Lão nông "khùng" và ngôi nhà gắn gần mười nghìn bát đĩa cổ

Thứ Sáu, 25/10/2013, 09:00

Nhiều người gọi ông là "Trường khùng", vợ con thì bảo ông là hạng "vô công rồi nghề" toàn đi làm những chuyện không đâu. Thế nhưng, mặc thiên hạ nghĩ gì, hơn hai mươi năm qua lão nông ấy vẫn miết mải chạy theo một thứ đam mê - bát đĩa cổ. Đam mê nhưng nghèo khiến ông nghĩ ra một cách rất đặc biệt để bảo tồn mãi mãi những thứ đồ gốm cổ mà mình sưu tập được bằng cách gắn hết chúng lên tường.

Ngôi nhà ông đang ở hiện đang được gắn tới gần 10 nghìn bát đĩa cổ các loại, trông nó chẳng khác nào một bức tranh lắp ghép độc đáo khổng lồ.

Ngôi nhà "dị" với gần mười nghìn đồ cổ gắn lên tường

Nhìn từ xa, ngôi nhà ông Trường trông giống như lối kiến trúc cung đình xưa. Xung quanh bốn bức tường rào đều được gắn bằng những chiếc bát đĩa cổ. Trên mái vòm của chiếc cổng bước vào nhà được trang trí bằng những bình cổ xen kẽ với những chiếc bát và đĩa cổ. Phía bên phải từ cổng vào là một hòn non bộ khổng lồ. Trên hòn non bộ được gắn bằng hàng nghìn mảnh gốm cổ. Giữa hòn non bộ khổng lồ là một khóm trúc rủ bóng mát xuống khoảng sân hẹp. Điều đặc biệt là trên bụi trúc được treo đủ các loại từ những bình tông nhôm, cối, chày, đèn bão, nồi xoong cổ. Bên trái cổng đi vào là ngôi nhà cấp bốn đã cũ. Phía ngoài bậc hiên là hình một con chó được gắn bằng những chiếc cúc áo cũ từ thời Pháp, những đồng tiền cổ và tiền xèng. Phía trong lẫn ngoài bốn bức tường cũng được dán kín bằng đủ loại bát đĩa cổ. Cách trang trí đặc biệt ấy khiến ngôi nhà có một vẻ rất cổ xưa và bắt mắt.

Chủ nhân của ngôi nhà không giống ai ấy là Nguyễn Văn Trường, làng Sơn Kiệu (Chấn Hưng, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc). Ông Trường sinh năm 1960, trước là bộ đội tham gia chiến trường Campuchia. Năm 1986 ông Trường về quê mưu sinh bằng nghề sơn rong bàn ghế kiếm sống. Cũng nhờ làm nghề này nên ông Trường có cơ hội tiếp xúc với nhiều người, đến được nhiều nhà. "Có lần tôi đến sơn bàn ghế thuê cho nhà một ông trùm đồ cổ đất Vĩnh Yên. Nhìn những thứ đồ đó tôi cứ mê mẩn hết cả người. Thấy tôi có vẻ say mê ông ấy nói với tôi là, chú đi làm nghề này đến nhiều nơi hễ ở đâu thấy có đồ cổ thì mua về bán lại cho tôi. Thế là từ đó tôi bắt đầu dấn vào con đường mua bán đồ cổ" - ông Trường kể lại.

Mọi người không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn vào ngôi nhà đặc biệt này.

Ban đầu, ông Trường cũng chỉ là người môi giới cho người đàn ông đó để ăn chênh lệch. Sau này khi có một chút kiến thức về đồ cổ rồi ông thành ra mê mẩn nó lúc nào không hay. Rồi những lần gặp được những chiếc bát đĩa cổ, ông Trường tự gom tiền và mua về cho mình ngắm. Càng ngắm lại càng mê. Thế là cứ làm lụng, gom góp được tí tiền nào ông Trường lại "tống" tất vào cái đống bát đĩa "cũ" mà theo nhiều người thì có vứt đi cũng chả đắt.

Hồi đó vợ chồng ông bao phen cãi nhau tưởng bỏ chỉ vì vợ ông không thể nào chấp nhận được người chồng có cái sở thích kỳ quái chẳng giống ai. Lúc đầu ông Trường còn tham gia làm những công việc đồng áng với vợ, sau cái thú ấy nó cứ lớn dần lên khiến ông mụ mị. Cứ một mình với chiếc xe đạp ghẻ, ông lùng sục khắp các hang cùng ngõ hẻm để săn đồ cổ. Có thời điểm ngày nào ông Trường cũng đạp xe dọc tuyến sông Hồng từ Việt Trì lên tận Yên Bái để vừa nhặt vừa tìm mua những bát đĩa cổ: "Một mảnh bát đĩa cổ dù nhỏ nhất tôi cũng nhặt mang về rồi gắn lên tường".

