôi hỏi: “Mình xin “cỏ” con gái, nó có cho không?”. Ông ta trả lời một cách tự nhiên: “Cho chớ! Không cho có mà bị chửi cả đời. Như tôi đây cho mấy bà, mấy cô hoài, sau này nếu mình bị, họ cho lại mình chớ!”, tôi cười khằng khặc nhìn ông: “Chắc bây giờ “cỏ” của ông bị trụi mẹ nó rồi!”. Ông không cười, lầm bầm: “Hỏi ngu bỏ mẹ, cỏ nào chẳng lại mọc ra”.  

Sáng hôm sau, chúng tôi lang thang ra biển. Đứng trên bờ cát mới nhận ra bờ biển nước mình trông như cái bao lơn khổng lồ nhìn ra đại dương. Chiếc bao lơn bao đời nay đón nhận nhiều đặc ân và tại họa từ biển. Nếu nói đặc sản của đại dương là hải sản, còn bờ là nắng và gió, người không có tiền cũng có thể sở hữu được ân huệ này. 

Gió ở biển gần như chỉ thổi một chiều từ biển khơi vào chứ không thấy từ đất liền ra. Gió thổi thốc chỉ đứng một tí đã thấy vị mặn cộng với nhớm nháp của cát, không biết gió biển có mang độc tố gì mà một số loại cây trên bờ hóa gai đầy mình, khi đụng vào rỉ ra nhựa trắng, chúng đứng cả hàng xòe tay chân ra thủ thế.

Biển hào hiệp và tàn nhẫn, nhưng chưa thấy ai to mồm chửi biển. Trái lại con người trân trọng thờ cúng biển như một đại ân nhân, mặc dù vài tháng hay vài năm trước, người thân họ bị đuối nước hay cường triều cướp mất ngôi nhà thân yêu của mình. Biển chỉ ôn hòa độ lượng với người, biển tàn nhẫn với người khi con người không biết điều với biển. Và không biết năm nay hoặc những năm sau nữa hồn biển Đại Việt mình có còn kiên nhẫn kêu gọi thực hiện DOC (Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông) hay giữ nguyên hiện trạng nữa không!

Làng chài và làng quê Nam Bộ có nhiều điểm giống nhau. Làng chài chỉ vài bước chân trên vai một tấm lưới có thể mang về vài ký cá. Làng quê Nam Bộ cũng vài bước có ngay vài con rô sặc. Đời sống của hai làng này, có thể ngày mai trong nhà không còn gì để ăn nhưng họ vẫn nằm võng đong đưa ca vọng cổ, nhe răng cười hè hè, nụ cười hiền lành không mất lòng ai. Những làng chài ở biển không phải nhà nào cũng tường xây dưới nền tráng xi măng, có nhà trống trước hở sau, chồng đi biển biền biệt vài tuần nhưng không nghe xóm làng bàn tán “con này ngoại tình, ăn chả ăn nem” khác với những chung cư “thèm phở” ở thành phố. Chẳng lẽ những người có chữ có tiền lại thua kém với dân chài về việc giữ gìn hạnh phúc gia đình mà ngày xưa gọi là đạo đức.

Ở làng chài lâu nay vẫn theo quy luật. Đó là chiều về cả nhà sum họp ăn cơm sớm để tối đàn ông ra biển đánh bắt, đàn bà ở nhà trông con, sáng mai dậy sớm chờ chồng mang tôm cá về gánh đi bán, được nhiều ăn nhiều, ít ăn ít. Cứ thế làng chài như một chiếc đồng hồ sinh học, gần như họ không thiết tha một thiên đường nào xa lạ khác. Họ không quan tâm thế sự, họ chẳng biết ai làm thủ tướng, ai làm chủ tịch nước hay ai làm tổng bí thư...

