Lời khẩn cầu chung tay bảo vệ sự giàu có của Sông Đà

Thứ Hai, 03/09/2012, 12:06
Chỉ bằng với sự hiểu biết đơn giản, cũng đủ thấy những biển báo trên bờ, phao tiêu dưới sông quy định ranh giới vùng cấm tàu, thuyền vào khu vực hạ lưu chân đập thủy điện Hòa Bình, có ý nghĩa không chỉ bảo vệ an toàn về an ninh cho công trình thủy điện, mà còn bảo vệ môi trường thiên nhiên, bảo vệ nòi giống nguồn thủy sản phong phú thường xuyên quần tụ ở đoạn sông này.

Sông Đà muôn nẻo đường câu

Hồ Hòa Bình với dung tích hàng tỷ mét khối nước chính là một bể lọc khổng lồ. Qua tuốc bin của Nhà máy thủy điện, nguồn nước sạch ấy đổ xuống hạ lưu sông Đà tạo một dòng nước mới thanh khiết trôi xuôi. Theo dòng chảy, cá tôm ngược thủy mà sinh sôi. Càng mùa sinh nở, chúng càng ngược dòng tìm đến vùng nước xiết.

Trên hành trình ấy, chúng bị chặn lại bởi con đập thủy điện và quần tụ nơi đây đón dòng nước từ hồ chảy xuống chứ không thể vượt qua những tuốc bin mà tung tăng trên hồ. Do đó, khu vực hạ lưu ngay dưới chân đập Thủy điện – trung tâm thành phố Hòa Bình là nơi thủy sản tập trung đông đúc nhất. Chính thế, khu vực hạ lưu sông Đà ngay dưới đập thủy điện, thu hút rất nhiều người tham gia đánh bắt thủy sản, cả với mục đích kinh tế cũng như thư giãn, giải trí. Dưới sông có làng chài. Trên bờ rất nhiều người câu, thả đăng, lờ, đó kiếm cá, tôm.

Những ngày Nhà máy thủy điện xả lũ hoặc tăng công suất phát điện, nước sông Đà dâng cao, dòng chảy mạnh hơn, người ta thường dùng ba tiêu để kiếm những con cá lớn từ sông Hồng, sông Thao… ngược đến. Câu tiêu gồm một chùm 3 lưỡi câu loại to, sắc, có ngạnh, không mồi được vút xa ra lòng sông. Người câu cuộn cước căng tay thì phất rất mạnh cần câu về phía tay thuận. Theo đường cước, lưỡi câu bị giật trong nước theo chiều vát từ dưới sâu lên. Những con cá đang bơi, vướng phải lưỡi câu thì không thể chạy thoát.

Khi có cá dính câu, tùy theo cá to hay nhỏ mà người câu tìm cách kéo chúng lên bờ. Nếu cá vừa và nhỏ thì họ cuộn cước thật nhanh. Nếu cá to hoặc rất to thì người câu còn thả thêm cước, cho cá chạy thật mệt thì mới cuộn cước. Gặp những con cá to hàng chục kilôgam dính câu thì lập tức diễn ra một cuộc đánh vật giữa người trên bờ và cá dưới sông. Có khi cả tiếng đồng hồ người câu mới đưa được cá vào bờ.

Cũng là câu vút để kiếm những loại cá ăn nổi, lại có hai cách. Đó là câu vút mồi thật và câu vút mồi giả. Câu vút mồi thật có một lưỡi được móc mồi rồi vút ra xa. Người câu cuộn cước nhẹ nhàng cho mồi lướt trên mặt nước. Những chú cá lao lên đớp mồi liền dính lưỡi câu. Cách thứ hai là câu vút mồi giả: Trên một đoạn cước dài, cách khoảng 50 – 70cm người ta cài một lưỡi câu ẩn vào một lông chim hoặc lông gà nhỏ. Cả một dãy lưỡi câu, lông gà ấy (tối đa là 11 lưỡi) được quăng ra mặt sông. Trên bờ, người câu nhẹ tay cuốn cước. Những chiếc lông gà nhỏ phất phơ trên mặt nước. Cá tưởng mồi lao lên đớp thì dính ngay phải lưỡi câu. Cách câu này, câu cá ăn nổi chủ yếu là cá thiểu, cá mương.

