Lang thang Phố Cát

Thứ Tư, 02/12/2015, 09:00
Từ xa xưa, Phố Cát (Vân Du, Thạch Thành, Thanh Hóa) là một vùng đất huyền thoại, với đền Mẫu (Chúa Liễu Hạnh) và thác Voi. Nhất là đền Mẫu thiêng lắm. Bao đời nay người thập phương thường về, cầu được, ước thấy những điều mình mong muốn. Sau này, Phố Cát còn có đền thờ Tống Duy Tân và đặc biệt là Di tích Chiến khu Ngọc Trạo, cái nôi cách mạng đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa.

Thác đổ bên những cung đàn réo rắt

Điểm đầu tiên chúng tôi dừng chân bên Thác Voi, trên con đường 45, từ bên Nho Quan (Ninh Bình) rẽ sang. Đây là một con thác ngày đêm cuồn cuộn những con nước từ nhiều tầng chảy tít tận trên Thung Lụt. Dòng nước từ nhiều khe dồn về Thung Vả, rồi đổ về các Khe Cạn, Khe Vả tới Thác Voi. Ngọn nguồn ấy là từ dãy núi của rừng Cúc Phương dồn về. Thác Voi là nơi xả cuối cùng tạo nên cảnh quan khá lạ mắt. Nước chảy thành nhiều dòng đổ xuống nhiều tầng đá, tạo nên những con hồ nhỏ tự nhiên chảy rào rạt, chứ không xối xả như các ngọn thác khác mà ta thường thấy. 

Thác Voi chảy không dữ dằn mà từ tốn như những tấm lụa trắng, giăng giăng phả những bụi nước mơ màng, từ độ cao 5m đẹp như tranh vẽ vậy. Đặc biệt có dòng chảy xối mòn những búp đá tạo nên một cánh ô mỏng tang màu bạch ngọc thật kỳ vĩ lạ mắt. Nhiều bạn trẻ xuống chui vào cái ô đá đó chụp ảnh sau màn nước buông tựa nhũ buông trong veo huyền diệu. Chúng tôi thật ngưỡng mộ Thác Voi, với vẻ đẹp dịu dàng của nó, trên những mó nước dập dồn, sủi bọt trắng phau.

Ngã tư Phố Cát.

Người ta nói đến với Thác Voi có thể chơi trốn tìm, vì dọc những tầng thác là hàng trăm cây sung cổ xù x́ nhiều tàn cánh, bồng bềnh trên mặt nước. Đó là những cây sung có gốc to, mấy người mới ôm hết rễ tán chung quanh. Còn các mó nước mát lạnh, nghe nói xưa kia đoàn voi chiến của vua Quang Trung đã từng dừng chân nơi đây sau những ngày hành quân mệt mỏi. Chỉ một ngày tắm và uống nước trên mó nước của con thác mà đàn voi chiến đã hồi sức và khỏe mạnh lên đường xông pha trận mạc. Người ta đã đặt tên cho thác là Thác Voi vì lẽ đó. Mó nước này còn chảy xuống chân núi và các cô gái Mường có làn da đẹp hồng và đôi mắt sáng trong vì đã tắm trên mó nước và gội đầu trên những dòng suối dồn lại cho con thác tạo nên 5 nốt nhạc tựa cung đàn réo rắt ngày đêm...

Còn nữa, cách thác không xa cũng bên con đường 45, chúng tôi dừng chân bên đền Mẫu (thờ Công chúa Liễu Hạnh) linh thiêng bao đời nay. Có lẽ tiếng réo rắt hồn nhiên của con thác đã làm nên một vận khí thiêng liêng cho ngôi đền Thánh Mẫu này. Những cung văn hát véo von cùng tiếng đàn nguyệt rộn rã làm sao. Đúng dịp này, người ta đi lễ đền Cô Chín và đền Mẫu Phố Cát. Đây là Đền Mẫu Phố Cát theo cách gọi dân gian xưa kể lại rằng, Mẫu Liễu Hạnh chính là con gái của Ngọc Hoàng bị đầy xuống trần gian chịu phạt ba năm vì tội nghịch ngợm đánh rơi vỡ chén ngọc. Nhưng vẫn cái tính ngỗ ngược và bộc trực, công chúa Liễu Hạnh cho dù hóa kiếp thành cô gái bán quán hay làm vợ người ta vẫn luôn luôn ra tay với những kẻ có tính xấu xa và còn làm nhiều chuyện ngang tàng bất chấp mọi luật lệ ràng buộc của trần gian. Đó là sự bùng nổ của một thân phận nữ nhi chống lại những thói hư tật xấu của người đời.

