Lỗi đầu thuộc về người lớn

Thứ Tư, 05/08/2015, 08:00
Cứ vào dịp tháng 7, cô cháu họ tôi lại bay về Việt Nam nghỉ hè, tranh thủ thăm họ hàng nội, ngoại. Gia đình cháu định cư bên Đức đã lâu, cháu nói tiếng Đức sõi hơn tiếng Việt và vẫn thích các món ăn truyền thống Việt Nam.
Lần này về nước, cháu có một "cái đuôi" bám theo, đó là cậu bạn trai người Đức tên là Jonas. Jonas năm nay 19 tuổi, thân hình cao lớn vạm vỡ, tóc vàng, mắt xanh, hay mỉm cười và tất nhiên để ghi điểm với nhà gái, cậu đã tranh thủ học tiếng Việt. Những câu đơn giản được Jonas nói bằng giọng lơ lớ nghe rất thú vị và mặc dù sinh ra và lớn lên tại thủ đô một nước châu Âu nhưng cậu có lối sống vô cùng giản dị và thân thiện.

Cháu tôi kể: Tốt nghiệp PTTH năm ngoái, hai đứa không học đại học mà học nghề 6 tháng rồi đi làm. Jonas có việc làm ngay trong một cửa hàng sửa chữa ôtô, còn cháu tôi có chân trong một công ty chế biến thực phẩm, thu nhập khá ổn định, đủ tiền thuê nhà riêng và trang trải cuộc sống. Xã hội cũng đánh giá rất cao những công nhân tay nghề cao và có đóng góp cho cộng đồng.

Tất nhiên, hai người không dừng việc học hành ở đó. Kế hoạch của chúng là sau khi làm việc một thời gian, có cuộc sống ổn định, chúng sẽ quay trở lại giảng đường đại học. Cả hai quan niệm rất đơn giản: Được làm việc mình thích, sống vui vẻ, không phụ thuộc vào gia đình, đến những nơi mình muốn, đó là hạnh phúc.

Đấy là chuyện ở xứ người, còn xứ ta lại khác. Một đứa trẻ từ lúc phải cắp sách tới trường cũng là bắt đầu cuộc vật lộn với sách vở. Với chúng, việc quan trọng nhất luôn luôn là học, học và học. Có học ắt có thi, có thi đương nhiên phải có đỗ, có trượt. Khổ nhất vẫn là những ông bố, bà mẹ có con đi thi. Họ quá kỳ vọng vào con mình và luôn luôn nhồi nhét vào đầu con cái, rằng con đường ngắn nhất dẫn tới sự thành công là con đường tới giảng đường đại học, không trường đại học này thì đại học khác, miễn là đại học.

Minh họa Lê Tiến Vượng.

Trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, tôi có dịp trò chuyện với một "cao thủ" của một trường chuyên. Xét về phương diện học tập, bố mẹ nào có đứa con như cháu hẳn sẽ vô cùng mát mặt. Hầu hết điểm trung bình các môn của cháu đều đạt điểm 9 và cháu là học sinh duy nhất trong lớp được nhận học bổng của nhà trường.

Kết thúc 2 ngày thi, tôi hỏi cháu: “Cháu làm bài tốt không?”. “Dạ, bình thường”. “Trong các bài thi, cháu hài lòng môn nào nhất?”. “Cháu không biết nữa”. “Cháu định đăng ký vào trường đại học nào?”. “Cháu không rõ…”. Tôi thoáng nhìn cháu và thấy buồn. Còn cháu không nhìn tôi mà đưa mắt về một khoảng không phía trước, trống rỗng, vô cảm.

Nếu tôi hỏi con tôi những câu hỏi trên mà nhận được câu trả lời tương tự, chắc chắn tôi sẽ quát vào mặt nó để nó hiểu rằng, nói chuyện với người lớn không chỉ lễ phép mà quan trọng hơn, phải có chính kiến. Lẽ nào 18 tuổi, đủ tuổi là công dân một đất nước mà vẫn có những câu trả lời nhát gừng, thiếu rõ ràng và thụ động như thế.

Và điều tôi muốn nói ở đây, đó là những kỹ năng sống. Học nhiều, học như con vẹt để có được học bạ đẹp như hoa chưa hẳn sau này sẽ là một công dân tốt, một người có chuyên môn vững vàng mà còn phải học thêm nhiều kỹ năng khác nữa. Chỉ có vậy, con người mới tự hoàn thiện, thích nghi mọi hoàn cảnh và có đóng góp tích cực cho xã hội.

Trở lại chuyện học hành, tôi dám khẳng định một điều rằng, hầu hết các phụ huynh đều ép con phải thi đỗ đại học và sẵn sàng đầu tư cho chúng bằng mọi khả năng của mình. Họ cảm thấy xấu hổ nếu con mình chỉ đủ điểm vào học cao đẳng hoặc học nghề. Phải chăng, chính chúng ta là người đầu tiên có lỗi trong việc này?

Bố mẹ nào chẳng kỳ vọng con làm bác sĩ, kỹ sư, luật sư, nhà ngoại giao, giảng viên đại học… nhưng con cái đáp ứng được hay không, đó lại là câu chuyện khác. Sự áp đặt có phần cay nghiệt này đôi khi chỉ để vuốt ve tính sĩ diện của người lớn mà không biết rằng, nó ảnh hưởng trực tiếp tới số phận của một con người.

Còn tôi, mỗi lần đưa con đi thi, tôi chỉ mong con bình tĩnh, làm hết khả năng của mình. Thắng thua trong cuộc đời là lẽ bình thường và khi một cánh cửa khép lại, nếu muốn đi tiếp, buộc con phải bước qua những khung cửa khác. Con phải chấp nhận điều này bởi khi đó, con mới thật sự trưởng thành.

Tuấn Nguyễn
.
.
.