Lang thang xứ Đài

Thứ Hai, 12/01/2015, 14:00
Phép lịch sự và văn minh của người Đài Loan không thua kém gì người dân ở nhiều quốc gia phương tây tôi từng đến, nếu không muốn nói là họ còn xởi lởi và thân thiện với khách du lịch hơn một số nơi. Mỗi khi bạn tiến đến xem đồ ở một gian hàng ngoài phố, người bán hàng thường tiến đến hỏi thăm bạn ngay với nụ cười rất tươi, nhưng họ không hề chèo kéo nếu bạn không muốn mua hàng, và cũng không nhượng bộ nếu bạn mặc cả xuống quá thấp.

Trước khi đặt chân đến Đài Loan, tôi không kỳ vọng mình sẽ đặc biệt ấn tượng với vùng đất này. Tôi biết rằng đây không phải một địa điểm nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh kỳ thú, hay những công trình kiến trúc độc đáo. Tôi không hề trông đợi sẽ bắt gặp ở Đài Loan vẻ đẹp choáng ngợp và thanh nhã mà tôi từng thấy ở Nhật Bản, hay không khí sôi động, náo nhiệt như ở Hong Kong. Tôi tìm đến Đài Loan chỉ đơn giản vì sự hiếu kỳ đối với một xứ sở có nền văn hóa khác biệt và một lịch sử nhiều biến động. Không hy vọng nhiều, thế nhưng chuyến đi chơi sáu ngày của tôi tại thành phố Đài Bắc đã để lại trong tôi một nỗi nhớ sâu đậm.

Hơn cả những tụ điểm du lịch hấp dẫn hay đời sống đô thị sôi động, sự hiếu khách, nhiệt thành và tình cảm nồng ấm của những người bạn Đài Loan đã khiến tôi sinh lòng quyến luyến mảnh đất ấy. Để rồi khi đã rời khỏi đó, tôi nhận thấy Đài Loan ẩn chứa một vẻ đẹp riêng thật đáng yêu. Nếu ví Đài Loan như một giai nhân, thì đó không phải là một mỹ nhân với nhan sắc tuyệt trần, mà là một cô gái có vẻ đẹp nhẹ nhàng giản dị. Thế nhưng, một khi đã quen biết và tìm hiểu về người con gái ấy, bạn sẽ ngày càng bị cuốn hút bởi nét duyên của nàng, để rồi bị nàng “thu phục” lúc nào không hay.

Vẻ đẹp bình yên

Với tôi, điểm khác biệt lớn nhất giữa Đài Bắc và các đô thị phát triển khác tại châu Á chính là cảm giác yên ả, thanh bình mà thành phố này đem lại. Là thủ đô và trung tâm tài chính, văn hóa của Đài Loan, Đài Bắc đương nhiên không phải một thành phố lặng lẽ. Tuy nhiên, so với các trung tâm kinh tế khác của châu Á như Singapore, Tokyo, hay Hong Kong, nhịp sống ở đây có phần thư thả và yên bình hơn hẳn. Dù có tìm đến các tụ điểm văn hóa giải trí của Đài Bắc ở quận Xinyi hay Wanhua vào giờ cao điểm, bạn cũng sẽ không có cảm giác rợn ngợp như lạc giữa biển người ở các khu Shibuya hay Akihabara của Tokyo. Ngoài ra, người dân Đài Bắc di chuyển một cách thong dong, chứ không đi như chạy giống dân Tokyo. Và nếu ở Hong Kong, bạn có thể vô tư đi chơi vào buổi tối và trở về vào 1 giờ sáng mà tàu điện và phố xá vẫn đông nghịt, thì tại Đài Bắc, đường sá khu trung tâm sẽ trở nên vắng lặng dần sau 11h đêm. Tàu điện vẫn hoạt động sau 12 giờ, nhưng không đông đúc như ở Tokyo hay Hong Kong.

Một khu mua sắm thuộc quận Xinyi.

Một lý do khác khiến tôi cảm thấy nhịp sống ở Đài Bắc thư thả hơn, là vì tính kiên nhẫn của người Đài Bắc. Biểu hiện rõ rệt nhất của sự kiên nhẫn ấy chính là cách người ta xếp thành hàng dài trước cửa những hàng quán được ưa chuộng. Tôi từng bắt chước xếp hàng trước một quán ăn giống như người bản xứ, nhưng chỉ được năm phút thì đã bỏ cuộc và tự hỏi: tại sao ta lại phải xếp hàng dưới trời nắng thế này, trong khi chỉ bước sang bên đường đã có một cửa hàng khác sẵn sàng phục vụ món tương tự? Ấy thế mà người Đài Bắc lại sẵn lòng đứng xếp hàng cả nửa tiếng đồng hồ trước các quán ăn trông hết sức bình dân, chỉ để chờ đến lượt mình gọi món, rồi lại... chờ tiếp 20-30 phút nữa để được phục vụ.

Những người Đài Bắc tôi gặp cũng hiếm khi tỏ ra quá vội vàng, bất kể họ làm công việc gì. Mỗi khi tôi tiến lại hỏi đường người địa phương, họ thường kiên nhẫn lắng nghe cho đến khi tôi nói hết rồi mới đáp lại, kể cả khi họ không hề thành thạo tiếng Anh. Nhiều người còn mở điện thoại dò đường cho tôi, hoặc dẫn tôi đi bộ đến tận nơi nếu họ biết rõ địa điểm. Một lần lang thang gần khách sạn Grand Hotel – một trong những điểm tham quan nổi tiếng của Đài Bắc, tôi quên mất lối về và hỏi đường một người địa phương. Ông bác tốt bụng ấy bèn nhiệt tình lấy xe máy chở tôi đến bến xe bus và chỉ dẫn chu đáo tuyến xe tôi cần đi. Chỉ khi tôi đã lên xe rồi, bác mới quay về làm nốt việc của mình.

