Lên “rốn” sơn tra Mù Cang Chải

Thứ Bảy, 05/09/2020, 07:30
Ngày mưa. Con đường lên Lùng Cúng thành một vệt xám dài, vòng vèo nối lên mịt mờ mây trắng. Ngồi sau xe Lường Văn Hoàn, Phó Chủ tịch xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, người bị bắn toàn bùn đất, lòng tôi vẫn đầy khấp khởi bởi được chinh phục một trong tốp 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam (2.913m), nơi được coi là “rốn” sơn tra của Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.


Xe lầm lì lên dốc, ống xả phả khói đen kịt. Càng lên cao đường càng ướt và trơn, một bên là vực thẳm sâu hun hút. Lường Văn Hoàn bảo: “Từ trung tâm xã đến bản, đi quen như mình cũng mất hơn hai tiếng. May hôm nay còn đỡ chứ hôm trời mưa thì xe đành chịu, đi bộ phải hết nửa ngày trời”.

Qua Tà Ghênh, Làng Giàng, Phình Ngài, chỉ thấy mây là mây. Mây cuồn cuộn dưới lòng thung; mây tràn ra đường, táp vào mặt ướt đẫm; mây luồn lách lên vách núi, người đi như lên trời vậy. Đây đó những ngôi nhà người Mông ẩn hiện trong mây. Qua hết Phình Ngài, Lùng Cúng ùa vào trong mắt tôi như một bức tranh vẽ. Tay vẫn bám chặt Phó Chủ tịch Lường Văn Hoàn, mắt tôi không dời nhìn ngắm những cây sơn tra. Hai bên đường, sơn tra nối tiếp sơn tra, sơn tra thành rừng.

Hoa sơn tra, vẻ đẹp của núi rừng Mù Cang Chải.

Lùng Cúng chưa có sóng điện thoại, không hẹn trước được trưởng bản, chúng tôi đợi ở sân, một lúc thì trưởng bản trên rừng sơn tra về. Phó Chủ tịch Lường Văn Hoàn nhanh nhảu hỏi thay câu chào: “Vụ này được nhiều táo không trưởng bản?”. “Được chứ, mình bán cả rừng gần 3ha cho thương lái tự hái, được 50 triệu, năm nay thời tiết thất thường, tuzis ra quả ít hơn năm ngoái, nếu không, mình phải được hơn 60 triệu đấy”.

Sơn tra người Mông gọi là tuzis, dân quanh vùng gọi là táo mèo hay chua chát. Riêng cái tên chua chat nhắc tôi nhớ đến một thời quả sơn tra để chín rụng trên rừng hoặc bán được chăng hay chớ trong các lù cở sơn tra xuống núi. Bây giờ đã khác, danh tiếng của cây sơn tra đã đi xa lắm rồi.

Trưởng bản Chang Sung Của vui vẻ mời chúng tôi vào nhà. Ngôi nhà khang trang làm bằng gỗ quý áng chừng vài trăm triệu với đầy đủ các tiện nghi. “Toàn bằng tiền bán quả tuzis đấy”- Trưởng bản chỉ một vòng quanh nhà rồi nói tiếp: “Lùng Cúng chưa có điện lưới nhưng nhà nào cũng có máy phát điện nhỏ thắp sáng, có xe máy…. Trời cho người Mông cây tuzis, nếu không thì vẫn còn khổ…”. Phải rồi, câu nói của trưởng bản làm tôi liên tưởng đến hành trình đi tìm đất mới của người Mông, họ đi từ ngọn núi này sang ngọn núi khác, cánh rừng này sang cánh rừng khác rồi định cư lại nhưng tuyệt nhiên không ai chặt phá cây sơn tra để trồng ngô, trồng lúa. Cây sơn tra cứ năm này sang năm khác sinh sôi nảy nở. Cây càng già quả càng ngon.

Ở Lùng Cúng bây giờ có cây gấp hai ba lần tuổi của trưởng bản. Trưởng bản Chang Sung Của chắt từ trong bình ra một bát rượu ngâm quả sơn tra mời khách, thứ rượu giống như tôi vẫn thấy người ta bày bán ở ngoài phố, nhưng ở đây thơm ngon đến lạ kỳ. Hơi rượu bốc lên ngùn ngụt, tôi hỏi: “Cây sơn tra có mặt ở Lùng Cúng từ khi nào? Người ta thường bảo Lùng Cúng là “rốn” của sơn tra, vậy ở đây chắc hẳn có cây sơn tra tổ như cây chè tổ ở Suối Giàng kia?”.

