Lo xa

Thứ Ba, 25/07/2017, 15:02
Vì là người lo xa, sau khi chức vị đủ trọng lượng, Y đề xuất lên chính phủ một chương trình nghìn tỷ để xuất khẩu thạc sĩ ra nước ngoài. Nếu chương trình này được thông qua, từ đây Y có thể ngồi rung đùi không lo thất nghiệp.

Làng X có thằng Y, nổi tiếng là người lo xa.

Và Y cũng luôn tự hào mình là người có viễn kiến, “lo trước khi thiên hạ lo, buồn trước khi thiên hạ buồn”.

Lúc nhỏ, khi còn đi học mẫu giáo Y đã giục mẹ mua sách lớp 1 về để học trước. Nhờ đó khi vào lớp 1, con người ta vẫn còn ê a đọc “a á ớ bờ cờ” thì Y đã có thể cầm báo đọc ro ro.

Lớn lên một chút, vào các kỳ nghỉ hè, các bạn đồng trang lứa lo ra đồng bắt dế thả diều, thì từ một tháng trước khai giảng Y đã chăm chỉ học hành chương trình năm tiếp. Chính nhờ sự đi trước một bước, mà Y luôn đạt thành tích vượt trội trong học tập.

Ảnh minh họa.

Học theo Y, về sau nhiều phụ huynh trong làng cũng thúc ép con mình phải biết đọc trước khi lên lớp 1. Một số quan chức đầu làng còn cấp tiến hơn, ra lệnh buộc trẻ em trong làng phải học trước ngày khai trường toàn quốc một tháng, nhằm giúp trẻ đạt thành tích cao hơn các địa phương khác.

Nhưng dù thế nào, họ vẫn đi sau Y một bước. Từ khi mới học lớp 3, Y đã hối thúc mẹ chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, hồ sơ và “phong bao” để xin vào trường cấp 2 điểm của huyện.

Và khi vừa lên lớp 10, Y đã nài nỉ mẹ cho tiền đi luyện tại các điểm ôn thi đại học. Y học ngày học đêm, hết năm lớp 10 đã luyện xong tất cả bộ đề thi đại học.

Tuy nhiên, vì dồn tất cả nguồn lực cho sự học của Y, mà gia đình Y ngày càng kiệt quệ, phải bán dần tài sản, đất đai. Nhưng bù lại, Y đã đậu vào một đại học danh giá.

Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp đại học, Y không đi làm mà quyết định học tiếp, vì lo xa vài ba năm nữa chiếc bằng đại học chẳng đủ cạnh tranh. Và lần này, bố mẹ Y bán nốt phần đất ít ỏi còn lại để Y học thạc sĩ.

Khi Y học xong thạc sĩ, tình hình lại chuyển biến ngoài sự nhìn xa trông rộng của Y: Khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thất nghiệp trên diện rộng.

Cầm tấm bằng thạc sĩ ra trường, Y vẫn chẳng thể xin được việc làm ổn định.

Lúc này, bố mẹ Y đành bán hết nhà cửa để chạy chọt cho Y được một chức quan nhỏ ở địa phương. Nhờ vậy, và cũng nhờ tấm bằng thạc sĩ, Y nhanh chóng thăng tiến trên đường hoạn lộ.

Vì là người lo xa, sau khi chức vị đủ trọng lượng, Y đề xuất lên chính phủ một chương trình nghìn tỷ để xuất khẩu thạc sĩ ra nước ngoài. Nếu chương trình này được thông qua, từ đây Y có thể ngồi rung đùi không lo thất nghiệp.

Không chỉ vậy, Y còn giục bố viết trước di chúc.

Bố Y thắc mắc: Tao bây giờ tay trắng, phải sống bằng cơm của mày, có tài sản đâu mà viết di chúc?

- Kệ, bố cứ viết, Y đáp. Đặc biệt phải có câu này: “Khi tôi qua đời, dù không còn tài sản, nhà cửa, ruộng nương, cây cối, vườn tược gì, nhưng còn 1.000 cây vàng tôi sẽ giao hết lại cho đứa con trai độc nhất của tôi là Nguyễn Văn Y thừa hưởng”.

Nghe đến đây, bố Y giãy nãy: Mày điên rồi hả! Tao không có một xu dính túi, lấy đâu ra 1.000 cây vàng mà ghi vậy!?

- Ba đúng là không có tầm nhìn xa trông rộng. Ba cứ viết vậy có chết ai. Biết đâu sau này con làm quan “lỡ tay” ăn hối lộ, xây biệt phủ… Họ có kiểm tra thì có cơ sở để nói, chứ con có nói nuôi gà, nuôi vịt, nấu rượu, làm giày, buôn chổi đót thì ai tin nổi!!!???

Út Ngông
.
.
.