Lên Mã Yên Sơn ngắm Hoa Lư

Thứ Bảy, 19/09/2015, 17:24
Mảnh đất bất tử ấy đã in sâu trong tâm trí tôi qua những trang sách học trò một thuở. Những bông cờ lau ngày nào mà Đinh Bộ Lĩnh vẫn phất bay trong gió hơn 1000 năm qua luôn luôn rạo rực tâm hồn bao lớp trẻ trai hăng say lên đường bảo vệ non sông gấm vóc. Giờ đây, tôi sững sờ bước đến mộ Người trên đỉnh núi Mã Yên nhìn về muôn hướng và kia những hình ảnh của lũy thành cổ đang mờ chồng hiện về trong tâm tưởng…

1. Ký ức cố đô

Mới đây các nhà khảo cổ đã phát hiện dấu vết nền móng của cung vua nhà Đinh. Khi tôi bước vào khu nhà gìn giữ kho báu đó thì cô gái có gương mặt trái xoan vẫn đang thong thả nói với những du khách đứng bên cạnh:

- Vâng đó chính là nền của thành phía Bắc thành cổ. Dấu vết ngàn năm nay hiển hiện những chiến công xây lũy xây thành bền vững của ông cha ta. Ở nơi đây vua Đinh Tiên Hoàng đã trị vì Nhà nước Đại Cồ Việt thống nhất đầu tiên trong vòng 12 năm (968 - 980).

Tôi ngắm từng viên gạch còn thấm đẫm những giọt mồ hôi của những tháng năm khởi đầu dựng nước. Và trên cái nền độc lập đầu tiên ấy, các nhà vua thời Tiền Lê đã trị vì thêm 29 năm nữa. Vậy là hơn 40 năm thành cổ tồn tại, còn nguyên những dấu vết cho đến nghìn năm sau.

Vào Tam Cốc.

Nghe nói năm 973 con trai của Đinh Tiên Hoàng là Đinh Liễn đã cho xây tại đây 100 cột đá khắc kinh Phật, bởi Đinh Tiên Hoàng là người sùng đạo Phật. Trong thời gian này các nhà sư trở thành tầng lớp có uy tín trong xã hội. Bước vào đền vua Đinh với bao sự ngưỡng mộ kỳ lạ, bởi lẽ với bao sự thăng trầm của thời thế và năm tháng, những kỷ vật xưa cùng ngôi tượng Đinh Tiên Hoàng đúc bằng đồng như vẫn uy nghi trên bệ rồng ngày nào.

Nếu đứng bên lăng vua Đinh trên đỉnh Yên Mã, ta có thể hình dung ra hình ảnh của thành cổ với những dấu vết còn lưu giữ theo thời gian. Kia là con sông Hoàng Long chảy vào sông Đáy, tạo nên đường thủy rất thuận lợi cho trường thành Hoa Lư ở miệt Trường Yên. Bức tường thành kiên cố dựa vào chiều cao của dãy núi đá vôi. Những đoạn thành dựng lên nối liền những ngọn núi lại tạo nên hai lớp Thành Ngoài và Thành Trong. Và dấu vết nền móng phát hiện được ở cạnh đền vua Lê chính là nơi có cung điện và lầu gác của vua thuộc hai thôn Yên Thành, Yên Thượng. Những dấu vết móng sâu hơn 2 mét ấy giờ đây là một bảo tàng quý hiếm và luôn luôn tỏa lên vầng hào quang sáng chói cho một thời kỳ đất nước độc lập đầu tiên mang tên Đại Cồ Việt.

"Yên Mã đấy

Ghi dấu bao huyền tích

Thành quách xưa hun hút núi dày

Nhưng bông lau phần phật cờ bay…"

Và khi đến đây, trên bãi đất rộng như quảng trường ấy trước đền vua Đinh và vua Lê, mọi người có thể thấy những người dân trong xã dắt những ông trâu chiến ra đê làm dịch vụ cho các chú bé chụp hình kỷ niệm, âu đó cũng là việc dựng lại những hình ảnh quả cảm của Đinh Bộ Lĩnh bao đời con cháu ngưỡng mộ.

Thành cổ Hoa Lư còn là nơi ghi dấu tích huy hoàng đầu tiên của Lý Công Uẩn, sau khi ông vua Lê Long Đĩnh (Lê Ngọa Triều) mất đi. Vậy là mảnh đất lịch sử ngàn năm này đã ghi dấu ba triều vua Đinh - Lê (tiền Lê) - Lý. Dù chỉ ở đây có một năm sau đó Lý Công Uẩn mới dời đô về Thăng Long, nhưng khởi nghiệp trị vì, triều nhà Lý vẫn được coi là bắt đầu từ thành quách Hoa Lư này.

