Làm sao để "thấu cảm"?

Thứ Ba, 27/06/2017, 14:53
Đề thi Ngữ văn phổ thông quốc gia năm nay gây bão chú ý vì có dùng từ "thấu cảm".


Không ít cha mẹ sĩ tử tá hỏa: "Sao lại đánh đố trẻ con cái từ lạ này?" Có dịch giả cũng lên tiếng việc dùng từ này không cần thiết vì trong vốn từ cũ đã đầy đủ những từ tương đương.

Người ta nỗ lực tìm gốc gác của nó trong tiếng Anh và khảo tới cả gốc Hy Lạp. Nhưng dù cho từ này được nhập từ tiếng Hy Lạp, tiếng Hán hay được sáng tạo ngay tại chỗ thì có gì quan trọng?

Một số học sinh khen đề hay và dễ. Một học sinh chia sẻ rằng: "có từ thấu hiểu rồi thì từ thấu cảm có gì khó hiểu đâu."

Đề thi thực sự rõ ràng. Trong đó đã giải nghĩa từ "thấu cảm" một cách đầy đủ để học sinh không thắc mắc.

Thực ra từ này không lạ. Mặt khác, kể cả những từ lần đầu tiên nghe thấy nhưng được giải nghĩa như thế thì một học sinh trung bình cũng hiểu.

Minh họa của Tả Từ.

Mà giả sử từ lạ thì càng hay chứ sao. Ngôn ngữ chúng ta nói hàng ngày là một dạng quy ước, và đương nhiên nó mang tính "điển cố".

Cuốn "Văn chương như là một quá trình dụng điển" của TS Ngô Tự Lập phân tích rất rõ điều này. Thí dụ con gà và một người "khôn nhà dại chợ" bị gọi là "con gà" thì ai cũng hiểu ý của điển cố này.

Phạm vi điển cố có cả rộng và hẹp. Chỉ cần hai người nói chuyện với nhau thì qua những trải nghiệm đó, "điển cố riêng" đã hình thành. Điển cố này giúp người ta giản lược đi những ngôn từ thừa.

Ngôn ngữ luôn thay mới theo nhu cầu của các thế hệ cho dù từ cũ đã đủ dùng. Tiếng Việt cách đây 40 năm hoặc đầu thế kỷ XX đã thay đổi đáng kinh ngạc.

Đọc văn bản nhiều thế kỷ thì thậm chí người thời nay không thể hiểu mà phải học tiếng Việt cổ cùng với chữ thời đó. Các văn nghệ sĩ trí thức là người luôn sáng tạo, bổ sung từ mới, thuật ngữ mới. Song hành với họ thì nhân dân lao động cũng "đẻ" ra từ mới nhiều gấp bội.

Sinh ngữ là thứ dù muốn hay không vẫn phải chấp nhận. Thí dụ  những từ như "cứu cánh", "bao biện", "tựa đề" thì phần nhiều phóng viên, bình luận viên nhà đài và nhiều người có bằng cấp cao vẫn sử dụng sai so với từ điển.

Thế hệ 4X trở về trước thì hiếm ai sử dụng sai những từ trong thí dụ trên. Tốt nhất, cần cập nhật nghĩa mới và không quên nghĩa cũ. Chuyện câu chữ cũng ảnh hưởng đến đời sống chữ không chỉ trên giấy.

Hiện nay, ai cũng thấy nhiều văn bản, diễn văn câu chữ quá thừa. Có thể do người soạn chưa vững nghề, nhưng có thể còn vì họ phải đối phó với thói quen bắt bẻ câu chữ bao vây tứ bề của các "thánh soi". Người soạn không dám giản lược những gì đáng giản lược để cái ý cốt lõi sáng hơn.

Thói quen bắt bẻ cản trở việc cập nhật từ mới và ý tưởng chính. "Thánh soi" chỉ ham "vật lộn" với phần "bụi rậm" của câu chữ thì làm sao hiểu được những điều sáng sủa. Có thể gọi hiện tượng này là "gàn". Đã gàn thì làm sao thấu cảm được.

Chúng ta đòi cải cách giáo dục, chúng ta luôn phàn nàn về lối dạy văn cũ, thụ động, đọc-chép làm thui chột tính độc lập sáng tạo của học sinh, rồi chính chúng ta lại bất an khi gặp cụm từ được cho là lạ trong đề thi.

Chúng ta quên mất mục tiêu của chính bản thân muốn con em mình cần có cá tính, hiểu biết và sẵn sàng phản biện để đóng góp cho sự phát triển. Chẳng lẽ chúng ta muốn "gò" những đề thi mới mẻ trở lại lối mòn của nó mấy chục năm trước sao? Tôi tin con em chúng ta có thể thấu cảm được phần nào phụ huynh chúng.

Còn bạn. Bạn có thấu cảm được các con em chúng ta không?

Lê Tâm
.
.
.