Đồng bào Mông huyện Mù Cang Chải sơ chế trái sơn tra.

Trưởng bản gãi đầu bảo: “Không biết đâu. Khi mình sinh ra đã thấy sơn tra thành rừng rồi. Sơn tra ở đây nhiều và ngon có tiếng trong vùng”. Vài năm gần đây giá sơn tra tăng vọt. Tại trung tâm xã Nậm Có các thương lái nhỏ đã thu mua với giá 20.000đ đến 30.000đ/1kg. Bán tại gốc ở Lùng Cúng cũng 10.000đ đến 20.000đ/1kg. Bây giờ sơn tra không chỉ để ăn chơi hay làm vị thuốc đông y mà sơn tra đã trở thành đặc sản rất được thị trường gần xa ưa chuộng. Sơn tra có thể để ngâm rượu, làm xi rô, mứt, ô mai…

Diện tích sơn tra ở  Lùng Cúng đã được giao cho các hộ quản lý, thu hái. Bên những rừng sơn tra lâu năm, những dải sơn tra mới đang mọc lên, từ rừng đến vườn nhà, nối liền nhau, vươn mình đầy sức sống trong cái gió, cái rét thấu da ở Lùng Cúng. Chính quyền, đoàn thể xã Nậm Có, các trưởng bản đang tích cực vận động nhân dân các bản trồng thêm sơn tra. Các Đảng viên đi đầu, trồng để các hộ khác trồng theo. Tôi hỏi: “Ở Lùng Cúng ai giàu nhất nhờ sơn tra?”.

Trưởng bản nói ngay: “Cụ Thào Súa Rùa. Nói đến cụ Rùa thì ai cũng biết…”. Ông Thào Súa Rùa là Bí thư Chi bộ và cũng là Đảng viên lâu năm nhất ở Lùng Cúng. Trên diện tích 2ha sơn tra có sẵn, ông Rùa vận động người nhà trồng mới được khoảng 300 gốc. Vụ sơn tra những năm trước ông thu trên 60 triệu đồng; năm ngoái ông thu 80 triệu đồng; năm nay do dịch bệnh covid- 19, giá cả bấp bênh, ông Thào Súa Rùa vẫn thu trên 20 tấn quả, trừ chi phí, ông vẫn thu về trên 70 triệu đồng.

Thu hoạch trái sơn tra.

Cả bản Lùng Cúng có 103 hộ, hộ nào cũng trồng sơn tra. Hộ nhiều thì trên 2ha, hộ ít cũng trăm gốc. Trong số đó nhiều hộ trồng trên 2ha mỗi vụ, cho thu nhập gần 100 triệu đồng như hộ ông: Chang Trừ Nủ, Chang Tráng Chu, Chang Tồng Chư, Thào Sú Dua….

Ông Khang A Chua, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Có cho biết: “Sơn tra là cây giúp bà con thoát nghèo, vươn lên, vừa để chống xói mòn, sạt lở, vừa tạo thành rừng phòng hộ đầu nguồn nên xã đang có kết hoạch từng bước tăng diện tích…”. Đất đai cằn cỗi, khí hậu lạnh giá, cây ngô còi cọc, cây lúa nước không phù hợp với các giống lúa mới năng xuất cao mà chỉ gieo cấy được các giống lúa thuần chủng địa phương năng xuất thấp, gạo chỉ đủ ăn, nhưng chính nhờ những đặc thù về khí hậu và thổ nhưỡng đó lại ban cho Lùng Cúng cây sơn tra.

Tôi nhẩm tính, cả bản có chừng 80ha cây sơn tra đang cho thu hoạch, mỗi héc ta áng chừng 500 cây, mỗi cây áng chừng 15- 20kg quả, thì cây sơn tra- tuzis- táo mèo quả là nguồn thu quan trọng giúp người dân Lùng Cúng vươn lên. Ngoài kia, rừng sơn tra đang vươn những tán lá xanh pha tím thẫm, dầy ngậm sương, thân bạc phếch bởi thời gian, nắng mưa, gió rét, vẫn lặng lẽ tích cho mình thứ nhựa chua chát để những chùm quả sai trĩu trịt, căng mẩy đầy cành, cho người dân Lùng Cúng những mùa no ấm.

Nông Quang Khiêm
.
.
.