Lễ vía tuổi thơ

Thứ Ba, 12/05/2020, 15:01
Thợ vừa bàn giao xong cái nhà mới là bố tôi gọi điện giục ngay, bảo tôi đem con về, nhân dịp làm vía nhà mới, ngoại muốn làm vía cho cháu luôn. Tôi có ý dần dừ vì công việc, bố tôi liền thao thao một mạch, rằng người đi xa lâu, ở lâu chốn người Kinh kẻ chợ, vía buồn, vía lạc. Vía mà buồn tủi thì lòng người sầu dà sầu dịn. Vía mà nhớ mong thì người cứ nặng nỗi “thương xiết thương mơi” về bóng nhà. Vía mà lạc đường quên lối, người sẽ không khỏe, không vui, rồi sinh ốm rặt ốm reo đến mỏi hơi, kiệt xác. Bố lệnh, nhanh thu xếp mà về.


Nhà văn Tú Anh.

Người Mường tôi quan niệm và tâm tin rằng, sự an lành của con người phụ thuộc vào cái vía mình. Vía quan trọng và quyết định sự mạnh yếu, sinh tồn của con người. Vì vậy, ở Mường có rất nhiều lễ tục dành cho vía, như: vía đám ma, vía đám cưới, vía người ốm, vía đám giỗ, vía đặt tên, vía nhà mới, vía lành cho trẻ con hay còn gọi là vía cụ mộng …

Vía cụ mộng là lễ tục còn được gìn giữ và thực hiện nhiều nhất trong hầu hết tất cả các gia đình người Mường. Đây là đám vía có quy mô nhỏ, mang tính chất gia đình và chỉ dành riêng cho trẻ con, phải do nhà mộng tức là nhà ngoại tổ chức cho cháu ngoại của mình, tại nhà nội hay nhà riêng của con gái, con rể. Với ý nghĩa, mong muốn cho các cháu luôn mạnh khỏe, anh lành, ngoan ngoãn và chóng lớn

*

Tôi vẫn còn nhớ rõ lắm về kí ức tuổi thơ và những đám vía của mình. Ví như vào một chiều bất chợt nào đó nhà tôi nhận được lời nhắn của một người trong bản, rằng, dăm hôm nữa nhà mộng ngoại sẽ đến làm vía cho bọn trẻ con chúng tôi. Từ sau hôm nhận lời nhắn hẹn, không khí nhà tôi vui nhộn hẳn lên. Nhất là ông bà nội vui mừng, xem trọng như thể sắp đón Vua lang, Quan Mường vậy. Bởi thế người Mường có câu “chín trâu mười bò không bằng con gà mò mò làm vía của mộng”. 

Ông bà nội hào hứng bàn với nhau, việc mời ậu mo vía nào cho giỏi, cho thiêng. Xem trong họ có ai là người khéo ăn nói, đối đáp thì chuẩn bị mời đến hầu chuyện, tiếp mộng ngoại. Lên danh sách khách khứa. Thường thì đám vía nhỏ nên không mời khách dự đám, chỉ bảo vài ba người cao niên, đầu cành trong họ đến chứng kiến và cũng là để tiếp nhà ngoại cho đông vui, long trọng hơn.

Bà nội tự tay dọn nhà, sáo cỏ, phát cây từ ngõ xa đến cổng gần. Bảo mẹ bắc thang lên gác đem đôi đon lúa nếp xuống gầm sàn cùng cô út xay giã. Ông nội chặt tre, vót đôi chục đũa mới tinh, cho thơm mâm, thơm bát. Mỗi buổi trưa, cha vác chài ra sông kiếm thêm đôi con cá. Bà nhằm trước con gà đẹp nhất gầm sàn, bắt lại, buộc chân ở cột nhà để sẵn. 

Sau mỗi buổi đi nương, mẹ vác về thêm bó củi thơm nức hương rừng. Nhà cứ như sắp có đám lớn. Ấy là vì nhà nội tôi quý thông gia đằng ngoại nên chuẩn bị thêm những thứ đó cho đầy mâm, đầy cỗ. Chứ thực ra, đồ đạc cho ngày đám vía, bên nhà nội và con cháu không phải lo sắm sửa gì cả. Mọi đồ lễ, cỗ vía từ cơm, gạo, bánh, rượu... bên nhà ngoại sẽ chuẩn bị đầy đủ, tươm tất rồi mang đến. Nhà nội chỉ việc mời một ậu vía đến để lo tổ chức nghi lễ cúng khấn.