Đền Mẫu Phố Cát.

Công chúa Liễu Hạnh còn bị giáng trần lần thứ ba và dừng chân ở núi non Phố Cát, cùng với hai thị nữ là Quế Hoa và Thị Nương, sau bao phen chu du đây đó, múa ca đàn sáo... Sau này lập đền thờ Mẫu tại đây, những bài hát được dân gian viết, đều miêu tả những thú vui tao nhã và tìm đến những điều an lành cho con người. Làm việc tốt và phản kháng với những hành động vô luân. Theo các nhà nghiên cứu, đạo mẫu có từ tín ngưỡng dân gian nguyên thủy, tư tưởng của nó chính là sự phản kháng với những thói hư tật xấu do con người sinh ra từ chế độ phong kiến và cũng là sự phản biện sâu sắc với những quan niệm ràng buộc cố hữu lạc hậu với thời cuộc...

Chúng tôi khó có thể mà đi nổi vì tiếng đàn tiếng hát rộn rã cuốn hút lòng người. Những lời ca thanh thoát bay ra trong trẻo và sáng láng, nhiều khi đến mơ màng trong giấc mộng thần tiên. Lắng nghe, chúng tôi chỉ biết lắng nghe để thấm vào hồn những nhịp đập trái tim tươi trẻ của nàng công chúa, với lời ca cứ bồng bềnh nơi cõi nhập thần. Khi là khúc “Cậu Quận Sòng Sơn”, hay “Văn bài sai 12 cô”, hoặc “Bản hương Thánh Mẫu”... Những lời ca cứ vắt lên vai chúng tôi khó mà níu kéo: “Chầu rồi cậu lại ngao du. Đồi Ngang, Phố Cát, kinh đô thị thành. Áo cánh xanh phất phơ lòng đỏ. Quần hoa hiên vòng cổ vòng tay. Khăn đào cậu đội xinh thay. Vai mang túi gấm chân giày rong chơi...”. Nhất là đến câu: “Chim kêu vượn hót véo von. Chớp bể đôi đoạn mưa nguồn từng cơn. Khi nương gió lục thác gièm. Khi bên cành quế khi vin cành hồng. Vui chơi nước nhược non hồng. Phố Cát, Đại Đồng, sông Cả, sông Thao...”, thì có người đã múa theo giá đồng mà không hay. Đó là sợi dây tâm linh đầy bí ẩn. Thì ra đến Đền Mẫu Phố Cát là như thế đó. Thật khó hình dung...

Còn đó một linh thiêng Ngọc Trạo

Ngọc Trạo là một xã người Mường cũng từ Phố Cát đi về hướng Bắc. Nơi đây rừng núi bao bọc xung quanh, hiểm trở và cây cối um tùm rậm rạp; cùng với đó là những đường mòn bí mật đi xuyên rừng, vượt núi để tới những cung đường đi thông về các nơi. Đáng chú ý, từ đây có đường thẳng xuống Bỉm Sơn, Tam Điệp, một phòng tuyến đặc biệt hiểm yếu mà hơn 200 năm trước, đại quân của Vua Quang Trung đã từng chọn làm nơi phục binh... Có người ví núi non và con người ở Ngọc Trạo là suối nguồn của sự biến đổi và vận động cách mạng từ trong trứng nước. Đúng như lời người thuyết minh trong bảo tàng cách mạng ở Ngọc Trạo, kế bên khu tượng đài mới xây, nói với chúng tôi. Từ năm 1886, nhân dân Ngọc Trạo đã tích cực tham gia phong trào chống Pháp do Tống Duy Tân lãnh đạo. Nơi đây ngọn cờ khởi nghĩa đã tung bay trong nhiều năm, hưởng ứng chiếu “Cần Vương” của vua Hàm Nghi. Bản thân cụ Tống Duy Tân cũng đã từng dừng chân ở đây nhiều lần để phát động cuộc tấn công giặc Pháp. Kẻ thù hết sức kinh hoàng về sức chiến đấu dũng mãnh của các chiến binh người Mường, thoắt ẩn thoắt hiện, trong địa thế hiểm hóc của rừng núi Ngọc Trạo.

