Lời kêu cứu từ các ao, hồ

Thứ Tư, 11/11/2015, 11:16
Mỗi khi có dịp đi qua các con phố vắng rợp bóng cây hay một hồ nước rộng, tôi tin chắc một điều, không chỉ riêng tôi mà nhiều người sẽ cho xe chậm lại để tận hưởng sự trong trẻo, mát lành hiếm hoi của thiên nhiên, nhất là vào những ngày nắng nóng. Hà Nội là thành phố nghìn năm nên cây xanh rất nhiều, ao hồ không thiếu. Nhưng đó là chuyện của những năm về trước, còn giờ đây, hàng cây cổ thụ chỉ có trên một số tuyến phố. Hồ, ao cũng bị lấp nhiều để những tòa nhà cao ngất mọc lên.
Nhắc đến các hồ của Hà Nội cũng phải mở ngoặc một chút. Ưu điểm của nó thì quá nhiều, không nói mọi người cũng biết. Những ngày mưa lũ, nếu không có hệ thống hồ, ao thì phố xá sẽ ngập thành sông khiến giao thông bị tê liệt, việc di chuyển gặp vô vàn khó khăn. Ai đó đã ví những cái hồ như "máy điều hòa" quả cũng không sai.

Nhưng những chiếc "máy điều hòa" này chỉ thật sự dễ chịu khi nước trong hồ sạch, thường xuyên được nạo vét bùn, còn không thì sẽ bốc mùi cực kỳ khó chịu, bởi hầu hết nước thải sinh hoạt của các hộ dân quanh hồ đều trút xuống. Sống ở đây, tôi tin là nhiều người sẽ bị giảm tuổi thọ vì cơ quan hô hấp hằng ngày phải hít vào những mùi độc hại đó. Thành phố bước sang thế kỷ XXI đã thay da đổi thịt nhiều. Những cái hồ nằm rải rác tại các quận cũng có những thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn.

Một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng với nội dung "Báo cáo hồ Hà Nội năm 2015" cho thấy: Qua kiểm tra 30 hồ tại 6 quận nội thành được biết, chất lượng nước nhìn chung đã có chuyển biến tốt hơn so với năm 2010, số lượng các hồ ô nhiễm nặng và ô nhiễm rất nặng đang có xu hướng giảm dần. 5 năm qua, Hà Nội đã rất nỗ lực trong việc kè hồ. Kết quả điều tra 112 hồ, ao, đầm, thủy vực lớn nhỏ tại 6 quận nội thành có 86 hồ đã kè toàn phần, 10 hồ chỉ kè một phần và 32 hồ chưa được kè. Trong số 30 hồ được phân tích có 5 hồ được đánh giá không ô nhiễm, 11 hồ có dấu hiệu ô nhiễm, 8 hồ ô nhiễm nặng và 6 hồ ô nhiễm rất nặng.

Kết quả trên ít nhiều khiến chúng ta thở phào. Song, một thực tế khác lại khiến chúng ta phải lo nghĩ, đó là diện tích mặt hồ hầu hết đang bị thu hẹp dần. Chỉ tính riêng 5 năm qua, 17 hồ bị san lấp hoàn toàn. Như vậy, tổng số ao, hồ Hà Nội hiện nay còn 112 hồ, giảm 10 hồ so với năm 2010. Tính riêng quận Hai Bà Trưng, một trong những quận có nhiều ao, hồ nằm trong đất dự án của thành phố, trong 5 năm qua, toàn quận đã mất đi 26.640m2 diện tích mặt nước. Nguyên nhân chủ yếu là do bị lấn chiếm hoặc nằm trong vùng quy hoạch…

                                                   

Minh họa: Tả Tưa.

Nói về việc lấn chiếm ao, hồ thì đây là tình trạng quá phổ biến của các hộ dân sống gần ao, hồ. Đa số các hộ đều "nuôi" ý định biến một phần ao, hồ thành đất nhà mình nên hằng ngày đổ rác thải, vật liệu xây dựng… xuống, hết ngày này sang ngày khác, tháng này qua tháng khác, mặt hồ dần bị lấp và công việc cuối cùng là họ lập hàng rào, xây tường bao để khẳng định "chủ quyền" của mình với diện tích lấn chiếm. Rất may các cơ quan quản lý đã có giải pháp là kè toàn bộ hồ. Có người nói vui rằng, nếu không kè hồ thì vài chục năm nữa, hồ Tây, hồ Trúc Bạch chắc chỉ còn là cái ao.

Ai từng đặt chân tới thủ đô Seoul, Hàn Quốc hẳn không thể quên được con suối Cheonggyecheon dài gần 6km, chảy len lỏi giữa lòng thành phố. Nó không chỉ là điểm dừng chân lý tưởng của tất cả du khách, xứng đáng là "lá phổi" trong những ngày nóng bức, mà còn là nơi dành cho những ai thích sự tĩnh lặng, trong lành của thiên nhiên.

Đây là sản phẩm do con người tạo ra, mặc dù quá trình thi công đã gặp phải vô số chỉ trích bởi chi phí quá lớn, song chính quyền thành phố vẫn quyết tâm làm. Và sau 2 năm thi công, vào tháng 9/2009, suối Cheonggyecheon đã được hồi sinh, giúp Seoul giảm 2-3 độ vào mùa hè và lúc này mọi người mới thấy quyết định của lãnh đạo thành phố là hoàn toàn đúng đắn.

Khi thả bước trên lối nhỏ ven bờ suối Cheonggyecheon lúc chiều tà, nghe rõ tiếng nước chảy róc rách, đàn cá tung tăng bơi lội qua khe đá, tôi bỗng nghĩ đến dòng sông Tô Lịch ở Hà Nội và ước gì dòng sông này cũng được cải tạo như suối Cheonggyecheon. Học hỏi văn minh của người khác rồi áp dụng phù hợp với điều kiện Việt Nam cũng là điều chúng ta nên làm, bởi tôi tin chúng ta chắc chắn làm được, trên cơ sở khiêm tốn và cầu thị.

Tuấn Nguyễn
.
.
.