Lên Tả Phìn ngắm hoa, xem người thêu váy

Thứ Hai, 24/02/2020, 09:00
Ra giêng, tôi có dịp lên Sa Pa, huyện mới được đặc cách lên thị xã hồi cuối năm ngoái nên dường như thấy cái gì cũng hấp hới. Đang mải mê “ngắm” gái Mông, gái Dao ngoài phố chợ chợt bắt gặp câu nói hệt như một câu thơ của ông họa sĩ Tô Ngọc Thành “Em gái Tả Phìn chở địa lan xuống chợ”. Và chính câu nói thơ ấy đã rủ rê tôi tới Tả Phìn…

1.Đường vào bản Tả Phìn khá dễ đi. Nếu không đi xe riêng thì đã có xe buýt từ trung tâm thị xã Sa Pa vào tới tận giữa xã, độ trên 10 cây số. Đây là một bản của người Dao đỏ ở Sa Pa, Lào Cai. Bản Tả Phìn có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa đậm bản sắc dân tộc, thu hút du khách bởi vẻ hoang sơ, mộc mạc.

Mà cái nhà ông họa sĩ này cũng “ma xó” lắm (ông Thành là con trai út của Danh họa Tô Ngọc Vân, người duy nhất nối nghiệp cha trong số những người con của danh họa), chuyện nào cũng thạo, đấy chính ông vừa nói “Các cậu lên Tả Phìn tha hồ mà ngắm địa lan và xem gái đẹp thêu váy”. Tôi ghé tai ông nói trêu “Bác chắc “thạo” con gái Tả Phìn lắm nhỉ?”. Họa sĩ Tô Ngọc Thành cười không giấu giếm “Có mấy cô từng làm mẫu cho tớ vẽ thôi”. Tôi lại trêu “Bác chọn toàn cô xinh để vẽ”. Họa sĩ Tô Ngọc Thành lại cười vẻ không giấu giếm.

Người Dao Tả Phìn chuẩn bị lá thuốc và một buổi tắm thuốc.

Bản Tả Phìn là bản chính của xã Tả Phìn nên bản có “khu trung tâm” khá rộng với bến xe buýt, các dẫy nhà của bà con được bố trí gần nhau dạng kiểu phố cùng các cửa hàng cửa hiệu nhưng dường như vấn đề “đô thị hóa” còn “né” nơi đây. Bằng chứng là nhà cửa được xây dựng theo kiểu nhà đất truyền thống với mỗi nhà có từ 3 tới 5 gian. Họa sĩ Thành bảo “Dân ở đây cho rằng có ở nhà nền đất thì mới có chỗ để cúng Bàn vương”.

Người Dao đỏ ở Tả Phìn còn có nhiều “đặc sản” mà “đặc sản” nhất là “món” tắm thuốc của người Dao đỏ. Từ rất lâu đời rồi người Dao đỏ đã có bài tắm thuốc. Lá thuốc được bà con lấy trên rừng và ban đầu chỉ là để bà con dùng cho sinh hoạt gia đình. Lá thuốc sau khi được hái về sẽ được nấu chín và bỏ vào những chiếc chum (thùng) làm bằng gỗ. Nhưng nhận thấy những giá trị từ “món” tắm thuốc này rất bổ dưỡng cho sức khỏe và nhất là rất “hợp” với làm du lịch nên cũng nhiều năm nay người Dao Tả Phìn đã “nhân rộng” nó ra thành một “khâu” của du lịch cộng đồng.

Họa sĩ Tô Ngọc Thành dẫn chúng tôi vào thăm một ngôi nhà “người quen” của ông ở ngay “bến xe” Tả Phìn. Đó là nhà cô Lý Lở May (gọi là Lở May bởi cô May là con thứ nên theo phong tục tên đệm là Lở, con lớn tên đệm là Tả), cô May là cán bộ phụ nữ bản và đâu như đã “lọt mắt xanh” của ông họa sĩ Thành. Cô May này đã mấy lần ngồi làm mẫu cho ông Thành vẽ.

Địa lan Tả Phìn.

Tôi hỏi “Bác quen cô May bằng cách nào?”. Họa sĩ Tô Ngọc Thành kể: “Gặp cô May ở chợ Sa Pa. Hôm ấy cô May chở địa lan xuống chợ bán. Tớ thấy cô người Dao này “hay hay” nên lại gần vờ hỏi mua hoa và rồi tớ “lẽo đẽo” theo cô ấy một đoạn đường cũng kha khá. Được cô ấy gật đầu làm mẫu nên quen. Quen nên vẽ một lần chưa thấy đủ nên “gạ” tiếp để vẽ những lần tiếp theo”.

Ngôi nhà của cô May gồm 5 gian nên khá rộng thoáng. Ấn tượng “đập” ngay vào mắt chúng tôi là những bức ảnh chụp cô cùng những tấm giấy khen của huyện của Hội Phụ nữ treo khắp nhà. Cô May ngoài làm công tác phụ nữ ra thì hàng ngày ngồi đạp máy khâu cắt vá quần áo nhì nhằng. Việc chính của vợ chồng cô là trồng địa lan và dịch vụ tắm thuốc. Tôi ngó quanh một lượt thấy trong nhà có mấy buồng tắm thuốc được bố trí kín đáo và khá văn minh.

