Lênh đênh nghề rọ

Thứ Hai, 25/05/2020, 15:27
Không có ruộng nên nhiều hộ dân sống ven hồ Thác Bà phải lênh đênh trên hồ, lấy nghề đánh bắt tôm để mưu sinh. Nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, công việc mưu sinh ngày một nhọc nhằn, cả những nguy hiểm luôn kề cận… không có lựa chọn nào khác, mỗi chiếc rọ thả xuống là một tia hi vọng, một giấc mơ về ngày mai tươi sáng hơn…


Nhọc nhằn mưu sinh…

Là một trong ba hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam, với 16.500ha mặt nước, hồ Thác Bà đã cung cấp những nguồn lợi thủy sản, nuôi sống người dân làm nghề đánh bắt cá, tôm mấy chục năm qua. Vó đèn, lưới vét, kích điện… bị cấm ngặt thì đánh bắt tôm bằng rọ là nghề chính của những hộ dân sống tại các thôn ven hồ thuộc hơn 22 xã của huyện Yên Bình và Lục Yên. 

Mỗi chiếc rọ tôm thả xuống mang theo biết bao hy vọng về một cuộc sống no đủ hơn. Thế nhưng nguồn lợi thuỷ sản trên hồ ngày càng cạn kiệt, công việc mưu sinh ngày một nhọc nhằn. Nếu đi qua các xã ven hồ, có thể dễ dàng bắt gặp những ngôi nhà xiêu vẹo, những thuyền rọ lênh đênh và những con người gầy đen vì nắng gió, đủ để nhận ngay ra cái nghèo vẫn ngày ngày đeo bám họ. 

Hiện chưa có số liệu cụ thể về số người đánh rọ tôm trên hồ Thác Bà vì số lượng người đánh bắt không cố định, đánh theo mùa,  nhưng có thể thấy số lượng này rất đông, tập trung ở các xã: Mông Sơn, Phúc Ninh, Mỹ Gia, Xuân Lai, Yên Thành… của huyện Yên Bình; xã Phan Thanh, Minh Tiến, An Phú… của huyện Lục Yên.

Thả rọ tôm  trên hồ Thác Bà.

Mặt trời gác núi, bầy chim ríu rít gọi nhau về tổ là lúc những thuyền rọ lặng lẽ ra hồ. Theo chân anh Nông Văn Kính, thôn Cà Lồ, xã Xuân Lai, tôi ngồi lên chiếc thuyền nan đã có nhiều vết vá bằng xi măng. Chiếc thuyền tròng trành hướng ra hồ rộng. 

Anh Kính bảo: "Nghề đánh rọ tôm phải dạt theo mùa. Có mùa tôm ăn vùng nước nông, có mùa tôm ăn vùng nước sâu, cứ như thế, nơi nào có nhiều tôm là đi. Có những đợt đi đánh rọ xa cả tuần mới về…". 

Mọi sinh hoạt đều diễn ra trên chiếc thuyền nan nên những người dân đánh rọ tôm phải chuẩn bị các vật dụng thiết yếu như chăn, màn, nồi, chảo, bát, đũa, dao… tất cả đều gọn ghẽ. Thuyền rọ đan bằng tre, nứa, sau đó trát xi măng hai mặt. Rọ tôm xâu thành dây dài, khoảng cách rọ từ mét rưỡi đến hai mét; mồi rọ được làm từ bột sắn, gạo hoặc ngô. Đến bãi hồ rộng, anh Kính vừa bơi thuyền vừa thả rọ. Trời sầm sập tối, gió thông thốc thổi. Ven bờ xa, nhà nhà đã lên đèn, ánh điện tạo thành các đốm nhỏ thưa thớt, tiếng sóng vỗ cùng tiếng chó sủa vọng lại hoang vắng. 

Thả xong chiếc rọ cuối cùng, anh Kính cho thuyền xuôi về một hòn đảo nhỏ, ở đó đã có bốn, năm thuyền tụ lại để cùng nhau lên đảo thổi cơm ăn chung. Ở đây tôi đã được gặp những phận đời lênh đênh cùng nghề rọ. Nhìn những con người làn da bánh mật, tóc vàng cháy nắng, cứ nghĩ họ tuổi trung niên nhưng khi hỏi ra, mới biết tuổi đời của họ còn khá trẻ so với tôi tưởng tượng. Nghề đi hồ với rất nhiều người ở đây là nghề cha truyền con nối. 

Bắt chuyện với anh Triệu Văn Tính, thôn 2, xã Phúc Ninh, tôi được biết anh đã có hơn 15 năm tuổi nghề, hiện anh là chủ một thuyền rọ 600 chiếc. Với ngần ấy rọ, sau một đêm anh Tính chỉ thu về độ 2kg tôm tép, bán giá 50.000 đồng/1kg tại hồ, mỗi tháng may mắn lắm anh mới thu về trên hai triệu đồng để lo cho cuộc sống của 5 nhân khẩu. 

Anh Tính bảo: "Thôn mình một phần hai hộ dân theo nghề đánh rọ tôm. Biết là cực lắm nhưng vì miếng cơm manh áo phải theo thôi. Cuộc sống cả nhà mình trông vào thuyền rọ này". 

Cũng như anh Tính, anh Triệu Văn Thâm, Hứa Văn Tình, Triệu Quang Duy, xã Phúc Ninh, huyện Yên Bình, lênh đênh khắp hồ từ Mỹ Gia cho tới Mông Sơn, Minh Tiến nhưng sau một ngày đêm vất vả các anh cũng chỉ thu được từ 80.000đ đến 120.000đ tiền bán tôm. 

