Lênh đênh "trống o Thương" ở Huế

Thứ Bảy, 01/04/2017, 06:25
Bán trống nhưng lại chẳng có biển hiệu gì. Dấu hiệu nhận biết chỉ có vài cái trống hư hoặc đang làm dở được dựng trước nhà, thậm chí, có khi chẳng có cái trống nào. Nhưng về phố Lê Thánh Tôn (TP.Huế), hỏi nhà "O Thương trống" thì ai cũng biết. O là "báu vật sống", là người đàn bà duy nhất làm trống còn sót lại của mảnh đất cố đô này.


Sở hữu tuyệt kỹ chế tác trống

"O" là cách gọi mang nặng tính thổ ngữ thân thuộc của dân Huế. "O" cũng giống như "cô" của dân miền Bắc vậy. O Thương quê gốc ở làng Thủ Lễ, xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

O là con gái của nghệ nhân Hồ Khách, một nhạc công và cũng là nghệ nhân làm trống nổi tiếng dưới triều Nguyễn.Với việc sở hữu những tuyệt kỹ trong chế tác trống, o đã được mời phục chế nhiều loại trống dùng trong các lễ hội cung đình ở Huế.

Chiếc trống đang được phơi nắng trước nhà o Thương.

Từ nhỏ, o Thương đã say mê xem cha mình chế tác trống rồi phụ giúp ông những công việc lặt vặt. O kể, ông chỉ dạy vài ngón nghề cho biết mà thôi, chứ không muốn con gái theo nghề vì rất nặng nhọc.

Những tuyệt kỹ trong nghề, ông nhất quyết không truyền cho o. Sau này, thấy con gái miệt mài và không bỏ nghề, ông mới truyền dạy tất cả những kỹ năng, kinh nghiệm chế tác trống. Năm 1969, cha qua đời, rồi sau đó, mẹ cũng mất; o Thương nối nghiệp gia đình từ đó đến nay.

Ở các gia đình làm nghề truyền thống, thường sau khi cha mẹ mất, con trai sẽ nối nghiệp. Nhà o Thương có mấy anh em nhưng chỉ có một mình o thích trống và muốn theo nghề.

O Phúc, em gái ruột o Thương nói rằng: "Cái nghề ni nì, không phải ai muốn cũng làm được mô. Thích là một chuyện nhưng phải đam mê, phải dấn thân với nghề nữa thì mới làm được lâu dài. Với lại, mỗi người có một hoa tay. Chị tui (ý nói o Thương) có lẽ có hoa tay trống nên cả đời dính lấy nó. Nhọc lắm!".

Ở ta, từ Bắc vào Nam, nhất là phía Bắc, có nhiều làng, nhiều gia đình làm trống. Song, để có được cái thứ âm thanh đặc biệt như trống o Thương không phải chỗ nào cũng có. Vì vậy mới có chuyện, nhiều người không quản ngại đường sá xa xôi, thậm chí có cả khách nước ngoài về tận nhà o Thương để đặt hàng.

O Thương, người đàn bà làm trống duy nhất còn sót lại của đất Huế.

Tiếng lành đồn xa, lâu dần, trống o Thương trở thành một thứ đặc sản của đất Huế. Nhắc đến trống Huế, người ta phải nhắc tới trống o Thương.

Theo tìm hiểu, trống được chia thành nhiều loại như trống làng, trống họ, trống trường, trống lân, trống nhạc lễ… Mỗi loại sẽ có một âm thanh khác nhau. Trống làng, trống họ, trống trường phải điều chỉnh da vừa để có âm thanh dày.

Trống dùng múa lân thì da thường dày nhất vì đánh mạnh và cần âm phát to, rõ. Để làm từng loại trống, nghệ nhân cũng phải có "tay nghề". Từ khâu tuyển chọn da, đã phải rất kĩ rồi.

Theo đó, việc tuyển chọn da ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cũng như âm thanh của trống. Khi làm trống, o Thương thường chọn da trâu. Da làm trống phải là da trâu còn tươi, đẹp, được đem phơi ngay sau khi mổ, da không được ươn, không được tẩm qua hóa chất; nếu không, tiếng trống sẽ không hay.

Nhiều nơi người ta thường dùng da bò. Da bò cũng được, tuy nhiên, không bền bằng da trâu. Da trâu giãn 1 lần thôi, da bò thì giãn hoài. Dùng một thời gian, nhanh trũng (chùng) xuống.

Khi được hỏi, o có bí quyết gì đặc biệt không? O chỉ cười: "Có lẽ, người ta ngại mệt, muốn làm tắt nên không bào da, chỉ có o bào da nên chất lượng trống mới đặc biệt. Mà bào được da, cũng lâu công lắm con". 

Nếu những nơi khác, ở công đoạn cuối cùng, người ta chỉ lấy da bịt mặt trống lại thì trước khi đến bước đó, o Thương làm thêm một bước nữa là bào da. O kể, bào da là công đoạn khó nhất. Nó yêu cầu mình phải tỉnh táo và tập trung.

