Lịch sử một dinh thự

Thứ Tư, 15/03/2017, 10:01
Nhà số 10 phố Downing ở thủ đô London là Dinh Thủ tướng Anh. Giống như ở Mỹ, dinh thự này cũng là nhà công vụ, nơi ở của gia đình thủ tướng. Hết nhiệm kỳ hoặc phải từ chức sớm, thủ tướng cùng gia đình phải dọn ra, nhường chỗ cho gia đình người kế nhiệm.


Dinh Thủ tướng Anh trông vẻ ngoài đơn giản như một căn nhà phố của bất cứ dân thường nào, thậm chí chỉ có mỗi một cái cửa nhỏ xíu. Người ta khó có thể tưởng tượng được đó là một “dinh” nhà cao cửa rộng.

Tòa nhà mang số 10 phố Downing ở London chỉ là ngôi nhà “thường thường bậc trung”, ngày xưa dành cho chức quan First Lord of the Treasury (phụ trách mảng tài chính của Anh).

Đến đầu thế kỷ 20, ở Anh chưa gọi là thủ tướng, mà người làm nhiệm vụ thủ tướng lại được mang danh hiệu First Lord of the Treasury. Chức quan này, hay thủ tướng Anh, được “phân” cho ở ngôi nhà này. Mãi đến thời Thủ tướng  Lord Salisbury hồi đầu thế kỷ 20, người ta mới chuyển sang gọi là Thủ tướng. Tên chức danh đã đổi, nhưng Thủ tướng vẫn theo truyền thống đóng tại ngôi nhà này và một tấm biển đồng vẫn treo trước cửa: Nhà của First Lord of the Treasury.

Rối rắm thủ tục nhà đất

Người ta bảo rằng, chính chủ đầu tiên là ông Thomas Knyvet, được Nữ hoàng Elizabeth I cho thuê năm 1581. Ông là người được Nữ hoàng sủng ái, có tước quý tộc và được chọn là quản gia Cung điện hoàng gia. Đến đời Vua James I (năm 1604), ông được phong tước Hiệp sĩ, gọi là Sir Thomas.

Ảnh minh họa.

Ban đầu hợp đồng thuê nhà là trọn đời, rồi được chỉnh lại để con cháu Sir Thomas có thể thừa kế 60 năm kể từ khi ông qua đời. Lúc ấy, ngôi nhà “Knyvet House” làm bằng gỗ và gạch, có vườn kiểng lớn hình chữ L. Khi ông qua đời năm 1622, chủ quyền nhà được chuyển cho vợ ông, người cũng qua đời vài tuần sau đó. Cô cháu là Hampden thừa kế, nên tên nhà chuyển sang gọi là Hampden House. Bà Hampden sống ở đây 40 năm.

Tại sao gọi là phố Downing? Nghe cứ như là xuống dốc, rất “chuyển động” trong khi nơi này khá bằng phẳng, yên tĩnh. Hóa ra không phải là địa danh, mà là tên người. Đó là Sir George Downing, người lấy họ của mình đặt cho con đường ông  “tự quy hoạch” vào năm 1680.

Downing từng là một trong những sinh viên đầu tiên tốt nghiệp Đại học Harvard (Mỹ), trở về Anh và năm 1650 làm chỉ huy tình báo cho tướng Cromwell, rồi trở thành đệ tử ruột của ông tướng này. Năm 1657, ông từng làm Đại sứ Anh tại The Hague (Hà Lan). Năm 1658, Cromwell qua đời. Con ông là Richard lên thay và là người có khả năng lãnh đạo. Tình hình thay đổi. Downing ra trình diện trước Vua Charles II và khai báo nhiều thông tin quý. Vì thế ông không bị chặt đầu, lại còn được ban thưởng.

Thoát chết nhưng không được lưu dụng làm quan, Downing xoay ra làm ăn, kinh doanh bất động sản quanh khu Hampden House. Ông nhận thấy vùng đất này đắc địa, do gần Tu viện Westmingster và Công viên St James. Năm 1654, ông được Hoàng gia cấp quyền sử dụng đất. Nhưng giấy tờ rắc rối vì khu vực này thuộc quyền thừa kế của con cháu Knyvet. Mãi đến năm 1682 (tức 2 năm trước khi qua đời), Downing mới “hợp thức hóa” được lô đất, liền nhanh chóng đền bù giải tỏa, phân lô xẻ nền và xây 20 căn nhà để cho thuê. Để ghi lại dấu ấn của mình, Downing lấy tên ông đặt cho con đường.

