Làm nông dân, đâu dễ

Thứ Tư, 15/07/2020, 12:08
Cũng định chẳng đổ đất làm vườn, vì có tiền đâu, nhưng cứ nghĩ thầy suốt ngày loanh quanh trên chiếc giường, có ra đến sân thì chỉ phạm vi vài khuông gạch. Chả là thầy tôi bị tai biến, liệt nửa người mười một năm nay. Thôi, đổ, cho thầy vui.


Bốn xe đất phù sa, vườn đầy ú ụ. Đổ đất rồi thì phải quy hoạch, trồng cây chứ. "Chỗ này hồng xiêm, chỗ này ổi găng, chỗ kia trồng bưởi diễn". Thầy hào hứng. "Mà thầy đã hào hứng thì ok, bác à". Đồng chí Đồn trưởng ở Gia Lai điện về, quyết - Tôi có chú em, tên Thành, làm bộ đội biên phòng tỉnh. "Trồng, phải cây chiết, kha khá, sang năm bói quả luôn, bác ạ". Chú Thành, còn đái lại. 

Bốn cây hồng xiêm, bốn cây ổi găng, bốn cây bưởi diễn... ngặt thế, hôm đi mua giống, con số bốn cứ ám tôi lúc "lên cây" ở vườn ươm. Thứ gì cần, cũng chỉ bốn, lận. Hồng xiêm thì không sao, ổi sẽ cho bớt cậu Nghĩa. Bưởi diễn, hom chỉ vừa ba. Đúng ra, ghẹ chẵn bốn rọ, nhưng thầy chỉ đạo: "Đặt ba". "Thầy nói, đương nhiên là ý... trên cả sếp rồi". 

Chú Thành lại đánh giây thép về. Nghĩa là có một hốc, phải ghép hai cây. Hai cây kẹ, giồng xong, nhìn xâu xấu là. Trong lúc thầy chửa hối đẩy xe lăn ra nghiệm thu vườn, tôi hộc tốc lên chợ Cẩm Giàng. Cái góc chợ quê, chỗ cậu bé Vinh (tên, hồi năm sáu tuổi của nhà văn Thạch Lam), ngày xửa xưa, níu gấu áo mẹ bán dao bán thuốc lào, chờ được thưởng thanh kẹo mạ, giờ, đây là chỗ bán cây giống, bán vịt con... 

Lần nào nhảo chợ, tôi cũng bâng khuông, đứng chỗ này lúc lâu. Bồi hồi nghĩ về cố nhân, nhớ truyện ngắn "Hai đứa trẻ", đọc, rồi buồn đến ruộng người. Tôi tong tả trỏ một cây chiết, to dáng, đói, sẽ "đẹp" vào chỗ hai cây diễn lép. "Tui đảm bảo, bưởi diễn chính tông". "Tông cái đầu mày, nếu ra quả… chua loét". Tôi trả cậu thanh niên bán cây trăm bạc - cây bưởi đáng vài chục thôi, rồi mắng nó một câu, củng nó một cái.

Cây trái không phụ lòng người.

Đấy là chuyện cách vài năm... ổi cứ lên cao, bưởi thì chùng chình quả và mảnh vườn của thầy tôi nhìn cáu cạnh mát cả mày. Ra giêng, khi anh em tôi dấn lên, lát được gạch đỏ chạy ra sát tận bờ ao. Nhìn vườn càng mát mắt. Rồi không ngờ, chỉ năm sau, cây bưởi trồng góp ra quả sai chũn chĩn, múi ăn mát miệng - là bà xã và mấy cô em của tôi khoe nhau. 

"Quả cây bưởi Góp khá, thì tỉa hai cây diễn đi, thầy nhỉ?". "Ờ, ờ...". Lần nào về nhà, buổi trưa, tôi cũng nhảng ra vườn, ngắm nghía. Cây Góp đã vươn cao ngấn trán tôi và đậu vô số quả vàng au, chìu chịt vít cành la đà.

Tháng tư, khi mưa rào lộp độp xuống các thửa lúa lặc lè đòng đòng chửa, chú Thành cắt phép về chơi. Nhìn mảnh vườn xinh xẻo, rườm rà quả, lá, cây cối vươn cao, chú lại có ý tưởng lới mấy khuông bồn, cuốc hốc to ra, để dễ bỏ phân chăm cho chị em nhà cây vượng nhớn. 