Mảnh đất văn minh

Phép lịch sự và văn minh của người Đài Loan không thua kém gì người dân ở nhiều quốc gia phương tây tôi từng đến, nếu không muốn nói là họ còn xởi lởi và thân thiện với khách du lịch hơn một số nơi. Mỗi khi bạn tiến đến xem đồ ở một gian hàng ngoài phố, người bán hàng thường tiến đến hỏi thăm bạn ngay với nụ cười rất tươi, nhưng họ không hề chèo kéo nếu bạn không muốn mua hàng, và cũng không nhượng bộ nếu bạn mặc cả xuống quá thấp. Ở chốn công cộng, người Đài Loan thường tránh gây ồn ào. Họ không nói chuyện lớn tiếng trong rạp chiếu phim, và đặc biệt không xả rác bừa băi ở bất cứ đâu. Bằng chứng là các ga tàu điện của Đài Bắc sạch bong, không hề có dấu vết của rác thải, còn hầu hết toilet ở các khu vực công cộng đều khô ráo và sạch sẽ.

Ở Đài Bắc, điểm đặc biệt là bên cạnh ôtô, khá nhiều người vẫn chọn xe máy làm phương tiện đi lại. Người ta có thể đỗ xe bên vỉa hè ở những khu vực định sẵn mà không gây ảnh hưởng đến các phương tiện hoặc người đi bộ vì đường khá rộng. Không có ai trông xe hay thu phí đỗ xe, và bạn cũng không nhất thiết phải khóa xe lại.  Tôi có may mắn được một cậu bạn người Đài Loan chở đi chơi trong những ngày ở Đài Bắc, và nhờ vậy mà có dịp rong ruổi khắp thành phố trên xe gắn máy.

Ngồi sau xe cậu bạn, thú thực tôi cảm thấy hơi… lo lắng vì cậu lái xe khá nhanh và không hề giảm tốc độ ngay cả khi đi qua các ngã ba, ngã tư. Thế nhưng, khi quan sát những người điều khiển phương tiện khác, tôi nhận thấy tốc độ chạy xe của cậu chỉ ở mức… bình thường. Lý do đơn giản là vì ai cũng chú ý đi đúng luật: dù đi xe hay đi bộ, người ta cũng không sang đường lúc chưa có đèn xanh, vì thế các phương tiện có thể chạy xe thoải mái mà không lo gặp phải vật cản.

Đi xe máy ở Đài Bắc là một trải nghiệm thú vị, vì đường phố ở đây khá sạch sẽ và thông thoáng, lại không quá đông đúc. Hơn nữa, mặt đường rất trơn mượt nên xe cứ thế chạy bon bon trên đường, khiến tôi những muốn xe chạy mãi không dừng để được thỏa chí ngắm cảnh thành phố.

Nhờ ngồi xe máy, kết hợp đi tàu điện, đi bộ, và cả leo núi, tôi có thể quan sát Đài Bắc từ nhiều góc độ khác nhau, và cảm nhận được sự phát triển vượt bậc của thành phố. Hình ảnh một Đài Bắc hiện đại và sạch đẹp, với vô số tòa nhà cao tầng và các trung tâm thương mại sầm uất chính là kết quả của “kỳ tích Đài Loan” - quá trình phát triển kinh tế và công nghiệp hóa siêu tốc từ nửa cuối thế kỷ 20 đã đưa Đài Loan trở thành một trong những con hổ châu Á bên cạnh Singapore, Hàn Quốc và Hong Kong.

Thực ra, ở Đài Bắc không có quá nhiều công trình kiến trúc cầu kỳ hoặc gây ấn tượng mạnh mẽ. Vẫn còn đó rất nhiều tòa nhà cũ kỹ, hay những khu dân cư xấu xí. Thế nhưng các công trình công cộng như công viên, cầu đường, ga tàu điện... lại cho thấy một sự đầu tư vô cùng thông minh của chính quyền Đài Loan nhằm đem lại sự tiện lợi và thoải mái cho người dân. Nhiều trung tâm thương mại, viện bảo tàng, và một số ga tàu điện có phòng dành riêng cho các bà mẹ có con nhỏ, cũng như đường đi và toilet dành cho người khuyết tật. Các công trình công cộng như thư viện, công viên, viện bảo tàng, ga tàu điện, những điểm tham quan du lịch... đều thể hiện sự đầu tư và chăm chút kỹ lưỡng. Đặc biệt, vé vào cửa ở các khu du lịch… không quá cao, còn phí đi lại bằng tàu điện và xe bus lại rất vừa tiền. So với một số thành phố phát triển như Hong Kong, Singapore, Seoul, Tokyo hay Osaka, tôi cảm thấy giá cả ở Đài Bắc “dễ chịu” hơn hẳn. Những du khách Việt có mức thu nhập trung bình sẽ không phải kêu trời vì sự đắt đỏ của Đài Bắc vì có rất nhiều khu mua sắm bình dân và chợ đêm để bạn chọn lựa hàng hóa.

Nhìn chung, Đài Loan là một thành phố an toàn, thân thiện, đặc biệt dễ thích nghi và dễ sống. Không có gì ngạc nhiên, khi một cuộc khảo sát mới được công bố của HSBC xếp Đài Loan trong top 10 những điểm đến được ưa chuộng nhất của nhóm người nước ngoài di cư, bên cạnh các quốc gia như Thụy Sĩ, Singapore, Đức và New Zealand. Đài Loan cũng thường xuyên có mặt trong các bảng xếp hạng những điểm đến an toàn và thân thiện với khách du lịch nhất trên thế giới.

Minh Thi
.
.
.