La cà chuyện ma Bình Thuận

Thứ Ba, 27/08/2013, 17:44

Xưa có câu “Cọp Khánh Hòa-Ma Bình Thuận”, người ta khẳng định mảnh đất tận cực Nam Trung Bộ này, đồng thời cũng là chiến địa đẫm máu cuối cùng của người Chăm, có rất nhiều oan hồn trở về quanh quẩn trong đêm vắng. Đến nay, không ít nơi trong tỉnh vẫn còn lan truyền những chuyện về linh hồn ma, và đều có những cách đề phòng để cho con cháu không bị ma bắt. Lần này về lại Bình Thuận, tôi cũng muốn lý giải một chuyện mà tôi nghi rằng, mình đã bị ma dẫn dụ lên đồi công chúa Po Sha Inư vào cái đêm trăng ấy...

Những chuyện ma trên cung đường Phan Thiết

Tôi sực nhớ lần đầu tiên, khi đi Phan Thiết để tham quan cây đèn biển ở mũi Kê Gà, cách đây khoảng gần 10 năm, mình đã gặp ma. Có thể lúc đó tôi hoa mắt, hay mộng du sau khi leo 183 bậc cầu thang lên tầng cao nhất của cây đèn biển. Nhưng khi đi xuống, vòng ra phía sau chân cây đèn biển, để nhìn rõ một bông hoa, thì đó lại là một mẩu xương người trắng hếu. Chợt lúc, nó lại hóa thành một con mắt mở to, nhìn tôi trừng trừng. Tôi giật mình lùi lại. Thì ra ở gần đó có một ngôi mộ xanh rì rêu phong. Sóng biển ào ạt. Gió lộng. Một đám mây dông kéo tới. Sợ mưa to, tôi chạy vội về trụ sở trạm đèn biển.

Khi hỏi, anh Sáu đội trưởng nói, cách đây hơn trăm năm, đã có tới 80 người thợ xây cây đèn biển này đã bị tai nạn và chết tại đây. Đó là những mối họa như ma ám đã xảy ra vào quãng năm 1897-1898, khi công nhân vác đá lên cao xây cây đèn biển Kê Gà. Có thể nói đây là một cây đèn biển bằng đá đạt kỷ lục cao nhất (67m), nhiều tuổi nhất (116 năm), đẹp nhất (kiến trúc bằng đá), nhưng cũng nhiều người chết nhất. Sau này, mẩu xương hoa ấy cứ ám ảnh tôi mỗi khi nhớ về Phan Thiết.

Lần thứ hai, về lại Phan Thiết, gặp nhà thơ La Văn Tuân, ở Đài phát thanh Bình Thuận, tôi tò mò hỏi thêm về chuyện ma Bình Thuận. Anh kể, chậm rãi và thật rành mạch, câu chuyện ma ở miếu Hồng Hài Nhi, trên đường quốc lộ 1A. Hầu như tất cả cánh lái xe đường dài, mỗi khi qua đất Bình Thuận đều hướng về ngôi miếu này gửi một lời chào “cậu”. Nhiều người đi vào đúng ngày một hay rằm hàng tháng, cũng dừng xe, vào miếu thắp hương và cầu xin sự may mắn trên đường. Tôi hỏi vì sao lại thế, nhà thơ cười rồi nhớ lại đó là vào một đêm khuya, cách đây gần ba mươi năm, có hai mẹ con người ăn xin đi tới đó, đã thấm mệt nên ngủ lại trên một gò đất cao, trên đường. Người mẹ ngủ mê mệt, không biết rằng lúc đó đứa con trai 5 tuổi đã thức dậy chạy xuống đường và bị xe ôtô cán chết. Người mẹ đau buồn vùi con lại dưới những tảng đá, và khóc lóc thảm thiết, rồi lên đường xuôi về phía Nam.

Thế rồi, từ đó nhiều tài xế thường bị tai nạn “Ngã xe” hay “Lộn xe”, vào những chuyến ban đêm, ở chính tại địa điểm này. Nguyên nhân, chỉ vì đang phóng xe nhanh thì bất ngờ có một đứa trẻ hiện ra, trước ánh đèn pha lấp loáng. Thế là ai cũng phanh gấp, bất thường vậy nên ô tô hay bị lật đổ, thậm chí có xe còn bị lăn mấy vòng mới dừng lại. Có người không tin vào mắt mình nữa, khi bò ra khỏi xe, còn cuống lên vì sợ mình đã đâm vào đứa trẻ chợt chạy ra giữa đường. Anh ta vội tìm thằng bé và gọi xem nó ở đâu, còn sống không. Nhiều lái xe bị thương. Có người chết. Vậy là ngôi miếu được mọc lên thờ “cậu” và được đặt tên là Hồng Hài Nhi. Một thời gian dài, cánh lái xe biết điều khi đi qua đây phải đi chậm lại và gật đầu chào “cậu”, mong tránh hậu họa trên đường dài.