Nhờ quan không tham

Khu nhà được xây vội vàng, vừa quy hoạch, thiết kế, vừa thi công nên rất lộn xộn. Tuy vậy, cũng còn có chút văn minh, không đến nỗi nhà không số phố không tên. Nhưng số nhà bị đánh lung tung, xây được cái nào đánh số đại cái đó. Vì vậy, nhà số 10 bây giờ, lúc đó được đánh số 5, mãi đến năm 1779 mới “lập lại trật tự”, đánh số lại thành 10.

Phó thường dân cuối cùng sống trong nhà số 10 (trước khi trở thành cơ quan chính phủ) là ông Chicken. Không có nhiều thông tin về ông, ngoài việc ông dọn ra khỏi ngôi nhà này vào những năm 1730 và ngôi nhà thuộc diện nhà nước quản lý.

Ảnh minh họa.

Nhà nước lấy ngôi nhà này cấp cho quan chức nhà nước. Quan chức đầu tiên được phân cho nhà số 10 là Sir Robert Walpole, do được Vua George II “tặng”. Lịch sử nước Anh phải ghi công ông quan tài chính này. Vì lẽ ra được Vua ban tặng là thành của riêng. Nhưng ông quan này lại tự nguyện làm điều thời nay còn phải kính phục. Tự ông đề xuất: tuy được Vua ban, nhưng dùng ngôi nhà này làm dinh của First Lord of the Treasury chứ không phải của riêng ông. Nghĩa là khi hết nhiệm kỳ làm First Lord of the Treasury, ông sẽ dọn ra, trao nhà cho người thừa nhiệm chức này.

Ông Walpole nay được xem là Thủ tướng đầu tiên của Anh (nhậm chức năm 1721), dù tên gọi thủ tướng chỉ chính thức có từ năm 1905, khoảng 2 thế kỷ sau ngày ông Walpole nhậm chức. Tuy vậy, ông cũng chỉ ở ngôi nhà này năm 1735, tức 3 năm sau khi nhận quà Vua ban.

Điều đặc biệt khác là ông Walpole đã bỏ tiền túi thuê kiến trúc sư William Kent cải tạo lại 2 tòa nhà liền kề thành một, thông với nhau ở hai tầng, dựng một cầu thang lớn và tạo nhiều phòng lớn.

Trước đó, nhà số 10 có mặt tiền xây theo kiểu thế kỷ 17, bên cạnh là một biệt thự lớn nhìn ra dãy nhà dành cho Vệ binh Hoàng gia (gọi là Horse Guards Parade). Hai nhà thông với nhau từ năm 1732. Năm 1828, số 11 là tư dinh của Chancellor of the Exchequer (danh hiệu dành cho Bộ trưởng Tài chính). Số 9 và số 12 là trụ sở của các cán bộ chủ chốt trong chính phủ.

Ông Walpole từ chức vào tháng 2-1742, đến hè năm ấy ông rời khỏi phủ và để lại truyền thống thủ tướng phải sống ở nhà số 10 phố Downing. Tuy nhiên, nhiều thủ tướng khác không dọn vào tòa nhà này, xem đó là “lộc Vua” nên thường cho bạn bè, người thân và chính khách “tạm trú” miễn phí.

Tại sao không thích?

Mãi đến năm 1763, Thủ tướng George Grenville mới sống ở ngôi nhà này. Sau đó, ông lại biến nó thành “nhà khách” cho lãnh đạo các cơ quan khác. Đến năm 1766, nhà được sửa trong 8 năm mới hoàn công.

Vào thế kỷ 18 và 19, nhà số 10 chỉ là một tòa nhà nhỏ, không xứng tầm với lãnh đạo. Vì thế, nhiều thủ tướng không thích ở, họ chọn những tư dinh to bự hơn. Nổi đình đám nhất trong số thủ tướng “quan cách” này là Arthur Wellesley (mang tước hiệu Quận công Wellington đệ nhất do Hoàng gia ban). Khi làm Thủ tướng (1828-1830), ông Arthur công khai chê “Phủ gì mà nhỏ xíu”. Năm cuối nhiệm kỳ Thủ tướng (1881), ông William Gladstone ngang nhiên tuyên bố Số 10, 11, 12 là nhà riêng của gia đình ông, dù không kiêm nhiệm chức Chancellor fo the Exchequer.

