Lên đỉnh Nậm Cang hái… tiền tỉ

Thứ Năm, 09/02/2012, 08:12

Nhìn thấy thảo quả là nhìn thấy tết. Thảo quả ra đi thì có áo váy mới, đồ dùng mới về trong nhà. Thế là ước mơ của vợ chồng chàng trai Mông sẽ được thực hiện, họ có thể sửa cái nhà rồi thậm chí còn tậu được cả xe máy.

Xã triệu phú trên đỉnh Nậm Cang

Đã nghe về rừng thảo quả có một không hai trên vùng rừng núi Tây Bắc, chúng tôi ngược hàng trăm cây số từ Hà Nội lên nơi tận cùng của huyện Sa Pa - Lào Cai để tìm hiểu thực hư. Lần mò vào xã Bản Khoang, tâm sự hàn huyên một hồi với Chủ tịch xã Chảo Phù Chảnh, tôi mới nhận được lời giới thiệu rất khiêm tốn và chân thật: "Thảo quả thì xã mình cũng nhiều, nhưng… có lẽ nhà báo phải sang bên xã Nậm Cang, chứ đăng báo bảo xã mình là vựa thảo quả… ngượng lắm!". Vậy là lại tất tả ngược sang Nậm Cang. Đi mãi rồi cũng đến - vượt qua gần 50km đường như xóc ốc - xã cuối cùng của huyện Sa Pa hiện ra như một chấm xanh nhỏ, nằm lẩn khuất trong những lớp mây mờ vần vũ quanh năm giăng giăng khắp bầu trời.

Thôn Nậm Than, xã Nậm Cang những ngày này vắng người, chỉ có mùi cay nồng thảo quả. Sau mới biết, không phải bây giờ mùi hăng hắc này mới dậy, mà từ tháng tư khi những chùm hoa thảo quả màu hồng thẫm mới nở và tới tháng chín khi hè đã gần tàn thì cả thung lũng đẹp như trong tranh này đã nức mùi thơm của thảo quả.

Làng vắng ngắt. Ở nhà Chủ tịch xã Vừ A Long cũng vậy. Tiếp khách, chỉ vài ba câu chuyện mà anh chủ tịch trẻ cứ bần thần. Năm nay, thảo quả mất mùa nhưng được giá bù lại. Mà ừ nhỉ! Ngồi nghe câu hỏi của anh nhà báo mà Vừ A Long cũng thấy đúng. Này nhé, Lào Cai là tỉnh nhiều thảo quả nhất, mà huyện Sa Pa lại đứng đầu tỉnh về sản lượng mà xã mình đây lại là nơi có nhiều thảo quả nhất. Vậy đích thị Nậm Cang mình là "vựa" thảo quả của cả nước còn gì. A Long cười hồn nhiên, trong lòng vui như mở hội.

Nhờ thảo quả mà Nậm Cang mấy năm gần đây giàu lên nhanh như nước suối mùa lũ, tiền để trong ngăn tủ, tiêu dần. Nhiều nhà nhanh nhạy hơn còn đem gửi ngân hàng, chỉ qua mấy mùa mà khối nhà trong bản có tiền tỷ. Chỉ tiếc là hầu như chưa có ai biết làm cho đồng tiền đẻ ra đồng tiền...

Những ngày này là cao điểm của thu hoạch, chỉ làm trong một tuần. Mùa thảo quả, bản vắng nhưng trên này vui như mở hội. Ai cũng mệt, nhưng chỉ đến tối là lại sôi động, bởi thanh niên uống rượu hú gọi nhau vang rừng. Bên chén rượu cay, Vừ A Long kể về "cú đổi đời ngoạn mục". Hóa ra, đã có một thời người vùng cao này đắm chìm mông muội trong thuốc phiện, thứ nhựa quyến rũ chết người của hoa anh túc. Rồi may quá, Chính phủ ra lệnh cấm tiệt cây anh túc. Vậy mà đã hơn 13 năm những nương, đồi trồng thuốc phiện xưa kia nay nhường chỗ cho ngút ngàn thảo quả.

Nói cho đúng thì thảo quả không phải là loại cây trồng mới. Thế nhưng trước kia, thảo quả mọc đầy trong rừng mà người Bản Khoang chẳng biết thu hoạch. Dân bản chỉ biết hằng ngày lên lấy mầm cây thảo quả về nấu ăn thay rau mà thôi. Còn nay thảo quả đã trở thành mặt hàng nông sản có giá trị, mang lại thu nhập cao và cũng là cây trồng duy nhất cho đến giờ thay thế được cây thuốc phiện. Thế là bà con ồn ào kéo nhau đi trồng thảo quả. Nhiều nhà thu hàng trăm triệu đồng, nhờ thảo quả được giá, năm nào mất mùa cũng được vài chục triệu.

