Làm gì cũng được, miễn là lương thiện

Thứ Hai, 21/09/2015, 12:21
Những ngày qua, cư dân mạng tranh luận khá sôi nổi về việc một nữ giảng viên đại học thẳng thắn tâm sự: Vì cuộc sống quá khó khăn, người chồng không có khả năng làm kinh tế trong khi chị một nách 3 con mà đồng lương eo hẹp, không đủ trang trải các chi phí tối thiểu trong gia đình, nên ý kiến chị nêu ra là: Có nên chường mặt ra đường bán xôi mỗi sáng không?
Theo chị tự tìm hiểu từ một người bán xôi, công việc này khá đơn giản, vốn đầu tư không nhiều mà thu nhập gấp vài lần tiền lương của chị... Còn việc làm giảng viên đứng trên giảng đường đại học đúng là cao quý, là ước mơ của nhiều người, là niềm tự hào của cha mẹ, nhưng xét cho cùng chỉ là danh hão khi nó không thể mang lại cho mình một cuộc sống yên ổn, giết chết các ước mơ thời trẻ và khiến họ trở nên "hèn" hơn trong mắt mọi người.

Vâng. Đúng là đứng trên bục giảng quả là vinh dự, tự hào. Để phấn đấu làm giảng viên đại học, người ta phải trải qua một hành trình vô cùng vất vả để tích lũy kiến thức, nâng cao học vấn và có một tình yêu mãnh liệt với nghề dạy học. Khi đứng trên bục giảng, người thầy giáo như trở thành một con người khác mà bao sinh viên nhìn lên với ánh mắt kính trọng và ngưỡng mộ.

Các thầy cô giáo không chỉ truyền đạt cho sinh viên kiến thức mà còn như người truyền lửa để các sinh viên lại nuôi dưỡng, ấp ủ mơ ước một ngày nào đó mình cũng như thầy cô, được đứng trên bục giảng mang lại những kiến thức mới mẻ cho các thế hệ sinh viên.

Nói gì thì nói, nghề thầy giáo, nghề thầy thuốc trong xã hội nào cũng luôn được kính trọng và được coi là nghề cao quý vì khi đã làm thầy nghĩa là anh phải lớn hơn họ không chỉ về nhận thức mà còn nhiều mặt khác. Chính vì thế, hình ảnh về những người thầy luôn đẹp đẽ, lung linh và tình cảm của các thế hệ học trò dành cho những người thầy của mình luôn vẹn nguyên, tươi mới qua nhiều năm tháng.

Nhưng, thầy giáo của chúng ta dù vĩ đại, siêu nhân đến mấy cũng là con người, dù mơ mộng đến mấy cũng đến lúc thầy phải tiếp đất, đi chân trần trên cỏ và vướng vào những lo toan cơm áo đời thường. Dù đã được cải thiện nhiều, song một thực tế mà chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận là đồng lương của thầy giáo nói riêng, của các nghề khác nói chung trong xã hội vẫn còn thấp so với mặt bằng giá cả.

Khi thu nhập từ lương không đủ trang trải cho những nhu cầu tối thiểu của gia đình thì đó quả là bi kịch: Con cái nheo nhóc, vợ chồng bất hòa, những quan hệ xã hội không được duy trì và điều đáng buồn nhất, họ "mất lửa" nghề nghiệp và không còn niềm tin vào những điều tốt đẹp.

Minh họa: Tả Từ.

Dù vậy, không phải thầy giáo nào cũng may mắn có cơ hội làm thêm những việc mình yêu thích, phù hợp với năng lực, sở trường. Không phải trường đại học nào cũng sẵn những đề tài khoa học, các dự án liên kết với các tổ chức quốc tế, các hợp đồng phối hợp với những doanh nghiệp giàu có... trong khi thầy giáo vẫn phải sống, vẫn phải đổ xăng vào xe máy hằng tuần, vẫn phải ăn cơm 2 bữa mỗi ngày và vẫn phải nộp tiền học và vô số các khoản ngoại khóa cho con cái mỗi tháng. Đó là chưa kể rất nhiều các khoản hiếu hỉ khác họ bị cuốn vào mà nếu không tham gia, họ vô tình thấy mình trở nên lạc lõng, hèn kém.

Vậy làm thêm hay bán xôi có bị coi là xấu?

Rất nhiều giảng viên đại học khi tham gia tranh luận vấn đề này đã thoải mái bộc lộ quan điểm: Làm thêm để có thu nhập bổ sung không có gì là xấu, kể cả việc chường mặt ra ngoài đường bán xôi. Bởi đồng tiền họ kiếm được là  trong sạch, không bị lệ thuộc vào người khác và nên có cái nhìn thoáng hơn về vấn đề này.

Hình ảnh một người thầy say sưa trên bục giảng, truyền đạt những vấn đề tâm huyết với sinh viên, mang đến cho các em những ước mơ đẹp đẽ, những chân trời khát vọng, điều đó mới quan trọng, nhân cách đó mới đáng được kính trọng. Còn việc lợi dụng danh nghĩa người thầy để trục lợi, có tiền bằng mọi giá, quên đi vị trí của mình mới là điều đáng hổ thẹn.

Đôi khi, con người phải chấp nhận làm những việc họ không muốn để nuôi dưỡng ước mơ, sự nghiệp lâu dài, miễn là công việc đó lương thiện. Và đồng tiền kiếm được từ những công việc ấy còn mang lại một ý nghĩa khác: Giúp họ trưởng thành và có thêm kỹ năng hoàn thiện chính mình.

Tuấn Nguyễn
.
.
.