Một góc chế tác.

Da thì lúc nào cũng có phần mỏng phần dày, phải vuốt liên tục để kiểm tra chỗ nào mỏng, chỗ nào dày để vuốt và điều chỉnh cho đều. Chỗ mỏng thì thôi nhưng chỗ dày phải bào làm sao cho đều với mặt da. Với những trống có bề mặt to, có khi ngồi bào nửa ngày là chuyện bình thường.

O nói: "Bữa ni, hầu hết các cơ sở sản xuất trống đều bào da trống bằng máy, không còn ai hì hục bào bằng tay như o mô. Bào da bằng máy thì khỏe thân nhưng trống đánh ra sẽ chỉ có một âm, không ra thể thống chi cả, đó là chưa kể da trống rất nhanh bị hỏng. Bào da bằng tay mới căn được âm thanh phù hợp với từng loại trống, từ đó tạo ra cái trống âm thanh tốt".

Trong các loại, trống lân là loại bào da nhanh nhất. Vì mỗi năm, trống chỉ được dùng 1 lần. Nếu trũng thì mùa sau bịt da lại. Trống nghề là loại phải bào da khó nhất. Bào phải làm sao cho mỏng. Nhưng nhiều khi lên trống rồi, mỏng quá cũng vứt. Vì thế, công việc này đòi hỏi độ tinh, độ khéo của người làm.

Sau khi làm da trống, thì đến phần trội (đóng) trống, đạp trống và khít trống. O kể sơ qua, làm thân trống phải dùng gỗ mít do loại gỗ này dẻo, mềm, không bị cong vênh, nứt vỡ.Sau khi gỗ được cắt thành nhiều khúc, rồi ghép thành từng dăm. Tùy theo kích cỡ của trống mới định ra bao nhiêu dăm, cũng như phải tính toán độ cong và độ dẻo của dăm để khi khép với thân trống vừa khít, không có kẽ hở.

Trống o Thương dưới "bão" công nghiệp hóa

Ngày nay, trống được sản xuất đại trà bằng máy móc hiện đại, tuy nhiên o Thương vẫn muốn làm trống bằng tay, theo cách thủ công, tỉ mẩn từng công đoạn, để giữ lại nghề truyền thống của gia đình cho con cháu sau này. O nói, đó cũng là cách giữ lại cái nghề của mình.

Hơn 40 năm gắn bó với nghề, những tưởng nghề làm trống cổ truyền của gia đình sẽ bị mai một. Nhưng dường như, cái hoa tay trống ấy, được bảo toàn từ đời này sang đời khác. Anh Hải, con trai ruột của o Thương năm nay 33 tuổi, đang theo nghiệp tổ tiên. Hiện, kĩ thuật làm trống của gia đình, anh Hải đã nắm được về cơ bản. Riêng "nghệ thuật" bào da như mẹ thì anh vẫn đang học.

Dẫn tôi vào nhà xem mấy cái trống phần lớn đang làm dở, anh Hải cho biết: "Hằng năm, trống bán được đắt nhất là mùa Trung thu. Còn lại chỉ làm lai rai, sửa chữa mấy cái trống kinh (trống dùng trong chùa), trống đại (trống dùng trong các dịp lễ tế của các nhà thờ họ, trống làng)... nên cũng chỉ đủ cơm cháo qua ngày. Chưa kể, vào mùa mưa thì coi như không làm ăn gì được".

Anh Hải cho biết, vào mùa mưa cũng có thể mang trống đi sấy nhưng chất lượng trống không bằng trống phơi tự nhiên dưới ánh nắng mặt trời, âm thanh của trống cũng không hay bằng vì "độ tới" của trống chưa đạt. Như thế nào là "tới" thì phải là người có nghề như mẹ anh mới cảm nhận được.

Anh Hải, con trai o Thương đang học nghề từ mẹ.

Hiện nay, các loại trống được sản xuất theo công nghệ đại trà ngày càng nhiều, chiếm lĩnh dần thị trường truyền thống. Kiểu dáng, mẫu mã phong phú, giá cả lại bình dân. Nghề làm trống thủ công đứng trước nguy cơ sống dở chết dở, đòi hỏi phải thay đổi cũng như chuyên nghiệp hơn để thích ứng, cũng như cần có sự quan tâm vào cuộc của các cấp có liên quan.

Khi tôi hỏi, tại sao gia đình không treo biển quảng cáo cho nghề, o Thương và anh Hải cười: "Phần vì khách chủ yếu biết đến qua con đường truyền tai nhau; phần vì nghề trống thu nhập thất thường, có khi 1 tháng làm, 3 tháng chơi. Treo biển thì phải đóng thuế; mà với tình hình làm ăn như hiện nay thì tiền đâu?".

Đậu Dung
.
.
.