Theo những ảnh và tư liệu được lưu ở bảo tàng, chúng tôi còn được biết, ngay từ thời kỳ đầu cách mạng, những năm 1930-19331; hay vào những năm 1936-1939, Ngọc Trạo chính là cơ sở hoạt động cách mạng của nhiều đồng chí đảng viên. Họ đã vận động dân của xã thành lập các hội hưởng ứng cách mạng như “Hội tương tế ái hữu”, “Hội truyền bá quốc ngữ”, hay “Hội đọc sách báo”... Riêng tác phẩm “Vấn đề dân cày” của hai tác giả Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp được tuyên truyền khá rộng rãi ở vùng này. Ý thức cách mạng được hun đúc và tôi rèn rất sớm và sâu sắc trong đời sống và tư tưởng của dân xã Ngọc Trạo. Đặc biệt vào cuối năm 1939,  khi phong trào cách mạng ở nhiều cơ sở và các vùng trong tỉnh bị Pháp khủng bố, thì một số cán bộ của Đảng đã rút về đây để củng cố và duy trì hoạt động. Chính vì truyền thống đó mà Tỉnh ủy Thanh Hóa đã quyết định chọn Ngọc Trạo để xây dựng Chiến khu, tạo căn cứ địa cách mạng của tỉnh. Đây là khởi động đầu tiên, thực hiện chủ trương của Ủy ban mặt trận phản đế cứu quốc của Thanh Hóa, nhằm gây dựng lực lượng chiến đấu lâu dài.

Đến ngày 19-9-1941, đội du kích Ngọc Trạo tiền thân của lực lượng vũ trang cách mạng tỉnh Thanh Hóa chính thức được thành lập với 21 chiến sĩ, trước sự chứng kiến của đồng chí đặc phái viên xứ ủy Bắc Kỳ. Đó là giờ phút thiêng liêng mà ai cũng nhớ đến nay. Một bài ca được các chiến sĩ du kích đồng lòng cùng hát vang những lời đầy khí thế, dưới lá cờ đỏ sao vàng: “Đời ta khổ bấy lâu rồi. Mà sao vẫn cam chịu hoài. Đời mình tự mình phải cứu. Chớ trông cậy vào ai. Công nông binh đoàn kết. Trên con đường giai cấp đấu tranh. Búa liềm kia dắt chúng ta lên đường. Đại đồng” (Đội ca).

Đó là lời thề sắt son của những người chiến sĩ đầu tiên gây dựng sự nghiệp cách mạng của Thanh Hóa sau này. Cùng với việc thành lập chiến khu, công việc ấn loát của Tỉnh ủy cũng được chuyển về đây. Tờ “Báo Tự Do” và các tài liệu phổ biến của Đảng cũng được in ở chiến khu, góp phần cổ vũ đồng bào khắp nơi hướng về chiến khu cách mạng. Đội du kích lớn mạnh nhanh chóng. Ngọn lửa đỏ cách mạng từ Ngọc Trạo đã lan tỏa về mọi miền quê Thanh Hóa. Những cuộc chiến đấu bảo vệ chiến khu, làm tiền đề cho sự lớn mạnh của lực lượng cách mạng, tiến tới cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8-1945.

Sau đó, đoàn chúng tôi đi thăm khu tượng đài chiến khu, mới được tu bổ, xây dựng khá ấn tượng. Một quảng trường rộng lớn cùng tượng đài ghi lại những hình ảnh các chiến sĩ Ngọc Trạo ngày nào, với khí thế hào hùng. Đã gần 75 năm trôi qua, những ký ức huyền ảo vùng đất cổ đã góp phần tôn vinh di tích Chiến khu thêm dấu ấn linh thiêng. Con đường đi khắp bốn phương đã được mở rộng. Ngọc Trạo thành điểm đến của mọi người với lòng thành kính và tưởng nhớ đến những ngày tháng gian lao mà các chiến sĩ Ngọc Trạo đã hy sinh cho cách mạng. Ngọn cờ trên tượng đài bay cao và lời bài hát “Đội Ca” vẫn âm vang trong lòng người. Những ngọn đuốc, trong đêm 19-9-1941, luôn cháy sáng; tiếp lửa cho công cuộc cách mạng, và xây dựng tỉnh Thanh Hóa cho đến ngày nay.

Vĩ thanh

Khi quay lại Phố Cát, trung tâm của thị trấn Vân Du, chúng tôi vẫn chưa hết cảm xúc bâng khuâng xen lẫn khí chất của tâm linh dồn nén. Con chợ nhỏ bé bên phố trở nên gần gũi. Cái bánh khoai Phố Cát mới thơm bùi làm sao. Tôi sững người đứng giữa con phố nhỏ còn vương bụi và ám ảnh những huyền tích mà trời đất đã trao cho người dân Thạch Thành nơi đây. Con phố dẫn thẳng tới đường mòn Hồ Chí Minh năm xưa. Tiếng súng nổ bên rừng Ngọc Trạo còn vang lên như một hiệu lệnh năm nào. Tôi lang thang giữa Phố Cát. Những hàng cây lung linh trong nắng sớm như một bài thơ.

Chung Tử
.
.
.