Tháp Po Sha Inư.

Tôi đang ngỡ ngàng về hình ảnh “cậu” nhỏ bé đáng thương, thì nhà thơ La Văn Tuân chợt hỏi về chuyện tôi đã từng bị một cô bé dẫn dụ lên đồi tháp Chăm, ở Phan Thiết vào một đêm trăng. Khi ấy tôi như đang mụ mị với những hình ảnh vũ nữ Chăm, trong điệu múa Apsara, dưới chân đồi, thì cô bé chừng 12 tuổi xuất hiện. Cô bé mặc áo dài trắng và có đôi mắt to tròn, ngời sáng. Tôi đi theo cô bé, trong tiếng kèn Saranai, bên cửa tháp Chăm Pô Sah Inư. Bóng cô bé thấp thoáng, khi hiện khi ẩn trong ánh trăng vàng sóng sánh. Tôi nhanh chân đi theo bóng cô bé, nhưng không thể bắt kịp, vì cái dáng nhỏ bé ấy lúc xa lúc gần. Một ảo giác chăng. Khi bước tới gần tháp Chăm, thì cô bé biến mất trong bóng tối những cây bàng.

Rồi bất ngờ, một vũ nữ xuất hiện, trong chiếc mũ bạc lóng lánh dưới ánh trăng. Cơn say âm nhạc đậm chất Chăm dị biệt, da diết, và bay bổng trong âm sắc tâm linh trên đỉnh đồi. Cô bé xòe ngón tay đưa lên cao. Tôi lại càng mê đi trong nỗi thổn thức ma mị đó. Khi tiếng kèn thả xuống một nốt trầm, thì đúng lúc hình ảnh vũ nữ tan vào ánh trăng. Tiếng sóng biển dội lên đánh thức giấc mơ trong tôi về cô công chúa Chăm Po Sha Inư. Tôi thẫn thờ đi xuống con đường khuất nẻo nhỏ bé giữa hàng cây rì rào như hơi thở của cô bé với đôi mắt to tròn. Khi đứng dưới ánh đèn đường dưới chân đồi, tôi mới nhớ ra mình vừa bị ma dẫn lối mà không biết.

Mối tình trên Lầu Ông Hoàng

Nhà thơ La Văn Tuân lắng nghe tôi kể lại hiện tượng bị ma Hời dẫn đường, thì anh cười và nói rằng, thực ra người Bình Thuận quan niệm ma chính là hồn người lang thang trở về với con người để mong chia sẻ những điều mình còn bị oan trái khi còn ở dương gian. Vậy ma không phải là xấu, mà là tiếng vọng từ chính trong tâm tưởng của người sống trong mối quan hệ quá khứ, khi cần phải gìn giữ hãy bù đắp, hoặc bao dung cho những tội lỗi đã xảy ra.

Bỗng nhiên, anh nhắc đến mối tình của nhà thơ Hàn Mặc Tử với nữ sĩ Mộng Cầm trên đồi Lầu Ông Hoàng cũng được coi như một mối tình mang phong vị ma mị, trong những đêm mưa, bên những nấm mộ đất, còn xanh lét những nỗi buồn. Cuộc tình không thành, nhưng để lại một sự ám ảnh cho người đời, về nỗi đau khuất lấp trong cuộc đời. Đó là căn bệnh “Hủi” của thi sĩ một thời bị coi là ma làm...

Lúc này, câu chuyện trên đồi Po Sha Inư lại hiện về, kể rằng cũng một đêm trăng sáng, Hàn Mặc Tử đã cùng nữ sĩ Mộng Cầm lên đây chơi, phía trên đỉnh đồi kia. Đó là Lầu Ông Hoàng, nơi để lại một cuộc tình bi ai nhất trong làng thơ Việt Nam. Nơi đây là khởi điểm cho một tình yêu của nàng thơ, thì nơi đây cũng là một cuộc chia tay bi kịch nhất sau hai năm gắn bó với cuộc tình. Trăng. Mưa. Gió. Sóng. Con biển tình yêu này đã viết lên câu chuyện của nàng công chúa xinh đẹp, nhưng chúng cũng ghi lại một mối tình lãng mạn nhất, say đắm nhất của Hàn Mặc Tử với người mình yêu.

