Lỗi tại ai?

Thứ Năm, 24/04/2014, 11:00

Bất chấp khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bất chấp cả nỗi bất an đã lên đến cùng cực trong một bộ phận cư dân có con nhỏ, Bộ Y tế vẫn kiên quyết nói KHÔNG với việc công bố dịch sởi.

Công bố hay không chuyện có dịch cũng chỉ còn là một thao tác hành chính của Bộ Y tế, liên quan đến nhiều yếu tố cả kỹ thuật lẫn… tế nhị nhạy cảm, chứ người dân đã từ lâu đặt con em mình trong tình huống nước sôi lửa bỏng để tìm các biện pháp tự bảo vệ rồi. Tắm nước lá mùi khô, uống nước lá mùi khô đun sôi, ăn sữa chua, cá chép hấp nấm hương, cho con nghỉ học…, rất nhiều cách thức được rỉ tai nhau và lan truyền trên mạng nhằm tăng sức đề kháng, cách ly con cái mình khỏi nguy cơ nhiễm dịch. Không hiểu bằng cách nào, từ đâu một căn bệnh lành tính, một căn bệnh mà các ông bố bà mẹ ở một vùng ký ức lưu giữ từ thời tuổi thơ còn đương nhiên nghĩ, ai chả bị mắc một lần trong đời, kiêng nước, kiêng gió vài hôm là lại đâu vào đấy.

Căn bệnh thường tình ấy đã cướp đi cuộc sống của 110 đứa trẻ, cũng tức là cướp đi niềm hạnh phúc của bằng ấy mái ấm gia đình, đồng thời để lại trong những người làm cha, làm mẹ nỗi giày vò chưa biết đến lúc nào nguôi: Tại sao, tại sao con mình lại chết vì bệnh sởi? 110 em bé, 110 đứa trẻ mỏng manh bấy yếu, theo con số thống kê được VTV công bố tối 16-4, một con số mà ai cũng mơ hồ rằng chưa đầy đủ, chưa đích thực, và dù Bộ Y tế có lý giải rằng, chỉ chừng 1/4 số ấy qua đời vì sởi, còn lại do các biến chứng liên quan đến sởi như viêm phổi, viêm màng não hay gì gì đi nữa thì cũng không đủ sức làm dịu đi nỗi ám ảnh, khó lòng giúp người dân thoát khỏi 2 chữ bệnh sởi đeo đẳng suốt thường ngày.

Minh họa Lê Tiến Vượng.

Trong vô vàn đáp án cho câu hỏi tại sao dần dà sẽ được các ban, ngành chức năng lý giải, có chắc chắn một điều rất nhiều người lỡ quên. Sau các vụ tai biến liên quan đến vaccin Quinvaxem khiến nhiều trẻ em tử vong vào năm ngoái, nhất là sau sự cố 3 em bé sơ sinh ở Quảng Trị mất đột ngột khi tiêm vaccin viêm gan B, truyền thông với sự hăm hở nhiệt tình của mình cũng tạo ra và lan tỏa cảm giác sợ hãi trong đời sống, khiến nhiều, rất rất nhiều các ông bố bà mẹ tẩy chay vaccin, tự phát để con em mình tránh xa các mũi tiêm của chương trình tiêm chủng mở rộng. Vô cùng đông trẻ em đã bỏ tiêm phòng sởi khi đến lịch trình, để rồi dịch sởi bùng nổ chính là một hệ lụy đớn đau của phản xạ tức thời lúc ấy.   

Tiêm cũng nguy cơ, không tiêm còn có thể nguy cơ hơn nhiều, người làm cha, làm mẹ dường như chưa lúc nào băn khoăn, bối rối như hiện giờ. Bộ Y tế đã mất “linh”, không đủ sức mạnh khiến người dân tuyệt đối tin vào các mũi tiêm phòng, tin vào cuộc chiến chống bệnh sởi. Và truyền thông vẫn mau lẹ mẫn cán như thường ngày, càng nhân lên gấp bội nỗi hoang mang trong đời sống ngay giữa những ngày có dịch.

Bây giờ thì đến lượt để các địa phương được quyền công bố dịch sởi. Âu đó cũng là một giải pháp khiến người dân cởi bỏ được phần nào nỗi lo. Thôi thì, làm còn hơn không!

Cô nương Hoa Sen
.
.
.