Và ngày hẹn cũng tới như sự mong ngóng của gia đình tôi. Sáng ấy, dù trời có rất lạnh, cả nhà cũng trở dậy từ tinh mơ. Lũ trẻ con chúng tôi tỉnh sớm nhất, từ khi con gà chưa kịp cất tiếng gọi sáng, ằm trong chăn đã trêu đùa, cười nói rúc rích với nhau. Thực ra là thấp thỏm, mong chờ. Hình dung mà thèm thuồng mâm cỗ có xôi thịt sắp được ăn. Thứ đồ xa xỉ, cả năm chỉ đôi lần vào tết nhất hoặc đám xá mới được ăn chút ít, ít đến mức chỉ đủ để thòm thèm, để nhớ đến từng giấc chiêm bao. 

Mà thích hơn cả là chiếc áo mới trong tưởng tượng. Nó sẽ có màu gì nhỉ, hoa văn thế nào? Nhưng sẽ rất đẹp đẽ và chắc chắn đã được sắp sẵn trong troi lễ của ngoại, đủ phần cho từng đứa. Vía cuối năm là lễ tục đúng ra nhà ngoại phải làm đều đặn hằng năm cho con cháu mình. Nhưng đó là với hiếm hoi những nhà có điều kiện. Chứ người Mường trước kia, đa phần đều khó khăn nên họ thường khất dồn, vài ba năm mới đi một lần. 

Ông bà ngoại tôi có tới năm người con gái, người nào lấy chồng cũng sinh vài đứa cháu. Thế nên, mỗi năm ngoại chỉ làm vía được cho một nhà. Cũng có năm mất mùa, đói thiếu chẳng thể lo đủ lễ để đi làm nổi cái vía cho đứa cháu nào cả. 

Mặc dầu lễ cỗ, đồ đạc cũng không cần sắm quá nhiều. Chỉ đôi chục cái bánh chưng nho nhỏ bằng nắm tay trẻ con. Đôi gù rượu, đôi ba con gà, chục bò gạo nếp đồ xôi, vài ống gạo tẻ nấu cháo, dăm đôi đồng tiền vía. Đặc biệt phải có áo mới cho trẻ. Nhà người con gái ấy sinh được bao nhiêu đứa cháu thì ngoại phải sắm đủ từng ấy chiếc áo mới. 

Nhưng với điều kiện cuộc sống trước đây, lo được một cái đám vía như thế cho các cháu, nhà ngoại cũng phải dành dụm cả năm trời. Nhà nào đông con, lắm cháu thì việc lo được một cái đám vía như vậy  cũng là cả một sự cố gắng, chắt chiu, nhịn bụng cả mùa dài. Thế nên, cái đám vía cụ mộng nho nhỏ ấy, với cả nhà tôi quý hơn cả tết.

Thầy mo làm lễ cúng vía.

Trời vừa tang tảng, con đường vừa lồ lộ nét mình trong sương, mẹ đã xuống thang, sang  mó nước nguồn bên chân núi, vác nước về ngâm gạo nếp. Trời ấm hơn, cha xuống sân bổ củi. Bà gọi chú Tư trèo cau, hái trầu để têm cho xanh mới. Lễ vía được tổ chức vào buổi tối, nhưng ngoại thường sẽ đến sớm hơn từ buổi trưa. 

Thực ra, việc đi làm vía của nhà ngoại thì đó là nghĩa vụ, trách nhiệm, tình yêu thương với con cháu. Nhưng dịp này cũng là cái cớ để bên ngoại đến thăm nhà thông gia, thăm con cháu lâu hơn. Từ khi tiễn con gái xuống thang đi ở nhà người, trừ lúc công cần, việc trọng, vội đi, chóng về, chẳng có lúc nào thăm nom. 

Cha mẹ nào rồi cũng muốn được biết con gái mình sống ra sao? Nhà người ta cơ ngơi, gia cảnh thực tế thế nào? Con gái về bên đó có vừa ăn, khéo ở? Người nhà chồng có tốt dạ, thơm lòng mà thương, mà cảm thông lúc vụng dại? Người đàn ông ăn đời ở kiếp có yêu chiều, đỡ đần những lúc nhọc nhằn bận bịu? Rồi đến khi có cháu, nhớ cháu hơn nhớ con, mà có mấy lúc mấy khi được gần gũi, yêu ẵm. 