Một cách câu thông thường khác là câu phao. Đây là cách câu có mồi móc vào lưỡi câu rồi thả lửng lơ trong nước. Khi cá cắn câu, phao động và tới lúc bị rút xuống hoặc dềnh lên là tùy theo loại cá, người câu giật cần đưa cá lên bờ. Cách câu này dùng để kiếm nhiều loại cá khác nhau. Tùy theo loại cá mà dùng mồi thích hợp và thả mồi nông, sâu theo luồng cá đi. Thí dụ câu cá chầy thì dùng mồi chuối chín hoặc khoai lang chín, câu cá chép thì dùng mồi giun…

Riêng câu ngâm lại có nhiều loại. Mồi câu thường là những con gián còn sống để nguyên cả cánh, những con mối hoặc chính những con cá nhỏ… được móc vào lưỡi câu và quăng ra xa bờ. Nhờ cục chì nhỏ đặt gần lưỡi, mồi chìm xuống chạm đáy nước. Những loại cá da trơn, như cá chiên, cá bò, cá quất… kiếm ăn dưới đáy sông rất dễ bắt mồi của loại câu này. Loại câu ngâm đa số không dùng cần mà dùng một đĩa gỗ tròn, cuộn cước đặt ngay bờ sông. Nếu cá nuốt phải mồi thì cứ việc chạy loăng quăng cho đến khi bị người câu kéo vào bờ. Câu ngâm, một người có khi thả dăm bảy cuộn cước.

Câu giăng là loại câu mà dây câu dài hàng trăm mét. Cách đoạn có lưỡi móc những loại mồi khác nhau thả chìm dưới lòng sông. Hai đầu dây được định vị trên bờ để người câu kéo dây khi cần. Loại câu này, cùng lúc có thể câu được nhiều loại cá khác nhau. Bên cạnh câu giăng còn có loại câu rà. Câu rà là loại câu dùng nhiều lưỡi câu to, sắc, không ngạnh đặt cách đoạn theo dây câu rồi được thả chìm trong nước. Những con cá đi kiếm ăn mắc phải lưỡi câu. Càng giãy tìm cách thoát thân thì càng dính nhiều lưỡi câu.

Lại có một kiểu câu đầy thơ mộng như câu cá bống, gọi tắt là câu bống. Những người già hay trẻ nhỏ không đủ sức để câu tiêu, câu vút, hoặc những ai không đủ điều kiện để câu ngâm, câu giăng, câu rà thì câu bống. Cần câu là những chiếc que mềm, nhỏ, ngắn khoảng trên một mét. Dây câu là sợi chỉ mềm và không cần lưỡi câu. Mồi là loại giun đất được cắt đoạn, cũng có khi để cả con buộc vào dây chỉ thả xuống nước. Một người có thể dùng 5 – 7 cần câu. Họ nhấc hết cần câu này đến cần câu khác. Cá bống ngậm mồi được nhấc lên khỏi mặt nước và đưa vào một vật đựng ở trên bờ, tự cá nhả mồi ra và rơi vào vật đựng.

Những ngày đẹp trời, người câu tấp nập. Chỗ này, chỗ kia xôn xao cười nói, mỗi khi ai đó câu được những con cá to. Và sau những “chiến tích” ấy là những cuộc nhậu vui vẻ. Người đi câu cũng như người đi săn, họ có cái thú riêng của họ. Câu cá ở sông Đà, thực sự vừa là môn thể thao, vừa là một thú chơi tao nhã. Có thể nói, kinh tế càng phát triển, người đi câu càng nhiều. Và phần đông, số người đi câu giải trí là chủ yếu. Anh Đỗ Công Hải kể: Có hôm anh câu được 5 – 6 yến cá nhưng chỉ mang về nhà vài cân, còn thì chia cho mọi người. Vẫn theo anh Hải, những năm trước đây, chỉ tính từ chân cầu Hòa Bình lên gần chân đập thủy điện, mỗi ngày có tới 200 người câu cá. Và đã mang cần câu đi là có cá mang về.

Anh Đỗ Công Bình ở phường Phương Lâm – người “nghiện câu” đã nhiều năm sôi nổi: Rỗi lúc nào là chỉ muốn mang cần câu ra bờ sông. Vì ở bờ sông, vừa được hưởng không khí trong lành, vừa được câu cá thư giãn, vừa kiếm được cá cải thiện. Câu tiêu dùng sức mạnh của cơ thể, chẳng khác nào môn thể thao. Câu ngâm, câu phao thì rèn tính kiên trì, bền bỉ và luyện cho mắt tinh tường. Trong lúc ngồi theo dõi phao động đậy, lại mang những việc đang còn dang dở ra để bình tĩnh suy tư, tìm giải pháp tháo gỡ.