Vài thủ tướng trong thế kỷ 19 và 20 sống trong những tòa nhà lớn hơn, “hoành tráng” hơn với nhiều nhân viên phục vụ. Có thủ tướng (chủ yếu vào những năm 1950, 1990) thích sống trong Dinh đô đốc (Admiralty House) khi Số 10 được nâng cấp hoặc với lý do tránh khủng bố, vì vào những năm 1990 tổ chức ly khai IRA đòi Ireland độc lập thường bắn pháo vào nhà số 10.

Khi trở thành Thủ tướng đầu tiên của Công đảng những năm 1920, ông Ramsay MacDonald đối diện với một vấn nạn khác: lúc đó các quan chức chính phủ chỉ được vua cho hưởng chút “bổng” gọi là lương công chức, nên phải nuôi gia đình bằng thu nhập riêng. 

Thủ tướng MacDonald không giàu bằng các đời thủ tướng “quý tộc” trước, đành chấp nhận dọn vào Số 10, nơi hầu như không có vật dụng sinh hoạt. Ông còn lâm vào cảnh “trên bảo dưới không nghe”: các nhân viên phục vụ dù lĩnh lương thấp hơn Thủ tướng nhưng lại có nhiều cách kiếm tiền hơn, họ coi thường ông ra mặt. Thuở ấy, người ta chỉ cần “dấm dúi” một chút là có được thông tin  về các hoạt động của phủ.

Vào những năm 1940, những thay đổi trong lĩnh vực kinh tế và xã hội khiến nhà số 10 trở thành cơ quan. Nhà riêng thủ tướng phải dọn lên căn hộ nhỏ trên tầng mái, nơi trước kia dành cho người hầu.

Căn hộ ấy thấp lè tè là lý do một số thủ tướng “bí mật” dọn đến nơi khác (với lý do an ninh, cần riêng tư) sau khi thỏa thuận “ngầm” với báo giới: cứ thoải mái chụp ảnh tôi ở mặt tiền, chỉ cần đừng rình ở cửa sau, bởi họ thường đi cửa sau về nhà riêng khi hết giờ làm việc. Một số thủ tướng thời hiện đại, như Thủ tướng James Callaghan (1976-1979) sống tại nhà riêng.

Sau cuộc tổng tuyển cử năm 1997, phe Công đảng nắm quyền, Thủ tướng Tony Blair cùng vợ và 4 con sống trong nhà số 10 quá chật hẹp; trong khi ông Bộ trưởng Tài chính Gordon Brown độc thân lại ở quá rộng. Thế là cả hai thỏa thuận đổi chỗ ở.

Ảnh minh họa.

Số 10 trên danh nghĩa là nơi ở và làm việc của Thủ tướng, thực ra gia đình ông Blair lại ở nhà số 11 cho rộng hơn. Ông Brown cô đơn nên vui vẻ đổi chỗ cho Thủ tướng, ở căn hộ nhỏ trên tầng mái số 10.

Giữ bản sắc khu phố

Giữa thế kỷ 19, khi nhiếp ảnh ra đời, các ảnh chụp nhà số 10 bắt đầu xuất hiện, cho thấy đó là một con phố “đen thui” vì những tòa nhà có tường màu đen. Những năm 1950, Số 10 xuống cấp nghiêm trọng, cần nâng cấp nếu không sẽ đổ sụp. Người ta phát hiện hàng cột trong phòng họp nội các phải “gồng” thêm quá nhiều lớp vôi quét và sơn dầu (chồng chất lên nhau sau hơn 200 năm) và lớp gỗ bên trong bị mối mọt đục!

Thay vì hiện đại hóa giật sập toàn bộ con phố, người ta quyết định giữ lại mặt tiền tòa nhà, chỉ nâng cấp nội thất đến tận móng (như từng làm đối với Nhà Trắng ở Washington D.C vào những năm 1940). Vì thế, Số 10 thời nay chỉ là “bản sao” của tòa nhà gốc, sử dụng vật liệu thời mới là bêtông cốt thép, nội thất được “sao chép” nguyên xi.