Cô May lúng liếng mắt cười với khách, bảo: “Tắm thuốc tốt lắm mà. Nhiều người tắm thuốc, họ tới đây thăm thú bản. Ra vườn sau nhà em xem địa lan và tắm thuốc cho khỏe thôi”. Tôi hỏi thêm “Nhà mình có trồng nhiều địa lan không?”. “Cũng không nhiều đâu”.

Vườn địa lan nhà cô May ở ngay sau nhà, muốn tới vườn phải đi vòng qua mấy buồng tắm thuốc. Đó là một khu vườn như mọi khu vườn với những hàng rào tre ngăn cách với các vườn nhà khác, chỉ khác là trong vườn được bố trí rất nhiều những chậu gốm chậu sứ. Chiếc chậu nào cũng được đặt trên những chiếc đôn Sau hồi ngắm nghía tôi hỏi May: “Sao không trồng địa lan dưới đất mà toàn trồng trong chậu?”.

Các bà ngồi thêu váy.

May phá lên cười, bảo: “Địa lan trồng trong chậu để tiện chở đi bán thôi. Ai muốn mua tại vườn cũng được. Trả giá xong thì cứ việc nhờ người bê mang ra xe mà chở đi”. Ôi chao, sao mà tôi thấy mình “quê” đến thế. Đúng là địa lan trồng trong chậu tiện đủ đường. Tiện cho chăm sóc, tiện cho cắt tỉa và nhất là tiện cho chuyên chở. May cho hay mỗi chậu địa lan thường có từ 10 đến 20 cây tùy vào kích cỡ của chậu. Mỗi nhành hoa được bán với giá tầm 1 triệu một nhành. Chậu càng nhiều nhành thì nhiều tiền.

2. Đang ngẩn người “toán” thu chi thì tôi nhận được cái kéo tay. Ông họa sĩ họ Tô Ngọc Thành nói: “Giờ đi xem thêu váy. Muốn ngắm địa lan thì phải đợi cuối năm sau tới đây để ngắm”.

Khu vực “Gái đẹp ngồi thêu váy” như họa sĩ Thành khái quát vốn trước kia là dãy nhà kho hợp tác đối diện với khoảng sân rộng trung tâm bản. Giờ dãy nhà đó được chia thành các gian nhỏ hoặc là bán tạp hóa hoặc là làm dịch vụ. Trời vừa quang mây, không gian thoáng ấm hẳn lên, đó mới là lúc các bà các cô trong bản tụ tập ra ngồi trên bậc hè chăm chú thêu váy. Thấy chúng tôi bước lại gần mấy cô gái trẻ ngước mắt lên nhìn lúng la lúng liếng. Cử chỉ ấy đến người vô tâm nhất cũng phải xao xuyến. Tôi định lại gần hơn thì họa sĩ Tô Ngọc Thành ngăn lại “Đừng đến gần quá. Đến gần quá các cô ấy thôi thêu váy là mình thôi được ngắm”.

Đúng là “xem tranh thì phải xem xa” thật. Những bà những cô người Dao Tả Phìn ngồi trên bậc hè thêu váy hệt như một bức tranh sinh động. Bộ quần áo đủ mầu sắc này, những gương mặt tươi như hoa này, những tấm vải và những sợi chỉ thêu sặc sỡ này. Tất cả hội lên một bức tranh chân thật nổi bật giữa “cái nền” rừng xanh núi thẳm. Chúng tôi chẳng ai bảo ai đều rút điện thoại ra để định “làm mấy kiểu” nhưng tức thì các bà các cô đều dừng thêu và đều quay mặt đi, có nhiều cô xinh xinh còn lảng sang chỗ khác mới lạ.

Họa sĩ Tô Ngọc Thành vẽ ngay tại bản Tả Phìn.

Trong lúc chúng tôi “mải mê” ngắm thì ông họa sĩ đã nhanh chóng triển khai giá vẽ. Phục quá đi mất, không hiểu ông ấy “chèo kéo” bao giờ mà bây giờ đã có một “mẫu” để vẽ. Chỉ khác “mẫu” hôm nay là một bé gái xinh xắn.

Cô bé rất “chuyên nghiệp” khi ngồi yên lặng cho ông họa sĩ ngó nghiêng và phác những nét cọ trên tấm toan trắng. Không kìm được thắc mắc, tôi nói nhỏ với ông Thành “Sao bọn em cứ giơ điện thoại lên mà các cô ấy lảng hả bác?”. Ông Thành vẫn ngó chăm chú vào “mẫu” nhưng dừng tay cọ nói “Thế các cậu tưởng các bà các cô ấy rỗi việc ra ngồi thêu váy cho các cậu xem miễn phí à”.

Tôi ớ ra nhưng cũng cảm thấy vui vui. Một buổi tới Tả Phìn ngắm địa lan, hỏi về tắm thuốc và xem người thêu váy vô cùng thú vị.

Đoàn Thiện Vi
.
.
.