Không có gì mà ầm ĩ cả

Lò ấp siêu đẳng

Thứ Sáu, 29/04/2016, 15:42
Theo thông tin được công bố trên website chính thức của Học viện Hàn Lâm quê ta, từ ngày 1-1 đến 11-4, viện này đã tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ cho hơn 50 nghiên cứu sinh. Trung bình 1 tháng được gần 20 tiến sĩ, chính xác hơn là 1,76 ngày một tiến sĩ, còn nếu chỉ tính ngày làm việc, thì cứ 1 ngày 1 tiếng 15 phút có một tiến sĩ ra lò…

Sếp: Tôi cho cậu 1 phút để tự nói về mình?!

Nhân viên mới: Thưa sếp em là tiến sĩ...

Sếp: Ô hay! Tiến sĩ rồi sao xin việc gác cổng. Khai man!

Nhân viên mới: Oan em quá! Nhưng chính xác em là tiến sĩ...

Sếp: Vớ vẩn... Bảo vệ bao giờ mà đỗ?

Nhân viên mới: Dạ em tên là Đậu Tiến Sĩ. Họ Đậu tộc ạ.

Sếp: Được đấy... Hay! Đẻ ra đã tiến sĩ rồi.

Thế thì khỏi phấn đấu. Khối người phải đầu tư vất vả mới có được danh xưng này chứ không phải sinh ra đã là tiến sĩ. Nhớ ra mẩu chuyện trào lộng này đúng mùa "ấp trứng" tiến sĩ quê mình. Người ta hay nhắc tới viện Hàn Lâm quê ta với cái danh lò ấp tiến sĩ năng suất siêu khủng. Theo thông tin được công bố trên website chính thức của Học viện Hàn Lâm quê ta, từ ngày 1-1 đến 11-4, viện này đã tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ cho hơn 50 nghiên cứu sinh. Trung bình 1 tháng được gần 20 tiến sĩ, chính xác hơn là 1,76 ngày một tiến sĩ, còn nếu chỉ tính ngày làm việc, thì cứ 1 ngày 1 tiếng 15 phút có một tiến sĩ ra lò…

Minh họa: Lê Tâm.

Thông tin này làm giới khoa học thế giới chấn động. Năm châu còn khâm phục hơn nữa khi đọc tên các đề tài như: "Đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch ủy ban nhân dân xã", "Hành vi nịnh trong tiếng Việt", "Hứng thú rèn luyện nghiệp vụ sư phạm của sinh viên cao đẳng sư phạm"...

Đừng cười mà hở lợi. Một giáo sư nói: "… Mọi người vẫn nghĩ luận án tiến sĩ phải là điều gì to tát lắm, hoành tráng lắm, nhưng không phải. Vấn đề nghiên cứu cần hết sức cụ thể, thực tiễn. Trên thế giới còn có những luận án tiến sĩ nghiên cứu về hành viên nhổ nước bọt trên đường, viết chữ trong khi đi vệ sinh... Nếu ở Việt Nam nhiều người coi đó là vớ vẩn, nhưng thực ra kết quả nghiên cứu lại vô cùng quý giá".

Dân tình thở phào. Tưởng đề tài tiến sĩ phải là cái gì đó siêu phàm được chứ thế này thì như cơm bình dân dành cho mọi người. Từ nay, rộng đường, 90 triệu dân ai cũng có thể trở thành tiến sĩ.

Ngay lập tức, nhân dân đã có sáng kiến mở rộng đề tài chưa có ai làm trên thế giới. Nhiều người hớn hở đóng góp các đề tài: "Cơ sở lý luận và thực tiễn của cơ địa Ngọc Trinh: Bằng chứng khoa học về vòng eo thực sự của Ngọc Trinh không phải là 56cm mà là 57cm"; "Tại sao Thạch Sanh thì ít Lý Thông thì nhiều? Đề xuất cơ chế y học ghép tạng và nhân bản Thạch Sanh"; Hình tượng văn học thay đổi theo từng thời kỳ: Nàng công chúa ngủ trong rừng mọc râu và cơ bắp vạm vỡ vì ăn thực phẩm có chất cấm" vv…

Khi thấy lãnh đạo ngoại quốc thường có bằng cấp thì dân ta ước ao. Thời mở cửa, chính sách khuyến nhân tài được rộng mở. Đây là thời kỳ cán bộ ào ạt đi học để lên tiến sĩ. Đến nỗi người ta gọi đây là thời xóa mù tiến sĩ, bổ túc giáo sư… Dân vẫn chưa yên tâm khi hàng chục nghìn tiến sĩ mà hiền tài vẫn như lá mùa thu. Té ra nguyên khí quốc gia không phải bao giờ cũng trùng với con dấu chất lượng. Đất nước trải thảm đỏ đón nguyên khí mà mong đỏ mắt chờ dài cổ chỉ thấy những con vẹt sặc sỡ muôn hồng ngàn tía. Cái cốt lõi vẫn là tài năng. Tài năng thì chẳng có viện hàn lâm nào đủ sức đánh giá. Hãy nhìn thẳng vào bản chất và dũng cảm chấm dứt những lời véo von vô bổ. Thôi nhưng cũng không nên thành kiến với chữ tiến sĩ. Tiến sĩ cũng có người này, người khác.

Tuy vậy, các tiến sĩ cũng nên suy nghĩ khi những việc sáng tạo thực tế như máy cắt cỏ, tàu ngầm… lại là những người chưa bao giờ học cao học. À. Cao học không phải là đề tài về học nấu cao nhé.

Còn bạn. Bạn đã tiến sĩ chưa, hay sắp vào cao học?

Lê Tâm
.
.
.