Một trong những xã có nhiều hộ dân đánh rọ tôm nhất là Phúc Ninh. Hiện xã Phúc Ninh có 83 hộ nghèo thì có tới 52 hộ làm nghề đánh rọ tôm như hộ anh Hoàng Văn Anh, Hoàng Văn Hoan, Hứa Văn Ấm, Hứa Văn Chuyên, Hứa Văn Tình, Triệu Quang Duy...

Thường mỗi chủ thuyền rọ có trung bình khoảng 600 đến 1000 chiếc rọ, mỗi đêm đánh bắt được khoảng 1,5kg đến 3kg tôm, tép, bán đổ đồng cho các lái buôn tại hồ với giá 50.000đồng/1kg, thì người đánh rọ chỉ có thu nhập chừng 3 triệu một tháng. Tôm đánh được nhiều hay ít tùy từng ngày, từng mùa nên thu nhập của người đánh rọ tôm cũng bấp bênh. 

Trong bữa cơm còn tanh mùi tôm tôi được nghe những nỗi niềm đầy trăn trở của những người đánh rọ. Mặt nước mênh mông, cùng những nguy hiểm luôn rình rập, khi mưa bão, sóng to, gió lớn, thuyền không kịp về bến. Thân phận mỗi con người ở đây trở nên bé nhỏ, không khác gì những thân cò, thân vạc ăn đêm. Càng khuya càng là lúc họ mong ngóng vận may của mình.

Chuẩn bị dụng cụ đánh bắt cá.

Bốn giờ sáng, không ai bảo ai, mọi người lặng lẽ thu rọ. Nhìn những phận người lầm lũi nhấc từng chiếc rọ tôm cẩn thận đặt vào lòng thuyền; nhìn nỗi khắc khổ hằn sâu trên nét mặt và nhìn những bàn tay bợt bạt nhặt đám tôm tép ít ỏi, tôi chợt chạnh buồn và thêm đồng cảm với những con người dãi dầu trong sóng nước, không được bên vợ con trong ngôi nhà ấm áp của mình. Có lẽ bần cùng lắm họ mới phải làm cái nghề vừa vất vả vừa bấp bênh này.

Chủ động đổi nghề

Hàng năm, vào mùa nước hồ cạn, người dân vùng hồ lại cấy lúa, trồng lạc, trồng dưa hấu trên đất bán ngập để mở rộng thêm diện tích canh tác vốn còn hạn hẹp, tăng thêm thu nhập, nhưng chẳng đáng kể gì, lại năm được, năm mất như một canh bạc giữa trời. Nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, không thể dựa mãi vào nguồn tôm đánh bắt tự nhiên như trước nữa, tỉnh, huyện đã khuyến khích, hỗ trợ nhiều hộ dân chuyển từ nghề đánh rọ sang nghề nuôi cá lồng. 

Tại huyện Yên Bình, từ năm 2006 đến nay đã phát động nuôi cá lồng, bè ở tất cả các xã ven hồ, đến nay toàn huyện đã có trên 430 lồng cá. Phát huy lợi thế mặt nước, huyện Yên Bình đặt chỉ tiêu cuối năm 2020 có 500 lồng nuôi cá, trong đó có 200 lồng nuôi các giống đặc sản như cá nheo, cá lăng và cá tầm; 400 ha cá quây lưới. Tổng sản lượng thuỷ sản toàn huyện khai thác từ 5.500- 6.000 tấn/năm. 

Những chính sách hỗ trợ nuôi cá lồng đã góp phần thay đổi tư duy của người dân, chuyển từ đánh bắt tự nhiên sang nuôi trồng theo hướng công nghiệp đạt hiệu quả. Còn đối với con tôm, một nguồn lợi thủy sản quan trọng vẫn chưa được chú ý. Tôm hồ Thác Bà đã có "thương hiệu" riêng. Tôm được các thương lái thu mua tại hồ với giá 50.000đ/1kg nhưng khi về đến bến, tôm được phân loại bán với giá 70.000đ loại nhỏ, 120.000đ đến 150.000đ loại to. Tôm hồ Thác Bà đã có mặt tại rất nhiều chợ đầu mối của Hà Nội và các tỉnh lân cận. 

Vào mùa đánh bắt, sản lượng tôm toàn vùng hồ Thác Bà có thể lên tới gần 10 tấn một ngày, một nửa trong số đó là các loại tôm nhỏ, giá trị thấp. Nhiều người dân muốn giữ lại tôm nhỏ để nuôi, sau một thời gian sẽ bán được giá gấp đôi nhưng chưa ai dám làm vì không biết kỹ thuật nuôi tôm nước ngọt. 

Người dân vùng hồ đang rất cần có một mô hình hướng dẫn quy trình, kỹ thuật nuôi tôm để góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả khai thác, tiến tới chuyển đổi việc đánh bắt tự nhiên sang nuôi trồng quy mô lớn, đưa tôm Thác Bà vươn xa hơn ra thị trường, tạo thu nhập ổn định cho những hộ dân hiện đang sống bấp bênh bằng nghề đánh rọ tôm. 

Cùng với đó, một chính sách hỗ trợ nuôi tôm trên hồ Thác Bà là điều những người dân sống bằng nghề đánh rọ tôm đang mong đợi.

Nông Quang Kiêm
.
.
.