Đến thời điểm hiện tại, xã Nậm Cang có trên 500 hộ thì hầu hết đã biết trồng thảo quả để bán. Năm nay, toàn xã thu về khoảng 70 tấn, một con số làm nức lòng bà con các bản. Đời sống người dân xã Nậm Cang khấm khá lên trông thấy. Hàng loạt hộ ở bản đồng loạt thay mái nhà mới, dù cho giá ngói xi măng có đắt hơn nhiều vì phải thuê xe ôm "cõng" lên bản.

Chủ tịch xã tâm sự: "Ngày trước đi bộ cả ngày đường xuống chợ bán gánh củi mới được cân gạo, nhưng giờ bán một cân thảo quả đã đong được gần nửa yến gạo rồi. Bà con mình mừng lắm, đã tin và làm theo Đảng, không còn nghĩ đến cây thuốc phiện nữa". Cuộc sống của Nậm Cang bây giờ là thế, họ đã biết cách "bắt rừng đẻ ra tiền", thực hiện ước mơ ngàn đời của vô số bản làng vùng cao này, chẳng thế mà không nhà nào muốn rời ra phố huyện. Nhưng dù nhiều tiền thế, hơn thế nữa thì người dân ở Nậm Cang vẫn không thoát khỏi cái nghèo về văn hóa, trẻ con trong bản chỉ chịu học đến lúc biết đọc biết viết là bỏ, chuẩn bị lấy vợ lấy chồng.

Cây thảo quả lớn lên trong đại ngàn thế nào thì trẻ con Nậm Cang cũng lớn lên như thế, mọi thứ cứ như sự sắp đặt sẵn của số phận mà không ai có thể thay đổi được dù…có tiền.

Thâm nhập rừng thảo quả

Chúng tôi theo chân anh Vừ A Trùng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nậm Cang ngược núi, lên với vựa thảo quả. Lên cái nơi mà theo lời Trùng: "Mùa này cả làng lên đó, đông như hội". Những ngày này, cánh đàn ông trai tráng lên nương hái thảo quả, làm lán ở, đắp lò sấy khô tại chỗ, thu hoạch xong mang về. Lái buôn đã vào tận bản chờ sẵn, chỉ đợi có thảo quả về là bắc lên cân, trả tiền ngay. Điều bất ngờ nhất là sau bốn tiếng đồng hồ mò mẫm giữa mưa gió, sương mù hun hút. Lên tới đỉnh Nậm Cang, rút điện thoại di động ra vẫn thấy sóng căng đét, tha hồ alô.

Trước đó, khi theo chân Vừ A Trùng mò mẫm vào rừng thảo quả nhìn những dốc núi dựng đứng, thêm tí sương đậm như mưa phùn khiến nó cứ trơn trượt. Là người leo núi cũng tợn nhưng thú thật, nhiều lần tôi cũng định quay lại. Càng lên cao, mây càng dày, dày đến nỗi chỉ cách Trùng vài bước chân mà chả nhìn rõ mặt, mọi thứ đều trở nên mờ ảo nửa thực nửa hư, đất trời và cây rừng như lẫn vào nhau.

Tôi cứ đi, cái "một đoạn nữa thôi" của Trùng khiến kẻ đồng hành há mồm ra mà thở cũng không kịp. Trèo 3 giờ đồng hồ mới hòm hòm mà nhìn sang những đỉnh núi khác. Nhưng nhòm rồi lại thấy một đỉnh cao hơn. Chỉ thấy đại ngàn xanh um, khói sấy thảo quả thơm nức cứ là là mờ mờ tỏa, thấy như có thể vươn tay sờ thấy tất tật được rồi. Thế nhưng, phải đi bộ hơn tiếng nữa mới tới.

Ở độ cao trên nghìn mét, vậy mà mặt trời chốn này có lẽ ít có ngày được tỏa sáng cả 12 giờ. Rừng thảo quả đu mình nơi lưng chừng núi. Mây đang dâng lên, chậm rãi và dào dạt như khoác lên miền cổ tích một tấm áo kỳ lạ. Mà đúng lời như Trùng nói, ở đây vui thật. Lẫn trong sương mù dày đặc, hương thảo quả cay nồng, thấp thoáng những chàng trai Mông mắt xếch, chưa uống rượu mà mặt cứ đỏ hồng cõng trên lưng gùi thảo quả tươi như những chùm sung đỏ ối vội vã về lán sấy. Rồi thảo quả được đổ lịch bịch xuống tấm bạt trải rộng trên mặt đất, ngay cạnh lò đang tỏa khói quánh đặc.

