Làng của những người nông dân có tâm hồn nghệ sĩ

Thứ Hai, 26/02/2018, 07:30
Đó là cá tính và niềm đam mê âm nhạc, nghệ thuật của những người nông dân hay lam hay làm, một nắng hai sương ở những ngôi làng bình dị. Dù bận bịu nhưng cứ ngơi việc là họ lại cất lên lời ca, tiếng hát, tấu nhạc du dương góp phần làm đẹp cho đời. Vào mùa xuân, đó cũng là một trong những “món” họ mang ra đãi khách.


Có dịp trở về Nam Định, bạn nên đến thăm làng Phạm Pháo, một làng đạo công giáo ở huyện Hải Hậu. Đây là ngôi làng luôn sống tốt đời, đẹp đạo và có những người nông dân chơi kèn tây rất thuần thục. Phạm Pháo là làng có xưởng làm kèn đồng sớm nhất ở Nam Định và cũng là ngôi làng có đội kèn đồng lớn nhất cả nước. 

ông Nguyễn Đăng Khoa (làng Then, xã Thái Đào) say sưa kéo violin.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đời sống người dân Phạm Pháo khá phát triển, người dân theo đạo toàn tòng. Từ năm 1954, nhiều giáo họ được thành lập, mỗi giáo họ cũng có một đội kèn riêng. Xứ Phạm Pháo trước đây có chín họ lẻ cùng với giáo họ nhà xứ là mười giáo họ, có 10 đội kèn phục vụ âm nhạc trong nhà thờ và xã hội, mỗi đội có đến vài chục thành viên. Từ năm 1990, toàn giáo xứ thành lập Đội kèn Hợp nhất, mỗi đội kèn có hơn 50 nhạc công. Đội Hợp nhất có 500 nhạc công. Trong những ngày đại lễ ở Phạm Pháo như ngày chầu lượt, lễ Giáng sinh, Phục sinh... 

Đội kèn Hợp nhất có thể tấu đồng thời bản hòa tấu với 500 nhạc cụ. Giáo dân Phạm Pháo không thể nào quên ngày chầu giáo xứ vào năm đầu tiên thành lập Đội kèn Hợp nhất, khi tiếng kèn cất lên, rất nhiều cá dưới hồ nhảy vọt lên bờ. Một linh mục gốc Việt sống ở Thụy Điển trầm trồ: “Tôi đã đi khắp các nước trên thế giới, nhất là những nước cha đẻ của kèn Tây thì một đội chơi nhiều nhất cũng chỉ trên dưới 100 nhạc công; ở đây có tới 500 nhạc công, thật hoành tráng!”. 

Đội kèn Phạm Pháo giờ đây không chỉ dừng lại ở việc phục vụ riêng trong thánh lễ mà hòa vào mừng vui chung của cả đạo, cả đời. Đội còn đi thổi phục vụ đám cưới, giao lưu. Ở làng, nhiều em nhỏ cũng được dạy và thổi nhuần nhuyễn các ca khúc quen thuộc như: “Chào bình minh thế kỷ”, “Xuân chiến khu”, “Sơn nữ ca”, “Làng tôi”...

Cũng ở Nam Định, làng kèn Báo Đáp (xã Hồng Quang, huyện Nam Trực) nổi tiếng yêu âm nhạc. Trong đó có nhiều nông dân thuần túy cứ ngơi tay là lại luyện tập, giao lưu, phục vụ các ngày lễ. Đoàn Trưởng kèn tây Báo Đáp - ông Nguyễn Tri Phương cho biết, đoàn có những thanh niên 18 tuổi, lại có người hơn 50 tuổi. Tuy thế nhưng rất đồng lòng, đồng sức vực đoàn kèn ngày một phát triển.

Thử kèn ở làng Phạm Pháo (Nam Định).

Tài sản của đoàn kèn Báo Đáp là hàng chục chiếc kèn cổ, có tuổi thọ hơn 70 năm và nhiều chiếc kèn mới, hiện đại do những người nông dân bán thóc lúa, thậm chí bán đất để được sở hữu. Ông Nguyễn Tri Phương tâm sự: “Âm nhạc đã giúp đời sống người dân lạc quan, đẹp hơn. Ngoài chơi kèn thì ở đây nhiều người còn kéo được violin, chơi organ, guitar nữa”.

Đi ngược lên tỉnh Ninh Bình, đến làng Thành Mỹ (xã Ninh Mỹ - huyện Hoa Lư), chúng tôi còn được chứng kiến người dân thành lập hẳn… “Nhạc viện đồng quê” (từ năm 1995). Người thành lập là ông Phạm Quyết Thắng. Lý do rất đơn giản, sau khi ông Thắng về hưu, đã dành thời gây dựng lại niềm đam mê nhạc từ thời thanh xuân của mình. Với cây đàn organ S90 cũ kỹ, ông bỏ thêm tiền đầu tư cây violin mới. 

“Khi tôi biểu diễn, trẻ con trong làng, trong xóm kéo đến xem rất đông. Nhiều đứa muốn tôi dạy chúng. Tôi nghĩ rằng, âm nhạc phải có một sức mạnh nào đó mới “rủ” được chúng đến gần. Tôi dạy. Ban đầu chỉ có mấy đứa, sau đó đứa nọ khoe đứa kia rồi rủ đến nhà tôi rất đông. Tôi lại nghĩ, mình nên thành lập lớp và dạy cho chúng, không lấy công”, ông Thắng hồi tưởng.