Nguyện vọng của anh Bình và không ít người ham câu cá ở thành phố Hòa Bình là thành lập “Hội Câu cá sông Đà”. Nếu có Hội Câu cá sông Đà, các anh sẽ ký kết với cơ quan quản lý để bảo vệ vùng hạ lưu, không cho những cách đánh bắt cá kiểu hủy diệt bén mảng đến vùng này. Những người ngoài hội câu, muốn vào khu vực hạ lưu chân đập thủy điện câu thì phải mua vé theo giờ. Số tiền thu được chi dùng cho công tác bảo vệ thủy sản.

Một dạng kiếm cá tôm phổ biến nữa ở sông Đà là dùng đăng đó. Đăng đó như những cái lờ, cái đó ở miền xuôi. Chỉ có điều ở miền xuôi thì đắp bờ rồi đặt lờ, đó xuôi hoặc ngược dòng nước chảy. Cá tôm theo dòng nước mà chui vào lờ, đó. Nhưng đăng đó ở sông Đà được đặt chìm trong nước. Người đơm tạo một bờ bằng  mành, hoặc đá ngầm dưới nước. Đăng, đó có mồi rồi đặt vào từng đoạn của tường ấy. Cá ngược nước gặp vật cản, cúng tìm đường đi lại gặp một lối có mùi của mồi phát ra, liền chui vào đăng, đó.

Kiếm tôm nhỏ chủ yếu dùng chũm có mồi là cá chết. Một dây hàng trăm chiếc chũm được thả xuống sông. Định một khoảng thời gian, có khi là một đêm, người ta dùng thuyền đi nhấc chũm, đổ lấy tôm rồi lại cho mồi và thả tiếp. Ngoài ra còn dùng lưới đánh cá. Các loại lưới bén, lưới vây, lưới vét, lưới bóng; vó có vó bè, vó bẫy bằng ánh điện… Đó là những cách kiếm cá truyền thống không có gì phải kêu ca, cấm đoán. Vì nó hợp lẽ tự nhiên. Cá, tôm không bao giờ hết được.

Đừng giết chết sự giàu có của sông Đà

Tạo hóa đã sinh ra sự sống. Và tất cả mọi sự sống trên hành tinh này đều tác động lẫn nhau. Do vậy, dù khó khăn đến mấy, các sinh vật đều cố sống và tìm cách vượt qua khó khăn để tồn tại. Tuy nhiên, không phải sinh vật nào cũng vượt qua được tất cả những khó khăn do thiên nhiên và các sinh vật khác gây ra. Điều đó được minh chứng là đã có những bộ xương hóa thạch của những sinh vật không còn hiện diện trên thế gian này đã hàng triệu năm, bởi những biến cố khủng khiếp của thiên nhiên.

Nhưng, những biến cố có tính đảo lộn của thiên nhiên dẫn đến sự hủy diệt cả một loài là rất hiếm. Có khi hàng vạn năm mới xảy ra một lần. Thế mà, nguy cơ biến mất khỏi trái đất của không ít sinh vật đang diễn ra gay gắt lại chính bởi sự hủy diệt giữa các sự sống với nhau. Đáng tiếc thay, sự hủy diệt to lớn nhất ấy lại do chính con người đang từng giờ, từng phút gây ra. Hệ lụy của sự hủy diệt mang đến với cả loài người. Nhưng, ở từng hoàn cảnh cụ thể, có những đối tượng phải trực tiếp gánh chịu trước hết. Có thể nói, những hành vi dại khờ ấy, như hành động của con người đang tự bốc đất, bốc cát bỏ vào chính nồi cơm của mình.

Những người câu cá già đời, những người kiếm cá từ khi sông Đà chưa bị chặn dòng làm điện đều nhận xét: Thời kỳ mới ngăn sông, khi mà khu vực hạ lưu ngay chân đập thủy điện còn được bảo vệ nghiêm ngặt, cá tôm nhiều vô kể. Kiếm cá, tôm ở đây dễ như kiếm cá, tôm trong ao thả cá nhà mình. Thế mà bây giờ, kiếm được con cá, con tôm sao mà khó đến thế. Có nghĩa là tôm, cá ở đây ngày càng hiếm hoi. Đúng là như vậy! Nhưng cá tôm hiếm không phải do nước thải, do ô nhiễm môi trường tuyệt diệt, mà do chính cách đánh bắt của con người gây ra.

Nếu chỉ bằng những cách đánh bắt truyền thống như vó, câu, lưới, đơm đó… như nêu ở phần trước thì không bao giờ hết tôm cá sông Đà, nhất lại ở nơi tôm cá tập trung như khu vực hạ lưu chân đập thủy điện. Nhưng, chỉ vì miếng ăn ngay mà con người nghĩ ra trăm phương ngàn kế để bắt cho nhanh, cho nhiều tôm cá. Kết cục dẫn đến nguy cơ tuyệt diệt nguồn lợi thiên nhiên trong thời gian không xa. Cách đánh bắt dã man nhất, ngu xuẩn nhất, nguy hiểm nhất là cách đánh bắt tôm cá bằng kích điện.

