Không có gì mà ầm ĩ cả

Loa "kẹo kéo" hay phương tiện “khủng bố”?

Thứ Tư, 27/11/2019, 23:18
 Sau giờ nhậu là đến giờ "cất mỏ". Một gia đình có dàn karaoke cũng là quá đủ để cả một xóm phải đóng cửa bịt tai.

Xưa có câu "Hát hay hơn hay hát", ngẫm lại câu này có chức năng chơi khăm hơi cao, nhất là trên lĩnh vực karaoke. Uống rồi thì phải hát. Công thức mấy chục năm nay là thế. Những người hát nhiều và hay giành quyền cầm microphone thường hát không thể tệ hơn. Nhạc một đằng ca một nẻo, không đâu vào đâu. Ấy là câu chuyện trong những tụ điểm karaoke tường cách âm đến nỗi cháy nhà không biết.

Mỗi xóm có ít nhất một nhà sắm dàn karaoke với đầu karaoke, bộ khuếch đại và đôi loa thùng công suất khủng. Sau giờ nhậu là đến giờ "cất mỏ". Một gia đình có dàn karaoke cũng là quá đủ để cả một xóm phải đóng cửa bịt tai.

Bây giờ có đóng cửa bịt tai cũng không thoát, bởi xung quanh đã bị bủa vây bằng loa "kẹo kéo". Ai cũng có thể mua được nó bởi quá rẻ. Số người chơi món karaoke tăng đột biến. Thông thường 1 chiếc loa kẹo kéo có giá từ ngót 1 triệu tới vài ba triệu. Ngán gì mà không rinh về một "em". Loa kẹo kéo phục vụ đầy đủ cho một tay chơi karaoke với công suất đến hàng ngàn W. 

Bao giờ cũng đầy đủ có khe thẻ SD, cổng USB để phát nhạc nền (quen gọi là nhạc beat), có microphone không dây kết nối bằng Bluetooth. Lại có bánh xe và tay cầm để kéo đến bất kỳ bàn nhậu nào.

Chính vì lợi thế này mà cái loa kẹo kéo gieo rắc nỗi kinh hoàng đến bất kỳ đâu, từ thành thị đến vùng sâu vùng xa. Thoạt đầu, người ta gọi karaoke là màn "tra tấn", sau người ta gọi là "khủng bố". 

Có một cảnh sát Pakistan chuyên khai thác tin tức bằng cách dùng bạo lực với nghi phạm. Cảnh sát này nói chẳng thể tặng hoa cho tội phạm mà tội phạm khai ra sự thật. 

Khuyên ông đừng dùng bạo lực nữa. Xin gửi ông cảnh sát Pakistan một cái loa kẹo kéo 1.000 W kèm theo ca sĩ "vườn" chưa thua ai trên bàn nhậu. Không có nghi phạm nào chịu đựng nổi tới bài thứ ba thưa ông? Khai tuốt tuột. Ngoan cố thì hát tặng cho nửa bài nữa là lạy lục mà khai bằng hết.

Bức bối vì nạn khủng bố này mà có một số bà con chịu không nổi, nhắc nhở không xong bèn mang dao sang “nói chuyện” và xảy ra án mạng. Mâu thuẫn vì dùng loa kẹo kéo và những vụ án mạng nhiều quá, thôi không nhắc lại nữa.

Trở lại nạn khủng bố loa kẹo kéo về chung cư, thôn xóm. 

Không thể ngăn người thích, tham hát nhưng vẫn có cách khóa mồm được bất kỳ loa kẹo kéo nào. Người ta bán khắp nơi thiết bị phá sóng loa kẹo kéo với giá từ 450 nghìn tới ngót triệu đồng. Có lẽ bán với giá trên trời thì người ta vẫn mua vì tâm lý không đội trời chung với ca sĩ vườn.

Nhưng xin thưa việc sử dụng các loại máy phá sóng vừa nói là phạm pháp. Chỉ cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an mới được kinh doanh thiết bị gây nhiễu, phá sóng thông tin di động. Vì vậy, việc mua bán, sử dụng các thiết bị này cho mục đích ngăn hàng xóm hát karaoke là trái pháp luật.

Chúng ta không nên phá sóng nhau thô bạo mà hãy tìm cách giúp nhau thay đổi lối sống. Đó mới là kế lâu bền. Văn hóa muốn thay đổi phải nhẫn nại, không thể sốt ruột. Cần có thời gian tác động vào "sóng văn hóa" để cùng văn minh lên.

Còn bạn. Bạn có chúc mừng không nếu thấy láng giếng lôi về một cái loa kẹo kéo?

Lê Tâm
.
.
.