Bây giờ thì ở làng Thành Mỹ có đến hàng trăm người chơi được nhiều loại nhạc cụ. Ông Phạm Quyết Thắng chia sẻ rằng mình đã thành công và việc học âm nhạc, chơi âm nhạc có một giá trị không thể nào đong đếm hết. Nhiều người đã học ở “Nhạc viện đồng quê”, từ trẻ chăn trâu đến cụ già. “Người già thì khỏe ra, hoạt bát còn trẻ em thì tránh xa tệ nạn, học hành giỏi giang hơn, đỗ nhiều vào các trường năng khiếu nghệ thuật hơn”, ông Thắng nhấn mạnh.

Nhiều lần trò chuyện với ông, tôi nhận ra ở ông là một con người giàu tâm huyết và lửa nhiệt huyết dường như chưa cạn. Có lần tôi hỏi ông, khi cuộc sống chẳng giàu có, ông đã bỏ tiền làm ra cả trung tâm, rồi dạy cho người khác, như vậy có phải là “chơi trội”?. 

Ông Thắng lắc đầu, rằng ông không thích thể hiện. Dù để có được cơ ngơi mà cả xã Ninh Mỹ tự hào, với thành quả là hơn 100 học sinh đã đỗ vào các trường năng khiếu, ông đã trải qua những ngày tháng vô vùng gian nan. Phải đi xin đàn cũ về sửa cho học trò tập, tự xây những gian phòng cho học trò tập… 

Giữa một vùng quê quanh năm chỉ có cấy lúa, làm ruộng, bỗng mọc lên những lớp học lạ lùng, có phần xa xỉ, xa vời với thực tế cuộc sống của người dân. Thế nhưng, thầy Thắng đã làm cho người dân tin tưởng vào ý tưởng và việc làm thực chất của mình.

Một ngôi làng không thể không nhắc tới, là làng Then, xã Thái Đào (Lạng Giang - Bắc Giang) là nơi nổi tiếng vì những người nông dân không chỉ biết kéo cày mà còn biết kéo đàn violin. Người làng vẫn đùa nhau và tự hào rằng, họ có những nghệ sĩ tay cày, tay đàn. Lúc mùa vụ đến thì ra đồng, làm lụng để có những mùa tốt tươi, vơi công việc, họ đặt violin lên vai, kéo những bản nhạc du trầm lắng như những nghệ sĩ chuyên nghiệp. 

Không khí tập luyện ở Nhạc viện đồng quê.

Người dân kể lại, cụ Nguyễn Hữu Đưa được coi là người có công đầu trong việc đưa loại nhạc cụ này chơi ở làng Then. Vào năm 1935, làng đã có đội bát âm gồm 4 cụ già yêu thích âm nhạc. Ban đầu, các cụ chỉ chơi để giải trí. Năm 1950 khi quân Pháp lập bốt ở xã Thái Đào cách làng Then chừng 300 mét thì 4 cụ và một số thanh niên đã lập thành một đội văn nghệ, khơi dậy tinh thần yêu nước. 

Năm 1955 đội văn nghệ cử hai người trong đó có cụ Nguyễn Hữu Đưa  ra Hà Nội đặt mua một số nhạc cụ để phục vụ luyện tập. Lúc này thì đội văn nghệ của làng đã lên đến hơn 30 người. Sau này, ông Nguyễn Đăng Khoa, sinh năm 1960 là người tiếp nối công việc của cụ Đưa là làm cho đội văn nghệ làng ngày càng phát triển. Làng Then thuần nông, vậy mà có tới hơn 100 người có thể chơi thuần thục! Một ngôi làng bé nhỏ có tới 30 cây đàn violin là một chuyện chưa từng có.

Phải đến khi làng xuất hiện trong chương trình “Chuyện lạ Việt Nam” thì thành ra nổi tiếng. Ông Nguyễn Đăng Khoa khẳng định: Đến giờ, làng Then vẫn là ngôi làng kéo violin độc nhất trên cả nước. Những người dân của làng vẫn bảo ban nhau luyện tập, truyền dạy cho thế hệ sau, bởi chính việc bồi dưỡng, lo cho thế hệ kế tiếp chính là kéo dài sức sống của làng văn nghệ.

Được thưởng thức những môn nghệ thuật mình thích cũng là một thứ hạnh phúc. Hơn một lần những người dân làng Then, hay làng Ninh Mỹ chia sẻ như vậy. Và tôi cũng biết rằng, những “nghệ sĩ làng” hay “nghệ sĩ ruộng đồng” ấy rất tự hào về đồng đất quê hương, và tự vào với những món ăn tinh thần mình có. Không chỉ vào mùa xuân, đến thăm các ngôi làng, khách đều được thết đãi âm nhạc. Và sẽ tuyệt vời biết bao nhiêu khi đến thăm ngày Tết. Âm nhạc của những ngôi làng sẽ khiến không khí xuân thêm đẹp và tình cảm nồng đượm.

Nguyễn Văn Học
.
.
.