Lên đền thờ Bác Hồ trên núi Tổ

Thứ Ba, 25/08/2015, 09:40
Từ xa xưa, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi đã từng khẳng định núi Ba Vì là núi Tổ của đất Việt trời Nam. Đã ngàn đời trên đỉnh Tản Viên, cao thứ hai (1.120m), thờ Thánh Tản viên - Sơn Tinh đã ngời ngời hào khí đất nước với: “Dáng hình sừng sững ngang trời rộng. Hào khí mênh mang vạn thuở còn”. Nay trên đỉnh Vua, cao nhất (1.296m), nhân dân ta đã dựng đền thờ Bác Hồ thể theo di chúc của Người, nơi có thể ngắm đất trời, non sông ta, với niềm tự hào “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

1. Nhiều người đã lên đây đều có một cảm giác chung là huyền ảo. Huyền ảo với những ánh sáng trong veo mỗi khi mây tan. Từ đó tượng Bác trở nên sinh động và gần gũi xiết bao. Đôi mắt hiền từ của Bác, vẫn như ngày nào còn ở bên ngôi nhà sàn, trò chuyện với các cháu thiếu nhi. Chòm râu kia lại càng lung linh với nụ cười hiền hậu ấm áp mỗi khi đón khách về thăm. Mọi người thắp nén nhang thơm mà ngỡ là được Người bắt tay chào hỏi những lời thân thương. Mối giao hòa tâm linh như một nguồn ánh sáng huyền bí kết nối giữa trái tim và trái tim. 

Cảm giác huyền ảo là thế. Huyền ảo cả với những làn sương vây quanh. Hình ảnh Tháp báo thiên sừng sững giữa trời cao. Và, tiếng chuông, tiếng khánh rung lên như muốn thỉnh lên không trung rằng, nơi đây: “Bác Hồ người là niềm tin thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại...”. Đúng như lời bài hát được phát liên tục văng vẳng bên tai. Mọi người lắng nghe với tình cảm thiêng liêng vô bờ.

Bàn thờ Bác Hồ trong đền.

Người hướng dẫn và trò chuyện với chúng tôi chính là một nhân viên kiểm lâm của Vườn Quốc gia Ba Vì. Anh kể đội của anh có hai nhiệm vụ: Trông nom bảo vệ đền thờ và hướng dẫn mọi người lên thắp hương tưởng nhớ Bác Hồ; cùng với đó là chăm sóc và bảo vệ hàng ngàn ha rừng cây từ độ cao 800m trở lên. 

Khác với các đền thờ ở nhiều nơi, đền thờ Bác Hồ như một ngôi nhà sàn thân quen, luôn luôn mở cửa để đón con cháu từ bốn phương trở về. Ngay sau khi hoàn thành vào tháng 8 năm 1999, ngôi đền đã được công nhận là một kiến trúc độc đáo nhất của kiến trúc sư Hoàng Phúc Thắng. Mái đền đậm dấu ấn truyền thống với 8 mái đao uốn cong ở bốn phía, dựng trên những chiếc cột tròn trên chân đá tảng. Chính diện là một không gian mở, không có cửa. Trên bệ thờ đá, bức tượng Bác Hồ đúc bằng đồng trong tư thế ngồi, phía trên là bức hoành phi ghi dòng chữ: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” nổi tiếng. Trên cao, lá cờ Tổ quốc ghép bằng đá hoa cương màu đỏ, tạo nên một kết cấu bền vững và uy nghiêm. Trước đền là một tấm bia đá nguyên khối, được khắc bút tích di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và một bên khắc một phần Điếu văn của BCH TƯ Đảng đọc trong lễ tang của Người năm 1969...

Ngay lúc đó có một nhóm học sinh vừa vượt qua khu rừng nguyên sinh lên đến đây. Họ hồ hởi cười nói và xin vào dâng hương. Người bảo vệ chỉ dẫn và hỏi các em lên đây có mệt không thì một em gái nở một nụ cười tươi rồi nói, giờ thì bọn cháu hết mệt rồi và muốn vào báo cáo Bác Hồ, vì cả nhóm đều đủ điểm được chọn vào trường đại học. Thật mừng hết chỗ nói. Em hồn nhiên vẫy tay gọi các bạn vào dâng hương. Cả nhóm bỏ giày dép ở ngoài rồi vào ngồi xung quanh đền trên những chiếc ghế đá. Thì ra niềm vui của các bạn trẻ là đây. Những niềm vui đến với Bác Hồ. Những tiếng cười giòn tan làm náo động đỉnh núi. Từ phía xa, tiếng chuông thỉnh lên từ tháp Báo thiên nhẹ nhàng lâng lâng trên trời cao.

Thế rồi các em ngồi quanh nghe người kiểm lâm kể chuyện, vào những đêm đông giá rét, vào những đêm sấm sét nổi lên, các anh sống ra sao và phân công nhau lên trông giữ đền Bác Hồ như thế nào. Gian khổ khó kể hết, vào những đêm giá buốt, những bông hoa băng lốm đốm trong hơi nước, các anh đã thắp lên những ngọn đèn sưởi ấm không gian và lấy những tấm gỗ che bên cửa đền. Khi ấy đôi mắt hiền từ của Bác như chia sẻ nỗi âu lo và thương cho các con cháu phải chịu đựng những cơn gió rít và những tia sét chớp lên với làn sóng ầm ỳ vang trên bầu trời. Những đám mây cuồn cuộn như sóng biển bồng bềnh trôi dưới lưng núi, khi ấy ngôi đền và ánh sáng của những ngọn đèn bay trên mây như trong truyện cổ tích vậy. 

