Lặn bắt hàu lấy ngọc trai

Thứ Năm, 02/02/2017, 08:08
Chính nhờ những thợ lặn bắt hàu sống lấy ngọc trai ở vùng bờ biển Tây Bắc Úc, giới siêu giàu có được những viên ngọc trai lớn nhất, hiếm nhất và đắt tiền nhất.


Theo báo The Wall Street Journal, Úc là nơi cuối cùng của thế giới mà ngọc trai được nuôi trong thân con hàu hoang, với những thợ lặn lặn sâu xuống thềm lục địa của vùng biển Bắc Úc đầy cá mập để bắt hàu bằng tay không. Những viên ngọc trai bằng quả sơ ri nhưng có thể bán được hàng triệu USD một khi đã tạo thành đồ nữ trang. Đấy là những viên ngọc trai hiếm nhất thế giới, thường to hơn, tròn hơn và có giá hơn bất kỳ loại ngọc trai nào khác, theo Viện Ngọc học Mỹ. 

Các nữ ngôi sao điện ảnh Mỹ như Angelina Jolie, Uma Thurman và Scarlett Johansson đều đeo chúng và hồi năm 1992, 23 viên ngọc trai biển Nam Úc được Công ty đấu giá Sotheby’s ở New York bán với giá kỷ lục 2,3 triệu đôla. Để so sánh, một chuỗi ngọc trai nuôi nước ngọt của Trung Quốc bán trên eBay chỉ có giá 2,79 đôla.

Theo Công ty nghiên cứu Global Industry Analysts Inc (Mỹ), ngọc trai biển Nam Úc có giá bán sỉ 30.000 đôla/viên. Chúng có kích cỡ hơn 11 mm đường kính và thường được bán với giá cao hơn ngọc trai Indonesia khoảng 3-4 lần. Công nghệ nuôi hàu lấy ngọc trai của Úc vài năm lại đây bị khủng hoảng, từ việc con hàu bị bệnh cho đến chi phí sản xuất tăng và các tập đoàn dầu mỏ đa quốc gia bắt đầu khai thác dọc vùng biển, buộc các nhà sản xuất ngọc trai phải trả tiền nhiều hơn cho thành viên thuyền săn hàu lấy ngọc trai. Ở vùng biển Nam Úc từng có hàng chục nhà sản xuất ngọc trai nhưng nay chỉ còn vài người.

Cánh thợ săn hàu lấy ngọc trai Indonesia - nước sản xuất ngọc trai lớn nhất Đông Nam Á - cũng chật vật.  Đảo Lombok từng là một thị trường mạnh của những doanh nghiệp nhỏ - chủ yếu của gia đình, nhưng từ năm 2009, số doanh nghiệp này giảm khoảng 6 lần, theo Tập đoàn Autore, nơi sở hữu 6  trại nuôi hàu lấy ngọc trai ở Indonesia và một trại ở Úc.

 Và Trung Quốc hiện phủ trùm thị trường thế giới bằng những viên ngọc trai sản xuất ồ ạt, nên thợ săn ngọc trai truyền thống ở Úc và Indonesia đang phải tìm nhiều cách bán hàng sáng tạo để tồn tại. Ví dụ như Công ty Paspaley Pearling Co (Úc) tổ chức các chuyến tàu săn hàu lấy ngọc trai chỉ dành cho những người được mời là giới siêu giàu, từ tỉ phú Trung Quốc cho đến các hoàng thân Arập Xêút.

Bà Yang Yang, một nhà đầu tư 41 tuổi gốc Trung Quốc, không mê ngọc trai. Nhưng khi được mời dự một chuyến tàu săn ngọc trai, bà rất thích khi được tận mắt chứng kiến thợ lặn nhào xuống biển đầy cá mập để săn các con hàu to chứa ngọc trai. Khi lên bờ, bà Yang liền mua một dây chuyền ngọc trai với giá 8.000 đôla.

Ngọc trai cao cấp hiện rất khó bán. Mỹ từng là một trong những thị trường lớn nhất thế giới, nhưng cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã phá tan nhu cầu mua đồ nữ trang hạng sang, nên thị trường Mỹ chưa hoàn toàn phục hồi.

Trong khi đó, Trung Quốc bán ngọc trai giá “bèo” ở nhiều quầy bán lẻ trong siêu thị Wal-Mmart hoặc tại các cửa hàng ở các sân bay. Ngọc trai nước ngọt Trung Quốc có giá rẻ, thường được nuôi trong ruộng lúa ngập nước và được bón bằng phân súc vật. Ngọc trai Trung Quốc nhỏ hơn, kích thước không chuẩn và phải cần đến hóa chất để có màu trắng loáng. Sản xuất ngọc trai này rẻ tiền hơn vì một con trai nước ngọt có thể tạo ra khoảng 50 viên ngọc, trong khi hàu biển Nam Úc chỉ tạo ra một viên lớn.

Tuy nhiên gần đây, Trung Quốc đã cải thiện kỹ thuật nuôi ngọc trai. Họ có thể sản xuất các viên ngọc trai nước ngọt tròn láng, có đường kính từ 15 - 17mm, cạnh tranh chất lượng với ngọc trai biển Nam Úc.  Russell Shor, một nhà phân tích cấp cao của Viện Ngọc học Mỹ, nói: “Trung Quốc đang sản xuất hàng triệu viên ngọc trai nước ngọt, và họ ngày càng tiến bộ hơn”.

Một thử thách khác của công nghệ nuôi ngọc trai là vấn nạn hình ảnh: nhiều người trẻ xem chuyện đeo ngọc trai là lỗi thời, chỉ dành cho người già. Dù vậy, thị trường ngọc trai cao cấp có thể đang cải thiện. Nhà bán sỉ ở New York (Mỹ), Kobe (Nhật Bản) cho biết khách Mỹ đang quay lại mua ngọc trai khi kinh tế Mỹ tiếp tục cải thiện, trong khi tầng lớp trung lưu châu Á đang trở thành những khách hàng mới.

Jeffrey Badler, chủ cửa hàng bán ngọc trai Maurice Badler ở New York, nói: “Trung Quốc càng đổ nhiều hàng giá rẻ thì người ta càng muốn sở hữu những viên ngọc trai hiếm. Người có điều kiện luôn muốn có những viên ngọc trai hiếm ấy”.

Huy Toàn (theo The Wall Street Journal)
.
.
.