Sáng nay được nói chuyện với Bảy Nhạn, một trung niên chuyên đánh bắt xa bờ ở La Gi. Chú Bảy bị ốm nên nằm nhà, chú than thở: “Bây giờ đi biển xa không như xưa nữa phải nhìn trước nhìn sau, gặp Cảnh sát biển của mình thì vui như tết, còn gặp mấy thằng Tàu Khựa phải lo đối phó. Mẹ! biển của mình, mà giống như thằng ăn trộm nghĩ cũng nhục. Lần trước đi quá đà bị Inđô bắt nhốt nhưng được cảnh cáo thả về. Tụi Inđô tốt, nó không đánh, không thu lưới. Nghe nói ở đảo chìm Trường Sa, Trung Quốc đổ đất làm sân bay, hải đăng không biết con cháu mình vào mùa gió Tây Nam còn ra đó được không!”, Bảy Nhạn thở dài trông rất tội nghiệp.

Dân làng chài cũng lạ quanh năm sống với biển, vắng tiếng sóng biển thấy lòng bồn chồn muốn về với biển, nhưng khi chết thì tìm nơi xa biển để tồn tại vĩnh hằng.

Liệt sĩ của nhân dân

Ngày đến La Gi đúng thời điểm gió Tây Nam trở về, chúng tôi ra biển ngồi quán cà phê nhìn gió thổi cát bay. Nhớ 19 năm trước những cơn gió loại này đã thổi xác thầy Hộ về với bà con nằm chờ dưới gốc dương xanh. Nơi thầy đã từng dẫn học trò đi dọc biển để giải thích thế nào là vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế… của nước mình.

 Ở thị xã bé nhỏ này, những ai theo học cấp III từ đầu thập niên 70 đến giữa thập niên 90 của thế kỷ trước đều ngưỡng mộ ông thầy dạy sử Lê Văn Hộ. Một ông thầy vui tính tận tâm với nghề và hết lòng với học trò, tiết dạy của thầy là giờ của những đôi mắt long lanh hau háu tìm về cha ông, một thời chân trần mang gươm đi mở đất.

Người viết bài này từng là học trò của thầy thời chế độ cũ. Ngày ấy trong giờ sử chúng tôi học được nhiều thứ. Vì sử địa là đất đai, biên cương, núi rừng, biển cả là hồn cốt của một dân tộc có thăng có trầm. Mỗi lần thầy Hộ đứng lớp gần như không vắng em nào, có khi lớp kế bên trống giờ cũng chen vào ngồi tìm kiếm kiến thức. 

Bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Lê Văn Hộ.

Vợ chồng thầy Hộ năm 1972.

Lối giảng bài của thầy hấp dẫn, mở rộng bởi theo thầy, học sử để nhớ về hồn nước. Trong giờ dạy, thầy vừa nói vừa cầm viên phấn phác thảo ngay vị trí địa lý, sông ngòi, núi non… bất kỳ một quốc gia nào đó trên thế giới một cách sống động. Ngày ấy chúng tôi tưởng tượng quả đất này nằm trong vòng tay của thầy. Qua mỗi tiết học, chúng tôi biết thêm những câu thơ đầy thi vị, những huyền sử ly kỳ. 

Là giáo viên dạy sử nhưng khi trả bài thầy thường kiểm tra kiến thức để lấy điểm ghi vào sổ. Ví dụ thầy hỏi: “Ai là người đứng ra giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1929-1933. Ai đọc được hai câu thơ lãng mạn của thời kỳ 1932-1942….?”.  Học trò ai nói trúng được 10 điểm. Thầy rất hào phóng điểm 10 cho những học sinh có kiến thức rộng.

Thế hệ học trò sau năm 1975 ở La Gi vẫn nhớ hình ảnh ông thầy hằng tuần thong thả trên chiếc xe đạp, gò lưng lên con dốc Đồng Tiến đến trường, nhớ nụ cười hờ hững nhưng giao tiếp chân tình. Vào thời điểm những năm 80, cách giảng bài giàu hình tượng, mang tính gợi ý của thầy thường bị nâng quan điểm “đá bóng lộn sân”, đôi khi bị kiểm điểm “lên bờ xuống ruộng”.