Người Mường xưa, thông gia lại kiêng nể việc đến nhà nhau. Chỉ trừ khi có công chuyện cần thiết. Việc đón mộng ngoại đến nhà được xem là việc trọng, việc quý trong nhà. Nên mọi thứ phải tươm tất, cầu kỳ, lo dọn dẹp nhà cửa cho tươm tất, chọn mời người cao quý, khéo khôn nhất trong họ đế tiếp cơm, hầu chuyện. Chuẩn bị chiếu mới, đệm hoa. Và cỗ lễ làm sao cho tốt nhất có thể. 

Vì ngại tốn kém, bận phiền như thế, nên bố mẹ cô gái, có nhớ con, thương cháu, có quý thông gia đến chừng nào cũng không dám tùy tiện đến thăm. Bởi vậy mà dịp làm vía, mộng ngoại thường đến sớm hơn, cũng theo dụng ý mời của bên nội, để được thăm chơi với nhau lâu hơn.

Qua trưa bên mộng ngoại đã đến, thường chỉ có hai, ba người, là ông hoặc bà ngoại ruột và một người họ thân cận nhất. Từ lúc nhà tôi đón ngoại, nhận lễ và bắt đầu nấu nướng, làm cỗ thì không khí trên nhà, dưới sân bắt đầu nhộn nhịp. Trên gian khách, hai bên thông gia ngồi rôm rả chuyện trò. Lúc thủ thỉ tâm tình, hỏi han, khi hỉ hả cười vang phấn khởi. 

Dưới bếp, lửa bắt đầu rừng rực, khói nghi ngút luồn mái, nối nhau tung tẩy vớ gió loang biếc đầy trời. Lũ trẻ chúng tôi ríu rít chạy lên chạy xuống thang, thi thoảng sà vào lòng ngoại để được bế nựng, âu yếm. Chúng tôi chạy khoe khắp bản, đứa nào đứa nấy vui như tết, mà có khi còn vui hơn tết, bởi cái vía này là dành cho trẻ con nên chúng tôi là nhân vật chính, được quan tâm hỏi han nhiều hơn. 

Chập choạng chiều, khi lũ trâu làng lốc cốc, lang cang khua mõ về chuồng, nhà nhà thắp đèn rạng cửa voóng, là lúc mâm vía bắt đầu được dọn lên, bày ở gian buồng,  nơi trẻ con ngủ. Ngoài những thứ xôi thịt, rượu, cháo, trầu cau, tiền, áo của nhà ngoại sắm, thì cạnh mâm cúng vía phải để thêm áo cũ của bọn trẻ con chúng tôi và của cả pác mẹ. Bà nội bảo, áo cũ đó để vía nhận diện, tìm hơi, quen bóng mà về.

Khi thầy mo bắt đầu làm lễ thì hai bên nội ngoại ngồi bên cạnh đó cùng nghe khấn vía. Trẻ con lúc đó cũng chơi quanh quẩn trong nhà, không được đi xa, để vía còn nghe thầy cúng gọi tên. Tôi thích bài khấn vía ấy từ bao giờ không rõ, cứ như bị cuốn vào giai điệu trầm ấm, thiêng liêng, với những lời thân thương của ông thầy. 

Dặn dò vía ngoan, dặn biết nghe lời người lớn, bảo ban bao điều hay lẽ phải, dặn dò những điều kiêng điều kỵ để giữ hồn, giữ vía cho an nhà, lành cửa. Lời nào cũng hay, lời nào cũng đẹp. Thầy cúng thay lời mộng ngoại mời vía ăn cỗ lễ, mặc áo đẹp. Rồi ru dỗ vía ngủ ngoan ngoãn trên võng vía treo ở cửa vóong. 

Ông thầy cúng xong thì cả nhà lạy vía, rồi bắt đầu cùng ngồi vào mâm ăn tối. Riêng bọn trẻ con chúng tôi được ăn đồ ăn trên mâm khấn vía. Đó là ăn lại, ăn lộc của vía, cho mạnh khỏe, an lành.

Bữa cơm đầm ấm, thân thương và thiêng liêng trôi đi chầm chậm. Mọi người ngồi thật lâu bên nhau để thăm hỏi thật nhiều. Ông ngoại tôi và ông nội sau những chén nghĩa, chén tình chẳng ai say, nhưng đủ thấm nồng để có thể nằm bên nhau, rỉ rả trò chuyện đến lúc trời rạng ngoài cửa voóng. Lũ trẻ chúng tôi mặc nguyên chiếc áo vía mới đi ngủ. Giấc  mơ chập chờn những tiếng nói, tiếng cười.

Tú Anh
.
.
.