Đúng là hoạ… ai bảo làm nông dân, dễ. Hai cân đạm hột. Anh em tôi bỏ quá tay vào bốn gốc cây bưởi lá hoa đang tươi tốt. Đắng cay. Ba hôm sau, rụng sạch cả hoa, không còn một cuộng, rồi lá cũng theo gió lìa cành. 

Chủ nhật về nhà, tôi bơ phờ nhìn góc vườn khô cành bạc gốc mà muốn gục xuống theo luôn. Giờ, lại phải tính trồng gì. Thành quả mấy năm, chỉ vài cái nhúm tay, trôi theo gió táp hồi nhà. Không có cái dại gì bằng dại chẳng thạo việc, lại làm như… thật. "Mà cũng lạ, có thứ chẳng tập sao hai ông thạo thế". Tôi thoáng nghe mấy chú rể em, nháy nhau lúc rượu vào.

Buổi trưa trong nhà nóng nóng. "Cho thầy ra vườn cả ơi". "Dạ vâng. Thầy đừng lần cửa. Chờ con". Tôi nói vọng từ sân thượng xuống. Vọt mấy bước cầu thang thế mà đã thấy Thầy ngật ngưỡng bíu đầu giường. Quặp cánh tay không liệt vào mố tường, định lần ra cửa. "Để con, để con". Miệng nói, tôi ủn cái xe đẩy vào đằng sau thầy. "Hì à". 

Thầy thở phào một tiếng rồi đĩnh đạc hai chân thõng trên chiếc xe lăn. Rồi tôi kê chân thầy lên hãm. Rồi tôi ghệ cả người và xe thầy xuống bốn bậc hè. Rồi nhúc nhắc tôi đưa thầy ra được giữa vườn… "Gượm gượm, góc kia. Cả". 

Thầy giơ cái gậy chống, bốn chân. Vật bất ly thân của thầy, trỏ trỏ ra góc vườn nơi hốc hồng xiêm táp lá bởi sâu đục thân, nửa tháng nay. "Chỗ này phải đơm cây khế, anh à". Anh à - Tôi biết, những lúc quan trọng hay nghiêm giọng lệnh, là thầy lại gọi tôi: Anh. "Vâng thầy. Con biết".

Thế là… "Thôi, tôi không xin nhiều, cây khế ấy mà. Đây cũng đáng nửa tạ thóc rồi". Rồi người mua người bán cứ dùn dẩy mãi. Người mua thì đắn đo còn người bán khế không lỡ lấy thêm. "Bác vô tư đê. Em mới tát ao, có tiền". "Ơ hay chú này. Chú "đánh" cho là may, không tôi trả sản làng. Chuyển lều về, trẻ trâu cũng đu đổ mất thôi". 

Rồi thống nhất 500 ngàn, rồi đến nửa họ nhà tôi kéo ra đào đào bới bới khiêng khiêng. Nửa ngày, cây khế cũng được chuyển về trồng ở góc vườn, đúng chỗ cha tôi chỉ. Không chệch phân nào. Mỗi lần về nhà, cứ ngắm cây khế ba nhánh, giống cây lưỡng quả - lại hay thế chứ, ngọt chua bìu díu. Tôi cứ tấm tắc, xuýt xoa.

"Mà, ông chủ lều cá lấy rẻ quá. Tại chú không cương quyết đưa thêm chứ gì?". "Bác này. Sao em lại không cương quyết. Cây khế cằn ngoài đồng. Giá tiền đong nửa tạ thóc, thế thôi". Tôi cứ cậy quyền làm anh mắng át chú em rể được phân công chủ trì mua cây khế. Khi cây khế trồng đã ra mầm, một vài lần về nhà lại ngắm, tôi mới chợt hiểu ra cái cách mua bán ở quê tôi vẫn sệt nông dân - Đâu chỉ là mua với bán. 

Bán còn để cái tình theo, mua còn dọn nơi đi lại. Cây khế không phải là sự mặc cả rẻ đắt, là đồng bạc mà nó là tặng là quà, tình làng nghĩa xóm. Hôm trước về chăm cha mẹ, tôi ra vườn ngắm khế. Và trong lòng điệng chắc một điều, sang năm vụ quả đầu tiên tôi dứt khoát phải nhớ vặt những chái to, mũm nhất, mang biếu ông chủ lều cá đã tặng cây khế cho tôi.