Các em học sinh háo hức nghe anh kiểm lâm tâm sự và hỏi anh về chuyện Sơn Tinh - Thủy Tinh xảy ra ở đâu và ngọn núi nào là ngọn núi xảy ra cuộc chiến đấu của trung đoàn Ba Vì với cứ điểm 600 năm 1951. Nghe chừng thấy vui, anh kiểm lâm dẫn bọn trẻ ra một góc quan sát phía dưới đền và chỉ cho các em học sinh biết đâu là ngọn núi Ngọc Hoa và đâu là núi Tản Viên cùng với câu chuyện cổ tích và truyền thuyết dân gian cổ xưa.

2. Dưới những bàn đá ở sảnh, anh kiểm lâm còn kể chuyện, mới đây có người từ xa đến đã rơm rớm nước mắt. Ông ta bước lên vừa dâng hương, vừa lễ với những lời cảm động khôn nguôi. Sau đó mọi người mới hay, con ông bị bệnh tim rất nặng không có tiền để vào viện mổ, đang nằm chờ chết. Khi được đưa lên các phương tiện truyền thông, nhiều người đã gửi tiền trợ giúp đến tận nhà. Đứa con được cứu sống và khỏe mạnh. Thế là ông đưa cả nhà lên đền thờ Bác để bày tỏ sự biết ơn đến mọi người đã cứu giúp gia đình ông. 

Thật bất ngờ ông nói lên những điều sâu lắng từ trái tim rằng, đó là những người con của Bác Hồ đã cứu con ông sống lại. Một cuộc đời thứ hai đã trở về với gia đình ông. Đó là đứa con của hạnh phúc và tương lai của một dòng họ. Ông vừa cười, vừa kể, vừa khóc làm mọi người không kìm được nỗi xúc động. 

Anh kiểm lâm mỉm cười nói, ai lên đây dâng hương để tưởng nhớ Bác cũng đều có những nỗi niềm sâu lắng trong con tim. Đó là những niềm hân hoan trong lòng được bày tỏ với Bác Hồ. Họ thả hồn mình với non sông gấm vóc từ trên đỉnh cao thiêng liêng của trời đất với niềm vui bao la.

Đền thờ Bác Hồ trên đỉnh Vua.

Khi chúng tôi hỏi về việc xây tháp Báo thiên Báo tháp cao tới 26,9m có ảnh hưởng gì đến ngôi đền Bác Hồ, người kiểm lâm bèn dẫn chúng tôi xuống dưới tháp. Anh giải thích, thứ nhất là tháp được xây dưới thấp và cách đền khoảng 100m. Đền thờ Bác ở vị trí cao nhất (1.296m) uy nghiêm và trang trọng. Còn đài Báo thiên Báo tháp là một dấu ấn tâm linh phật giáo, gồm 13 tầng. Cấu trúc mỗi tầng đều có ảnh hưởng về kiến trúc đền Bác là mở cửa thông bốn phương tám hướng, giao hòa với trời đất bao la. Ở đó có thờ phật quá khứ, hiện tại và tương lai, xây dựng tâm thế cho con người luôn luôn hướng về cái thiện và chống cái ác ở ngoài đời.

Làm điều thiện và cải tà quy chính. Đó là cái mãi mãi bất biến trong cuộc sống con người. Trong đại lễ phật mới đây, những phật tử luôn luôn coi Bác Hồ là người đã đem lại mọi điều an lành và sống trong mối giao hòa chân thiện. Và đó chính là cõi phật thiêng liêng cao cả. Những đoàn người trong ngày đại lễ đã dâng hương lên đền thờ Bác với niềm tin trong cõi tâm linh về một lãnh tụ đã đem lại sự an lạc, yên vui và no ấm cho cả dân tộc. Và đó cũng chính là niềm tin và hy vọng mà cõi phật hướng đến.

3. Khi chia tay, chúng tôi bước chân xuống dốc với những niềm vui bất ngờ đem theo từ trên đền thờ Bác. Đôi mắt hiền từ nhân hậu của Bác hiện lên sưởi ấm lòng người. Chúng tôi đi trong tình cảm thương nhớ khôn nguôi vị cha già, cả một đời đã hy sinh cho dân tộc. Chúng tôi nhớ những ánh mắt trẻ thơ, cùng giọt nước mắt của người nông dân khắc khổ; và đó còn là nụ cười chân thành của người kiểm lâm canh giữ nơi đây. 

Trước mắt tôi, những đám mây trắng vây quanh ngôi đền Bác. Dãy núi Ba Vì dần xa. Tôi chợt nhớ đến bài hát “Ba Vì mờ cao” của cố thi sĩ Quang Dũng, người con của xứ Đoài. Lời ca có câu: “Ba Vì mờ cao. Làn sương chiều xa buông gió về đâu. Hương núi thơm dâng hồn về đâu...”. Đúng là khi ngoảnh lại hướng lên đền thờ Bác, trong nỗi niềm tôi có hương núi thơm bay, trong mênh mông mây trắng Ba Vì.

Chung Tử
.
.
.