Anh Phan Chính, một người bạn khá thân với thầy kể: “Cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 1989 -1994, anh được chọn làm ứng cử viên. Ai cũng nói chắc chỉ làm quân xanh, chứ đưa một ông giáo trơn không Đảng vào hội đồng đứng dưới một ông đầy huy chương khó mà trúng cử. Vậy mà kết quả cử tri dồn phiếu cho thầy khá cao rồi trở thành đại biểu HĐND tỉnh Bình Thuận kiêm thư ký đoàn cho đến ngày mất”.  

Ngày rời quân ngũ, tôi mò đến thăm thầy không quà cáp. Gặp tôi thầy mừng, được dịp tôi trải lòng như người em út: “Thầy ơi! Tuy em là sĩ quan, nhưng em không chọn binh nghiệp làm nghề, em muốn đi học lại nhưng không biết bắt đầu từ đâu!”. Thầy trầm ngâm rồi tư vấn: “Đất nước mình sẽ phải đổi mới để hội nhập quốc tế, tiếng Pháp của mầy giỏi rất dễ cộng hưởng với ngôn ngữ khác. Mầy nên thi vào Trung tâm Anh ngữ Đại học Nông Lâm ở Thủ Đức học lấy bằng TOEFL (Test of English as Foreign Language) để làm việc với công ty nước ngoài”. Thầy xé một tờ lịch viết tốc ký giới thiệu cho con gái đang học uốn tóc ở Sài Gòn, thầy viết: “Mê Linh con! Đây là anh Như Long, học trò có uy tín của ba. Con giới thiệu với chị Hoa hướng dẫn cho anh ấy vào Trung tâm Nông Lâm...”.  Một năm sau tôi thi TOEFL được 500 điểm mở đầu cho một người lính trong thời hội nhập. Công ơn đó bây giờ tôi vẫn nhớ.

Cửa sông Dinh.

Ngày thầy mất tại cửa biển sông Dinh, lúc tôi đang ở Sài Gòn. Nhận được tin báo của Trần Đình Tưởng và Khương Thanh Đạm, tôi bàng hoàng, ầng ậng nước mắt không tin và không tin đến tận bây giờ. 

Mới đây, tôi về lại Sài Gòn tìm gặp vợ thầy, cô Đỗ Thị Hồng Sương cũng là cô giáo cũ của tôi dạy môn vạn vật trước năm 75, cô Sương bây giờ đã gần 70. Sau ngày thầy mất, cô theo con về Sài Gòn sinh sống và cũng để nguôi ngoai một thời hạnh phúc sớm hôm chồng vợ có nhau. 

Cô ngậm ngùi kể: “Ngày 23 tháng 10 năm 1994 cũng năm Dậu, lực lượng biên phòng La Gi phát hiện có tàu Đài Loan xâm phạm hải phận Việt Nam đang trú tại Hòn Bà. Ban chỉ huy đồn biết thầy nói được tiếng Anh-Pháp-Hoa nên nhờ đi phiên dịch. Hôm ấy là ngày gió Tây Nam thổi về rát mặt. Nhưng tính thầy chắc em biết, mỗi khi có người lạ vào đất nước mình trái phép thầy giãy “như đĩa phải vôi”. Với tư cách là một trí thức trong đất nước có chủ quyền, thầy mặc áo đẹp mang giầy da để làm việc với họ. Nhưng đó là ngày thầy em trở về với biển. Vì cơn bão ập vào gió cấp 9 cấp 10 sóng cao 5m đánh chìm cả ghe…”. 

Cô bật khóc, tiếng khóc của một trí thức góa phụ cũng là cô giáo của mình khiến nước mắt của tôi trào ra, mặc dầu bây giờ cô trò không ai còn trẻ trung nữa. 