Cố đô Hoa Lư chẳng những uy nghiêm với những dấu ấn lịch sử sáng chói mà còn là một khu danh lam thắng cảnh với chính những dãy núi thành quách kỳ thú.

2. Bâng khuâng gợn sóng Ngô đồng

Nếu đi tắt từ đền Vua Dinh về phía Nam, theo con đường liên xã khoảng 9km, ta có thể ngỡ ngàng với một Vịnh Hạ Long trên cạn. Cũng thuộc Hoa Lư thôi, xã Ninh Hải và Ninh Thắng. Đó là ấn tượng kỳ vỹ khác mang cái tên "Tam Cốc - Bích Động". Gọi là thế, nhưng thật tình cái đẹp của trời đất ở đây là sự giao hòa núi non sông nước. Người dân bản địa đã từng khẳng định nơi đây đáng mặt Nam Thiên Đệ Nhị Động. Nghĩa là đẹp chỉ sau Hương tích. 

Trục dẫn lối chính là dòng sông Ngô Đồng. Hàng trăm thuyền nhỏ dẫn du khách luồn lách theo con sông chui qua ba cái hang lớn. Đó là hang Cả, hang Giữa và hang Cuối. Riêng hang Cả kéo dài hơn trăm mét. Những con thuyền đưa khách vào chiều sâu hun hút của hang động ôm trọn một khúc sông Ngô Đồng. Hôm ấy, người chèo thuyền tên là Nghĩa, nói với chúng tôi rằng:

- Nếu mùa nước lên dễ bị mắc trong hang bởi khó tìm đường ra.

Rồi anh ta triết lý trong hơi thở dồn dập vì tay chèo:

- Đôi khi con người ta bị suy sụp niềm tin và hy vọng, nhưng sự trầm tĩnh và thanh thản sẽ mách lối đường ra.

Tôi ngắm anh ta rồi ngạc nhiên bởi anh ta còn trẻ lắm. Gương mặt vuông vui quả cảm ấy làm tôi bỗng dưng nhớ đến hình ảnh của người anh hùng Đinh Bộ Lĩnh ngày nào. Cũng chính trên mảnh đất này, nơi gia đình Nghĩa đang sống và phải bươn chải với miếng ăn, đã từng rung lên tiếng trống trận, cờ xí rợp trời. Cũng có thể chính ngày xưa, cậu bé Đinh Bộ Lĩnh ấy có khác gì đâu chú bé Nghĩa đang ngồi trên mũi thuyền trước mặt tôi. Và anh ta đang dẫn đường cho tôi hòa nhập với những dãy núi điệp trùng trước mắt. 

Tam Cốc còn có cái tên là Xuyên Thúy Động do có nhiều hang động quanh co hiểm trở đẹp như Bồng lai tiên cảnh. Bích Động cũng là một hang đẹp nổi tiếng trên trục đường sông này… Tam Cốc đẹp nhưng lại không kém phần hiểm trở, do vậy có thời vua Trần đã chọn nơi đây làm căn cứ để chống giặc Nguyên Mông.

Vậy là không chỉ thời vua Đinh, Lê mà đến đời Trần, dòng sông Ngô Đồng cùng với 99 ngọn núi chạy dài vẫn luôn là một chiến lũy đem lại nhiều chiến thắng thần kỳ của ông cha ta.

3. Huyền thoại về rừng cây

Về với Hoa Lư tức là nói tới Ninh Bình, nơi ghi dấu hàng ngàn điểm thần kỳ của lịch sử. Nói đến thành Hoa Lư là nói tới những dãy núi Trường Yên trùng điệp thành quách lịch sử ngàn năm. Nhắc đến Tam Cốc là hình dung một chiến lũy đường thủy cũng mang đậm dấu ấn khởi binh ngàn năm. Còn bao điều nữa nhưng không thể không nhắc đến những bình nguyên bằng phẳng dẫn đến khu rừng Cúc Phương, một kho tàng huyền tích triệu năm. 