Và trên ngọn đồi này, thi sĩ đã mê sảng, và ghi lại những câu thơ để đời: “Ta lang thang tìm tới chốn lầu trăng- Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang- Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết- Ôi trời ơi! Là Phan Thiết! Phan Thiết!- Mà tang thương còn lại mảnh trăng rơi”. Mối tình này chất chứa những điều kỳ lạ nhất như câu chuyện huyền thoại trong tập thơ “Đau thương” một thời. Và có thể nói chính cuộc tình này đã tạo nên những áng thơ say đắm và vi diệu nhất trong gia tài thơ Hàn Mặc Tử. Nhưng vô hình trung, một thời gian dài, nữ sĩ Mộng Cầm bị mang tiếng là người đã gây nên căn bệnh quái ác ấy, khi đã đòi người yêu trú mưa, ngay tại nhà mồ...

Bất ngờ, hình ảnh cô bé Chăm bí ẩn kia bỗng chập chờn hiện về trong ánh nắng tràn ngập con sông Kà Ty. Nhìn về phía xa, nhà thơ trẻ trầm ngâm, rồi đọc mấy câu thơ của ai đó, mà anh gọi là một kẻ lãng du, cũng đã từng bị một cô bé dắt lên đồi, trong một đêm trăng như thế. Những câu thơ viết về nỗi buồn da diết của một dấu tích hoang tàn theo thời gian: 

“Nỗi nhớ lóe lên như tia chớp
Thắp lên ngọn buồn cháy buốt đêm đen
Khóe mắt em ngơ ngác màn sương lạnh
Bước giang hồ nhỏ lệ bên thềm
Ta lang thang nơi núi non góc bể
Tựa tháp buồn khao khát nỗi Chăm xưa
Cặp vú nhỏ khoe dáng người vũ nữ
Hồn mơ màng theo nhịp trống thẫn thờ…”

Rồi nhà thơ La Văn Tuân nói, khi bị bóng giai nhân dẫn dụ như thế chỉ là sự ám ảnh đến mê muội và tan đi trong huyền thoại, về nàng công chúa trên đồi trăng. Lúc đó ai cũng sẽ bị lẩn thẩn như vậy. Đi như bị ma ám. Đúng là một huyễn mộng, chẳng thể giải thích nổi.

Hồn người quanh quẩn bên ta

Nhà thơ La Văn Tuân còn kể, nhà điêu khắc nổi tiếng ở Phan Thiết là Hồ Thái Thiết cũng đã từng ở bên những nấm mộ Chăm từ những ngày thơ dại. Quê ông tại Chí Công, huyện Tuy Phong, Bình Thuận cũng là một bãi chiến trường xưa, chôn nhiều xác người. Dường như ở cái làng muối ven biển ấy, nhiều người dân hiện vẫn ở cùng với những nấm mộ. Nhiều người còn sử dụng ngôi mả cổ để làm bếp, làm vách tường hay làm nền nhà. Nghĩ mà thấy rợn người. Những đêm mưa lạnh hay nhiều nấm mồ vẫn còn ánh lên những đom đóm hay đốm lân tinh làm mọi người thấp thỏm, run rẩy. Vì đó, Bình Thuận vẫn còn những câu chuyện về ma hời và những cụ già tóc trắng hay đứa bé có đôi mắt sứ hiện về. Những câu truyền miệng trong nhân gian vẫn không bao giờ phai nhạt, như “Cọp núi Ông, ma Quản Hựu” hay “Cọp núi Một, ma Cầu Liêm”.

Đột nhiên, La Văn Tuân đọc cho tôi nghe bài thơ ma của Chế Lan Viên. Giọng anh trầm khê, buồn bã với thời gian: “Có tìm chăng, những chiều không tiếng gió / Của người mi thi thể rữa  tan rồi / Có tưởng lại mảnh hồn mi đau khổ / Đang lạc loài trong cõi chết xa xôi?”. Đó là khổ thơ trích trong bài “Cái sọ người”. Dường như dấu vết ma hời, hồn Chăm đã ám ảnh trong Chế Lan Viên. Và có lẽ, ông đã nói hộ mọi người, phải chăng cái kiếp nhân sinh luân hồi, hồn người đã khuất bóng luôn trở về nơi đã từng khổ đau. Họ vẫn như quanh quẩn cùng ta. Trò chuyện, trách cứ, mỉm cười và hy vọng cùng ta

Châu Ê
.
.
.