Cô tiếp tục: “Lúc nghe tin sóng biển đánh chìm ghe, đêm ấy học trò của cả cô và thầy đốt đuốc sáng đêm đi dọc bờ để tìm xác. Cô vẫn nhớ ngày đưa tang mưa dầm, nhưng đoàn người đến tiễn thầy kéo dài cả cây số trong mưa gió bão bùng. Nghe nhiều người La Gi nói rằng: Đây là buổi biệt ly lớn nhất và buồn nhất của thị trấn mình”.

Năm thầy Hộ mất ở tuổi 49. Người ta thường nói tuổi của vận hạn. Thầy sinh năm đói Ất Dậu 1945 và chết cũng năm Dậu 1994. Quê thầy ở vùng ven Phan Thiết, mồ côi cha, nhà nghèo nhưng thầy đậu tú tài hạng bình ban toán. Năm 1968, vì mê Tướng Giáp nên theo khoa sử Đại học Sư phạm Sài Gòn, rồi tiếp tục ghi danh Đại học Văn khoa để lấy bằng cử nhân - cao học. Mười tám năm trên bục giảng với bộ môn yêu thích, thầy đã gieo mầm vào bộ não thế hệ trẻ La Gi về bút pháp lạ, về non sông gấm vóc của cha ông mình trong những thời hoa và lửa.

Như trở thành thông lệ, khi thời điểm mùa gió Tây Nam thổi về, những người thân quen và học trò cũ lại nhớ NGƯỜI về với biển, mỗi người có những cái nhớ về thầy từng mỗi giai thoại dễ thương. Hình như con người có số, có lẽ thầy Hộ biết mình về với đất nên chụp một tấm ảnh đẹp và làm bài thơ Hát khúc bình yên, thầy viết: “Chẳng phải hướng dương, chẳng phải lài/ Hoa đồng cỏ nội sống khoan thai/ Văn năm bảy chữ hơ hồn trẻ/ Sử sách vài chương gợi sức trai/ Có nước có nhà và có vợ/ Cho mình cho bạn cả cho ai/ Dế ơi! điệp khúc ngôn trường tận/ Ta ngáy thường tình mây gió bay”. Và đoạn cuối, thầy viết: “Nếu một mai ta chết, vợ con và người thân nếu có điều kiện khắc bài thơ trên để treo thờ thay tấn vãn hoặc có điều kiện hơn, khắc ở bia mộ càng hay”.

Chiều nay, tôi đứng bên ngôi mộ của thầy giữa không gian bàng bạc ở nghĩa trang Tân An (La Gi), đọc lại những câu thơ đã mòn bởi gió bụi thời gian nhưng vẫn thấy lòng đau xót. Tuy là một sĩ quan quân đội sống chết vô thường, nhưng nước mắt chảy ra. Tôi hình tượng vong linh thầy đang chập chờn theo màu tím chiều hoang biền biệt.

 * * *

Ngày rời phố biển khi gió Tây Nam từ biển lồng lộng thổi về, tôi biết ở Trường Sa đang dậy sóng. Người ta cậy vào nước lớn đổ đất dựng lên sân bay còn đe dọa cả vùng nhận dạng phòng không ngay trên biển đảo của mình. Thầy Hộ đã được chính phủ phong liệt sĩ vì hy sinh trong công tác xua đuổi tàu lạ. Tôi nhớ những giờ sử thầy dạy đến nỗi các bạn tôi vào học ké, rồi chép miệng thở dài khi các em học sinh xé đề cương môn sử rải trắng sân trường. Biển La Gi bây giờ vẫn thế, vẫn nước xanh với những con sóng bạc đầu rào rạt vỗ bờ nhưng ở lòng biển, lòng đất đang vang lên tiếng nói của Bác Hồ “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”.

Như Long
.
.
.