Nói đến núi, đến sông thì phải nói đến rừng, bởi lẽ, phía trước cửa chiến lũy Trường Yên cố đô Hoa Lư kia là những dãy núi cùng với con sông Ngô Đồng che chắn. Còn phía sau nó không thể nào khác đó là dãy núi của xã Cúc Phương tiếp giáp với hai huyện của Hòa Bình và một huyện của Thanh Hóa. Đó là vùng đệm Nho Quan, một cánh rừng núi hiểm trở, căn cứ địa cuối cùng của thành quách Hoa Lư. Nếu quan sát trên bản đồ ta thấy rõ điều đó.

Cái đẹp thẳm sâu của rừng Cúc Phương với những địa tầng sinh thái bí ẩn thật ra phải nhờ vào các dãy núi thấp phía ngoài cùng những bình nguyên rộng lớn bốn mùa cây trái. Khu rừng này rộng trên 2500ha, gồm ba phần tư là núi đá vôi, kéo dài song song nhau như hai tường thành khổng lồ… Giữa chúng là một thung lũng có vùng khí hậu đặc biệt. Đã có lần tôi ước được nằm lăn ra gốc cây Chò ngàn năm tuổi, thì giờ đây đứng trước nó tôi thấy cảm xúc của mình tê dại đi vì sự già cỗi thâm trầm, uẩn khúc của cánh rừng ẩm ướt.

Nhà bia Hoa Lư.

Cây ở đây lạ lắm, chúng mọc thành tầng tầng, lớp lớp cheo leo từ chân các ngọn núi lên tới đỉnh. Nhiều cây hiếm lắm. Nghe nói nhiều loại trên các rừng thế giới đã bị tuyệt chủng, nhưng ở đây vẫn còn. Thực ra, ngoài cây Chò Chỉ sống trên ngàn năm còn có cây Chò Xanh cũng sống hơn ngàn năm. Thậm chí đường kính ở gốc cây Chò Xanh dài tới 6m. Còn riêng thân cây Chò Chỉ đã dài tới 3mét. Tôi thử dang hai cánh tay ra ôm thân cây rồi cười ngất. Thế đấy, tưởng đến đây là nằm lăn ra được nhưng tôi thấy mình cứ ngẩn ngơ với các loài bướm cứ chập chờn bay quanh gốc cây già. Tôi cúi đầu chào cây Chò như ông "Tiên lão" của núi rừng mà rưng rưng nhòe lệ.

Nói là vùng địa căn cứ của cố đô Hoa Lư, bởi lẽ dãy núi của Cúc Phương rất hiểm trở và điệp trùng với những ngọn núi cao. Hơn nữa từ đây cũng như thành Hoa Lư chỉ cách biển chừng 50 đến 60km. Đó là Vịnh Bắc Bộ. Sự liên hoàn ấy càng nói lên sự chọn lựa đô xây thành quách và cung điện của Đinh Tiên Hoàng có những cơ sở khoa học quân sự đáng nghiên cứu. Lẽ dĩ nhiên sau này do sự phát triển nhà Lý đã dựng đô ở Thăng Long muốn mở rộng sự giao lưu cho thuận tiện hơn về phát triển làm ăn.

Ngắm cây Chò Chỉ cao 70m mà thấy rợn người như khi ta đứng ở trên cao nhìn xuống vực vậy. Cúc Phương là thế, đòi hỏi một sự thám hiểm là thế và khu rừng nguyên sinh này vẫn còn nguyên âm khí của đất nước cỏ cây, hang động. Cái đẹp của hoang dã và cái đẹp của sự bí ẩn đã tạo nên một tráng ca vĩnh cửu cho trời đất Hoa Lư một thuở.

4. Vĩ thanh

Trong tâm trí tôi đang vang lên những tiếng reo hò chiến thắng của vị tướng dẹp loạn 12 xứ quân ngàn năm xưa. Ông vua họ Đinh ấy đã ngày niệm Phật để cầu mong cho đất nước bình an. Vẳng đâu đây là tiếng chuông thỉnh lên từ ngôi đền cổ kính. Tôi bước lên ngọn Yên Mã Sơn và thầm nghĩ 254 bậc đá cheo leo kia đã dẫn tôi đến gặp vị hoàng đế cách đây hơn 1000 năm. Ông đang nằm kia an nghỉ nhưng những dãy thành cổ kia vẫn đang phập phồng hơi thở hào khí lừng vang mở đầu của một thời giữ nước và dựng nước. Tôi chắp tay vái tạ trời đất. Về với cố đô Hoa Lư, tôi về với nhịp sống ngàn xưa, về với một rừng lau trắng muốt đến tận chân trời.

Mộ La
.
.
.