Để có một vườn cây cho quả bốn mùa, người nông dân phải có thời gian ở vườn nhiều hơn ở nhà.

Độ một tháng sau… "Cháu ơi là cháu. Cây khế bị sâu đục thân rồi. Mợ mày chiều nay bới đống lá tấp gốc. Thấy mấy đùm mùn rễ đùn ra. Cậu ngó, rõ vài lỗ ngoằn nghèo giống hệt sâu đục thân gốc hồng xiêm, năm ngoái". "Thế thì nguy rồi. Cậu có cách gì không?". 

Mà thôi, ông lái xe dọc Trường Sơn rồi về làm đội trưởng vệ sỹ mấy khu công nghiệp thì biết bắt sâu làm sao. Điệng là điệng nói rõ ra như thế. Nói cái việc tôi chẳng tín nhiệm cậu Cần tôi trong vụ bắt sâu đục thân cây khế. May, mà kìm nhời lại. Ôi, cây khế. Nghĩ thì nghĩ vậy tôi bỗng mở roạt màn hình máy tính. Thì đành hỏi ông "Gúc gờ" chứ tính sao. 

Sau một hồi toét mắt. Nào là thuốc bắt sâu đục thân, nào là chính hãng loại thuốc khử sâu nhai cành khế. Đại để là mờ mắt tôi vẫn chẳng tìm ra cách gì để chuyển thông tin về cho ông dũng sỹ lái xe đường Trường Sơn năm xưa, diệt mấy ổ sâu trong thân cây khế quý. 

"Chú ơi. Chú có nhà không?". Thằng nào không biết. "Chú không có nhà đâu nhé. Chú đang bận". "Ơ. Chú đang ở nhà mà nói là không có nhà". "À ừ. Chả là đương rối như canh hẹ đây. Chú không pha trà cho mày uống được đâu". "À vậy. Chú vắng nhà thì thôi. Thấy cô nhà chú nói chuyện cây khế đang căng… à ừ. Chú vắng nhà thì cháu đi đây". Ờ - Đúng rồi. Thằng cu Hoàng, chuyên cây cảnh nhà tầng tư. Sao mình không hỏi nó, cơ nhỉ. "Ơ. Hoàng ơi. Chú xin lỗi. Chú ở nhà. Chú pha trà đây. Mời, ông cháu vào đi". 

Đứng vội dậy, mở cửa, phi ra cầu thang kéo thằng Hoàng vào nhà… rồi không biết bao xít xoa, bao nhiêu rằng thì là mà, thằng Hoàng phát sốt ruột, cuối cùng nó đắng đót được câu: "Chú điện ngay cho ông dũng sỹ lái xe đường Trường Sơn. Kiếm một chiếc ruột phanh xe đạp. 

Sáng sớm tinh mơ, luồn vào cái lỗ tổ sâu, ngoáy thật lực, rồi mua loại thuốc sau đây… chú cầm bút ghi đi. Mua một cái xi lanh gộc, bơm thuốc tuần một lần vào tổ sâu to. Sâu sẽ chết, khế sẽ khỏi". "Ôi rồi. Liệu có sẽ… không Hoàng?". "Thì cứ nghe nhời cháu mách đi. Còn lộc chủ công thầy. Nếu không diệt được sâu, lại báo cháu. Sẽ điệu bố cháu ở quê. Nông dân thứ thiệt nhé. Cháu sẽ chở sang để cứu cây khế cho nhà chú. Chú yên tâm chưa". Thế là tôi sao y bản chính lời vàng ý ngọc của thằng Hoàng "cây cảnh", chuyển phôn cho ông cậu dũng sỹ lái xe đường Trường Sơn năm xưa.

Nhà văn Phan Đình Minh, phandinhminh59@gmail.com

… Nửa tháng sau.

"Anh à. Cây khế khỏi bệnh rồi". Giọng trong tê-lê-phôn là của thầy tôi, mới oách. Thì ra cậu Cần bắt máy cho thầy nói chuyện với tôi. "Đúng thật là đi góc trời rồi nhé. Những tưởng về làm nông dân mà dễ, à". Thầy lại chốt thêm câu nữa. Mấy ngày sau tôi vẫn còn cảm như nghe được giọng thầy khê khê, vang vang trong điện thoại: Cả à…

Phan Đình Minh
.
.
.