Khi kiểm tra mặt tiền tòa nhà, các nhà thầu phát hiện một chi tiết thú vị: nó không hoàn toàn đen mà là màu vàng. Lớp “vỏ” màu đen chẳng qua là kết quả của 200 năm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở xứ sương mù.

Sau khi xem xét khả năng phục hồi màu vàng nguyên thủy thời thế kỷ 18, người ta lại quyết bảo vệ “vẻ ngoài truyền thống” theo đúng phong cách “hiện đại không quên bản sắc”. Thế là lớp tường màu vàng vừa được “phục sinh” lại bị bôi đen cho giống “màu ô nhiễm” nguyên thủy.

Hiện đại hóa

Theo nội quy bảo vệ cơ quan, một cảnh sát luôn trực ngoài cánh cửa màu đen. Cánh cửa chỉ có thể mở từ bên trong nên thủ tướng không được cấp chìa khóa. Có hai cánh cửa dự phòng, nên mỗi khi cửa chính cần sơn lại, vẫn luôn có một cánh cửa có núm gõ đầu sư tử.

Hàng rào và cổng ở đầu phố chỉ mọc lên thời “Bà đầm thép” Margaret Thatcher, đề phòng nguy cơ khủng bố. Tuy nhiên, vào tháng 2-1991, IRA phóng một quả mọt-chê, từ mui chiếc xe tải màu trắng đỗ gần phủ. Quả đạn nổ ở vườn sau Số 10, phá tung toàn bộ cửa sổ phòng họp nội các, nơi Thủ tướng John Major đang họp. Lúc sửa chữa, ông Major dọn qua nhà Admiralty House gần đó. Nhà này có chức năng “nhà phụ”.

Ruột hiện đại

Trong nhà Số 10, qua khỏi cửa có quầy tiếp tân là một hành lang. Ở đây có phòng khách (Sitting Room), nơi thủ tướng họp không chính thức. Trước kia là địa điểm tổ chức Ngày truyền thống Budget Day, với hình ảnh thủ tướng cầm một cuốn sách đặt trong một cặp táp màu hồng, đọc diễn văn công bố ngân sách. Bây giờ, ngày này được tổ chức ở nhiều phòng khác, kể cả ở sân sau.

Phòng kề bên phòng khách là nơi làm việc của phó thủ tướng. Ở tầng trệt còn nối với một trong những phòng đẹp nhất của Số 11: Phòng ăn (Soane Dining Room) do kiến trúc sư nổi tiếng thế kỷ 18 là Sir John Soane thiết kế. Ông này còn là tác giả trụ sở Ngân hàng Anh. Chiếc bàn dài trong phòng này là nơi họp lúc ăn sáng của các lãnh đạo.

Cabinet Room là nơi chính phủ họp từ năm 1856 khi còn gọi là Phòng Hội đồng. Hiện Chính phủ Anh họp vào mỗi sáng thứ năm hàng tuần. Vào thế kỷ 18, 19, phòng này nhỏ hơn, sau đó được mở rộng vào năm 1796.

Bàn họp hình chiếc thuyền có 23 ghế xung quanh là ý tưởng của Thủ tướng Harold MacMillan để các quan chức trông thấy mặt nhau và nghe thật rõ. Mỗi người có ghế riêng, Thủ tướng ngồi quay lưng vào phía lò sưởi. Lúc nào Thủ tướng không họp, ghế của ông được cất vào một góc. Chỉ có ghế Thủ tướng là có tay dựa. Một số dụng cụ bằng bạc trên bàn là quà tặng của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, trong khi một thanh kiếm vàng (quà của Quốc vương Kuwait) đặt gần cửa sổ (mỗi cửa lắp kính dày 3 inch chống đạn).

Thủ tướng Winston Churchill thời Thế chiến 2 dùng phòng này làm văn phòng, nơi ông cho ra đời nhiều bài diễn văn nổi tiếng, như bài tuyên bố kết thúc Thế chiến 2. Trong phòng treo chân dung Thủ tướng đầu tiên, Walpole. Thủ tướng Clement Attlee là người chủ trương không hút thuốc lá trong phòng này từ năm 1946: một hy sinh cá nhân dù ông khoái ngậm tẩu khi họp.