Ngày trước chỉ cần trong túi có dăm bảy chục là ông Trường lại lên đường. Có những nhà khi ông đến hỏi mua mấy chiếc bát đĩa "cũ" người ta còn cho không nhưng cũng nhiều khi vì số tiền trong túi không đủ nên ông đành đau đớn quay về. Nhiều lần gom được tiền quay lại thì món đồ ấy người ta đã bán cho người khác mất rồi. Những lúc như thế ông Trường bảo trong lòng đau xót lắm.

Ý tưởng độc đáo xuất phát cũng bởi vì nghèo

Hỏi lý do vì sao mà ông Trường không bày những bát đĩa cổ vào tủ mà lại gắn lên tường thì ông nói: "Tôi không bày là vì 3 lý do. Thứ nhất tôi sợ mình nghèo quá nhỡ có người đến gạ mua tôi sẽ bán mất. Thứ 2, nếu trưng bày trong tủ tôi sợ khi xem sẽ làm vỡ. Thứ 3 là tôi sợ sẽ bị kẻ trộm lấy mất vì cửa giả nhà mình đâu có ra gì. Chính vì thế tôi mới nảy sinh ý tưởng dán những đồ cổ mà tôi sưu tầm được lên tường nhà mình. Ban đầu tôi cũng chỉ dán mấy cái ở cửa buồng thôi, nhìn thấy vui mắt trong khi đó tường nhà tôi vôi lại bở hết rồi, nếu trát lại thì vừa mất công mà cũng không đẹp. Ngày trước tôi đi sưu tầm được nhiều lắm, một ngày được 15, 20 cái là chuyện bình thường. Quyết định dán đĩa bát vào tường nhà luôn, vừa để thay nước trát vừa để bảo tồn mãi mãi về sau.

Ông Trường giới thiệu những chiếc đĩa quý nhất được gắn trong nhà mình.

Những bát đĩa cổ được dán trên tường nhà ông Trường thì có đến khoảng 60 phần trăm trong số đó là thuộc đời nhà Lý. Có những chiếc đĩa niên đại đời nhà Minh rất quý. Nhiều người mua đồ cổ đã đến nhà ông và gạ ông gỡ những chiếc bát đĩa đó xuống bán với giá rất cao nhưng ông không đồng ý. Ông bảo: "Tôi bỏ công ra sưu tầm cũng là vì thú đam mê chứ không phải vì mục đích thương mại. Nếu tôi định bán thì tôi đã không gắn chết các đồ này lên tường như thế. Chơi đồ cổ một khi đã hiểu rồi thì ham lắm chứ không như những trò khác chỉ thích được một thời gian. Đằng này tôi mê mẩn, càng chơi, càng hiểu thì càng ham. Anh em đến chơi mà thích một cái mảnh vỡ hỏi mua tôi cũng tiếc không bán. Nó là mồ hôi, là máu của mình cả. Bán đi tiếc lắm. Nhiều lúc nghĩ người ta thích mình nhượng lại cho người ta nhưng liệu người ta có giữ được như mình không hay lại bán đi mất thì xót lắm".

Chỉ cần sưu tầm được 5, 7 cái là ông lại hì hụi gắn nó lên tường. Ông Trường sợ để lâu người ta đến chơi đòi mua, chẳng may mềm lòng ông sẽ bán mất.

Ngày đi sưu tầm, nếu hôm nào được khơ khớ, ông Trường lại trộn xi, trộn vữa để gắn ngay những cổ vật đó lên tường. Có hôm ông lọ mọ chát chát xây xây đến nửa đêm. Làm xong lại pha ấm trà ngồi ngắm nghía với vẻ khoái trá chưa từng có. Ông Trường bảo: "Chả hiểu những cái bát, đĩa cũ ấy có ma lực gì mà hấp dẫn thế không biết. Thức thì đi tìm đồ cổ, đến ngủ cũng mơ thấy đồ cổ. Nhiều đêm thao thức không ngủ được tôi lại bật đèn chong chong ngồi ngắm bốn bức tường nhà mình. Cảm giác sung sướng lắm!".

