Làm thầy sao phải ăn gian?

Thứ Bảy, 28/12/2019, 11:22
Ly kỳ và hồi hộp là xét xử vụ thuốc tân dược H - Capita được cho là sản xuất tại Ấn Độ lại có nhãn mác xuất xứ Canada.


Phần lớn dư luận khẳng định giả về xuất xứ là thuốc giả. Giả là giả, không nói nhiều. Một số người cho rằng thuốc này sản xuất tại Ấn Độ thì chỉ có thể là "thật về chất lượng, giả về xuất xứ".

Đôi khi chúng ta gặp tình huống mua một loại thuốc theo đơn nhưng nhân viên cửa hàng thuốc trả lời họ chỉ có loại tương tự có tính chất tương tự nhưng do sản xuất tại Việt Nam hoặc Ấn Độ nên giá rất thấp so với loại tương tự của Âu - Mỹ. Nếu vậy sao không ghi thẳng nơi sản xuất mà phải đội lốt một quốc gia sang chảnh có giá thuốc cao gấp 5 lần Ấn Độ? Có mùi làm giả xuất xứ để trục lợi. Cái này gọi là lừa đảo. Khó mà biện minh cho chất lượng.

Ở xứ ta có quán phở đắt nhất hành tinh với giá từ 700 nghìn tới 900 nghìn đồng /1 bát. Lý do là phở dùng thịt bò Kobe. Nếu chủ quán dùng bò Ba Vì thì sao?

Những hình thức như vậy cứ cho là không tổn hại về người nhưng vẫn là “treo đầu dê bán thịt chó”. Nhưng chuyện ta bàn không phải là chuyện thực phẩm mà là thuốc chữa bệnh. Sinh mạng con người đâu thể đùa giỡn.

Minh họa Tả Từ.

Không chỉ dược sĩ biết giỡn mà bác sĩ bây giờ cũng nhiều hành động kỳ quặc lắm. Bệnh viện hạng 1 như Xanh Pôn lẽ ra phải tuân thủ quy trình cao nhất nhưng cũng giỡn số 1. Kỹ thuật viên ở  bệnh viện này cắt đôi que thử một cách khó tin khoảng 3 tháng nay. 

Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn Nguyễn Đình Hưng cho biết hành vi cắt đôi bộ dụng cụ xét nghiệm HIV tại khoa Vi sinh chỉ mang tính chất thử nghiệm trong phạm vi khoa. Tuy nhiên hoạt động thử nghiệm này đã không được khoa báo cáo cho lãnh đạo bệnh viện. 

Ô hay. Thật là một quy trình độc nhất vô nhị. Hãng sản xuất trước khi xuất xưởng tất nhiên phải thử nghiệm nhiều lần. Sao kỹ thuật viên Xanh Pôn phải thử tiếp làm gì? Cắt đôi thành nửa rồi mà tính tiền vẫn là bằng 1 que. Lương y từ mẫu gì mà khôn quá vậy? 

Một cư dân mạng bức xúc giễu cợt "Tôi quyết định thử nghiệm cắt đôi bao cao su trước khi dùng". Một anh khác mỉa mai: "Quán cơm bình dân chúng tôi cũng xin thử nghiệm cắt đôi que tăm cho khách xỉa răng, rửa một nửa cái bát cho khách và cuối cùng xin cắt một nửa của phần ăn như thường lệ để làm thử nghiệm".

Thầy thuốc mang sứ mệnh cứu người không phải sinh ra để gian lận. Sơ bộ thì việc này cũng chỉ xảy ra ở một nhóm nhỏ chứ không có chủ trương nào của bệnh viện cho phép làm vậy.

Còn bạn, nếu ốm, bạn có dám mang sinh mạng của mình thử với một nửa quy trình không?

Lê Tâm
.
.
.