Dòng điện từ nguồn để trên thuyền phóng qua dây dẫn để trần trong nước. Theo phản xạ, những con cá, con tôm nhao loạn lên rồi ngắc ngoải. Chỉ một chiếc vợt nhỏ, người đánh điện vớt được mấy con? Mặt khác những bào ngư và trứng của chúng thì bị giết hàng loạt. Thậm chí, những con cá đang chửa chờ ngày đẻ, không may dính điện, nếu không chết thì toàn bộ số trứng đẻ ra cũng lập tức hỏng hết. Ở điểm này, có khác gì người đàn bà chửa bị sẩy thai! Có những cái chết nhìn thấy bằng mắt, có nhiều cái chết mắt thường không nhìn thấy, nhưng ai cũng biết, càng những kẻ sành kiếm cá càng rõ hơn ai hết.

Nhiều người câu cá lâu năm trên dòng sông Đà than phiền: Nhớ sông thì đi câu, chứ giờ có khi câu cả tuần không lấy nổi một con cá. Cá tôm ngược nguồn nước để kiếm ăn, để sinh nở. Trứng trôi về xuôi, vừa trôi vừa nở thành con, để từ đó, cá tôm lại theo dòng mà ngược.

Cụ Thịnh 70 tuổi, nhà ở phường Phương Lâm – TP. Hòa Bình, không một chút pha trò: Có những con cá “bằng cấp” của nó phải cỡ kỹ sư, tiến sỹ. Nghĩa là nó rất khôn, kinh nghiệm đầy mình. Trên hành trình ngược dòng, nó tránh được hết thảy mọi cạm bẫy. Từ câu tiêu, câu mồi đến lưới vây, lưới vét nó đều vượt qua. Nếu ai đã từng câu cá quả đang canh giữ đàn con thì sẽ rõ là có những con cá bố, cá mẹ rất khôn. Nó ra sức đuổi bắt những con mồi thật, nếu bén mảng đến đàn con của nó. Nhưng những con mồi do người móc vào lưỡi câu, sống, lượn như thật vào giữa đàn con, hay cạnh miệng nó, nó cũng phớt lờ. Những con cá như thế không ít. Và chính những con cá ấy, cao thủ nhất, tích cực nhất trong việc duy trì nòi giống.

Nhưng, dù có cao thủ bao nhiêu đi nữa, những con cá nêu trên cũng không thể thoát khỏi lưới điện của những kẻ kiếm cá khốn nạn ở hạ lưu sông Đà. Không tin, lúc sáng sớm, hay chạng vạng chiều hôm, bạn không khó gặp trên sông những cách hủy diệt thủy sản bằng điện. Xin nêu ra đây vài kiểu rất dễ nhìn thấy.

Kích điện di động gần bờ: Mỗi con thuyền nhỏ có hai người. Một khẽ khàng điều khiển mái chèo bằng chân hoặc tay. Một ngồi mũi thuyền, tay lăm lăm cầm vợt, tay cầm gậy có que thép đấu vào nguồn điện để chọc thẳng xuống nước. Nếu tối thì đã có đèn ắc quy đeo trên đầu như người đi săn thú trong rừng. Những thuyền này chủ yếu săn lùng cá gần bờ. Vì thấy động nước, cá tìm đường thoát thân ra ngoài phía ngoài sông (phía trong đã vướng bờ) liền bị dính điện.

Kích điện di động giữa dòng: Cách này dùng thuyền lớn hơn, nguồn điện thường dùng là máy phát điện. Mũi thuyền thiết kế 2 sào tre hoặc nứa hình chữ V mở ra phía trước. Chân của chữ V được nối với nhau bằng dây điện trần. Khi đặt chìm trong nước thì phóng điện. Thuyền cứ chạy chậm xuôi dòng. Trong tiếng nổ khằng khằng của máy phát, hai cây sào như hai càng của con bọ cạp giương ra phóng nọc độc xuống lòng sông. Cá tôm dính điện tụ lại ở hệ thống lưới hứng phía sau dây phóng điện. Con cá nào nhoai được ra ngoài thì đã có tay vợt chộp lấy.