Mấy năm gần đây, ông Trường không còn phải lóc cóc đạp chiếc xe cà tàng đi khắp chốn cùng quê để săn tìm đồ cổ nữa. Thay vào đó ông đã tậu được một chiếc xe Trung Quốc, dù đôi khi đi giữa đường nó lăn đùng ra hỏng. Nhiều lúc đường rừng vắng vẻ, người lại cõng xe ra phố, ra làng mới tìm được chỗ sửa xe.

Ông Trường kể: "Có lần tôi đạp xe lên tận Sơn Dương tìm hỏi mua một cái nai (giống lọ hoa, giới đồ cổ gọi là nai) đồ nhà Thanh vẽ một ông vọng câu cá. Người ta ra giá cái đó 500 nghìn mà trong túi tôi chỉ có vỏn vẹn 50 nghìn nên không thể mua được. Tôi còn nhớ thời điểm đó 28 nghìn một tạ thóc. Tôi đành quay về mách cho ông cụ gần nhà tôi mua thì cụ đi vắng, nửa tháng sau mới dẫn cụ lên đó thì người ta đã bán mất rồi. Tôi cứ tiếc ngẩn ngơ hết cả người".

Thường những người chơi đồ cổ đều lắm tiền nhiều của, riêng ông Trường suốt 25 năm qua, dọc ngang đất nước để săn tìm đồ cổ nhưng trong túi ông chưa bao giờ có tới 3 triệu. Nói chuyện với chúng tôi, ông Trường hớn hở khoe: "Cách đây chừng nửa tháng, tôi mới trả xong công nợ mà tôi vay cách đấy 5 năm. Lúc đó tôi vay người ta 8 triệu để đi mua đổ cổ, sau đó tôi trả được 6 triệu và mới đây nhất phải trả nốt 17 triệu tiền lãi mới hết nợ đấy!". Nhiều lần các con ông Trường bảo bố là ông làm khổ chúng nó. Mỗi lần như thế ông Trường lại vò đầu bứt tai áy náy bảo: "Thì bố cũng có phải ham mê cờ bạc rượu chè gì đâu. Cái thú này nó ngấm vào máu rồi không dứt ra được".

Chính vì cái thói đam mê không giống ai ấy nên ông Trường bị cả người thân và những người sống xung quanh đặt cho biệt danh là "Trường khùng". Họ bảo ông tiền ăn không có lại còn đi mua bát đĩa về dán tường.

Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ nên chỉ có mình ông làm. Mất 15 năm thì ông hoàn thành "bức tranh" của mình với tổng cộng gần 10 nghìn chiếc đĩa, bát cổ, 90 kg xèng, 20 kg tiền xu, hơn 20 kg các loại khuy áo bằng đồng, bằng đá, và còn vô vàn những mảnh gốm vỡ khác.

Bây giờ, đã hơn 25 năm trôi qua, những cái nhìn kỳ thị về ông "Trường khùng" cũng đã giảm đi. Sự phản đối gay gắt từ vợ và các con cũng đỡ hơn nhiều. Gánh nặng cơm áo gạo tiền cũng không còn oằn vai như trước đó. Ông Trường tâm sự: "Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng nhìn công trình của mình tôi mãn nguyện lắm. Tôi mong công sức của tôi sẽ được mọi người nhìn nhận đúng. Đây không đơn thuần là một thú đam mê, mà nó chính là những giá trị văn hóa, tinh thần mà chúng ta cần có trách nhiệm bảo tồn vĩnh viễn".

Khi chúng tôi hỏi ngôi nhà này có được Sở Văn hóa quan tâm hay một Hiệp hội đồ cổ nào biết đến chưa thì ông Trường lắc đầu trả lời rằng: "Tôi chỉ là một người nông dân, cứ lặng lẽ theo đuổi thú đam mê của mình mà thôi nên không ai biết đâu, tôi cũng chẳng gia nhập hiệp hội nào cả". Thế nên những gì mà chúng tôi viết trong bài hoàn toàn là nghe ông Trường kể lại. Chưa có một xác minh nào có thể chứng minh chắc chắc những bát đĩa cổ dán trên nhà ông Trường là thuộc về đời nào… chúng tôi chỉ phản ánh vào bài viết này như một kiến trúc độc đáo của ngôi nhà kỳ lạ gắn bằng  những bát đĩa xưa.

Phong Anh
.
.
.