Nhiều lán sấy gần nhau, mỗi lán chiếm cứ một khoảnh đất trên núi. Ở lán của nhà Vừ A Phòng, Phòng tỏ ra ranh mãnh bảo: "Năm nay, thảo quả mất mùa nhưng lại được giá. Chưa bao giờ thảo quả lên tới gần 200 nghìn/kg như bây giờ". Rồi chàng trai Mông mơ màng nhìn trong ánh lửa sấy thảo quả. Ở trong đó, anh đã nhìn thấy tết. Thảo quả ra đi thì có áo váy mới, đồ dùng mới về trong nhà. Thế là ước mơ của vợ chồng chàng trai Mông này sẽ thành hiện thực, họ sẽ sửa lại cái nhà rồi còn tậu được cả cái xe máy. Vậy là có tiền mua xe máy, rồi lợp lại mái nhà bằng tôn cho bền chắc, tránh cái bão gió mùa mưa.

Lán của Sùng A Quá ngay cạnh bên cũng đang đỏ lửa, tiếng trẻ con đùa nghịch nô nức vang vọng một góc rừng. Hỏi ra mới biết, do nhà neo người nên A Quá đưa cả vợ con lên rừng hái thảo quả. Nhà A Quá đã lên núi được ngót một tuần nay, lương thực không mang theo nhiều mà chủ yếu phụ thuộc vào "lộc rừng", tức là những con thú, những quả rừng mà A Quá kiếm được trong rừng. Hoá ra, bên cạnh việc hái thảo quả thì A Quá còn tranh thủ đặt bẫy kiếm bữa ăn tươi.

Hôm chúng tôi ở trong lán của A Quá là ngày anh không vào rừng hái thảo quả, mà ở lán để sấy gần 100kg thảo quả hái từ hôm trước để kịp đưa xuống núi giao cho các nhà buôn đang đợi sẵn như đã hẹn trước. Bữa trưa đến, vợ A Quá xuống suối vo gạo rồi múc luôn nước suối làm nước nấu cơm. Bữa cơm chỉ có gạo trắng, thêm đĩa muối và mấy quả ớt, riêng A Quá có thêm chai rượu để bên cạnh.

"Ăn như thế này là bình thường, vì không phải hôm nào cũng đào được măng rừng, bắt được con thú. Có cơm ăn là ngon rồi, không cần thức ăn đâu"- A Quá vừa nói vừa ngửa cổ tu ừng ực chai rượu ngô.

Những ngày này là cao điểm của thu hoạch, chỉ làm trong một tuần. Mùa thảo quả, bản vắng nhưng trên này vui như mở hội. Ai cũng mệt, nhưng chỉ đến tối là lại sôi động, bởi thanh niên uống rượu hú gọi nhau vang rừng.

Trồng thảo quả cũng không vất vả lắm, hầu như không phải đầu tư gì nhiều ngoài công sức. Cây thảo quả mọc trên cao, nhưng phải bảo đảm độ ẩm, nên tất cả vách các khe nước đều được trồng kín thảo quả. Đến mùa thu hoạch, cánh đàn ông trai tráng lên nương, làm lán ở, đắp lò sấy tại chỗ, thu hoạch xong mang về giao cho thương buôn rồi mua rượu uống thả cửa.

Ngồi tâm sự với ông Trưởng phòng Nông nghiệp Sa Pa chúng tôi thêm hiểu, trồng thảo quả là một cách để giữ rừng rất tốt. Bà con cấm tiệt "lâm tặc" chặt cây bởi chỉ trống một cây là "lộ sáng", cả vạt thảo quả sẽ không ra hoa. Nhưng cũng chính vì đặc thù của cây thảo quả là chỉ sống dưới tán rừng nguyên sinh và cứ với tốc độ phá thảm thực vật ở bên dưới để trồng thảo quả thì sẽ không có lớp cây kế cận. Thế thì còn gọi gì là rừng nguyên sinh. Thế nên sau này, bà con trồng hăng quá khiến huyện cũng hoảng, không dám giao thêm chỉ tiêu.

Ở trên này, ngoài người Mông,người Dao cũng tham gia trồng và khai thác thảo quả. Họ gọi thảo quả "la hảo" nghĩa là "nhiều tốt". Thì đã hẳn, ai cũng thấy thảo quả là tốt, là lối thoát nghèo. Nhưng nếu như một, hai năm nữa, cây thảo quả không bán được, thì sao nhỉ?

Việt Dũng - T.H.
.
.
.