Trước năm 1856, đây là thư viện của tòa nhà, cũng là một phòng họp, có nhiều bản đồ. Ngày nay, phòng có cả thư viện của thủ tướng: một bộ sưu tập sách do thành viên các chính phủ trước đây và đương chức tặng, gồm nhiều sách hồi ký của họ.

Nơi diễn ra những cuộc gặp chính thức và họp hội nghị là State Room, chạy suốt chiều rộng Số 11, tường có những cửa sổ cao rọi ánh sáng vào phòng. Mỗi đầu phòng là một lò sưởi bằng cẩm thạch, kiểu thế kỷ 18, cùng với 2 chiếc gương lộng lẫy. Phần tường phía tây cũng dựng 2 tác phẩm nghệ thuật đẹp nhất của Số 11: hai tủ Trung Hoa cổ sơn mài và nạm vàng.

Cầu thang lớn (The Grand Staircase) dẫn lên tầng một là một phần cổ khác của phủ, xây dựng theo kiểu thế kỷ 18. Tường quanh cầu thang treo ảnh 51 người từng là Thủ tướng (ông Blair khi nào “hết thời” mới được treo ảnh). Chân dung mỗi ông chỉ được chụp trắng đen. Thủ tướng Callaghan khi mãn nhiệm năm 1979 từng “chơi nổi” bằng cách phá truyền thống, đưa ảnh màu lên tường, nhưng lại bị thay bằng ảnh trắng đen.

Truyền thống là truyền thống, hết thời cũng không được phá ngang! Bà Dorothy, phu nhân Thủ tướng MacMillan cũng từng ra lệnh dẹp việc trưng ảnh chân dung thủ tướng, nhưng đến năm 1964, vợ chồng Thủ tướng Harold Wilson khôi phục lại truyền thống này.

Trên tường cũng được treo nhiều tranh biếm họa về các phó thủ tướng. Truyền thống cho phép mỗi ông phó tùy ý chọn bức ưng ý nhất trong số tranh biếm về mình để treo.

Dưới chân cầu thang là một quả địa cầu lớn: quà tặng của Tổng thống Pháp Francois Mitterrand, lớn đến độ phải “cưa” thế giới thành hai phần mới lọt qua cửa phủ, sau đó “hàn gắn” lại.

White Drawing Room là phòng vẽ của phu nhân Thủ tướng Walpole, cũng là phòng bà Churchill thích nhất. Đó cũng là nơi Thủ tướng Edward Heath đặt một chiếc đàn piano lớn, vì ông mê nhạc cổ điển và từng chỉ huy dàn nhạc. Thủ tướng Campbell Bannerman qua đời tại phòng này vào năm 1908. Ngày nay, phòng này là nơi để các thành viên nội các trả lời phỏng vấn, họp báo cấp cao.

Terracotta Room là nơi thủ tướng thường tiếp khách dự tiệc quốc gia. Ngày xưa, đây là phòng ăn của Thủ tướng Walpole.

Pillared Drawning Room là phòng người ta đồn có một “hồn ma quý bà” thường hiện về, trong một bộ váy dài và đeo đầy ngọc quý trên cổ. Cảnh sát trực và nhân viên kể rằng họ thường nghe tiếng bước chân nặng nề.

Nhân viên cũng truyền tai nhiều chuyện hoang đường trong phủ, chẳng hạn một bé gái hiện ra, dắt tay những ai đi bộ trong hành lang tầng hầm, hoặc mùi xì gà trong các phòng tầng hầm… Ngày nay, phòng này dùng để ký những thỏa thuận quốc tế.

State Dining Room vốn là một nhà bếp xây lại. Năm 1783, nhà bếp này được xây với giá 20.000 bảng, bị xem là quá mắc; nay là nơi chiêu đãi các nguyên thủ nước ngoài.

Dịp kỷ niệm 250 năm ngôi nhà (1985), các thủ tướng còn sống đều được mời đến phòng này xơi một bữa linh đình.

Năm 2015, nhà số 10 phố Downing tròn 280 tuổi.

Trung Trực (sưu tầm)
.
.
.