Bẫy mồi, kích điện: Có thể gần bờ, có thể giữa dòng. Người ta làm một hệ thống dây dẫn trần bám vào một thanh ngang dài hàng mét. Trên thanh ngang đó họ quấn mồi vào. Mồi thường là lòng gà, ruột lợn thối. Chọn luồng cá đi hay những chỗ cá dễ tới ăn. Họ ném thanh mồi đó xuống và đợi 15 đến 20 phút cho cá đến ăn rồi bất ngờ gí dây dẫn phóng điện xuống giết cá.

Cái cách tiêu diệt cá đến nỗi những con cá “cao thủ” cũng không chạy đâu cho thoát như cụ Thịnh nói, đó là thả lưới chùm rộng rồi kích nguồn điện mạnh. Vài ba chiếc thuyền hợp đồng lại thả những tay lưới rộng có thể hàng trăm mét vuông vào những vùng hang hốc, nhiều đá ngầm – nơi những con cá to, tinh ranh thường tá túc. Khi lưới đã choàng kín những vùng đó thì kẻ sát thủ mới bật công tắc phóng điện. Những con cá tinh khôn mấy cũng phải nhao ra và dính lưới.

Lại có những kẻ quá liều lĩnh mà dòng điện cao thế từ nhà gần bờ ra dòng sông giết cá. Cách này vô cùng nguy hiểm và đặc biệt tai hại. Nguồn điện cao thế phóng ra sôi sục lòng sông. Hỏi cá tôm nào sống được. Có thể còn những thủ đoạn dùng điện khác để hủy hoại nguồn thủy sản. Nhưng dù là cách gì thì người ta cũng chỉ vớt được số lượng nhỏ cá tôm chết vì điện. Số còn lại ngập chìm trong nước. Đặc biệt số bào ngư và trứng thủy sản bị hủy diệt thì biết bao nhiêu mà kể.

Hãy ra tay bảo vệ sự giàu có của sông Đà

Buồn thay, thủ phạm giết tôm cá từ trong trứng nước ấy lại chính là những người, những gia đình hàng đời nay sống nhờ dòng sông này. Thậm chí, khi chết, có người còn khốn đốn vì tìm đất chôn. Đám cưới phải chọn chỗ bờ sông bằng phẳng để dựng rạp. Họ đang quần tụ thành làng chài nơi hạ lưu sông Đà. Vẫn cụ Thịnh nhận xét: Cái làng chài ấy, có bao giờ giàu được đâu. Và đến đời con cái họ thì càng nghèo khổ. Bởi các cháu nào có được học hành đến nơi, đến chốn. Đa phần vẫn ăn nhờ, ở đậu dòng sông. Mà dòng sông thì hết tôm, cá do chính bố mẹ chúng hủy diệt.

Càng buồn hơn, khi sự hủy diệt nguồn thủy sản thiên nhiên tôi đang nói tới lại diễn ra ngang nhiên ngay trung tâm thành phố Hòa Bình – nơi có đủ phao tiêu, biển báo vùng cấm, có đủ các cơ quan chức năng tọa lạc. Và, phải nói thẳng một điều: Những người đánh cá bằng điện ấy rất công khai. Nếu cơ quan chức năng bắt, giữ đồ nghề của họ thì vô cùng dễ. Vì khác, nếu trên bộ còn đường ngang, ngõ tắt, chứ giữa dòng sông như thế, chạy trốn vào đâu. Kể cả kẻ vi phạm có cố tình vứt bình ắc quy cùng đồ nghề đánh điện xuống sông thì cũng không thể vứt được mãi, vì vứt đi là mất chứ khó có thể vớt lại được.

Đấy là nói những biện pháp mạnh để xử lý những kẻ ngoan cố, chứ còn cơ bản và lâu dài, vẫn là công tác tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục. Tôi nghĩ việc này không khó. Vì chỉ có vài chục gia đình lênh đênh ở cái làng chài thuộc phường Tân Thịnh. Họ phải được giáo dục. Họ phải có nhận thức về tầm quan trọng của dòng sông, trước hết với chính gia đình, con cái họ. Họ phải tự giác làm chủ dòng sông. Vì dòng sông là nguồn sống của mình. Từ đó từng gia đình cam kết không đánh, bắt cá bằng điện và ra tay ngăn chặn những kẻ khác dùng điện đánh bắt cá.

Đáng tiếc thay, cả việc đấu tranh lẫn phòng ngừa tệ nạn hủy diệt thủy sản nơi hạ lưu sông Đà – một nơi rất quan trọng cho thủy sản sống và sinh sôi, lại đang bị bỏ ngỏ, dẫn đến sự tàn phá và hủy diệt vô tội vạ. Không thể vô cảm. Không để sông Đà tiếp tục bị tàn phá. Xin mọi người hãy ra tay bảo vệ sự giàu có của sông Đà

Lê Va
.
.
.